Vay nóng Tinvay

Truyện:Như Lai thần chưởng - Hồi 40

Như Lai thần chưởng
Trọn bộ 61 hồi
Hồi 40: Dĩ hòa vi quý
0.00
(0 lượt)


Hồi (1-61)

Siêu sale Shopee

Bị vây giữa trận tiền, Giang Thanh cố sức kháng cự hơn hai trăm hiệp, mồ hôi của chàng vã ra như tắm, hơi thở bắt đầu hổn hển. Thình lình chàng liên tiếp tung ra chín chưởng liên hoàn cho giải vòng vây, đoạn hô to:

- Năm vị Đại sư xin nới tay cho!

Nhưng mà năm món binh khí kỳ hình dị trạng kia vẫn tấn công tới tấp, Giang Thanh thiểu não thở dài.

Áp lực gia tăng thêm nữa, và Giang Thanh đã bắt đầu núng thế. Thanh Hoàng song tuyệt đứng bên ngoài mở to đôi mắt, vì thấy năm vị sư huynh của mình bắt đầu thắng thế, nhưng mà cả hai thảy đều có cảm nghĩ Giang Thanh chưa dùng hết lực lượng của mình.

Giang Thanh liên tiếp thối lui ba bước, và trong ba bước đó Quy Lưu trận đã liên tiếp thay đổi sáu lần, và năm vị La Hán mỗi người công ra bảy thế.

Giang Thanh tái xanh sắc mặt, lại hô to:

- Năm vị Đại sư xin dừng tay lại, đừng để cho Giang Thanh này phải dùng độc thủ!!

Nhưng mà, Quy Lưu trận càng lúc càng siết chặt vòng vây, đợt tấn công này chưa dứt, thì đợt tấn công khác đã nổi lên, khí thế như lớp lớp sóng tràn, làm cho người ta phải kinh tâm tán đởm.

Giang Thanh lại bị đẩy lui một bước, chàng cố gắng dùng thanh Kim Long Đoạt nhăn đỡ một thanh thiền trượng của một vị La Hán, chính vào lúc đó thì một bóng người vạm vỡ bay tới gần kề.

Giang Thanh chưa kịp nhìn kỹ thì một món binh khí kỳ hình dị dạng đã tấn công vào bắp vế của chàng, cùng trong một lúc thanh thiền trượng kia quay đầu trở lại tấn công vào gót chân.

Thời gian cấp bách, không kịp để cho Giang Thanh suy nghĩ, trong khung cảnh nghìn cân treo sợi tóc, Giang Thanh cố gắng đỡ vẹt một món binh khí trên đầu để bay vù lên, và cánh tay tả dùng nửa thế Chưởng Bất Nhẫn Huyết trảm một đòn thật mạnh vào một chiếc bóng người đang trờ tới tấn công.

Một tiếng kẻng vang lên chát chúa, cánh tay của Giang Thanh tức khắc tê tái mà thanh thiền trượng của Phục Long La Hán cũng bị đánh bật trở ra và đòn Chưởng Bất Nhẫn Huyết đã trảm trúng vào vai của bóng người trước mặt.

Giang Thanh giựt mình, chưa kịp suy nghĩ gì thì một đạo hào quang đã lóe lên bay thốc váo dưới nách của chàng. Giang Thanh nạt lên một tiếng, rún mình né tránh, người trúng đòn loạng choạng thối lui, mà dưới nách của Giang Thanh đau như phỏng lửa.

Cùng trong một lúc, ba bên bốn bề cương phong nổi dậy ập vào mình của Giang Thanh một cách dữ dội, tất cả toàn là những thế cay độc, phối hợp với nhau thật chặt chẽ, Giang Thanh cơ hồ bị đè bẹp dưới thế tân công mãnh liệt đó.

Chàng hốt hoảng hô to:

- Xin năm vị Đại sư thứ lỗi cho, Giang Thanh sắp khai sát giới rồi đó!

Câu nói của Giang Thanh vừa dứt thì ba bên bốn bề tiếng niệm Phật nối dậy, thanh thiền trượng của Phục Long La Hán trỗi dậy hào quang, đánh sả vào đầu của Giang Thanh một thế sấm sét.

Phục Giao và Phục Hưng cũng phối kết hợp chặt chẽ, tiếp tục tấn công vào hai bên hông Giang Thanh.

Giang Thanh cảm thấy dưới nách mình có hơi ươn ướt, nhưng chàng không đủ thì giờ để xem xét. Hai chân chàng xoạc ra, xuống Trung Bình Tấn vững như Thái Sơn, miệng hô:

- Nam Tôn Nộ Hải!

Tiếp theo đó toàn thân Giang Thanh chuyển lên răng rắc tung ra một thế ác liệt.

Thanh Kim Long Đoạt vùng vẫy trông như con rồng uốn khúc tỏa ra ba bên bốn bề một uy thế không thể tưởng tượng. Người đứng ngoài xem không thấy hình dạng, xem không thấy chiều hướng của binh khí, thân hình của Giang Thanh cơ hồ như hòa tan trong Quy Lưu trận.

Có mấy tiếng rền rĩ vang lên, hai món binh khí bay vù ra khỏi trận, rồi rơi vào khoảng tối âm u.

Trong tình trạng hỗn độn đó, thân hình mảnh khảnh của Giang Thanh cấp tốc xê dịch ra ba bước, chàng đảo mắt xem qua, bất giác giật mình. Vì thế thứ nhất của Đại Tôn đoạt pháp mặc dầu đã kích năm vị Ngũ Phục La Hán nặng nề, nhưng vẫn không sao đánh tan thế trận Quy Lưu.

Phục Hổ và Phục Giao, nhị vị La Hán ngồi xếp bằng dưới đất, mặt mày thất sắc, quần áo tả tơi, trên tay không còn binh khí, mà hổ khẩu đầm đìa máu tưới.

Phục Long La Hán là vị đứng đầu trong Quy Lưu trận, công lực cao thâm nhứt, ông ta tay cầm thiền trượng, đứng giữa trận tiền, thần sắc uể oải. Phục Tây La Hán đứng sau lưng Giang Thanh, thân hình loạng choạng, cơ hồ đứng không vững nữa.

Phục Hưng La Hán về phần công lực chẳng kém bốn vị kia bao nhiêu, nhưng tánh tình nóng nảy. Ban nãy dùng thế Dẫn Hồn Nhiệt Thần mạo hiểm tấn công, thừa lúc Giang Thanh sơ hở, ngọn phất trần của lão đánh trúng Giang Thanh, tuy gọi là tạm thắng một thế, nhưng không ngờ Giang Thanh bất thần trả lại một chưởng trúng vai, làm cho Phục Hưng lúc bấy giờ mắt hoa đầu váng.

Nhưng mà thế trận Quy Lưu vẫn còn giữ vững. Phục Hưng La Hán đôi mắt trợn trừng, mồ hôi đổ xuống ròng ròng, cố gắng nghe theo mệnh lệnh của Phục Long mà giữ vững vị trí của mình.

Bất giác, Thanh Hoàng song tuyệt từ từ xê dịch về phía trước, đứng sát mặt trận.

Đồng thời lúc ấy, chiếc quạt trong tay Triển Bình cũng đang phe phẩy đợi chờ thời cơ... Triệu Tam Kỳ thì sắc mặt lạnh lùng, trong tay áo của lão ló ra thanh Yến Vĩ Tán, lão này cũng hầm hè chờ đợi.

Giang Thanh đứng trong thế bị bao vây, nhưng thái độ rất ư bình tĩnh, chàng nói:

- Năm vị Đại sư thảy đều Phật học cao thâm, chẳng lẽ lại nằng nằng quyết muốnt một mất một còn với kẻ hậu sinh?

Thình lình, Phục Hưng La Hán hét to:

- Phật tổ có linh thiêng, xin tha thứ cho đệ tử gánh lấy tội ác này mà về Tây Phương.

Nhưng Phục Long đã hô to:

- Sư đệ, khoan đã!

Nhưng Phục Hưng La Hán đã chồm tới như một con hổ điên cuồng, tay hữu dùng phất trần sử thế Hoàng Tảo Càn Khôn, bàn tay tả bất thần trổ ra một tuyệt học của Côn Luân phái là Tam Phích Lịch. Hai thế đánh liên kết vào nhau, không chừa cho Giang Thanh một kẽ hở.

Phục Long La Hán thở dài, vung thanh thiền trượng, điều khiển Quy Lưu trận thành thế Hóa Thần Vi Tận.

Năm vị La Hán lần lần dốc hết toàn lực để tấn công, khí thế mạnh mẽ hơn khi trước bội phần, nhứt là Phục Hưng hăm hở hơn hết.

Giang Thanh biết rằng, nếu mình không dùng độc thủ thì cái chết đã cầm chắc trong tay.

Chàng lại nạt lên một tiếng, dùng thanh Kim Long Đoạt chỉ lên giữa trời, nói một câu đầy khí khái:

- Bắc Tôn Mục Sơn!

Thanh Kim Long Đoạt lại phát ra một tiếng kêu rền rĩ, cơ hồ muốn thoát khỏi bàn tay chàng mà bay lên mây.

Thân hình mảnh khảnh của Giang Thanh quay cuồng cấp tốc, hai cánh tay không ngớt vẽ thành những hình vòng cung tuyệt mỹ, trong những hình vòng cung đó, kỳ chiêu trổ ra liên miên bất tuyệt.

Phục Hưng La Hán là người chịu đựng đầu tiên. Thế Hoàn Tảo Càn Khôn như đá chìm đáy biển, còn tuyệt kỹ Tam Phích Lịch thì nổ lốp bốp liên hồi, nhưng lại hòa lẫn với tiếng rên rỉ của chính bản thân lão...

huyyện xảy ra thật đột ngột, chính trong lúc đó, Giang Thanh thu hồi nội lực, thanh thiền trượng của Phục Long, giới đao của Phục Tây, chưởng phong của Phục Hổ và Phục Giao phối hợp với hai chiếc bóng đen từ bên ngoài bay vào, kết thành một luồng kình phong hào hùng vô kể, ập vào mình Giang Thanh.

Liếc mắt, Giang Thanh thấy Thanh Hoàng song tuyệt đã gia nhập vòng chiến.

Ngũ Phục La Hán và Thanh Hoàng song tuyệt lúc bấy giờ trố mắt nhìn Giang Thanh đang nhắm nghiền đôi mắt, bàn tay tả xỉa năm ngón lên trời, lòng bàn tay xoay vào mình, nhanh như chớp chàng xoay mình đổi cung trở bộ tống ra năm chưởng liên hoàn.

Trong thế đánh quái dị tiềm tàng chiêu thức thứ năm, phi thường lợi hại trong Như Lai thần chưởng là Phật Ngã Đồng Tại.

Năm chiêu này chia ra năm ngã khác nhau, tập kích dữ dội về phía Ngũ Phục La Hán và Thanh Hoàng song tuyệt.

Phục Long lúc bấy giờ càng thêm kinh hoảng rú lên:

- Như Lai thần chưởng!

Dứt lời vội dùng thanh thiền trượng chỏi lên mặt đất để cho thân hình cấp tốc thối lui.

Tiếp theo đó, Giang Thanh thét lên một tiếng:

- Chí Tôn Vi Ngộ!

Giữa đêm trượng lặng lẽ, trong khoảng tối âm u, bốn tiếng Chí Tôn Vi Ngộ vang lên như thần sầu quỷ khốc. Đó là chiêu cuối cùng trong tuyệt kỹ Đại Tôn đoạt pháp. Trong chớp mắt, hai luồng kình phong của Giang Thanh và Phục Long La Hán va chạm vào nhau. Một tiếng bùng dữ dội vang lên, thanh thiền trượng tuột khỏi tay của chủ nhân bay mất tích, mà thân hình gầy gò của Phục Long cũng bị đẩy trôi ra ngoài một trượng.

Đó là kết quả của chiêu Phật Ngã Đồng Tại hỗn hợp với Chí Tôn Vi Ngộ. Đó đây thảy đều lặng lẽ như tờ, tiếng binh khí im bặt, một bầu không khí âm u bao trùm lấy chiến trường.

Giang Thanh ngửa mặt nhìn trời, thở một hơi dài ảo não, trên sắc mặt chàng không lộ một vẻ vui mừng. Sự thảm bại của đối phương đem đến cho chàng một cảm giác nặng nề u uất.

Khoảng đất dưới chân mọi người giờ đây không còn một mảng tuyết, vì trận kịch chiến vừa qua đã đẩy trôi đi mất.

Thanh Kim Long Đoạt giờ đây rớm máu, từng giọt máu đào rơi xuống mặt đất đen ngòm.

Trước mặt Giang Thanh có sáu chiếc bóng đen lóp ngóp bò dậy. Giang Thanh biết rõ rằng còn một người không trỗi dậy được chính là kẻ thọ thương hai lần: Phục Hưng La Hán.

Sáu người bò dậy, ngoài Phục Long ra, trên cánh tay của mỗi người thảy đều trông thật là ghê rợn, đó là kiệt tác của Đại Tôn đoạt pháp.

Phục Long La Hán nhắm nghiền đôi mắt, thầm hô hấp một hồi để lấy lại bình tĩnh, rồi chắp tay nói rằng:

- Giang thí chủ, đêm nay được thưởng thức tài nghệ của Giang thí chủ, thật là vạn hạnh. Nhưng cớ sao thí chủ chẳng tiếp tục xuống tay, còn chờ gì nữa?

Giang Thanh lặng lẽ rút một vuông lụa đen ra gói kín thanh Kim Long Đoạt lại, đoạn nhìn thẳng vào đôi mắt của Phục Long, uể oải đáp:

- Giang Thanh này không phải là người xuất gia, nhưng lại biết cái đạo hiếu sinh, và thuyết luân hồi báo ứng, nên nguyện lấy đức mà báo oán, chắc Đại sư cũng hiểu rõ điều này!

Phục Long cúi đầu hổ thẹn. Thanh Hoàng song tuyệt rề tới trước mặt Giang Thanh nói:

- Giang Thanh, chúng ta đã nói, trận chiến này dầu thắng hay bại thì ân oán giữa đôi bên thảy đều xóa bỏ.

Các hạ có gặp Chiến lão ca thì xin chuyển lời rằng chúng tôi có lời xin lỗi, vì đã làm cho Chiến huynh bận rộn quá nhiều!

Phục Long La Hán thở dài:

- Hay lắm, hay lắm! Oán hờn thảy đều tiêu tan. Nếu ngày sau Giang thí chủ có rãnh xin dời gót đến Côn Luân ngao du một chuyến.

Giang Thanh chắp tay xá chào, đoạn thốt:

- Hậu nhật còn dài, nếu có dịp, thế nào tôi cũng bái yết Côn Luân cho thỏa lòng mong ước.

Nói rồi, Giang Thanh cất bước rút lui vào khoảng tối âm u trong những tiếng niệm Phật liên hồi của Ngũ Phục La Hán.


Khởi Nguyên Mobile

Hồi (1-61)


<