Vay nóng Tima

Truyện:Lã Mai Nương - Hồi 07

Lã Mai Nương
Trọn bộ 35 hồi
Hồi 07: Nhân Hòa điện, Hòa Thân mật trình võ phái - Hạnh Hoa lâu, Khánh Xương bị đả mạng vong
0.00
(0 lượt)


Hồi (1-35)

Siêu sale Lazada

Trưa hôm ấy, sau khi bãi triều, Càn Long về thẳng Nhân Hòa điện. Thái giám Vinh Lộc vừa dưng trà thì nội thị vào tâu có quan Nội vụ Thị lang là Hòa Thân xin yết kiến có việc cơ mật.

Nhà vua cau mặt suy nghĩ giây lâu rồi truyền cho vào.

Quan Thị lang Hòa Thân người Mãn trạc ngoại tam tuần theo thái giám Vinh Lộc vào tới nơi triều bái.

Càn Long phán:

- Cho khanh bình thân, miễn dùng đại lễ trong tư điện. Có việc gì cần kíp muốn gặp Trẫm giờ này?

Nhà vua vừa nói vừa chỉ tay ngó ý mời Hòa Thân ngồi xuống bành kỷ bên án thư nơi người đang ngự.

Vinh Lộc dâng trà lên quan Thị lang.

Hòa Thân đưa mắt nhìn viên lão thái giám, im lặng chờ vua phán quyết.

Biết ý, Càn Long nói:

- Trong điện lúc này chỉ có ba người mà Vinh Lộc là cái bóng lúc nào cũng ở bên Trẫm khanh đừng nghi ngại.

Hòa Thân liền rút trong tay áo một cuốn thơ văn hai tay kính cẩn đặt lên long án.

- Tâu Bệ hạ, đây là bổn phúc trình mới nhất do Trưởng ban Cơ mật từ Giang Nam đích thân về tường báo. Bởi vậy hạ thần không dám chậm trễ dù biết Người mới mệt nhọc hồi cung.

Càn Long vội mở bổn phúc trình ra đọc.

Nếu theo chế độ các triều vua Hán tộc thì quan Thị lang không được phép đích thân vào chầu Vua tâu trình cơ mật vụ, mà phải chuyển qua Bộ và thượng quan do mình trực thuộc chuyển giao.

Nhưng chánh quyền Thanh triều là bộ tộc chánh quyền vì Hoàng đế không được toàn thể dân Hán ủng hộ mà chỉ trông cậy vào sự ủng hộ của bộ tộc mình.

Một chánh quyền như vậy ắt phải tự tâm và phải cần tới phương pháp quyền thuật, cho nên chế độ Thanh triều có ý nghĩa pháp thuật nhiều hơn là chế độ xác thật.

Khi nhà vua có mạng lệnh cho viên quan nào thì gửi thẳng cho người ấy chớ không phải gởi cho Bộ hay vị thượng quan mà viên quan đó trực thuộc để chuyển giao như thường lệ của các tiền triều Hán tộc.

Các quan Thượng thư đứng đầu các Bộ không được trực tiếp ra mạng lệnh cho các cấp hạ thuộc.

Lục bộ có ba mươi sáu quan Thượng thư và Thị lang. Mỗi Bộ có hai quan Thượng thư, một Mãn, một Hán và bốn Thị lang, hai Mãn, hai Hán. Ai nấy đều cò quyền được trực tiếp tấu đối riêng với nhà Vua.

Bởi thế không ai biết bạn đồng liêu mình đã tâu đối việc gì.

Hòa Thân là người xiểm nịnh khéo léo nên Càn Long rất quí mến trao cho nhiệm vụ cơ mật dò xét về hoạt động của các phái võ miền Nam và miền Tây nam Trung Quốc vì nhà vua ngờ miền Nam đất rộng người nhiều, các trí sĩ Hán tộc bỏ văn học võ mong có dịp phản Thanh.

Càn Long cho Hòa Thân toàn quyền hành động, tự tay ban tiền bạc cho y tổ chức một ban do thám mà mục tiêu chánh là Thiếu Lâm tự, Nga Mi, Bạch Hạc, Võ Đang.

Ban do thám hoạt động dưới quyền điều khiển của Hòa Thân có nhiệm vụ gây rối để môn đồ các võ phái thù hiềm tàn sát lẫn nhau để Ngư ông Thanh triều ở giữa thủ lợi.

Đọc một hơi hết bốn phúc trình dài, Càn Long thần người ra suy nghĩ hồi lâu:

- Thiệt Trẫm không ngờ họ hoạt động mạnh dường ấy. Đó là chưa kể các phái Sơn Đông, Con Luân, Không Động và Thái Cực ở Đông tam tỉnh.

- Dạ.

- Khanh có tin chắc chắn về Tung Sơn Thiếu Lâm tự đào tạo nổi hàng năm từng ấy người không?

- Bệ hạ có thể tin được ở kẻ hạ thần. Nếu không chắc chắn ngu thần không dám dâng bốn tường trình. Chính Thiếu Lâm tự mới là lò đào tạo nhân tài ghê gớm vì các môn đồ xuất thân từ chùa đó còn rải rác khắp thiên hạ truyền dạy cho bao nhiêu người, thành thử con số còn gấp thêm nhiều lần mà ban do thám không thể kiểm soát nổi.

- Như vậy có nghĩa là các phái khác sút kém hơn Thiếu Lâm, phải không?

- Bẩm không. Vì tôn chỉ, các phái kia kém Thiếu Lâm về lượng, nhưng so về phẩm, môn đồ các chánh phái ấy khi xuất thân đều là những kiếm khách giang hồ hữu hạng, trí óc rất cách mạng phương hại cho triều đình không nhỏ, nhất là Nga Mi sơn.

Càn Long gật đầu, nhìn Hòa Thân:

- Quả có vậy. Cách đây không lâu Trẫm có nhận được báo cáo về sự liên lạc giữa ba phái Nga Mi, Côn Luân và Sơn Đông, vấn đề hết sức tế nhị và khả nan.

Nở nụ cười nhan hiểm, quan Thị lang Hòa Thân nói khẽ:

- Kẻ hạ thần thiết nghĩa chỉ có kế phản gián thế này... thế này... là hơn cả.

Nhà vua gật đầu, phán:

- Lời bàn của khanh rất trúng ý Trẫm, và cần thực được hành ngay.

Lấy trong ngăn rút ra một tập giấy nhỏ, Càn Long cầm bút chấm mực trong nghiên ngọc phê lên mỗi tờ giấy mấy chữ rồi đưa cho Hòa Thân:

- Tập ngân phiếu đặc biệt này Trẫm ký sẵn, khanh khá giữ lấy dùng trong công tác này. Tổn phí không cần, miễn là được việc.

Hòa Thân khúm núm đỡ tập ngân phiếu cất vào trong ngực áo bào.

Nhà Vua hỏi:

- Trưởng ban mật vụ Hoa Nam hiện mới về Bắc Kinh?

- Dạ, Thiết Diện Hổ mới về và ở tư dinh của hạ thần. Bệ hạ có thể tin ở lòng trung thành của người ấy cũng như ở ngu thần.

- Hiền khanh!

Hòa Thân giựt mình thưa:

- Thưa, Bệ hạ truyền?...

- Sáng nay lâm triều, Trẫm đã cho Trần Hoằng Mưu và Lưu Dung biết ý định du Giang Nam của Trẫm, vậy từ nay không cần mật trình về Bắc kinh nữa cho tới khi Trẫm hồi triều. Khanh được toàn quyền hành động miễn là đạt kết quả tốt có lợi cho triều đình. Trẫm sẽ tự ý xem xét tình hình Giang Nam trong cuộc du hành bí mật này. Khanh hiểu ý Trẫm chưa?

Hòa Thân biến sắc tâu:

- Ngu thần hiểu rõ ngụ ý rồi, nhưng việc bệ hạ tự kỷ du hành là cả một sự mạo hiểu lớn lao, thần rất e ngại...

- Không, ý Trâm đã quyết, khanh chớ ngăn cản. Hoàn toàn giữ bí mật nghe?

- Dạ, Bệ hạ đã chỉ định ai theo bảo giá chưa?

Càn Long lắc đầu:

- Không! Thêm vướng và vô ích. Thôi cho khanh về, và nhớ những lời Trẫm đã căn dặn. Sẽ thăng thưởng sau.

Hòa Thân vốn biết ý nhà vua đã quyết là thi hành không ai ngăn cản nổi nên đứng ngay dậy quỳ lạy, lui khỏi Nhân Hòa điện.

Càn Long cất bản phúc trình của Hòa Thân vào ngăn rút riêng, nghĩ ngợi hồi lâu rồi ngự bút viết một đạo chỉ trao cho Vinh Lộc:

- Sáng mai khi Trẫm đi khỏi rồi, khanh khá trao chiếu này cho Văn Hoa đại học sĩ Trần Hoằng Mưu và Lưu Dung, nghe.

Vinh Lộc lãnh chiếu chỉ đứng sang bên.

Càn Long mỉm cười nhìn người bầy tôi trung thành ấy rồi vào thẳng hậu cung. Sáng hôm sau nhà vua cải trang thành thường dân, đeo hành lý lên ra lối cửa bên Hoàng thành thoát khỏi Kinh Sư.

Như một con vật được tháo cũi sổ lồng, Càn Long vui chân đi tới Thụy Long trấn nhà cửa san sát, đường sá rộng rãi, kẻ qua người lại đông đảo tấp nập, phồn thành lạ thường.

Qua hết phố nọ tới phố kia, Càn Long thích chí nghĩ thầm: "Hừ! Nếu không nhất quyết rời khỏi Hoàng thành thì sao trà trộn được với dân chúng để trông cảnh người Mãn, người Hán chung sống trong cảnh thái bình thịnh vượng này!"

Vừa đi vừa xem ngắm mải miết, chợt thấy một tửu lầu xây ba từng lộng lẫy nguy nga, giữa cửa treo tấm biển đề ba chữ Ỷ Nam Lâu.

Bên kia đường, một tửu lầu nữa đề bảng hiệu Mãn Hán đại tửu lầu kiến trúc cực kỳ hoa mỹ.

Thấy vậy Càn Long rất đẹp ý cho rằng người chủ lầu đó rất tâm lý biết cách dung hòa để hai tộc Mãn, Hán được vui chơi gần nhau hiểu biết hơn.

Vua liền lên thẳng lầu nhì chọn một thồi kế bên cửa sổ nhìn được xuống đường.

Tửu bảo y phục gọn ghẽ thấy khách sang tới vội vã chạy tới chào hỏi trình thực đơn.

Càn Long gạt thực đơn sang bên bảo:

- Tửu lầu này có món ăn nào quý nhất, rượu ngon nhất thì người dọn ra ta dùng.

Tửu bảo vâng dạ quay đi, lát sau bê một khay đầy cao lương mỹ vị nóng hổi, khói bay ngào ngạt khiến nhà vua rất ưng ý.

Tửu bảo rót rượu hầu khách:

- Bẩm khách quan, thứ Mai quế lộ này cất lâu từ hai chục năm nay và do người nhà của chủ nhân bản lầu gởi từ Quảng Đông lên, ngon lắm!

Càn Long nhấp thử một ngụm, khả gật đầu:

- Khà! Ngon thiệt! Rượu ngon, ăn tốt đã đành, chẳng hay tửu lầu này có nhận khách trọ không?

- Thưa quý khách, bản lầu trên dưới có ba chục phòng trọ, người dùng hạng nào cũng có sẵn.

- Giữ cho ta một phòng thượng hạng... À, ta không ngờ Thụy Long trấn này mà dân cư đông đúc tập nập lạ thường không kém chi nơi đô thị?

- Thưa, tại trấn này gần Kinh Sư, khách thường từ Nam lên Bắc đều phải qua đây nên phồn thịnh lắm. Hơn nữa, mấy bữa nay vào hội cúng thần nên người đi đường quả có đông hơn thường ngày.

Càn Long đẹp ý ăn ăn, uống uống như hùm, ngà ngà say mới xách hành lý vào phòng nghỉ.

Hôm sau trở dậy khoan khoái, nhà vua dùng điểm tâm xong, bảo người ngồi quầy:

- Tôi gửi hành lý đây được không?

- Dạ, khách quan cứ khóa cửa phòng lại và an tâm. Chúng tôi xin bảo đảm. Chưa từng bao giờ có người kêu mất mát gì tại bổn lầu cả.

Càn Long vui vẻ xuống lầu, mải miết đi khắp mọi nơi trong trấn, cảm thấy sung sướng được sống tự nhiên không gò bó theo cuộc đời vương giả.

Lang thang tới khi mặt trời đã đứng bóng, nhà Vua chợt nghe tiếng đờn ca thánh thót từ đâu vọng ra.

Nhìn quanh, Càn Long gần đó một tòa Bạch Vân lầu huy hoàng cao ngất, cửa chánh trạm trổ sơn son thếp vàng cực tỉ mỉ, bèn lẩm bẩm nói một mình:

- Chà! Lầu các sang trọng chẳng kém chi các đại lầu ở Bắc Kinh! Đói bụng rồi, ăn đã!

Đủng đỉnh, Càn Long bước vào.

Tửu bảo vận đồng phục săn đón mời chào quý khách sang trọng, vương tướng ấy. Nhà Vua theo thang cuốn lên lầu trên cùng, thoáng và thưa thực khách hơn và sự trần thiết cũng huy hoàng hơn các từng lầu khác gấp bội. Toàn thể căn lầu rộng rãi chia ra nhiều thực phòng lớn có nhỏ có. Trong một căn dành riêng cho nhạc công, đoàn ca nhi đang tấu tam thập lục cầm đệm theo một giọng ca du dương nhẹ nhàng.

Càn Long chọn nơi gần lan can ngồi gọi mấy món hảo hạng thong thả ăn uống, nhìn cảnh phố xá tấp nập đến tận chiều mới ngà đứng lên định xuống lầu.

Tửu bảo vội thưa:

- Ba từng lầu riêng biệt, xin khách quan trả tiền tại đây cho.

Nhà Vua móc túi lấy nhưng giật mình ngẩn người, chợt nhớ bỏ quên tiền trong bọc hành trang gởi lại nơi Mãn Hán lầu.

- Ta quên không đem tiền bạc theo, biên nhận mai trả được không?

Thấy ông khách sang trọng phương phi mà nói bỏ quên tiền, tửu bảo đâm ra nghi ngờ gặp tay đại bịp nên xẵng lời:

- Khách quan dùng bữa hảo hạng tốn hết mười lượng bạc. Nếu thực khách nào cũng như ngài thì chắc Đăng Vân lầu này phải đóng cửa sớm. Hay là ngài vui lòng cố tạm vật gì đáng giá, mai đem tiền chuộc lại cũng được.

Tuy có bảo ngọc đeo trong người nhưng không lẽ bỏ ra cầm cố vì thiếu mươi lạng bạc, nhà Vua bực mình gắt:

- Ta không mang theo vật trang sức nào cả, không lẽ ngươi lột áo ta sao?

- Chúng tôi mở tiệm buôn bán đúng luật, thuế trả đủ, luật định ăn hàng thời phải trả tiền. Ngay đến nhà Vua cũng vậy, phải thế long bào mới được ra khỏi tửu lầu này, nữa là khách quan!...

Nghe câu nói hỗn xược đó, Càn Long nộ khí xung thiên quát:

- Đồ hỗn xược rất đáng chết!

Dứt lời nhà Vua tát luôn tên tửu bảo nhào xuống đất, dậm chân lên ngang bụng rồi thoi cho một quyền nữa. Tửu bảo gãy răng hộc máu miệng kêu la inh ỏi.

Người làm trong tiệm xô cả tới, nhưng Càn Long đã nhắc luôn hai tay hai chiếc ghế, lẹ chân xuống thang lầu, quát:

- Tên nào muốn chết thì cứ xuống đây!

Nhân viên lầu nhì và dưới nhà không hiểu đầu đuôi câu chuyện ra sao nên không kịp cản. Nhà Vua thừa thế chạy ra đường e chỗ tửu lầu vướng víu mà đối phương lại đông người khó bề dụng võ.

Lúc đó trong tửu lầu có người hô lên:

- Bớ anh em bắt tên ăn quịt! Mau, kẻo nó chạy mất!

Lúc ấy nhân viên tửu lầu mới kẻ dao, kẻ gậy rùng rùng đuôi theo nhì nhà Vua đã ra tới đường, dừng lại quyết đánh.

Bỗng có một thiếu niên trạc mười sáu mười bảy tuổi, y phục chững chạc, diện mạo khôi ngô tuấn tú, từ chỗ mọi người đi đường thấy sự lạ đứng xem, tiến thẳng vào giữa, dang tay can chững chạc nói lớn:

- Khoan! Có việc chi vậy mà phải bạo động? Các ngươi không được cậy đông hiếp kẻ cô thế khinh thường luật pháp.

Viên quản lý tửu lầu tiến lên nói:

- Người này ăn hàng hết trên mười lượng bạc đã không có tiền trả còn đánh tửu bảo khuyết sỉ, không đánh còn để làm chi? Thiếu niên hãy tránh xa kẻo bị vạ lây bây giờ!

Thiếu niên vẫn giơ ngang tay quát:

- Khoan! Người ta không trả, ta bằng lòng trả thế. Các ngươi không muốn nhận thì cùng lên quan.

Nhân viên tửu lầu thấy thiếu niên bằng lòng trả tiền cho người khách lạ thì ưng thuận ngay. Nhà vua đẹp ý vì tính tiền khí khái của thiếu niên nên đem việc quên tiền và tư cách hỗn xược của tửu bảo nói cho thiếu niên nghe, Thiếu niên nghe đoạn bước vào tửu lầu lấy tiền trả và hỏi xem có thiệt hại gì sẽ bồi thường. Viên quản lý trả lời chưa đổ bể vật gì nhưng tên tửu bảo bị đánh đau.

Thiếu niên liệng một lượng bạc nữa lên mặt quầy rồi bảo viên quản lý:

- Người ta ai không có lúc lỡ quên? Đường hoàng như khách quan kia lẽ nào muốn quịt của nhà hàng mươi lượng bạc sao? Một tửu lầu lớn như vậy đáng lẽ phải nhã nhặn mới được lẽ đâu vì mấy lượng bạc mà làm rầy một vị quý khách nhường kia! Lượng bạc này cho tên tửu bảo đi sửa răng. Láo xược thế đáng lẽ còn phải đòn thêm nữa mới trúng lý.

Nói đoạn thiếu niên trở ra.

Từ nãy Càn Long mải xem cách xử sự rất đàng hoàng của thiếu niên lấy làm đẹp ý, bèn đón hỏi:

- Hỡi thiếu niên, vì lẽ gì liều mình can gián vụ xung đột như vậy? Bỏ nhiều tiền trả dùm lát về nhà không sợ bị song thân quở mắng sao? Quý danh là chi?

Thiến niên khoanh tay:

- Sá chi việc nhỏ mọn mà tiên sinh phải bận tâm. Sách có câu: "Nhân tình lưu nhất tiếng tất nhật hậu hỏa tương kiến", trong thiên hạ "tứ hải giai huynh đệ", người quân tử thấy việc bất bình chẳng lẽ bỏ qua nên tôi can gián, mong tên sanh nguôi giận, chấp chi tên tửu bảo là hạng tiểu nhân! Tiểu tử họ Chu tên Nhật Thanh, đi thâu tiền nợ cho gia mẫu về qua đây, chắc lão mẫu không quở mắng tiểu tử về nghĩa cũ này đâu. Nếu tiên sinh không hiềm tiểu tử còn ấu trĩ, xin mời quá bộ về tệ xá cho tiểu tử được lãnh giáo đôi điều.

Thấy thiếu niên khẩu khí anh hùng, cử chỉ tề chỉnh, gia giáo, Càn Long hết sức vui vẻ bèn dắt tay y cùng đi.

Chu Nhật Thanh nói:

- Chẳng hay quý tánh đại danh là chi? Và từ đâu qua trấn này?

Không do dự, Càn Long đáp:

- Tôi họ Cao, tên Thiên Tứ, tòng sự trong phủ Văn Hoa đại học sĩ, nhân dịp nghỉ phép nên từ Bắc kinh nhàn du qua đây chơi và có lẽ xuống du hành đất Giang Nam.

Hai người một trẻ một đứng tuổi vừa đi vừa chuyện trò rất tương đắc, không mấy đã tới một phố an tĩnh hơn. Chu Nhật Thanh chỉ ngôi nhà xinh xắn trước cổng trồng cây liễu xanh xanh mềm mại trước gió chiều:

- Tới nơi rồi, tệ xá kia kìa.

Mở cổng Nhật Thanh mời quý khách vào nhà kéo cửa mời ngồi thưa:

- Gia phụ quá cố từ hồi tiểu tử còn nhỏ dại, hiện chỉ có lão mẫu trong nhà, kính mời tiên sinh chờ một lát để tiểu tử vào hậu phòng thưa chuyện.

Nhà Vua gật đầu:

- Hiền điệt khá mời tôn mẫu ra đây cho tôi được chúc mừng người có trang quý tử anh hùng.

Chu Nhật Thanh vào thưa cơ sự cho mẹ hay và mời ra nhà ngoài. Chi mẫu, Huỳnh thị An Nhân, vốn là người hiền đức tiết nghĩa, thấy con trai hào sảng, nghĩa khí ưu giao du với những người đứng đắn thì rất chiều quý, sai nô tỳ pha trà mời khách. Nhìn qua rèm thấy quý khách tướng mạo phương phi, mày rồng mắt phụng, uy nghi lẫm liệt, Huỳnh thị bèn theo Chu Nhật Thanh ra chào.

Nhà Vua đứng dậy đáp lễ:

- Tôi bất chợt qua đây làm rộn quý xá, mong phu nhân xét tình lượng thứ. Thấy lệnh lang là người khảng khái nên tôi theo về đây cho biết nhà để hoàn lại số tiền đã giúp tôi hồi nãy. Chẳng hay Nhật Thanh năm nay được bao nhiêu tuổi mà không đi học để sau này công thành danh toại. Tôi đã nhận xét kỹ, lệnh lang quý tướng sau này tất thế nào cũng lập nên nghiệp lớn.

Chu mẫu đáp:

- Món tiền nhỏ mọn, tiên sinh chớ bận tâm. Nhật Thanh năm nay chẵn mười bảy tuổi, có võ vẽ đọc sách thánh hiền, hiền nỗi cháu nó không ưa nghề văn, chỉ thích luyện tập võ nghệ và học đòi kết bạn giao du. Nhân dịp tiên sinh qua chơi, dám mong người chỉ giáo cho cháu vài lời, phước đứng đó lớn bằng trời biển.

Suy nghĩ giây lát, Càn Long nói:

- Thấy lệnh lang quý tướng hào sảng, ắt tương lai rực rỡ nên muốn tỏ bầy thiển kiến.

Chu mẫu nói:

- Xin tiên sinh cứ dạy, đó là phước lớn cho nhà họ Chu chúng tôi.

- Lệnh lang là người có chí khí cần phải được hướng dẫn, giúp để sau mới hy vọng thành công. Năm nay y mười bảy tuổi, nếu cứ mai một ở nhà biết bao giờ thành đạt? Tôi là môn hạ quan Văn Hoa đại học sĩ Lưu đại nhân, có thể giúp Nhật Thanh công thành danh toại được, chi bằng phu nhân cho phép tôi nhận y làm nghĩa tử và cho theo tôi Nam du chuyến này cho rộng tầm con mắt, sau này đề cập dễ dàng hơn. Chẳng hay phu nhân nghĩ thế nào?

Chu mẫu mừng rỡ đáp:

- Cao tiên sinh có lòng thương muốn dẫn đường chỉ lối cháu nên người, lẽ nào tôi không ưng thuận? Nam nhi chí ở tứ phương, tôi đang lo cháu nó cứ ru rú ở nhà thời không biết bao giờ thành đạt, nay tiên sinh cho cháu cùng du Giang Nam quả là dịp hi hữu, tôi rất vui lòng.

Nói đoạn, Chu mẫu quay lại bảo con trai:

- Nhật Thanh, con nghe rõ câu chuyện rồi đó chứ? Vậy hãy khá bái lạy nhận Cao tiên sinh, Chu Nhật Thanh bèn tiến đến trước mặt nhà Vua làm lễ.

Càn Long tháo chiếc dây đeo bằng vàng đeo hột Bảo Châu Thấu Lục lớn bằng đốt ngón tay đưa Nhật Thanh chuyển cho Chu mẫu làm lễ giao kiến.

- Với hột trân châu này, nếu có việc cần kíp phu nhân cứ đến Kinh Sư vào thẳng phủ Lưu đại nhân, nói là do tôi sai đến thì việc nan giải đến đâu cũng phải xong.

Chu mẫu mừng rỡ nhận bảo ngọc cất đi và lui vào hậu sảnh sửa soạn tiệc rượu mừng, lưu quí nhân ở lại một đêm cho Nhật Thanh kịp thu xếp hành trang theo nghĩa phụ Nam du.

Sáng hôm sau, Chu Nhật Thanh vào bàn thờ lễ gia tiên và lạy từ biệt mẹ rồi cùng nghĩa phụ về Mãn Hán tửu lầu tính trả tiền trọ.

Viên quản lý nói:

- Đêm qua không thấy khách quan trở về, tôi đã thấy lo.

Nhà vua cười:

- Đang dạo chơi thì gặp người quen đưa về nhà uống rượu quá chén sáng nay mới tỉnh.

- Chuyến sau qua đây thế nào cũng mời khách quan quá bộ tới bổn quán.

Càn Long gật đầu rồi cùng Nhật Thanh đeo hành lý ra khỏi Thụy Long trấn, theo đại lộ hướng phía Hải Biên quan.

Ngày đi, đêm nghỉ, hai cha con ung dung nhàn nhã, mấy hôm sau tới nơi liền tìm tửu quán giữa nơi phố xá náo nhiệt vào trọ. Chu Nhật Thanh chưa bao giờ được đi xa nên lấy làm thích lắm. Ngay đến nhà Vua cũng vậy. Xưa nay ngự giá đi đâu thì tiền hô hậu ủng, đón tiếp mất cả tự nhiên. Nay được sống tự do như mọi người ung dung tự tại nên nhà vua có cảm tưởng khoan khoán như người thoát khỏi chốn gông cùm, nô lệ dù cái nô lệ ấy ở trên nhưng gấm lụa là.

Nghỉ ngơi một hôm, Càn Long mới hỏi thăm tiểu nhị:

- Hải Biên quan này có nơi nào thanh nhã khả dĩ nhàn du được không?

- Bẩm khách quan, trấn này tuy khá lớn nhưng chỉ có Hạnh Hoa lâu là đáng để khách viễn phương chú ý thôi.

- Lầu đó thế nào? Có gì đặc biệt?

- Dạ đặc biệt lắm chớ! Kiến trúc theo kiểu Bắc Kinh do công tử Khánh Xương thân họa bản đồ, hoa viên u nhã, đài các cực kỳ hoa lệ. Thưa khách quan tả không hết được, phải mục kích mới biết thiên hạ đồn quả không ngoa.

- Khánh Xương là con danh gia thế tộc nào?

- Khách quan từ xa tới không biết là phải. Diệp công tử là con quan Đề đốc trấn thủ Hải Biên quan. Ngày ngày công tử đem bạn bè, hạ thuộc tới Hạnh Hoa lầu uống rượu vui chơi. Trong khi công tử có mặt ở đó thì thực khách không ai được phép lên lầu, nhưng uống rượu ở các đình khác hay dưới lầu thì được. Khách quan tới đó nếu gặp lúc Diệp công tử đang thù tạc thì thưởng ngoạn phong cảnh rồi trở về đây uống rượu nhé!

Nghe đoạn nhà Vua hỏi thăm đường rồi gửi hành lý chủ quán, cùng Nhật Thanh đủng đỉnh đến Hạnh Hoa lầu thưởng ngoạn.

Không mấy chốc tới Hải Biên nhai, quả nhiên một tòa lầu cao ngất, mái lớp trên lớp dưới ngói xanh cong cong tuyệt đẹp, chung quanh có tường hoa bao bọc. Cổng mở rộng, dưới mái cổng vắt ngang tấm biển sơn đen thếp vàng đề năm chữ đại tự Hạnh Hoa Tân Khánh Lầu.

Hai cha con dắt tay nhau qua cổng. Bên trong, hoa viên rộng rãi trồng trăm hoa, muôn màu muôn sắc với những hàng thanh liễu mịn màng lửng lơ rọi bóng xuống mặt trước liên trì bán nguyệt. Đây đó, mấy ngọn giả sơn trang bị như thật, khúc khủyu quanh co ẩn nấp mấy nhịp cầu thanh thanh thơ mộng. Đi vòng hoa viên xem ngắm một hồi, hai cha con không hết lời khen ngợi người tạo nên khu Hạnh Hoa lầu này quả có tài đặc biệt về khoa kiến trúc.

Mấy nơi như Lục Lăng đình, Phụng Hoa đình, Nhược Lan đình và ngay từng dưới lầu Hạnh Hoa, thực khách đông nghẹt.

Nhà Vua dắt Chu Nhật Thanh lên thềm định vào thì tửu bảo đã bước vội ra khẩn khoản:

- Khách quan đến trễ quá, thực khách không còn chỗ ngồi, mong khách quan miễn chấp và hẹn lúc khác vậy.

Càn Long nói:

- Ta nghe tiếng Hạnh Hoa lầu tới đây chỉ cốt xem ngắm kỳ công về kiến trúc thôi chớ không muốn dùng cơm rượu, vậy ngươi khá chỉ dẫn ta đi coi, lát nữa sẽ hậu thưởng.

Tửu bảo ngần ngại:

- Hôm nay Diệp công tử đã cho đặt tiệc sẵn, xế chiều sẽ tới, nếu khách quan chỉ thưởng ngoạn không thôi, tôi có thẻ chiều ý được, nhưng yêu cầu người theo đúng mấy điều kiện này tôi mới dám cho vào.

- Yêu cầu điều gì, cứ nói đi.

- Vào Hạnh Hoa lâu chỉ thưởng ngoạn thôi, không động chạm tới đồ vật bày hiện trên đó. Thưởng ngoạn xong ra về ngay đừng trì trễ. Diệp công tử biết việc này tôi sẽ bị đòn và mất việc đó.

- Tưởng gì chớ chỉ có thế thôi, ngươi khỏi lo. Thưởng ngoạn xong thì ra về, ai ngủ trong đó làm chi?

- Đã vầy, xin mời người theo tôi.

Nhà Vua dắt tay Nhật Thanh theo tửu bảo qua dãy hành lang vòng tới một tòa Vọng thủy đình trên cửa treo ngang tấm biển đá đen dát ba chữ lớn bằng cẩm thạch Hạnh Hoa lầu. Sàn lầu lót toàn bằng thứ cẩm thạch gân trắng ngoạn mục lạ thường. Nhìn qua các cửa cuốn, bên ngoài có giả sơn kiểng vật tuyệt mỹ, tòng liễu lả lướt u nhã dị thường.

Đi thẳng vào hậu đình, bước lên phi lộ kiều bằng đá trắng lan can triện nổi chữ Vạn Thọ kiểu tròn đều đặn. Nhìn xa xa thấy biển cả bao la, muôn trùng sóng bạc.

Trên lan can hình bát giác bao bọc quanh lầu, bầy các chậu bỏng hồng toàn giống Bạch ngọc lan, Tố tâm lan và ba thứ mẫu đơn hắc, bạch, hồng. Bước vào lầu rộng rãi nguy nga chẳng kém chi hoàng thành hoa lệ có mẫu đơn đình trong Ngự uyển. Trên lầu treo năm ngọn đèn lưu ly bằng pha lê lóng lánh như gương, trên tường dát gỗ trầm hương treo la liệt những bút tự danh nhân đời Đường, Tống. Nào là tứ bình bằng gỗ bạch đàn cẩn ngọc ngũ sắc tượng trưng tứ thời Xuân, Hạ, Thu, Đông, nào là đối liễn Đông Bích Đồ Thư, Tây Viên Hằng Mạc bằng hồng thạch cẩn huyền treo trên cột chạm muôn hoa.

Các đồ vật, nào án thư, nào bành kỷ toàn bằng tây Tử đàn hương chạm trổ tinh vi, cẩn vân thạch màu lục, màu hường. Cửa mở rộng rãi thoáng đạt lạ thường, cánh cửa dát kính ngũ sắc khiến mùa đông cũng có thể tụ họp trên lầu cao được mà không sợ lạnh.

Càn Long đủng đỉnh thưởng ngoạn tấm tắc khen đẹp, dẫn giải cho Nhật Thanh hiểu biết các thức cổ bình. Hai cha con mải miết đi vòng xem tới một chỗ cửa đóng kín liền đẩy cánh ngó vào thấy lầu trong rộng lớn chẳng kém chi lầu ngoài, ngay chính giữa bày một thồi tiệc sẵn sáng toàn chén vàng đũa ngọc.

Nhà vua day lại hỏi tửu bảo:

- Có lẽ tại ta không xứng đáng dùng tiệc trên lầu này nên hồi nãy người nói đông thực khách, hết chỗ ngồi, vậy thồi tiệc này để làm chi? Sao lại kẻ trọng người khinh vậy?

Tửu bảo vội thưa:

- Bẩm khách quan, thồi tiệc này của Diệp công tử, cuối giờ Thân sẽ cùng bằng hữu tới dự như tôi đã nói hồi nãy. Bởi vậy tôi mới yêu cầu người thưởng ngoạn trong chốc lát rồi ra về, nếu kéo dài, lát nữa Diệp công tử đến không những là khổ cho tôi mà còn phiền nhiều thứ cho cả khách quan nữa! Mong người hiểu cho. Thưởng ngoạn hết rồi, giờ người trở bộ kẻo trễ.

Càn Long bất bình cau mặt nói lớn:

- Người sợ thằng Khánh Xương chớ lão gia đây không sợ. Nó kiếm chuyện ta sẽ đánh tan xác cho mà coi. Còn ngươi nữa, biết điều mau dọn rượu ra đây cho ta thưởng ngoạn phong cảnh, sẽ được trọng thưởng, mau!

Tửu bảo tái sắc cũng nói lớn:

- Khách quan bội ước lạ kỳ! Tiệc rượu ấy của Diệp công tử, ai dám đem ra cho khách quan dùng để chuốc lấy cái chết? Xin người xuống lầu ngay!...

Nhà Vua cả giận xốc tới tay tả nắm cổ áo, tay hữu luồn vào đai lưng tửu bảo nhấc bổng lên đi thẳng ra ngoài cửa lầu giơ tửu bảo ra khỏi lan can, quát:

- Muốn sống thì mau dọn rượu ta dùng, muốn chết theo thằng công tử của ngươi thì ta sẽ liệng ngươi xuống dưới kia! Trong hai điêu, khá chọn lấy một.

Nhìn xuống dưới đất thăm thẳm, tửu bảo thất kinh kêu van:

- Ngàn lạy khách quan tha tội cho, con sẽ chiều theo ý người tức khắc.

Nhà vua mỉm cười đặt nhẹ tửu bảo xuống sàn cẩm thạch:

- Dọn mau rượu ra đây. Thằng công tử bạch diện đố đến thì đã có ta đối phó, nghe! Vả lại ta dùng rượu chốc lát rồi ra về, người khỏi lo.

Hoảng quá, không ngờ ông quí khách coi bề ngoài trưởng giả ấy lại lanh lẹ, sức khỏe lạ lùng, tên tửu bảo đánh liều, tiền thoái lưỡng nan, dọn rượu ra thồi cho cha con ông khách nhậu nhẹt.

Nhà vua khoái chí nói:

- Được lắm, bao nhiêu món ngon dọn hết ra đây! Tính trăm lượng ta cũng trả không sao!

Đang cơn đói bụng rượu ngon, nhắm tốt, cảnh sắc chung quanh đặc biệt nên thơ, hai cha con ăn, uống thỏa thuê không để ý đến tửu bảo lẩn trốn từ lúc nào đi nhờ người loan báo Diệp Khánh Xương.

Nguyên Đề đốc Hải Biên quan họ Diệp tên Thiệu Hồng vốn là một tay tham quan ô lại chuyên môn đục khoét công khố, tác oai tác quái khiến dân cực kỳ khổ ải ta thán mà không dám kêu oan vì e họ Diệp nắm trọn quyền sinh sát trong tay báo thù.

Tuy năm thiếp, bảy thê nhưng vì trác táng nên Thiệu Hồng chỉ sang được một trai là Khánh Xương, chiều chuộng nưng niu quý hóa hơn vàng.

Cha nào con nấy, Khánh Xương lớn lên không chịu học hành, suốt ngày lêu lổng, tụ họp mấy tên con quan thuộc hạ, Đề đốc và bọn con nhà giàu vô lại, cậy thế cậy quyền, hết vung tiền ra như rác tại chốn yên hoa ký nữ, lại lông bông kéo bè kéo lũ khắp phố phường trêu cợt, hiếp đáp đàn bà con gái, khiến mọi người ghê sợ chúng như lũ hung thần nên gọi Khánh Xương là Hoa Hoa Thái Tuế.

Khánh Xương nạp bọn côn đồ biết dăm ba thế võ làm gia tướng để làm hậu thuẫn tác ác, và mấy tên quân sư quạt mo toa rập mưu kế dò la nơi nào có gái đẹp là kéo nhau tới đó trêu cợt hoặc bắt về nhà hãm hiếm tới khi kỳ chán mới thả ra.

Cũng vì các nạn Hoa Hoa Thái Tuế và đồng bọn của y nên phụ nữ con nhà tử tế tại Hải Biên quan, không một ai dám đi ra đường, nếu không được bảo vệ và có thế lực khả dĩ đảm bảo nổi sự an ninh của họ.

Muốn có nơi có chốn ăn chơi thỏa thích hơn nữa, Diệp Khánh Xương lập họa đồ gọi thợ khéo xây dựng tòa Hạnh Hoa Tân Khánh lầu trước là lấy chốn mua vui cùng động bọn ngày ngày thù tạc, sau là thâu lợi thực khách.

Khánh Xương ra lệnh cho viên quản lý không được nhận thực khách trên lầu Hạnh Hoa, nhưng có thể cho khách sang trọng vào thưởng ngoạn những khi y vắng mặt tại đó.

Đề đốc Diệp Thiệu Hông, phần vì rau nào sâu ấy, phần vì nuông chiều con nên đều làm ngơ trước những hành động bất chấp pháp luật của cậu quý tử.

Tới khi Khánh Xương lập tòa Hạnh Hoa lầu thì Thiệu Hồng lại lấy làm mừng rỡ, cho rằng con mình có óc kinh doanh. Thật vậy, nhờ sự kiến trúc sắp đặt rất mỹ thuật, Hạnh Hoa lầu nổi tiếng thành thử du khách kéo tới đó ăn uống thưởng ngoạn khá đông, nhờ vậy mà số tiền thâu được hàng ngày không nhỏ.

Hôm ấy, Diệp Khánh Xương đang sửa soạn kéo đồng bọn đi chơi rồi sẽ đến Hạnh Hoa lầu yến ẩm thì có gia nhân từ tửu lầu hớt hơ hớt hải chạy về báo:

- Bẩm công tử, có hai cha con người lạ mặt nói giọng Bắc Kinh, y phục sang trọng xin phép lên Hạnh Hoa lầu du ngoạn. Chúng thấy thồi cuộc của công tử bày sẵn đó liền đòi lấy rượu uống. Tên tửu bảo không bằng lòng nói là tiệc của công tử, tức thì chúng lên tiếng mạt sát, dùng sức bắt tửu bảo phải bầy rượu và thức nhắm ra. Hiện thời hai tên ấy còn đang ăn uống trên lầu. Tửu bảo thừa dịp chúng vô ý, lên nhờ con về cấp báo cho công tử.

Diệp Khánh Xương nổi giận, đứng dậy hét như sấm gọi nội bọn gia tướng lấy khí giới kéo rốc tới Hạnh Hoa lầu bắt hai cha con tên lạ mặt hỗn xược nọ. Khánh Xương tự mình lên kiệu theo sau điều khiển cuộc truy nã. Tới nơi, Khánh Xương phân phát bọn gia tướng vây chặt các cửa dưới lầu, còn bao nhiêu thì tụ tập theo y và truyền lệnh:

- Các người nếu không bắt sống được thì phải hạ sát hai tên giặc đó. Ai để chúng chạy thoát sẽ bị nghiêm phạt nghe!

Thấy lạ thực khách đông đảo đổ xô ra xem ai nấy đều lo thay cho vị khách lạ nào đó không biết lệ luật ở Hải Biên nhai trêu vào tay Hoa Hoa Thái Tuê tức là chấm dứt đời mình rồi. Cũng có nhiều kẻ nhát gan bỏ dở thồi tiệc ra về, e chẳng phải đầu lại phải tai, cháy thành vạ lây.

Phân phát gia tướng bao vây xong xuôi, Diệp Khánh Xương kéo cánh hùng hùng hổ hổ lên lầu, thấy một người trang phục theo lối phú gia kinh kỳ, trạc tứ tuần, vóc người khỏe mạnh, và một thiếu gia tuấn tú đang song song nhàn nhã uống rượu. Riêng tên tửu bảo thì nét mặt rầu rầu đứng trong góc lầu rúm lại như gà bị nước.

Nhà vua đang cùng Nhật Thanh yến ẩm chợt nghe thấy bước chân sầm sập từ Phi lộ kiều kéo lên lầu, rồi một toán chừng mươi tên tới cửa ra vào.

Đi đầu là một tên trạc hai mươi lăm, hai mươi sáu tuổi, mặt dơi, tai chuột, sắc diện xanh xao, y phục xa hoa chải chuốt, tay chống lên sườn, tay chỉ mặt nhà vua buông lời ngạo xược:

- Khá khen cho hai cha con tên quê mùa này không nghe danh bản công tử hay sao mà dám cả gan tới đây đàn áp tửu bảo dùng thồi tiệc của ta? Bây tên chi nói mau để ta còn cho du Địa phủ!

Tên tửu bảo thấy công tử đã tới, vội chạy ra quỳ lạy xin dong thứ.

Khánh Xương nói:

- Đứng dẹp sang bên. Ta không bắt tội ngươi đâu mà lo!

Chu Nhật Thanh thấy Diệp Khánh Xương xúc phạm tới nghĩa phụ thì nổi giận đẩy ghế ra toan đánh, nhưng Càn Long kéo tay Nhật Thanh đưa mắt ra hiệu ngồi yên, rồi cười ha hả bảo Khánh Xương:

- Người muốn biết tên ta thì hãy dỏng tai chuột mà nghe. Lão phu là Cao Thiên Tứ từ Bắc Kinh qua đây thấy Hạnh Hoa lầu ngoạn mục nên ngừng bước uống rượu chơi. Nếu ngươi biết điều vào đây cùng uống ta sẽ trả tiền rượu cho, bằng không thì tửu lầu là nơi thực khách ra vào miễn là có tiền, chớ của riêng gì nhà ngươi mà tới đây hậm học cấm đoán? Phải biết trêu vào tay ta, một đức chết một, mười đứa chết mười, hối không kịp đâu!

Bị mạt sát trước mặt gia tướng, Diệp Khánh Xương nổi giận mặt càng tái mát, chỉ tay hét:

- Bớ gia tướng, hãy bắt tên thôn phu này điệu về phủ cho ta, mau!

Toàn bọn xông vào trong lầu. Lẹ tay, Càn Long cầm bồ rượu lớn liệng trúng mặt tên đi đầu bể tan té lăn ra sân cẩm thạch. Đoạn xách hai tay hai ghế đẩu vun tròn gạt bắt khí giới của bọn gia tướng sang bên rồi choảng luôn bốn tên té ngửa ra phía sau, máu mồm máu mũi phun ra như suối.

Các tên khác thấy địch thủ dũng mãnh, võ nghệ tinh thông, kéo nhau rung rùng chạy xuống lầu. Khánh Xương đứng ngoài hò hét đến mấy, chúng cũng không dám đứng lại, đánh co giò chạy theo.

Nhưng Càn Long đang ham đòn, nhảy vụt tới tay xách cổ, tay nắm đai lưng nhắc bổng Khánh Xương lên đưa ra ngoài lan can. Bọn gia tướng ngoái đầu lại thấy vậy thất kinh toan liều mạng xô lại cứu, nhưng quá trễ. Tên công tử vô lại tàn ác rú lên bị nhà vua quăng xuống dưới lầu rớt trúng con thạch sư tử, thây nát bấy.

Bọn đứng dưới lầu thấy Diệp công tử bị hạ sát phái người về dinh Đề đốc cấp báo. Một mặt chúng vội vàng đẩy các án thư hành kỷ ra chắn lối và hò nhau vây chặt các lối ra vào chờ bình Đề đốc cứu viện bắt cho kỳ được tên sát nhân.

Khi ấy, Diệp Thiệu Hồng đang ở hậu trường tỉ tê trò chuyện, nằm dài cho bọn tỳ thiếp đấm bóp, bỗng gia nhân chạy vào gõ cửa ầm ầm xin cấp báo. Thiệu Hồng kinh ngạc kéo áo nhỏm dậy truyền cho vào.

Tên gia nhân chạy vào quỳ xuống đất mếu máo:

- Bẩm tướng công, công tử nhà ta bị sát hại rồi.

Thiệu Hồng trợn mắt hỏi vội:

- Bị sát hại ở đâu?

- Bẩm, ở Hạnh Hoa lầu, xin tướng công phái binh bắt tên sát nhân.

- Chao ơi! Khổ ta rồi!...

Thiệu Hồng chỉ thốt được bấy nhiêu lời là lăn ra giao ỷ ngất lịm.

Bọn tỳ thiếp sợ hãi cuống quít kẻ đỡ người nâng, lấy dầu thoa bóp, đổ thuốc kêu gọi inh ỏi, hồi lâu họ Diệp mới hồi tỉnh.

Tên gia nhân về báo còn loay hoay đứng đó. Diệp Thiệu Hồng bèn hỏi lại tự sự, đứng phắt dậy vội vàng mặc nhưng y ra công đường đánh trống họp các tướng truyền điểm binh mã ngũ dinh, tự mình lên ngựa đốc xuất kéo thẳng đến Hạnh Hoa lầu.

Nói về nhà Vua và Nhật Thanh sau khi liệng Diệp Khánh Xương xuống lầu rồi, bèn xách ghế đẩu kéo nhau đuổi theo bọn gia tướng.

Vượt qua chướng ngại vật, hai cha con ra tới cửa dưới lầu thấy đóng kín, liền bê một chiếc án thư lớn lao vể tan cánh cửa, lấy lối ra. Hai người nhảy vọt ra ngoài. Bọn gia tướng đông tới ngót trăm tên vội liều mạng ào tới bao vây. Càn Long vung ghế đánh bạt mươi tên gần nhất bể đầu gãy tay, đoạt được cặp giản. Nhật Thanh cũng thừa kế đoạt được cây côn. Hai cha con phấn khởi múa tít khí giới xông vào áp đánh tơi bời, không mấy chốc đã có vài chục tên gia tướng bị loại ra ngoài vòng chiến. Chúng đau đớn rên la ầm ĩ với tiếng đồng bọn còn lại reo hò liều mạng bao vây không dám rời hai cha con tên sát nhân để chờ binh cứu viện. Càn Long muốn thoát mau, vận dụng toàn lực đánh tràn, Nhật Thanh cũng rán sức theo sau. Hai cha con vừa ra gần tới cổng hoa viên thì Diệp Thiệu Hồng dẫn quân tới bổ vây trùng điệp, loa hét vang trời truyền lệnh phải bắt sống hai người làm tội.

Hạ hết loạt này, loạt khác ào tới, Càn Long tuy mạnh, võ nghệ tinh thông nhưng vốn cành vàng lá ngọc, là Thiên tử cầm đầu muôn dân, dù có tập luyện chẳng qua để giữ gìn sức khỏe, bền vững tinh thần chớ không phải là thứ công phu chân truyền tuyệt đích của một tay hảo hán giang hồ, đủ sức đủ tài khiến đám địch quân dù đông biết mấy cũng phải nhường lối đi.

Phần Chu Nhật Thanh cũng vậy. Võ nghệ của chàng vô căn bản công phu không có, nếu không dựa vào sức nhà Vua thì bị bắt lâu rồi.

Cho nên khi Diệp Thiệu Hồng kéo quân đến hai cha con đã mệt lắm rồi mồ hôi vã ra như tắm, tay chân rời rạc, đánh đỡ loạng choạng.

Bên quân Đề đốc thấy vậy bèn dùng câu liêm móc. Nhật Thanh chậm chạp bị câu liêm móc té nhào. Nhà vua giựt mình vội vã nhảy tới quật một giản trúng vai tên quân sử dụng câu liêm móc té Nhật Thanh.

Vừa loạng choạng đứng lên Nhật Thanh bị luôn tên câu liêm khác móc vào vai giựt gục xuống.

Đang lúc đuối sức, tự vệ còn không xong, nhà Vua lại phái bao bọc cho Nhật Thanh nên cũng bị câu liêm móc té và quân Diệp Thiệu Hồng xông vào toan trói lại...

Nói về Đại học sĩ Lưu Dung ở tại triều, đêm nọ nằm mộng thấy thần linh mách bảo nhà vua đang bị nạn, vội cùng Đề đốc Cửu môn Nhan Như Lâm đem quân cứu giá. Thế nên lúc Lưu Dung, và Nhan Như Lâm tới nơi thì vừa khi nhà Vua và Nhật Thanh đang bị quan quân áp trói. Diệp Thiệu Hồng đứng chỉ huy.

Lưu Dung và Nhanh Như Lâm kinh hãi vội nhảy xuống ngựa tuốt kiếm gạt đám quân lui hẳn ra.

Quân tướng Hải Biên quan thấy hai vị thượng quan tới vội nép sang hai bên nhường lối đi.

Lưu, Nhan hai người chạy đến đỡ nhà Vua dậy cắt dây trói, rồi quỳ tâu:

- Kẻ hạ thần cứu giá chậm trễ mong Thánh thượng đại xá cho.

Càn Long nói nhỏ:

- Cho nhị vị hiền khanh bình thân và bắt hạ ngục ngay tên Diệp Thiệu Hồng cùng toàn gia y.

Lưu Dung và Nhan Như Lâm vâng lệnh, truyền tướng chỉ huy đoàn Ngự lâm quân áp bắt Diệp Thiệu Hồng, một mặt phân phát binh tướng hộ giá Hoàng đế về dinh Đề đốc.

Về tới dinh Đề đốc, Chu Nhật Thanh nửa mừng, nửa sợ vội quỳ xuống lạy Hoàng đế xin dung thứ.

Càn Long cả cười, vỗ vai Nhật Thanh bảo nhỏ:

- Ta với ngươi là cha con mà! Vậy con muốn xin dung thứ tôi chi? Khi quân xúc phạm tôn nhan phải không?

Nhật Thanh sung sướng lạy tạ, đứng dậy.

Nhà Vua truyền:

- Ta không muốn ra nơi công đường thêm lộ liễu bất lợi cho cuộc hành trình đáng lẽ phải được giữ bí mật này. Vậy con khá ra ngoài chờ chừng nào Lưu Dung và Nhan Như Lâm trở về thì đưa thẳng vào đây.

Lát sau, Lưu đại học sĩ cùng Nhật Thanh đi vào.

Càn Long chỉ chiếc bành kỷ kê bên:

- Khanh ngồi đây. Họ Nhan đâu?

Biết ý Hoàng đế cho phép bỏ lễ, Lưu Dung ngồi xuống kỷ:

- Muôn tâu, Nhan cửu môn còn bận việc bắt toàn gia Diệp Thiệu Hồng và tịch thâu tài sản bên tư dinh. Còn họ Diệp hiện thời gã bị giải về kia, đặt dưới quyền canh phòng của Ngự lâm quân.

Nhà Vua hỏi:

- Hiền khanh biết tự sự vụ Hạnh Hoa lầu?

- Muôn tâu, thần đã điều tra và hiểu rõ.

- Một viên Đề đốc cai trị cả một đại trấn như Hải Biên quan mà để con lộng hành, tất dân gian đã rất cực khổ vì tánh tham tàn của y. Huy động quan quân kinh động cả toàn trấn để làm tư vụ là phạm pháp. Hành động ấy chẳng kém chi giặc cướp khiến thần dân oán ghét Thanh triều. Đáng tội trảm. Vậy, hãy khá công bố cho dân toàn trấn ai có điều gì oan ức vì cha con họ Diệp thì được phép tố cáo minh oan. Sau đó hãy lập cáo trạng tuyên bố giữa pháp trường cho muôn dân nghe rồi mới hành quyết họ Diệp. Khánh Xương tuy đa táng mạng nhưng phải xử lục thi (hành quyết tử thi), cho nhưng ai đã bị y hiếp đáp được hả dạ. Về tài sản của phàm nhân, khanh khá truyền lệnh cho người thay thế họ Diệp tuyệt đối điều tra kỹ lưỡng hoàng lại cho họ một phần. Còn lại bao nhiêu nhập công khố và phải phúc trình rõ ràng.

- Muôn tâu còn toàn gia họ Diệp, Thánh thượng quyết định ra sao?

- Điều tra tội lỗi từng người xử theo pháp luật. Còn những trẻ mười sáu trở xuống, già sáu mươi trở lên, giải về kinh, chờ xong vụ án sẽ tha cả về. Khá nuôi họ cho chu đáo.

Lưu Dung thưa:

- Hoàng thượng định cử ai thay thế họ Diệp?

- Theo ý hiền khanh, nên đề cử ai cho xứng đáng?

- Muôn tâu, hạ thần thông do dự gì xin đề cử quan Đề đốc Sơn Tây là Khiêu Văn Thăng.

Càn Long gật đầu:

- Trúng ý trẫm lắm. Không ai hơn người ấy. Khanh khá hạ chiếu ngay kẻo nơi biên trấn một ngày không người cầm đầu không được.

- Dạ, nhưng tâu Hoàng thượng...

- Sao? Khanh có điều chi thắc mắc?

- Dạ, hạ thần rất thắc mắc về cuộc hạ Giang Nam của Thánh thượng. Thiệt là vạn hiểm muôn nguy. Dám xin Người hồi triều kẻo toàn thể Hoàng cung và bá quan hàng ngày lo sợ. Như vụ Hạnh Hoa lầu vừa rồi, nếu ngu thần không linh tánh nằm mộng thấy Thánh thượng lâm nguy, vội dẫn quân ngày đêm đi cứu giá, chỉ chậm trễ giây khắc thì sự nguy hại lớn lao đó không còn cách nào cứu chữa được nữa.

Càn Long vuốt râu cười:

- Vụ Diệp Thiệu Hồng chỉ là ngoại tạp. Trẫm có mục đích khác lớn lao vạn hộ, và Trẫm tin ở số mạng. Như đức Tiên vương không bao giờ ra khỏi Hoàng thành mà vẫn lâm nạn như thường đó sao? Điều cốt yếu là phải được lòng dân. Toàn dân có thái bình phồn thịnh. Triều đình mới mong vững bền. Trẫm muốn lấy đức trị dân hơn là dùng uy.

Càn Long bảo Nhật Thanh lấy giấy bút mang đến thỏ hai bức chiếu chỉ đưa cho Lưu Dung.

- Hồi triều, khanh khá thay vì Trẫm trao ngay lại mật chiếu này cho Thị lang Hòa Thân và Thị lang Bột Dũng Các, nhắn hai người ấy phải theo ý Trẫm thi hành.

Lưu Dung đón lấy chiếu chỉ gài vào ngực áo trong.

Càn Long nói tiếp:

- Hiền khanh và Nhan Như Lâm chức đã cao tội bực, để thưởng công cứu giá, Trẫm không biết lấy gì hơn là dùng vật chất. Vậy hãy thảo chiếu chỉ này mà thi hành, có cả phần Trần Hoằng Mưu.

Nói đoạn nhà Vua phê luôn mấy hàng chữ trên giấy rồi trao cho họ Lưu:

- Về triều, khanh đóng ngự ấn rồi hãy thi hành, nay hãy sửa soạn lối sau để trẫm và Nhật Thanh ra đi.

Lưu Dung vội quỳ xuống lạy tạ ơn ban thưởng, chúc nhà Vua hảo hành. Càn Long đứng lên xốc áo, đỡ dậy.

Lưu Dung cầm tay Nhật Thanh nhắc mấy điều, đoạn bước ra khỏi hậu đường. Hồi lâu trở vào, Lưu Dung hướng dẫn Hoàng đế ra khỏi dinh Đề đốc rồi bái từ chờ hai người đi khuất mới thở dài về dinh.

Lúc đó, trời đã tối, trong phố nhà nào nhà nấy đều lên đèn sáng trưng. Ca lâu tửu quán nơi nào cũng đông nghẹt thực khách bàn tán vụ Hạnh Hưu lâu. Đi qua mấy phố dài, hai cha con mới về tới tửu quán trọ.

Chủ quán lật đật chạy ra thăm hỏi:

- Nghe tửu bảo nói nhị vị ra thưởng ngoạn. Hạnh Hoa lầu mãi không về khiến tôi lo quá. Hình như có việc gì quan trọng lắm xảy ra tại đó.

Nhà Vua mỉm cười tự nhiên:

- Chính vậy. Tôi thưởng ngoạn xong vừa ra khỏi khu mỹ lệ ấy được một quãng thì xảy ra vụ ẩu đả ghê gớm. Tôi liền đi ngay, may quá! Lang thang mãi bây giờ mới về. Đói bụng quá, dọn rượu lên phòng cho tôi nghe?

Chủ quán lanh lẹ:

- Dạ, kính mời khách quan lên phòng thay áo xong thì hồi rượu cũng sẽ sẵn sàng.

Nhờ trận hoạt động hồi chiều, hai cha con ăn uống rất khỏe. Sáng hôm sau, trả tiền trọ xong, nhà Vua và Nhật Thanh đeo khăn gói lên đường. Vừa ra khỏi cửa Nam được một quãng đường, trời chưa sáng hẳn, bỗng có một người vận bào lục, lưng đeo kiếm từ gốc cây bên đường, nơi có cột ba con ngựa, bước vội ra.

Tưởng thích khách, nhà Vua và Nhật Thanh lùi bước thủ thế. Nhưng không, người nọ tiến đến trước mặt Vua quỳ lạy:

- Hạ thần làm kinh động Thánh thượng mong Người đại xá cho.

Càn Long ngạc nhiên nhìn kỹ, nhận ra Nhan Như Lâm liền đỡ dậy:

- Hiền khanh ra đây làm chi? Hãy khá bình thân.

- Dự tính Thánh thượng sẽ qua lối này, kẻ hạ thần đem kiếm mã ra đây để Người dùng.

Nói đoạn, Nhan Như Lâm tháo thanh kiếm dâng lên nhà Vua.

Càn Long cầm kiếm nói:

- Trẫm nhận bảo kiếm thôi. Đi chân mỏi đã có xe ngựa hay kiệu vả lại còn muốn dùng đường thủy, đem ngựa theo bất tiện. Hiền khanh trở bước ngay cùng Lưu, Trần trông coi việc quốc gia, khi Trẫm hồi kinh sẽ trọng thưởng.

Nhan Như Lâm biết tính Vua không ưa nói nhiều, vội xá biệt, lên ngựa và dắt hai con ngựa yên cương sẵn sàng về thành.

Non xanh nước biếc hữu tình, cảnh đẹp hoa thơm khắp chốn, Càn Long và Nhưt Thanh vui chân nhắm hướng Nam tiến thẳng.


Meow! Sen Ơi Đừng Sợ
Phiên bản dành cho Android tại đây!
Hồi (1-35)


<