Hồi 2 → |
Trong chùa Dư Âm trên núi Thượng Phương có một cái chuông lâu đời, tương truyền những khi tế tự, nếu thần linh giáng xuống ngôi chùa cổ này thì cái chuông không ai gõ mà tự ngân vang lên.
Sở San ăn không ngồi rỗi, có hào khí, có cốt cách, lại lắm tiền nhiều của, bình sinh thú nhất là chuyện kết bạn và ngao du sơn thủy.
Y sống ở một vùng cách núi Thượng Phương chừng hai trăm bảy mươi dặm, chưa một lần nghe nói đến chùa Dư Âm, nhưng số mệnh đã kéo y lại với nó, chỉ bởi tính thích kết giao bằng hữu và đi chơi xa đã ăn sâu vào máu, hệt như Ngô Cương ở lại cung trăng chặt quế đến mãn kiếp hay như Hứa Tiên khăng khăng nghe lời Pháp Hải. Sở San có một người bạn hoạt bát sôi nổi tên là Nhạc Khải. Một hôm y lặn lội đi hơn trăm dặm đến thăm người bạn này.
Tới nơi thì Nhạc Khải đã lên vùng núi Thượng Phương chơi với Cao Vãn Tức. Sở San liền lặn lội tìm theo; cuối cùng, không chỉ gặp được Nhạc Khải vui vẻ vô tư mà còn làm quen với Cao Vãn Tức suốt ngày mặt ủ mày chau, cộng thêm cả một người bạn mới kết giao của họ là Lâm Túy.
Lâm Túy là người khi không cười thì giống một món đồ sứ tinh xảo thanh nhã, nhã đến mức dùng để cắm hoa cũng cảm thấy là quá lỗ mãng, khi cười thì người say trông vào tự nhiên tỉnh rượu như vừa uống trà thanh, người nóng trông vào mát rượi chẳng khác nào được uống một cốc nước giải khát.
Lâm Túy là một nam tử, nhưng luôn gợi cho người ta cảm giác ngọt ngào tươi mát.
Sở San chẳng hiểu tại sao, y bình sinh kết giao vô số, có đủ mọi bạn tốt, nhưng hễ một giờ nửa khắc không gặp được Lâm Túy là người cứ ủ ê ỉu xìu.
Lâm Túy thường xuyên vắng mặt, Sở San cũng không thể suốt ngày lẽo đẽo theo Cao Vãn Tức, chỉ có Nhạc Khải thi thoảng cùng y bách bộ hay uống rượu. Vì vậy Sở San cứ ngơ ngẩn khắp nơi như du hồn lang thang đến sáng bạch canh năm vẫn chưa nhớ về. Một hôm đang đi lung tung trong phố như thế thì chợt nghe thấy tiếng chuông ngân vọng ở một đỉnh núi đằng xa. Người qua đường đều chắp tay niệm Phật, Sở San lần mò theo tiếng chuông, lên được tới chùa Dư Âm.
Vùng núi Thượng Phương mấy năm nay rất nhiều tai kiếp, người lên Dư Âm tự thắp hương cầu khấn do đó càng đông đảo.
Khói hương nghi ngút, Sở San dụi mắt lia lịa, nước mắt giàn giụa như nhai phải ớt cay, y bèn tìm một chỗ ít đèn nhang để ghé vào.
Lúc ấy tình cờ có mấy người khách cãi cọ với sư sãi trong chùa, nhân lúc không ai để ý, Sở San bèn đi thẳng vào nội điện, thấy đặt cái chuông cổ khổng lồ, trông còn to hơn cả cổng chùa. Đằng sau chuông, khói nhang dày đặc hệt như đám cháy vừa dập lửa, Sở San vừa quệt nước mắt vừa liếc lên bức tượng Cưu thần trên bàn thờ, Cưu thần trông hết sức hung dữ, mặt như Dạ Xoa La Sát bị sét đánh trong một đêm tối đen.
Sở San kinh ngạc, á thần kiểu gì mà bộ dạng như vậy? Chợt nghe từ cái chuông vọng ra âm thanh nho nhỏ ngân nga.
Sở San thầm nghĩ, Cưu thần hiển linh chắc? Chuông khánh thì phải treo lên giá chứ nhỉ? Sao hôm nay lại đặt ở đây? Y nổi tính nghịch ngợm của tuổi trẻ, bèn gõ thử lên chuông hai phát rồi chăm chú lắng nghe, bên trong chuông cũng dội ra hai tiếng khe khẽ.
Sở San nghe thật kỹ, hình như ruột chuông có người? Y đắc chí gõ thêm vài lần nữa, tự nhủ: mấy tên hòa thượng giả thần lộng quỷ lừa người lấy tiền, "chuông không gõ tự reo" quái gì, chẳng qua có "người mình" nấp bên trong mà thôi!
Y gõ gõ thêm đôi ba lần, cũng không màng đợi xem phản ứng của cái chuông đã chán nản bỏ đi luôn, bụng bảo dạ: chẳng nên phá việc làm ăn của người ta, tuy vậy phải gọi Lâm Túy, Nhạc Khải và Cao Vãn Tức đến chứng kiến phát hiện của mình, oai ra phết!
Mấy phát y gõ trước khi đi đã khiến một nhà sư luống tuổi chú ý. Nhà sư này có đuôi mắt dài thật dài, như dùng một sợi dây vô hình kéo lên đến tận mấn tóc.
Sở San về đến "Phi Lôi tiểu trúc". Phi Lôi tiểu trúc là căn tịnh xá mà mấy người bọn họ thường tụ tập họp mặt. Y đi qua cái cầu vồng nhỏ, không nghe thấy tiếng cười nói, biết là các bạn chưa về, trong lòng rất thất vọng.
Giàn phong linh treo trước cửa Tiểu Trúc reo lên lanh canh.
Thình lình có tiếng người nói sau lưng Sở San, "Thí chủ!"
Y ngoái đầu nhìn, gặp ngay một đôi mắt xếch kéo dài từ Thái dương huyệt lên đến tận tóc mai, người có đôi mắt ấy là một hòa thượng.
Sở San chưa kịp nói gì, đột nhiên có hai thanh dùi sắt xọc lên khỏi mặt cầu, xuyên thấu qua gan bàn chân y.
Sở San rú vang đau đớn, hòa thượng tung mình lại gần, quạt song chưởng vào người y.
Sở San lâm nguy bất loạn, chắn hai tay trước ngực, đương nghĩ chưởng lực đối phương cũng không có gì lạ, thình lình chưởng tâm cùng đau nhói, thì ra đã bị hai mũi kim chích gần như trong suốt xuyên thủng!
Sở San gào to, nhịn đau bay lên. Hòa thượng phất tay áo, kim nhọn hắt ra tá lả, cắm chi chít vào mình Sở San.
Sở San lăn tòm xuống khe.
Dưới đó đã có hai nhà sư đón lõng. Sở San vừa chạm nước, đôi chân đã bị họ chém đứt. Y chưa kịp chống cự, hai tay cũng bị giới đao chặt lìa. Y há miệng gào la, nhà sư mắt xếch liền móc chân vít lấy Sở San, tay trái bóp hàm, tay phải thò vào mồm y rút luôn lưỡi ra.
Tiếng la thảm thiết của Sở San biến thành âm thanh tắc nghẹn, mồm miệng lõng bõng những máu.
Đúng lúc đó, đằng xa có người hỏi:
- Vừa rồi là tiếng kêu của Sở San phải không?
- Sở San, Sở San, Sở San! Huynh ở đâu?
Ba nhà sư đưa mắt nhìn nhau, cùng ấn dúi Sở San xuống lòng khe rồi hụp cái đầu trọc rẽ nước bơi đi như con lươn.
Ba người đi đến.
Họ nhận ra cầu bị hỏng, nước khe loang máu. Hai người trong bọn liền bay xuống, tìm được Sở San mang lên.
Mới chỉ một lúc không gặp nhau thôi mà Sở San đã mất tay, mất chân, không còn ra hình người nữa.
Y muốn nói, nhưng không thành tiếng, muốn giãi bày, nhưng không viết được.
Y còn ý thức, song y cũng hiểu rất rõ rằng chút ý thức cuối cùng ấy sắp tiêu tan vĩnh viễn.
- Sở San, ai làm cho huynh ra thế này?
- Ai đã hại huynh, Sở San?
Họ ôm Sở San vào nhà.
Khi đi qua ngưỡng cửa, Sở San thình lình há miệng, ngoạm luôn một chiếc chuông gió trong giàn phong linh đang đung đưa, cố ngậm lấy bằng cái mồm tươm nát, rồi ngật đầu tắt thở.
Ba người, người đã vào trong người còn bên ngoài, cùng đứng sững lại, nhìn máu ùng ục thoát ra khỏi miệng bạn và chiếc chuông gió hoen máu trên môi y.
Hồi 2 → |
< Xem thêm truyện hay, đặc sắc khác