Vay nóng Homecredit

Truyện:Kinh Sở tranh hùng ký - Hồi 11

Kinh Sở tranh hùng ký
Trọn bộ 23 hồi
Hồi 11: Bái Kiến Minh Chủ
0.00
(0 lượt)


Hồi (1-23)

Siêu sale Lazada

Ngũ Tử Tư quay về phủ đệ, lập tức sai người mời Tôn Vũ tới gặp. Lúc đó Tôn Vũ, do Khước Hoàn Độ mạo xưng, đang tĩnh tọa tiềm tu, nghe thấy lời mời, lật đật đi lại thư phòng Ngũ Tử Tư. Mười ngày qua, hai người bọn họ đã ở đây, đàm luận rất nhiều lần về binh pháp và tình hình các nước.

Ngũ Tử Tư hân hoan nói với Khước Hoàn Độ: "Tôn tiên sinh, Ngũ mỗ không phụ sự ủy thác của tiên sinh! Sớm mai Đại vương triệu kiến, ta và tiên sinh sẽ cùng vào cung. Đại vương tinh tường, biết trọng dụng nhân tài. Huynh chỉ cần lưu ý hai người là Phu Khái Vương và Bạch Hỉ mà thôi". Ngữ khí của Ngũ Tử Tư, hàm chứa đầy sự kính trọng.

Khước Hoàn Độ cảm kích nói: "Ngũ tướng quân hết lòng giúp đỡ, khiến Tôn mỗ có dịp mở mày mở mặt. Đại ân đó không thể cảm tạ bằng lời!" Lúc này giọng gã đã mang ngữ âm Tề quốc, nguyên lai trước khi đến Ngô, Khước Hoàn Độ sinh sống ở Tề nửa năm, một mặt tiêu hóa cuốn binh thư lời ít ý nhiều của Tôn Vũ, mặt khác chủ tâm thay đổi giọng điệu đất Sở của mình.

Ngũ Tử Tư nói: "Tài năng của Tôn huynh, bằng cách này hay cách khác cũng sẽ có đất dụng võ! Điều ta lo lắng là ngày mai vào cung, Phu Khái Vương và Bạch Hỉ sẽ giở ngụy kế ngăn cản. Hai người này thủ hạ tử sĩ cao thủ vô số, hết sức đáng ngại". Y biết Khước Hoàn Độ binh pháp như thần, nhưng không ngờ kiếm thuật của gã mới chính là hạng chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Khước Hoàn Độ lạ lùng hỏi: "Ngũ tướng quân được Ngô vương tín nhiệm, lần này triệu kiến ta do lệnh của Ngô vương, ai dám ngăn trở?" Ngũ Tử Tư đáp: "Bình thường thì đúng là như vậy. Nhưng tiên sinh nổi tiếng vì tài dụng binh, mà đến yết kiến cũng không đảm bảo đúng giờ, sao có thể bàn chuyện cơ đồ bá nghiệp. Cho dù sau đó có gặp được Đại vương, họ cũng sẽ lèm bèm gièm pha, vin vào lý do ấy để chứng minh huynh chỉ là một lý luận gia không tưởng".

Khước Hoàn Độ nín lặng, thầm nghĩ cơ hội này mà để tuột mất, ngày sau Ngô vương dẫu có chịu dùng đến mình, tất cũng hùa theo số đông mà nhìn mình với cặp mắt khinh khi. Gã vội vàng hỏi kỹ địa hình, đường đi lối lại của Ngô cung, để tiện ứng phó với sự bố trí của Phu Khái Vương và Bạch Hỉ.

*****

Phủ đệ tướng quân của Ngũ Tử Tư tọa lạc ở phía đông thành, cách cung điện Ngô vương chừng bốn dặm. Từ phủ tướng quân tới con đường lớn dẫn vào cung điện, trước tiên phải đi qua một khu thị tập và phố xá sầm uất, sau đó mới rẽ vào con đường lớn cây cối rậm um và u tĩnh. Con đường này xuyên qua một hồ rộng bao quanh cung điện, cảnh sắc tươi sáng, lòng đường có thể chứa cùng lúc mười ngựa đi dàn hàng, nếu bị phong toả, thì nhánh phía nam để lên Ngô cung coi như bị cắt đoạn. Mà đây chính là tuyến đường Ngũ Tử Tư hàng này đi vào để yết kiến Hạp Lư.

Tinh mơ.

Cuối giờ dần.

Trời còn chưa sáng hẳn, cư dân xung quanh Tướng phủ đã bắt đầu những hoạt động của một ngày. Xe ngựa xe bò từ các ngõ tắt lần lượt ùn ùn đổ ra đại lộ.

Còn dậy sớm hơn bọn họ và đã đứng đợi sẵn sàng ở đây là Giản Điện Chi, một cao thủ, thuộc hạ đắc lực của Phu Khái Vương, tính tình tinh minh hoạt bát, lắm mưu nhiều kế, một trong những tay chân thân tín nhất của Phu Khái Vương.

Cặp mắt Giản Điện Chi không bỏ sót bất cứ một động tĩnh nào ở Tướng quân phủ. Hắn dẫn theo hơn hai trăm thủ hạ, đã sắp xếp ở mọi vị trí chiến lược. Chỉ cần hắn ra một mệnh lệnh, những dũng sĩ tay cương tay lưới ấy sẽ ào ào ùa ra, móc cổ Tôn Vũ lôi xuống, trói gô lại điệu đến trước mặt Ngô vương. Kế hoạch này do Bạch Hỉ đưa ra, chủ tâm một mũi tên bắn trúng hai đích, vừa chứng minh Tôn Vũ chỉ có hư danh, đến bản thân còn không tự bảo vệ nổi, vừa vũ nhục Ngũ Tử Tư, làm lung lay địa vị của y ở Ngô quốc, xét ra thật là lang độc.

Đột nhiên hai nam tử đầu đội nón trúc, rất khó nhận diện song song từ cửa lớn của Tướng quân phủ đi ra, vì trước nón trúc còn che một tấm mạng chắn nắng, nên không nhìn rõ có phải là Ngũ Tử Tư và Tôn Vũ hay không.

Giản Điện Chi tâm cơ quyết đoán, lập tức cho thủ hạ tiến lên trước dọ thám. Đúng lúc đó lại có hai nam tử khác cùng kiểu cùng dạng, đi sau hai nam tử trước chừng một trượng, song song tiến ra. Cứ như vậy, hết hai người này đến hai người khác, trước sau lần lượt xuất hiện hơn một trăm cặp nam tử tương tự nhau. Tình huống này khiến Giản Điện Chi không biết ra tay thế nào mới phải.

Cảnh tượng thực kỳ quái, hơn một trăm nhóm, mỗi nhóm hai người đội nón trúc, trang sức y hệt, liên tục từ đại môn tướng quân phủ tuôn ra đường, sau đó chia theo các ngõ của đường lớn mà đi.

Giản Điện Chi cũng không hề kinh hoảng, trên tay hắn cón một chiêu bài nữa, chỉ cần phong tỏa con đường lớn xuyên qua hồ vào cung, trừ phi Tôn Vũ mọc cánh, bằng không khó mà vượt qua nổi.

Giản Điện Chi ra hiệu, lập tức có người đốt lên một ám ký lửa khói, thông báo cho một thủ hạ đắc lực khác của Phu Khái Vương là Hàn Bân chuẩn bị sẵn sàng.

Lúc này Hàn Bân đang ở con đường phía nam, giám sát hơn ba trăm cao thủ tinh nhuệ, sắp xếp giá chắn bằng gỗ lớn, giữ chặn trung đoạn của nam đạo, tất cả thuyền chèo trên hồ cũng đều nằm trong tầm khống chế của hắn. Bài binh bố trận như vậy, đến Hàn Bân cũng phải tự vấn muốn xoay chuyển tình hình, ngoài việc liều mạng giao chiến, thực không còn cách nào khác. Nhưng lúc này không phải là chiến tranh thực sự, Ngũ Tử Tư và Tôn Vũ cũng không phải là đao kiếm thực sự mà giết được đội nhân mã của Phu Khái Vương, huống hồ quân của Phu Khái Vương không thiếu cao thủ, cho dù Tôn Vũ và Ngũ Tử Tư muốn xông ào qua, cũng không dễ mà xuôi lọt.

Giờ yết kiến càng lúc càng đến gần, Hàn Bân thầm nhủ chỉ cần kéo đông người ra cản trở một trận, là có thể đại công cáo thành.

Hắn càng nghĩ càng đắc ý, gió thu hiu hiu thổi tới, khiến tinh thần thêm sảng khoái dễ chịu.

Từ nơi xa cuối con đường phía nam truyền tới tiếng lọc cọc, một hàng mười mấy cỗ xe la chở đầy những rơm rạ chất ngất như núi, từ từ tiến vào.

Hàn Bân ra một mệnh lệnh. Hơn hai trăm thủ hạ vội vàng tuốt binh khí, nghiêm cẩn chờ đợi, tình thế khẩn trương.

Xe la từ từ lại gần, còn cách đoạn đường Hàn Bân chắn giữ khoảng mười trượng thì dừng lại. Đột nhiên một hồi trống, từ đám rơm rạ trên mười mấy cỗ xe la có người chui ra, ai nấy tay cầm hỏa tập, tức thời hơn mười cỗ xe lửa cháy ngùn ngụt, ngọn vun lên tận trời, khói đen dày đặc mau chóng bao phủ cả một vùng rộng lớn.

Bọn Hàn Bân đang đứng ở cuối hướng gió, khói mù trời mù đất, trôi bạt về phía họ. Con đường phía nam dày đặc những khói đen, khiến bọn Hàn Bân cay xè đến trào nước mắt, đừng nói ngăn cản địch nhân, đến nhìn mọi vật cũng là cả một vấn đề rồi.

Đàn la sợ hãi hí loạn lên trong vầng khói đen đặc, xông thẳng vào trận địa của Hàn Bân. Xe la đâm sầm vào các giá gỗ, lật nó đổ nhào đổ nghiêng, tình thế hỗn loạn. Trong làn khói dày, Hàn Bân tựa hồ nhìn thấy có bóng người lướt qua rất nhanh.

*****

Trong nghị sự sảnh của Ngô vương, Hạp Lư đang ngồi trên bảo ngai, khuôn mặt không hiển lộ một biểu tình gì. Hiện tại chỉ còn nửa khắc nữa là đến giờ triệu kiến Tôn Vũ.

Trước mặt ông ta, hai bên lần lượt ngồi là Phu Khái Vương, Bạch Hỉ, Tử Sơn và Đấu Tân.

Phu Khái Vương và Bạch Hỉ nét mặt đắc ý, Tử Sơn và Đấu Tân thần tình hơi có vẻ căng thẳng. Lần này nếu để Phu Khái Vương và Bạch Hỉ thắng được trận này, ngạo khí của hai người càng khó ức chế.

Phu Khái Vương nói: "Đại vương, đệ thấy có khả năng Ngũ tướng quân hôm nay không thể đến đúng giờ rồi". rồi hắn cười phá lên.

Tử Sơn và Đấu Tân nghẹn lời, họ cũng không còn tin tưởng gì là Ngũ Tử Tư và Tôn Vũ có thể đến đúng giờ nữa.

Hạp Lư nói: "Phu Khanh cứ bình tĩnh đừng sốt ruột, chuyện này sẽ có giải đáp mà". Ngữ khí của ông ta cũng cho thấy đã mất hẳn lòng tin vào Ngũ Tử Tư và Tôn Vũ.

Phu Khái Vương và Bạch Hỉ càng thêm phấn khởi.

Thời gian từng giọt tí tách trôi đi, ai nấy đều lặng thinh không nói, giờ thin đã đến. Phu Khái Vương và Bạch Hỉ càng thêm đắc ý.

Đúng lúc đó, có người vào báo Ngũ Tử Tư và Tôn Vũ đã tới.

Ngô vương Hạp Lư mừng rỡ, Tử Sơn và Đấu Tân cũng hoan hỉ vô cùng. Phu Khái Vương và Bạch Hỉ thì á khẩu tắt tiếng, nét mặt ảm đạm.

Ngũ Tử Tư dẫn theo một đại hán khôi ngô, anh khí hào sảng, ung dung tiến vào trong sảnh.

Hạp Lư chăm chú quan sát anh hoa không phát tiết của Tôn Vũ, hai mắt tinh linh có thần, khí định thần nhàn, cái vẻ đường hoàng tự tin đằng sau cái vẻ hoàn toàn không đắc ý, đối với sự xông phá được sự ngăn trở của Phu Khái Vương và Bạch Hỉ, chỉ như là làm một chuyện gì nhỏ không đáng nói đến, không đáng nhớ đến.

Ngũ Tử Tư và Tôn Vũ khấu kiến xong, Ngô vương Hạp Lư trong lòng hoan hỉ, vội vàng cho ngồi.

Hạp Lư không nhắc gì đến việc Phu Khái Vương và Bạch Hỉ viện cớ ngăn trở, để tránh khắc sâu thêm sự đối kháng nội bộ, mỉm cười nói: "Cửu ngưỡng đại danh Tôn tiên sinh, hôm qua được xem qua mười ba thiên đại tác của tiên sinh, trong lòng hết sức kính phục, dám hỏi tiên sinh có được binh pháp tất thắng không?" Tôn Vũ do Khước Hoàn Độ mạo danh mỉm cười đáp: "Biết mình biết ta, trăm trận trăm thắng!".

Tử Sơn hỏi: "Cái gì gọi là biết mình biết ta?" Khước Hoàn Độ đáp: "Nhân tố cơ bản quyết định thắng bại của chiến tranh, chính là dự đoán so sánh những điều kiện, những ưu nhược giữa hai bên địch và ta, để dò xét được tình thế thắng bại của chiến tranh. Điều này là do năm yếu tố là chính đạo, thiên thời, địa lợi, tướng soái và pháp chế tạo thành.

Phàm những tình hình thuộc năm phương diện này, tướng soái đều phái biết, hiểu những tình hình này, mới có thể nắm chắc cái lẽ của sự chiến thắng. Chẳng hạn cuối cùng là chính trị võ công, tướng soái chỉ huy cao minh, được thiên thời địa lợi, pháp lệnh quán triệt, vũ khí tốt, binh tốt huấn luyện cẩn thận, thưởng phạt công chính. Căn cứ vào những yếu tố này, là có thể phán đoán ai thắng ai bại". Những lời này nói ra trong sảnh ai nấy gật đầu, đến Phu Khái Vương và Bạch Hỉ trên mặt cũng lộ nét tôn kính.

Đấu Tân hỏi: "Cái gì là chính trị thành công?" Y giúp Hạp Lư chưởng quản triều chính, điều quan tâm nhất đương nhiên là những vấn đề chính trị.

Khước Hoàn Độ ung dung đáp: "Chính là khiến cho ước vọng của dân chúng và mong muốn của bậc quân chủ đạt đến đồng nhất, có thể bảo bọn họ chết vì nhà vua, sống vì nhà vua, mà tuyệt không vi kháng. Trên dưới một lòng như vậy, việc gì mà không thành?".

Hạp Lư sửng sốt kêu: "Lời nói đúng với điều ta nghĩ, đúng là sực hiểu ra".

Phu Khái Vương lúc này mới chen vào: "Tôn tiên sinh nếu thống suất quân ta, công vào Sở quốc, có lý lẽ chiến thắng nào không?" Đây là sự suy nghĩ so sánh từ tình hình thực tế.

Khước Hoàn Độ đáp: "Điều này lại phải trở lại với vấn đề biết mình biết ta. Chẳng hạn Sở quân có thủy sư và xa chiến uy chấn đương thế, nếu quân ta và người Sở giao phong trên mặt nước, lại có thể dùng xa chiến để đối địch, tất bại không còn nghi ngờ gì nữa. Vì vậy tất phải huấn luyện bộ binh, thêm vào đó Sở quốc đa phần là sơn địa đầm trạch, bộ binh chuyển động tiến thoái đều rất linh hoạt, lấy sở trường của chúng ta, công vào sở đoản của nó, chiến thắng đã cầm chắc trong lòng bàn tay".

Hạp Lư đứng phắt dậy: "Tôn tiên sinh nói đúng lắm, để ta kính ông một ly, từ giờ phút này trở đi, bản vương phong ông làm Tả tướng quân, cùng với Ngũ tướng quân chủ trì việc huấn luyện binh sĩ, cùng mưu đồ nghiệp bá, tương lai thành công, bản vương có thưởng lớn". Nói đoạn ngửa mặt lên trời cười một tràng dài.

Địa vị của Khước Hoàn Độ ở Ngô quốc, từ giờ phút này đã được đặt nền móng xuống.

Gã rốt cuộc đã đến được một giai đoạn phát triển hoàn toàn mới, mong ước trở về Sở phục thù đã hé lộ ánh sáng, tiền đồ tuy vẫn gian nan trùng trùng, nhưng đây chính là sự thách thức trên con đường số mệnh.

*****

Niên biểu các sự kiện lịch sử lớn trong quyển Thượng "Kinh Sở Tranh Hùng Ký":

Năm 525 tr.CN - Ngô công tử dẫn thủy quân tấn công nước Sở.

Năm 522 tr.CN - Sở Bình Vương tin lời Phí Vô Cực, muốn giết Thái tử Kiến. Thái tử Kiến tháo chạy sang Tống, Ngũ Xa và trưởng tử Ngũ Thượng bị giết, Ngũ Tử Tư chạy trốn sang Ngô.

Năm 519 tr.CN - Ngô vương Liêu tấn công Châu Lai, Sở Lệnh doãn là Tử Hà dẫn chư hầu cứu viện. Giao chiến ở Kê Phụ (nay ở phía Đông nam Cố Thủy, Hà Nam), quân Ngô thắng.

Năm 519 tr.CN - Sở Bình Vương dẫn thủy quân tấn công Ngô để đáp lại, quân Ngô đuổi đánh quân Sở, phá biên ấp của Sở.

Năm 516 tr.CN - Sở Bình Vương chết, con là Trân lập làm vua, tức là Sở Chiêu Vương.

Năm 515 tr.CN - Ngô cho quân tấn công Sở, Sở phân lực lượng làm hai đầu chặn quân Ngô lại, Ngô lâm cảnh tiến thoái lưỡng nam. Tháng tư, Công tử Quang của Ngô sai Chuyên Chư thích sát Ngô vương Liêu, công tử Quang lập làm vua, tức là Ngô vương Hạp Lư.

Năm 514 tr.CN - Ngô vương Hạp Lư thâu dụng quần thần của nước Sở là Ngũ Tử Tư.

Năm 512 tr.CN - Ngũ Tử Tư tiến cử Tôn Vũ, lo việc trị binh cho Ngô vương Hạp Lư.

Năm 511 tr.CN - Ngô dùng kế của Ngũ Tử Tư, phân lực lượng làm ba phần, luân lưu gây chiến với Sở. Quân Sở mệt mỏi đến chết.

Năm 510 tr.CN - Ngô vương Hạp Lư dẫn quân đánh Việt, vua Việt là Doãn Thường nghênh chiến. Ngô - Việt bắt đầu giao tranh.

Năm 508 tr.CN - Mùa thu, Nang Ngõa của nước Sở đem quân đánh Ngô, Ngô đánh bại Sở ở Dự Chương, rồi thừa thắng đánh lấy ấp Sào của Sở.

Năm 506 tr.CN - Ngô vương Hạp Lư cầm quân, cùng với Sở giao chiến ở Bá Cử, Ngô đại thắng, tiến vào Dĩnh Đô của nước Sở.

Năm 505 tr.CN - Tần nhận lời của Thân Bao Tư đại phu nước Sở, cử binh viện trợ Sở, đánh bại quân Ngô, lấy lại Dĩnh Đô.

Năm 504 tr.CN - Ngô đánh bại Sở, Sở bèn dời đô đi.

Năm 496 tr.CN - Ngô vương Hạp Lư đánh Việt, thua trận quay về, Hạp Lư bị thương mà chết, con là Phù Sai tức vị.


Đấu Thần Tuyệt Thế

Hồi (1-23)


<