Vay nóng Tima

Truyện:Nhất phẩm giang sơn - Hồi 348

Nhất phẩm giang sơn
Trọn bộ 355 hồi
Hồi 348: Gây náo loạn
0.00
(0 lượt)


Hồi (1-355)

Siêu sale Lazada

- Ách...

Râu quai nón cảm thấy mình há miệng mắc quai, mới căm giận khoát tay:

- Cút cả đi!

- Tra Thứ.

Liếc Da Luật Ất Tân một cái, Tiêu Phong đánh bạo nói:

- Ngài không thể nói như vậy, nếu không sẽ lộ tẩy đấy.

- Ngươi....

Râu quai nón tức giận nghĩ một lát, lại ôm quyền nói:

- Nói rất đúng. Hai vị Vương gia, ta sai rồi!

- Tội chết vi thần.

Da Luật Ất Tân vội vàng nói, nhưng bị Tiêu Phong kéo lại, thi lễ với người râu quai nón:

- Một cây đại thụ trốn trong rừng rậm sẽ không khiến cho người ta chú ý đến. Vì sự an toàn của Tra Thứ, từ hôm nay, chúng ta sẽ xem ngài là một thị vệ bình thường.

- Đúng. Chính là như vậy!

Râu quai nón gật mạnh đầu, tựa hồ như rất hứng thú với trò chơi này.

- Vậy được rồi.

Da Luật Ất Tân gật gật đầu, ôm quyền với thị nữ kia, vừa muốn mở miệng, nàng lại làm lễ vạn phúc với y, mỉm cười nói:

- Vương gia, nô nô tên Tiêm Vân.

- Ách.

Nghe nàng tự xưng nô nô, Da Luật Ất Tân cảm thấy mình như sắp sụm xuống, cũng may trời sinh y là một kẻ giỏi ngụy trang, cũng không bị nhìn ra, gật đầu nói:'

- Chúng ta quay về.

- Tiễn Vương gia...

Một nam một nữ giả vờ giả vịt khiến cho Da Luật Ất Tân chịu không nổi, trốn cũng không được, đành phải chạy trối chết.

Sau một đêm sợ bóng sợ gió, người triều Tống đều chửi chó má, bà mẹ ngươi, Liêu cẩu chơi cái trò gì thế?

Bất kể thế nào, nhanh chóng rời khỏi Hùng Châu mới là chuyện chính, càng vào sâu nội địa, đám người Liêu này càng không bày trò được. Vì thế, không để ý đến một đêm chưa ngủ, Trần Khác liền thúc giục Liêu sứ khởi hành, lại thêm thái độ vô cùng không khách khí. Bọn người Lã Công Trứ còn tưởng vì mất ngủ mà hắn nổi điên, chỉ sợ người Liêu cũng bướng bỉnh. Ai ngờ tính tình người Liêu rất tốt, không nói lời nào mà ngoan ngoãn khởi hành.

Trên đường tới Biện Kinh, Liêu sứ vẫn một mực duy trì thái độ cung kính với người triều Tống, không chỉ đối với Trần Khác, mà ngay cả Lã Công Trứ, thậm chí Tăng Bố đều mở miệng gọi đại nhân, hoàn toàn nói gì nghe nấy, thái độ chỉ e làm cho họ giận.

Điều này khiến cho Lã Công Trứ và Tăng Bố thầm lẩm bẩm, trước kia đã từng gặp qua Sứ tiết nhà Liêu, cho dù gặp Thiên tử cũng cứ bệ vệ kiêu ngạo, kiêu căng vô cùng, sao lần này lại thành thật như vậy? Có vẻ như lúc nào cũng chột dạ...

Khi bọn họ hỏi chuyện này, Trần Khác cười nói:

- Người nước Liêu biết điều không phải tốt sao? Cho nên muốn làm gì, nói gì, đều phải thoải mái, ngàn vạn lần đừng có nhát gan, căn bản là không cần thiết.

Đây không phải là ám chỉ bọn họ nhận hối lộ của người Liêu sao? Hai người nuốt nước bọt hỏi:

- Trong lòng không kiên định, sao dám làm vậy?

- Không, nhất định phải làm!

Trần Khác nghiêm mặt nói:

- Ngươi không nhận sự ưu đãi của bọn họ, sao bọn họ có thể an tâm?

- Rốt cuộc trong hồ lô của người Liêu giấu thuốc gì?

Hai người cau mày.

- Không quan tâm thuốc gì, đợi bọn họ ngoan ngoãn đến Biện Kinh rồi nói sau.

Trần Khác giống như đã đoán ra, nhưng không định nói cho hai người, chỉ nói sâu xa:

- Hết thảy nghe theo lời ta nói là được rồi.

- Được!

Cả hai đều là người thông minh, nghe Trần Khác nói vậy, hiểu ngay có vài chuyện không cần phải biết.

Được Trần Khác cho phép, Lã Công Trứ và Tăng Bố trở nên thẳng thắn thành khẩn lại hữu hảo, hai vị Liêu sứ cũng phụ họa theo, dọc đường hòa thuận, thật vui vẻ tới phủ Đại Danh. Trần Khác nói với Da Luật Ất Tân, bây giờ sẽ có hai ngày để nghỉ ngơi và chỉnh đốn, có thể tự do hoạt động.

Da Luật Ất Tân vốn là không muốn trì hoãn dù chỉ một ngày, nhưng Trần Khác đã nói vậy y cũng không dám không nghe, đành nén nhịn nghỉ lại hai ngày. Ngày đầu tiên, tất cả người Liêu đều ở lại dịch quán không ra ngoài, khiến cho người Tống thấy rất kỳ lạ. Phủ Đại Danh là Bắc Kinh của Đại Tống, so với bất kỳ thành thị nào của nước Liêu đều phồn hoa hơn, không phải có sức hấp dẫn lớn nhất với người Liêu sao?

Tới tận chạng vạng ngày hôm sau, cuối cùng Da Luật Ất Tân cũng nổi lòng từ bi, cho phép thủ hạ có thể đi dạo trên phố. Người Khiết Đan vẫn bị trói buộc nghiêm khắc như được đại xá, ào một cái tất cả đều chạy ra phố uống rượu, nhất thời, trong toàn thành đều có thể nhìn thấy cái đầu hói của người Khiết Đan, khiến cho quan sai phủ Đại Danh rất khẩn trương.

Song lần này người Khiết Đan không còn ngang ngược nữa mà trở nên hết sức thành thật, mua đồ trả tiền, uống rượu nhã nhặn, đi trên đường lớn cũng không ồn ào, khiến cho phủ Đại Danh muốn rớt cằm.

......

Đêm đến, trăng sáng treo cao, phủ Đại Danh vẫn ồn ào như trước, đèn đuốc sáng trưng. Chợ đêm của phủ Đại Danh tuy không bằng Biện Kinh nhưng cũng có thể khiến cho người Khiết Đan như lâm quý cảnh (vào được nơi giàu sang), mở rộng tầm mắt.

- Phong cảnh Nam triều quả nhiên phi thường!

Râu quai nón Tra Thứ nhìn chợ đêm đông đúc không khỏi cảm thán, cắn một viên kẹo tuyết đường, khen nhiệt tình:

- Ăn ngon ăn ngon. Mà ngay cả đồ ăn của cái quán nhỏ này so với trẫm...

- Khụ khụ...

Da Luật Ất Tân mặc áo da bên cạnh ho khan liên tục, Tra Thứ vội sửa lời:

- Đều ngon hơn Triệu Vương phủ.

Da Luật Ất Tân không khỏi trợn trắng mắt, thầm nghĩ đây là lời một thị vệ nho nhỏ nên nói sao?

Tuy trên danh nghĩa Tra Thứ là thị vệ của y, đi theo ra ngoài để bảo vệ sự an toàn cho Vương gia, nhưng nhìn thế nào cũng thấy hẳn là nên ngược lại mới phải. Đường đường là Thân vương Đại Liêu lại nhắm mắt đi theo đuôi thị vệ của mình, thị vệ nhìn trúng cái gì bèn vội mua lấy, thị vệ muốn ăn gì bèn vội dâng. Thoạt nhìn vô cùng buồn cười.

Lúc này, đầu phố đột nhiên xảy ra náo loạn, lại có một con ngựa cao lớn chạy như diên, đằng sau còn có một người đàn ông thất kinh hô to:

- Mau tránh ra, ngựa đang sợ!

Đám người cuống quýt dạt sang hai bên, chỉ cảm thấy con ngựa kia nhanh như chớp, phút chốc đã vọt tới trước đoàn người Da Luật Ất Tân.

Tra Thứ đang mải mê đối phó với xâu thịt heo nướng, nghe thấy tiếng vó ngựa, chẳng buồn ngẩng đầu lên.

Không chút đắn đo, Da Luật Ất Tân liền chắn trước người y, mắt thấy khoảng cách người ngựa còn không đến một trượng, con ngựa kia đột nhiên sẩy chân, ầm ầm ngã sấp xuống trước mặt Da Luật Ất Tân. Nó giãy dụa muốn đứng lên lại bị y ấn một chưởng lên đầu, đè chặt xuống.

Lúc này dân chúng đang kinh hoảng mới hơi định thần nhìn lại, hóa ra có hai người Liêu dùng dây thừng chặn con ngựa lại...

Lúc này chủ nhân của con ngựa kia đã chạy tới, thấy va chạm với người Liêu, không chỉ thở dài xin lỗi còn muốn bỏ tiền bồi thường. Da Luật Ất Tân lại đứng lên, vỗ vỗ tay, không để ý tới người nọ, cùng Tra Thứ rời đi.

Con đường lại rất nhanh tràn đầy người, cảnh mạo hiểm vừa rồi tựa như một gợn sóng biến mất không còn, nhưng lại sâu sắc ghi lại trong lòng người nào đó.

Trên một tửu lâu sát đường, Trần Khác mặc áo thường cầm chén rượu đứng dựa vào lan can, chăm chú nhìn bóng lưng người có bộ râu quai nón kia, trong đầu hiện ra bóng dáng Hoàng đế nước Liêu Da Luật Hồng Cơ, hai thân ảnh dần chồng lên nhau, cực ăn khớp!

Sau khi rời khỏi phủ Đại Danh, đội ngũ vẫn tiếp tục đi vào địa giới Khai Phong, ngày mai sẽ vào kinh.

Trần Khác ở lại thu xếp cho Liêu sứ, thị vệ của hắn Trần Trung lại cưỡi khoái mã phi tới Biện Kinh trước. Một đường phóng ngựa vội vàng không ngừng nghỉ, cuối cùng cũng kịp vào trong thành trước khi cổng thành đóng.

Vào trong thành, Trần Trung vội vàng phi tới phủ Tề Vương, khi vào tới nơi thì con tuấn mã tốt nhất đã mệt đến tê liệt.

Lúc này vừa mới lên đèn, cửa lớn Tề Vương phủ đóng chặt, Trần Trung cũng không cố kỵ liền đập mạnh kêu mở cửa.

- Người nào lớn mật như thế?

Thị vệ bên trong tức giận hỏi.

- Hà lão tam hả? Ta là Trần Trung!

- A? Tiểu Trần!

Thị vệ vừa nghe, vội sai người mở cánh cửa nặng nề ra, thấy Trần Trung phong trần mệt mỏi đứng ở cửa, vội nói:

- Mau vào!

- Ta có lời nhắn của Học sĩ, muốn gặp Vương gia!

Trần Trung vừa đi vào vừa hỏi:

- Vương gia đâu?

- Vừa đúng lúc, ba ngày trước mới về nhà ăn cơm chiều.

Hà lão tam tự hào cười nói:

- Bây giờ Hoàng thượng một khắc cũng không rời khỏi Vương gia đấy.

Hà lão tam để y ngồi ngoài phòng khách, sau đó thông bẩm với thái giám quản sự. Viên thái giám kia vừa nghe là người Trần Khác phái tới, vội vàng tới nhà ăn bẩm báo.

Khoảng một chén trà sau, Triệu Thự mặc đồ hàng ngày đi ra, hỏi:

- Đã xảy ra chuyện gì?

Nói xong khoát tay bảo tả hữu lui ra.

Lúc này Trần Trung mới hạ giọng nói:

- Vương gia, Học sĩ nhà thần bẩm báo, rất có thể Liêu chủ ở trong sứ đoàn...

- Liêu chủ....

Triệu Thự sửng sốt một lúc sau mới phản ứng lại:

- Ngươi nói Da Luật Hồng Cơ ở trong sứ đoàn chúc thọ?

- Dạ!

Trần Trung đáp:

- Học sĩ nhà thần nói vậy!

- Sao có thể?

Đầu tiên là Triệu Thự không tin, nhưng sao Trần Khác có thể lừa gạt mình được? Chợt cau mày nói:

- Điều này quá không bình thường!

- Học sĩ cũng cảm thấy không bình thường. Kỳ thật khi ở Hùng Châu, ngài ấy đã cơ bản đoán được, nhưng thứ nhất do khó tin, thứ hai sợ rút dây động rừng, cho nên không lập tức bẩm báo.

Trần Trung hạ giọng:

- Tới gần phủ Đại Danh, ngài cố ý tuyên bố nghỉ ngơi và chỉnh đốn hai ngày, cho phép Liêu sứ tự do hoạt động trong thành...

Nghe Trần Trung bẩm báo xong, Triệu Thự tin chắc không thể nghi ngờ, không quan tâm Da Luật Hồng Cơ nghĩ gì, y đã đến đây, hơn nữa ngày mai sẽ vào kinh!

*****

Suy nghĩ một chút, y lệnh cho người dẫn Trần Trung đi ăn cơm, còn mình thì đổi triều phục sai người chuẩn bị xe vào cung.

- Vương gia, cửa cung đã khóa từ lâu...

Thái giám ngoài Hoàng thành nhắc nhở.

- Bảo mở ra!

Triệu Thự nói không cần suy nghĩ.

- A...

Lính Hoàng thành sợ ngây người:

- Tất cả cửa Hoàng thành phải đóng trước khi trời tối, trước khi mặt trời mọc không thể tự ý mở. Đây là thiết luật.

- Mọi việc đều có ngoại lệ.

Triệu Thự thản nhiên nói.

- Nếu thực sự có chuyện quan trọng, nhất định phải mở cửa cung, kèm theo sắc lệnh ngư phù. Vả lại từ Đại tướng quân gác cổng trở xuống, sau khi quan thủ vệ duyệt song thì phải viết tấu, kế đến Quan gia chuẩn tấu mới có thể gọi quan giữ chìa khóa cửa cung đến mở cửa.

- Làm theo là được.

Triệu Thự ngồi vào trong xe, chậm rãi nhắm mắt lại.

- Vâng...

Lính canh Hoàng thành không dám lắm miệng nữa, vội vàng thúc khoái mã tới ngoài cửa Tuyên Đức, thông truyền với thái giám thủ vệ bên trong.

Nếu là người bình thường đến kêu cửa, hẳn thái giám thủ vệ đã mắng đuổi về, nhưng Tề Vương Điện hạ là ai? Trong cung đều biết chính là Thái tử tương lai! Thái giám thủ vệ dám khinh thường sao?

Đương nhiên, có cái gương giáo huấn của Cổn Quốc Công chúa kêu oan, thái giám nào dám tự mình mở cửa, vội vàng thông bẩm từng bước.

Triệu Thự chờ bên ngoài cửa cung hơn nửa canh giờ, thủ tục mở cửa cung cũng được lần lượt thực hiện, do Tri Hoàng Thành Ti Địch Nguyên soái Địch Thanh tự mình cầm một xâu đồng ngư phù trong tay, mở từng tầng cửa cung cho Trệu Thự... Mỗi đồng ngư phù đều khắc một tên cửa cung, chia làm hai nửa tả hữu, thủ thần mỗi cửa cầm một nửa, Địch Thanh giữ nửa còn lại.

Khi mở cửa, hai đội cấm quân trong ngoài thành kết hợp, cầm đuốc chiếu sáng như ban ngày. Địch Thanh và thái giám thủ vệ cẩn thận kiểm tra ngư phù, bảo đảm không thể nhầm mới mở cửa, cứ thế từng tầng từng tầng mở ra, mất thêm nửa canh giờ, cửa Tuyên Đức mới từ từ mở ra.

Nhìn cửa cung chậm rãi mở ra, khóe miệng Triệu Thự nhếch cười, y và Trần Khác đã tâm ý tương thông, rất nhiều chuyện không cần nói rõ cũng hiểu được ý của đối phương. Thực ra Trần Khác hoàn toàn có thể truyền tin đến sớm một tí, tất nhiên y sẽ không cần hưng sư động chúng như vậy.

Nhưng lại càng phải hưng sư động chúng, chính là muốn để cho bách quan trong triều đều biết, Hoàng thượng có thể không hỏi lý do đã mở cửa cung, tức là tín nhiệm giữa cha con Tề Vương đã đến mức nào!

Chuyện này hoàn toàn khác với lần đó Cổn Quốc Công chúa kêu oan, bởi vì trong mắt sĩ phu, nữ nhân nào có chính sự gì, đều là việc tư cả. Vì việc tư trái với cung cấm mới thành vấn đề. Mà Tề Vương Điện hạ là vì quốc quân đại sự, là hai chuyện hoàn toàn khác nhau.

Địch Thanh sắc mặt nghiêm túc đứng trước mặt Triệu Thự, nghiêng người nói:

- Vương gia, mời khẩn trương vào cung, Bệ hạ đợi đã lâu.

- Ừ.

Triệu Thự gật đầu, ngồi trên kiệu nói:

- Làm phiền Nguyên soái rồi.

Trong điện Phúc Ninh, Triệu Trinh đã sớm sai người hâm nóng canh táo đỏ chờ Triệu Thự đến.

- Bái kiến phụ hoàng.

Triệu Thự đi vào trong điện, khom mình thi lễ nói:

- Nửa đêm nhi thần còn đập cửa, đã mang tội lớn.

- Không sao, luật là chết người là sống. Nếu như ngươi có chuyện quan trọng, chờ đến mai chẳng phải đã muộn rồi sao...

Triệu Trinh mỉm cười nói:

- Huống chi gần đây vi phụ mất ngủ, nằm cũng không ngủ được.

Nói xong đứng dậy bảo Hồ Ngôn Đoái:

- Mang cho Tề Vương một bát canh đi, ban đêm dễ nhiễm lạnh, uống vào cho ấm bụng.

- Đa tạ phụ hoàng.

Triệu Thự nhận lấy, hai ba miếng là ăn hết, súc miệng xong thấp giọng nói:

- Nhi thần vừa mới nhận mật báo, lo rằng không chờ được, mới không thể không bẩm báo trong đêm.

- Hả?

Triệu Trinh khoát tay, Hồ Ngôn Đoái bèn dẫn một đám cung nhân lui xuống, mới nhẹ giọng hỏi:

- Chuyện gì?

- Theo như nguồn tin đáng tin cậy, trong sứ đoàn nước Liêu có Liêu chủ Da Luật Hồng Cơ cải trang vi hành.

Triệu Thự ghé sát vào phụ hoàng, nhỏ giọng nói.

- Hả?

Triệu Trinh cũng ngẩn ngơ một lát, mới cười nói:

- Làm sao có thể?

- Cực kỳ chính xác.

Triệu Thự thấp giọng nói:

- Lúc nãy người của Trần Trọng Phương phái người nói cho con biết đấy.

Nói xong, bèn thuật lại những gì Trần Trung đã nói cho Hoàng thượng.

Sau khi nghe xong, Triệu Trinh chìm vào trầm tư, hai tay vỗ đầu gối, kỳ lạ nói:

- Đường đường là Hoàng đế nước Liêu, cam mạo kỳ hiểm xâm nhập vào nước ta, nhất định toan tính không ít?

- Thường thì là như thế.

Triệu Thự nói:

- Nghe nói vào đêm bọn họ ở Hùng Châu, Bì Thất quân nước Liêu đã bất ngờ xuôi Nam, giả vờ sẽ lao thẳng tới Hùng Châu, chỉ có điều đến biên cảnh lại đột nhiên quay lại... Trần Trọng Phương nói, đây là Hoàng Thái thúc nước Liêu giả lệnh Liêu chủ, ý muốn gài những người bên này vào chỗ chết.

- Ngươi nói y đến nước ta cầu viện sao?

Triệu Trinh khẽ cau mày nói:

- Nhưng chúng ta không quản được việc nhà của người Liêu.

- Thế thì không đến mức. Bì Thất quân có chiến lực mạnh nhất nước Liêu, chỉ thuần phục một mình Hoàng đế.

Triệu Thự đáp:

- Liêu chủ có đội quân này trong tay, có phản loạn gì không bình định được?

- Đúng vậy.

Triệu Trinh nói:

- Vậy vì sao y phải tách khỏi Bì Thất quân? Đây không phải là tự đâm đầu vào nguy hiểm sao?

- Liêu chủ Da Luật Hồng Cơ là một người rất lỗ mãng, thường xuyên bỏ lại thị vệ, một mình cưỡi ngựa vào rừng săn hổ. Nghe nói có một năm, y chỉ dẫn theo vài thị vệ, đến Liêu Hà Bộ Hải Đông Thanh, bị người Nữ Chân bắt được. Cũng may người Nữ Chân chỉ cho y là một quý tộc nước Liêu bình thường, chỉ đòi một số tiền chuộc bèn thả ra.

Triệu Thự cau mày nói:

- Người này tuy là quốc quân tôn quý, nhưng thật sự không thể dùng lẽ thường mà phỏng đoán.

- Ý của con là?

- Rất có thể y cũng chẳng có mục đích nghiêm chỉnh gì.

Triệu Thự hạ giọng nói:

- Chỉ muốn đến Đại Tống chơi một chút thôi...

- Chơi một chút?

Triệu Trinh đang húp một ngụm canh suýt nữa phun vào mặt Triệu Thự. Hoàng đế Đại Tống từ nhỏ chịu sự giáo dục của Nho gia mà lớn lên, thật không thể tưởng tượng có một đồng nghiệp sẽ đem cả giang sơn xã tắc, cả thân thể thiên kim ra làm trò đùa.

- Tuy thực không thể tin được.

Triệu Thự lúng túng nói:

- Nhưng nhi thần nghĩ đây là khả năng lớn nhất.

Nói xong xòe hai tay ra:

- Bằng không, giải thích thế nào cũng không thông tại sao y phải đến Đại Tống.

- Còn một khả năng nữa.

Gừng càng già càng cay, Triệu Trinh suy nghĩ chốc lát, thấp giọng nói:

- Y lạt mềm buộc chặt.

- Lạt mềm buộc chặt?

- Ừ.

Triệu Trinh gật đầu nói:

- Có thể y đã nhận ra được cha con Da Luật Trọng Nguyên có ý đồ bất chính, nhưng Trọng Nguyên lại là thúc phụ của y, lại là Thái tử mà hai đời cha con cùng lập nên, thật sự khó có thể xử trí. Da Luật Hồng Cơ muốn giảm bớt áp lực, biện pháp tốt nhất là khiến cho Da Luật Trọng Nguyên ra tay trước. Đại tội mưu nghịch bày rõ thiên hạ, thu thập bọn họ sẽ thuận lợi hơn.

- Cho nên Da Luật Hồng Cơ cố ý rời khỏi nước Liêu, để cho Da Luật Trọng Nguyên nghĩ rằng đã gặp cơ hội tốt trời ban!

Triệu Thự hạ giọng nói:

- Đợi tới khi y ngang nhiên gây loạn sẽ quay về đối phó với y, tất cả sẽ không còn gì để nói.

Tuy nói vậy, nhưng y lại rất nghi ngờ vị Liêu chủ kia có tâm cơ này không:

- Y không sợ có đi mà không có về chứ?

- Hẳn là vấn đề không lớn. Đây là người thông minh, biết được nơi nguy hiểm nhất lại là nơi an toàn nhất.

Triệu Trinh chậm rãi nói:

- Ai có thể nghĩ y sẽ trà trộn vào sứ đoàn nhà Liêu chạy đến Đại Tống ta? Nếu không phải quả nhân trùng hợp phái Trần Khác đi đón khách, khẳng định chúng ta vẫn chưa biết gì. Lui mười ngàn bước mà nói, cho dù chúng ta phát hiện ra y...

Hoàng thượng cười tự giễu:

- Y cũng sẽ bình yên quay về.

- Vì sao?

- Bởi vì Hoàng đế Đại Tống là Triệu Trinh..

Nét tự giễu trên khuôn mặt Triệu Trinh càng lúc càng dày:

- Y biết Đại Tống ta không dám khai chiến với nước Liêu, chỉ cần y lấy cái chết ra dọa, nhất định ta sẽ thả y về.

Nếu Liêu chủ chết ở Đại Tống, khẳng định nước Liêu sẽ dốc toàn lực báo thù cho y, nếu đổi là Hoàng đế khác, có thể nhất thời kích động, trước chém sau mới tính. Nhưng Triệu Trinh lại là nhân quân yêu hòa bình, tuyệt đối sẽ không làm thương tổn đến một cọng tóc gáy của y.

Da Luật Trọng Nguyên có tâm cơ như vậy sao? Triệu Thự không khỏi âm thầm tự hỏi, y cảm thấy khả năng lớn nhất vẫn là Hoàng thượng đã quá xem trọng đối phương rồi. Tuy nhiên, bất kể thế nào, việc cấp bách là nên xử trí với Hoàng đế nước Liêu đã đưa tới cửa này thế nào đây?

- Phụ hoàng, ngày mai Liêu chủ vào kinh rồi.

Triệu Thự nói:

- Lúc này Trọng Phương mới bẩm báo cũng là để tránh rút dây động rừng, đảm bảo Liêu chủ sẽ không trốn khỏi lòng bàn tay chúng ta.

Dừng một lát, nói tiếp:

- Còn xử trí thế nào, toàn bộ nghe theo phụ hoàng.

- Trần Khác làm việc chắc chắn đấy.

Triệu Trinh gật đầu nói:

- Còn về phần Liêu chủ... ngươi thấy thế nào?

- Nhi thần nghĩ, có hai phương án.

Triệu Thự nói:

- Một là, ngày mai sẽ dùng lễ tiết cao nhất nghênh đón y, cho thấy chúng ta đã nhìn thấu thân phận của y, sau đó muốn thế nào thì chúng ta theo y, miễn rằng chúng ta không thất lễ là được. Hoặc là giả vờ như không biết gì cả, để cho y lặng lẽ đến lại lặng lẽ đi, chúng ta cứ xem như y chưa từng đến là được.

*****

- Phương án thứ nhất không tốt.

Triệu Trinh suy nghĩ một chút, nói:

- Tuy hiện tại hai nước là láng giềng hữu hảo, nhưng căn bản vẫn là địch quốc. Từ khi Thạch Kính Đường cắt đất nhường Yến Vân, người Hán đã bị người Liêu ức hiếp thảm rồi. Hiện tại, khó khăn lắm quốc quân của bọn họ mới chui đầu vào lưới, tất nhiên sẽ có rất nhiều người yêu cầu bắt giam y, đến lúc đó chúng ta phải che chở cho y, sẽ rất bị động.

- Vậy làm bộ như không biết?

Triệu Thự hạ giọng nói.

- Ừ.

Triệu Trinh vuốt cằm nói:

- Trần Khác đoán có thể Quả nhân có thể làm như vậy nên mới không làm ầm lên, tâm cơ người này rất sâu, có thể thấy được phần nào. Tương lai nếu con cảm thấy hắn không cùng một lòng với mình thì sớm trừ đi.

- Sẽ không đâu.

Triệu Thự lắc đầu nói:

- Trần Khác chí hướng cao thượng, sẽ không tự mình tư lợi, quốc sĩ thế này nếu chúng ta không tin đích thị là con làm không đúng.

- Ha ha...

Triệu Trinh nhìn y, thêm vài phần hâm mộ, nói:

- Quả nhân chưa từng có bằng hữu, cũng nghĩ rằng Hoàng đế sẽ không có bằng hữu. Chỉ mong con có thể chứng minh rằng Quả nhân sai.

- Nhất định.

Triệu Thự quả quyết gật đầu nói.

......

Sáng sớm hôm sau, sứ đoàn xuất phát tới Biện Kinh. Còn cách Biện Kinh năm dặm đã có quan viên Lễ Bộ ra nghênh đón, tất cả nghi lễ vẫn như cũ, không tăng thêm chút nào. Đối với chuyện này Trần Khác cũng không hề kinh ngạc, sáng nay không thấy Trần Trung quay về đã nói rõ thái độ của Hoàng thượng và Tề Vương.

Theo lý thuyết, sứ đoàn thuận lợi vào kinh, việc tiếp sứ nước bạn của hắn coi như công đức viên mãn, công tác sau đó do các quan viên khác làm. Nhưng Trần Khác nhìn một vòng cũng không thấy đồng nghiệp tới đón mình. Vẫn là Thượng thư Lễ bộ Thị lang Hồ Túc đi tới, cười nói:

- Trần Học sĩ đã cực khổ rồi, có ý chỉ.

- Thần lĩnh chỉ!

- Mệnh Tiếp Bạn Sứ Trần Khác làm Quán Bạn Sứ. Khâm thử. (từ đón thành tiếp)

Hồ Túc cười nói:

- Một chuyện không phiền hai chủ, Trần Học sĩ phụ trách đến cùng đi thôi.

- Thần tiếp chỉ.

Trần Khác cũng không nghĩ gì nữa, chuyện này quả thật để hắn phụ trách mới thỏa đáng.

Vì thế, hắn dẫn sứ Liêu đến sứ quán nước Liêu ở thành đông bắc ngủ lại. Sau khi hai nước kết thành huynh đệ, đều lập sứ quán cho nước bạn ở trong nước mình, để cho sứ tiết đến kinh thì ở lại. Sứ quán nước Liêu ở Biện Kinh chiếm cả một con đường, mỗi khi có Liêu sứ đến, phủ Khai Phong và Binh bộ đều phái binh thủ vệ không cho người Tống tới gần.

Thu xếp chỗ ở cho Liêu sứ xong, Trần Khác nói với Da Luật Ất Tân:

- Ta đã chuyển quốc thư tới Ngân Đài Ti hộ các ngài, từ bây giờ đến lễ Càn Nguyên còn nửa tháng, phỏng chừng trước mười bốn tháng tư, Hoàng thượng sẽ triệu gặp các ngài một lần. Đến lúc đó ta sẽ báo trước, thời gian còn lại xin cứ tự nhiên.

- Toàn bộ nghe theo Học sĩ an bài.

Da Luật Ất Tân nói:

- Nếu học sĩ bận rộn, mấy ngày này có thể không cần phải tới đây. Có chuyện gì ta sẽ đến quý phủ tìm ngài.

- Cái này sợ là không được.

Trần Khác lắc đầu nói:

- Theo lệ, khi quý sứ ở trong kinh, Quán Bạn Sứ phải ở cùng trong suốt quá trình.

Da Luật Ât Tân nghe vậy nhíu chặt mày, mình vẫn ở cùng Tra Thứ, nếu họ Trần ở cùng với mình mọi lúc mọi nơi chẳng phải sẽ thường đối mặt với Tra Thứ sao? Tám phần mười sẽ để lộ! Suy nghĩ một chút, bèn cười với một vẻ mặt nam nhân nào cũng hiểu:

- Vậy thì tốt quá. Tiểu Vương nghe nói Biện Kinh phong nguyệt khôn cùng, sớm đã có tâm muốn say rượu hoa một lần, nghe nói Học sĩ là người đứng đầu phong nguyệt Đại Tống...

- Cái này....

Trần Khác khó xử nói:

- Đại Tống có quy tắc quan viên không được ra vào kỹ viện. Thứ cho hạ quan không thể hầu tiếp.

- Vậy sao....

Sắc mặc Da Luật Ất Tân có vẻ đáng tiếc:

- Vậy Học sĩ đi cùng Phó sứ đi, Tiêu đại nhân không gần nữ sắc, sẽ không làm khó Học sĩ.

- Cũng tốt, vậy không quấy rầy nhã hứng của Vương gia.

Trần Khác cười nói.

Ra khỏi sứ quán nước Liêu, Trần Khác liền tới Ngân Đài Ti nộp quốc thư cho người Liêu, hai ngày sau cùng Tiêu Phong ở sứ quán nước Liêu chơi cờ giết thời gian. Mà Da Luật Ất Tân kia cả ngày không nhìn thấy mặt, quả thực chơi ở bên ngoài muốn phát điên rồi...

Ban đầu Tiêu Phong vẫn còn bình thường, nhưng bắt đầu từ ngày thứ hai, ánh mắt đã bắt đầu khó xử, ấp a ấp úng như có chuyện muốn nói, nhưng lại khó mở miệng.

Y không nói, Trần Khác quyết định không hỏi, cần gì phải chuốc phiền não của người khác vào mình chứ. Nhưng Trần Khác cũng có vấn đề quan tâm, tỷ như vị Nhị Hoàng tử nước Liêu kia hiện nay thế nào.

Đương nhiên, hắn sẽ không hỏi thẳng Nhị Hoàng tử, mà đầu tiên là hỏi Liêu chủ, rồi hỏi đến Đại Hoàng tử, sau đó mới rất tự nhiên hỏi tiếp:

- Nghe nói năm ấy Hoàng đế quý quốc có sinh hạ Nhị Hoàng tử, hiện giờ còn chưa đến hai tuổi phải không?

- Điện hạ đã được hai tuổi, sắp đến sinh nhật rồi.

- Tên gì nhỉ?

- Da Luật Ức.

- Tên rất hay.

Trần Khác hơi sững sờ, khen.

- Hay chỗ nào?

Tiêu Phong hỏi.

- Đại Điện hạ tên Da Luật Tuấn, Nhị Điện hạ tên Da Luật Dật, tuấn dật phi phàm!

Trần Khác gượng cười nói:

- Hoàng hậu nương nương là đệ nhất mỹ nữ Bắc triều, sinh ra hai con trai đương nhiên xứng với hai chữ này.

- Đại Điện hạ là "Tuấn" trong "Mạc tuấn phỉ tuyền" (1), còn Nhị Điện hạ là "Ức" trong "Năng bất ức Giang Nam" (2)

Tiêu Phong có phần không thích thú phản đối.

(1): "Tuấn" này nghĩa là sâu, trong Thi Kinh "Tiểu Nhã – Tiểu Biện" có câu: "Mạc cao phỉ sơn, mạc tuấn phỉ tuyền"

(2) Câu cuối trong bài thơ "Ức Giang Nam" của Bạch Cư Dị

Giang Nam hảo,

Phong cảnh cựu tằng am.

Nhật xuất giang hoa hồng thắng hoả,

Xuân lai giang thuỷ lục như lam,

Năng bất ức Giang Nam

Dịch:

Giang Nam đẹp

Phong cảnh vốn thật quen.

Nắng lên hoa sóng hồng tơ lửa,

Xuân về sông nước lặng xanh trong,

Chẳng nhớ Giang Nam sao?

- Ha ha, vậy à...

Trần Khác cười khan.

- Hơn nữa, Đại Điện hạ lớn lên giống như Bệ hạ, khuôn mặt rất cương nghị.

Tiêu Phong liếc nhìn Trần Khác, buồn bã nói:

- Nhị Điện hạ lại vừa không giống Điện hạ, vừa không giống nương nương, thật không biết giống ai.

- Chỉ là trẻ con thôi mà, bộ dáng sẽ còn thay đổi.

Trần Khác cúi đầu nói:

- Lớn lên sẽ giống.

- Chỉ mong vậy.

Tiêu Phong thở dài, nói như nói đùa:

- Đột nhiên phát hiện ra, Nhị Điện hạ cũng hơi giống Học sĩ.

- Khụ khụ....

Trần Khác bị bắt trúng tim đen, cười gượng nói:

- Quen thì quen, nhưng không thể nói lung tung. Có thể mặt ta khá phổ biến, nhìn ai cũng thấy giống giống.

- Ra vậy.

Tiêu Phong chợt nói.

Trần Khác không dám đùa với lửa nữa, vội vàng đổi đề tài:

- Hơn nữa, trẻ con thì thông minh khỏe mạnh mới là quan trọng nhất, diện mạo giống ai cũng không sao.

- Thật sự Nhị Điện hạ thông minh phi thường, mới hai tuổi đã có thể ngâm thơ đọc từ rồi.

Tiêu Phong thản nhiên nói.

- Hả?

Lòng Trần Khác thầm run lên bần bật, lại hơi nhớ nhung hỏi:

- Đọc thi từ gì vậy?

- Tất cả đều là tác phẩm của Học sĩ.

Không đổi sắc, Tiêu Phong đáp.

- Thực ra thơ Đường là phải học, nhất là biên tái thơ, đó mới là thứ nam nhi nên học.

Trần Khác không kìm nổi mà nói.

- Lời ấy của Học sĩ...

Sắc mặt Tiêu phong quái dị:

- Biên tái thơ, thích hợp cho người Liêu chúng ta học sao?

- A...

Trần Khác sực nhớ ra, trong thơ biên tái, nhân vật phản diện đều là các dân tộc du mục người Hung Nô Đột Quyết, chính là lão tổ tông của người Khiết Đan... Không khỏi xấu hổ cười nói:

- Thôi, là ta lỡ lời rồi...

Bèn đổi chủ đề khác, không động chạm đến vị Nhị Điện hạ kia nữa.

Hai người câu được câu không trò chuyện, đều là ôm đầy bụng tâm sự, cuối cùng cũng chịu đựng được đến hết ngày, Trần Khác vội đứng lên cáo từ:

- Ngày mai gặp lại.

- Ta tiễn đại nhân.

Tiêu Phong đứng dậy nắm tay hắn đi ra ngoài, đợi Trần Khác lên xe mới quay lại.

......

Trên xe ngựa, Trần Khác lấy ra một tờ giấy từ trong ống tay áo, khi Tiêu Phong mượn cớ nắm tay hắn ra ngoài đã tranh thủ nhét vào, không biết là trò gì.

Vừa mở ra, suýt nữa hồn bay phách lạc, chỉ thấy trên đó ghi rõ ràng nửa bài "Cầu Hỉ Thước"

"Tiêm vân lộng xảo

Phi tinh truyện hận

Ngận hán điều điều ám độ

Kim phong ngọc lộ nhất tương phùng

Liên thắng khước nhân gian vô số"

(Thước Kiều Tiên của Tần Quan:

"Tiêm vân lộng xảo

Phi tinh truyện hận

Ngận hán điều điều ám độ

Kim phong ngọc lộ nhất tương phùng

Liên thắng khước nhân gian vô số

Nhu tình tựa thủy

Giai kỳ như mộng

Nhẫn cố thước kiều quy lộ!

Lưỡng tình nhược thị cửu trường thì,

Hựu khởi tại triêu triêu mộ mộ?"

Tạm dịch

Âm thầm thả bước sông Ngân

Sao bay truyền hận, mây vần sắc hoa

Gió vàng, sương ngọc nơi xa

Cùng nhau hội ngộ hơn xa nhân trần

Tình mềm tựa thủy xoay quần

Hẹn tình đẹp tựa muôn phần như mơ

Thước Kiều đâu dạ đành ngơ

Đôi tình đã hẹn tình thơ lâu bền

Chỉ cần lòng dặn chẳng quên

Cần chi sớm tối cùng bên nhau hoài

Đây là nửa bài từ trước kia Trần Khác viết tặng Tiêu Quan Âm, sau vài năm vẫn thấm đẫm gian tình. Cái này... tại sao lại rơi vào tay Tiêu Phong?

- Hay kẻ này muốn bức ta?

Đây là ý niệm đầu tiên trong đầu Trần Khác, nhưng hắn liền hủy bỏ. Tiêu Phong là tộc nhân thân tín nhất của Tiêu Hoàng hậu, năm đó còn nhận mật lệnh của Tiêu Hậu đi tìm mình hỏi kế. Chuyện mà bại lộ, y chạy không thoát!

- Vậy y muốn làm gì?

Quay lại trong phủ, Trần Khác vẫn đứng ngồi không yên, đoán không ra rốt cuộc Tiêu Phong muốn làm gì. Bỗng nhiên nghĩ đến một khả năng, hay người này chỉ là người chuyển lời? Nếu không, tại sao y lại có nửa bài từ lấy mạng người này?

*****

Nếu là người chuyển lời... thì cũng không cần lo lắng rồi, chỉ cần chờ y truyền lời nốt là có thể an tâm lên giường ngủ.

Ngày hôm sau, Trần Khác lại tiếp tục đến sứ quán tiếp khách, Tiếp Bạn Sứ cũng được, Quán Bạn Sứ cũng thế, kỳ thật chính là cùng ăn cùng chơi cùng nói chuyện phiếm, thật sự là một việc dễ chịu nhất.

Hôm nay Tiêu Phong không muốn chơi cờ, nói:

- Cả ngày ngồi ở trong sứ quán rất buồn chán, không bằng ra ngoài đi dạo thôi.

- Muốn đi sao?

Cùng chơi là nghĩa vụ, đương nhiên Trần Khác không phản đối.

- Sớm nghe nói Biện Kinh có tám cảnh vang danh thiên hạ.

Tiêu Phong hỏi:

- Không biết là tám cảnh nào?

- Phồn đài xuân sắc, Thiết tháp hành vân, Kim trì dạ vũ, Châu kiều minh nguyệt, Lương viên tuyết tế, Biện thủy thu thanh, Tùy đê yên liễu, Tướng quốc sương chung (Đài xuân, tháp sắt chạm mây, hồ vàng mưa đêm, trăng sáng trên cầu, vườn tuyết, cảnh nước sông Biện, khói đê, chùa Tướng quốc).

Trần Khác đáp, thuộc như lòng bàn tay:

- Bây giờ là lúc Phồn đài xuân sắc, Tùy đê khói liễu. Vương gia muốn đi, để bản quan thu xếp.

- Hay là đến Tướng Quốc Tự đi.

Tiêu Phong cũng rất có chủ ý:

- Người Khiết Đan chúng ta đều tin Phật, cũng có nghe qua đại danh Tướng Quốc Tự, ta muốn đi bái một chút.

- Ha ha.

Trần Khác lại lắc đầu cười nói:

- Chỉ sợ ngài sẽ thất vọng, vì hòa thượng Tướng Quốc Tự cũng đã đổi nghề kinh thương rồi, bây giờ là nghiệp chủ lớn nhất Đại Tống, Vương gia còn muốn đi dâng hương sao?

- A..

Tiêu Phong lúng túng nói:

- Vậy Khai Phong còn tòa chùa miếu nào linh nghiệm không?

- Có Khai Bảo Tự.

Trần Khác cười nói:

- Hơn nữa, Linh Cảm tháp của Khai Bảo Tự còn là nơi cao nhất thành Biện Kinh.

- Chính là tòa Thiết tháp mà đứng trong viện cũng có thể nhìn thấy sao?

Trần Khác gật đầu nói:

- Chính nó.

- Tốt lắm, vậy đến đó.

Tiêu Phong nói:

- Trần đại nhân chờ một lát, tại hạ đi thay quần áo.

- Ta cũng thế.

Trần Khác cười nói. Lúc này cao quan phú cổ đều chuẩn bị sẵn vài bộ quần áo trên xe ngựa để mặc trong trường hợp khác, tuy Trần Khác không phải không chú ý, nhưng ít ra vẫn chuẩn bị một thân y phục hàng ngày.

Hắn nhanh chóng thay xong quần áo, đợi Tiêu Phong đi ra, ai ngờ đợi trái đợi phải đều không thấy bóng dáng. Cũng may Trần Khác lúc này đã rèn được tính kiên nhẫn, cũng không thúc giục, ngồi đó nhắm mắt dưỡng thần. Qua khoảng gần nửa canh giờ mới nghe tiếng bước chân vang lên. Trần Khác trợn mắt nhìn, chỉ thấy Tiêu Phong mặc một thân trường bào người Hán hoa quý, đầu vấn khăn buông thõng, được các thị vệ thị nữ đưa ra.

- Để Học sĩ đợi lâu rồi.

Tiêu Phong xin lỗi.

- Không sao không sao.

Trần Khác cười nói:

- Vương gia xuất hành, không thể không cẩn thận.

- Ha ha...

Tiêu Phong cười cười, cũng không giải thích. Ngay sau đó có quan sai dẫn đường, năm cỗ xe ngựa đi vào chùa Khai Bảo.

Chùa Khai Bảo dựng tại góc đông bắc bên trong thành Biện Kinh, được xây trong những năm Khai Bảo của Đại Tống. Thật ra đây là chùa của Hoàng gia, tuy cũng cho phép khách hành hương bình thường đến bái Phật, nhưng chung quy so với chùa bình thường cũng cao quý hơn một chút. Trong chùa có Linh Cảm tháp cao nhất thành Biện Kinh, tháp cao mười bảy trượng (~ 41. 65m – chừng bằng tòa nhà 10-15 tầng bây giờ), cả tòa tháp được ốp bằng gạch màu xanh lưu ly, xa xa nhìn như một cây thiết trụ chống trời sừng sững giữa kinh thành Đại Tống, bởi vậy mới có tên Khai Phong thiết tháp.

Tòa tháp này mỗi tháng mở ra hai lần cho thị dân, dọc theo tháp có thang đu, cũng có bậc thang xoắn ốc lên thẳng đỉnh tháp. Nghe nói lên đến tầng năm có thể nhìn thấy phố cảnh Biện Kinh, tầng bảy có thể nhìn thấy đê hộ thành, tầng chín có thể nhìn thấy Hoàng hà, leo lên đến tầng mười hai sẽ lên thẳng tới trời. Cảm thấy mây trời vờn quanh thân, gió mát dịu dịu mơn man da mặt, như đang ở trên Thiên cung, vì vậy còn có tên "Thiết tháp hành vân".

Sau khi bái Phật, Tiêu Phong hứng khởi đề xuất muốn trèo lên tháp nhìn xuống. Hôm nay vốn không phải ngày mở cửa, nhưng Trần Khác ra lệnh một tiếng, tòa bảo tháp to như vậy coi như được dành riêng cho hai người.

- Các ngươi đều đi bái Phật đi.

Tiêu Phong liếc nhìn bọn thị vệ và thị nữ nói:

- Để lại một người hầu hạ ở đây là được.

Dừng một lát, lại nói:

- Y Cổ Lệ, ngươi ở lại đi.

Y Cổ Lệ kia mặc một trường bào rộng, đeo mạng che mặt... Bão cát phương bắc như đao, là nữ tử, bất kể già trẻ tôn ti, ra ngoài đều đeo mạng. Tuy thành Biện Kinh xuân phong ấm áp, nhưng thói quen của nữ tử Khiết Đan vẫn không đổi, vẫn đội khăn.

Y Cổ Lệ gật đầu, mơ hồ vâng một tiếng, bèn đi theo Vương gia và Trần Học sĩ vào tháp.

Trần Khác cảm thấy hơi lạ, tuy hắn có thể không vào trong tháp, nhưng có một cảm giác mãnh liệt thôi thúc hắn khiến cho hắn không thể dừng bước.

Lên tới tầng thứ chín, Tiêu Phong thở dài nói:

- Cho dù xa ngàn dặm, chỉ có thể leo đến chín tầng lầu... Ta mệt rồi, Y Cổ Lệ, người cùng Học sĩ lên đỉnh đi.

Y Cổ Lệ gật đầu, thấy Trần Khác đứng ngẩn ở đó, bèn nói, giọng nhỏ như muỗi kêu:

- Mời Học sĩ.

Trần Khác cho dù là người ngu cũng biết được người đứng bên cạnh mình là ai... Tim hắn đập nhanh kịch liệt, tuyệt không phải vì vừa bò lên đến tầng thứ chín. Với công lực hiện tại của Trần Học sĩ, cho dù leo mười chín tầng cũng không phải thở gấp.

Đó là một loại kích thích?

Thấy Trần Khác cùng nữ nhân Khiết Đan kia đi lên, Trần Trung định lên cùng, lại bị Tiêu Phong giơ tay ngăn lại, nói:

- Tiểu tử ngu xuẩn, Học sĩ nhà ngươi cho ngươi đi theo sao?

- Đại nhân...

Trần Trung không để ý tới Tiêu Phong, đi lướt qua.

Chỉ thấy Trần Khác lắc đầu.

.....

Y Cổ Lệ vén váy dài đi lên trước, Trần Khác im lặng đi theo sau. Nhìn theo cặp đùi của nàng đong đưa, bờ mông căng tròn lúc ẩn lúc hiện, nghĩ tới chuyện ba năm trước trên thảo nguyên... Tuy đã qua ba năm, nhưng mùi hương cơ thể như lan như xạ hương kia, thân thể mềm mại không tỳ vết kia, còn cả hai vùng cao ngất mềm mại, còn có hai điểm đỏ ửng kia nữa, tất cả đều rõ ràng như mới nhìn, hương thơm vẫn quanh quẩn...

Bao nhiêu năm đấu tranh đáng sợ đã rèn tâm Trần Khác cứng như sắt như đá, nhưng lúc này hắn lại gần như thất thần.... Hoàng hậu đệ nhất cường quốc đẹp như tiên nữ ấy lại liều lĩnh, cam mạo kỳ hiểm đến kinh đô địch quốc để gặp hắn, tâm hư vinh bành trướng khiến cho hắn cảm thấy như đạp trên mây, nhẹ nhàng bay lên tầng cao nhất.

Trên tầng cao nhất của bảo tháp chỉ vẻn vẹn có bảy thước vuông, Trần Khác lên đến nơi đã thấy nàng cởi bộ ngoại bào rộng thùng thình, khoe ra bộ váy dài chấm đất màu xanh da trời. Trên đầu nàng vẫn đội mạng che mặt màu xanh lục, giống như một đóa sen nước thẹn thùng, đang lay động giữa không trung...

Ba năm trước, nàng đã mặc y như vậy, không sai chút nào, ngay cả hơi thở run run cũng giống như đúc.

Chỉ có điều, lần trước là khẩn trương, lần này là kích động...

- Đến đây....

Thoáng chốc, Trần Khác không nhận ra hắn vừa khàn khàn nhắc lại lời thoại "Đến đây" của năm đó.

Nàng gật đầu, không nói gì.

- Mang nước đến...

Ánh mắt Trần Khác nóng hơn lửa, máu cả người cũng chảy nhanh hơn.

Nữ tử vẫn đứng đó, bất động.

Trần Khác mỉm cười, lần lần tay gỡ mạng của nàng xuống.

Cùng lúc đó, một cây trâm sáng xanh từ đâu phút chốc đâm vào lồng ngực hắn.

Vén mặt nạ lên là một thiếu nữ, mặc dù cũng không đến nỗi nào, nhưng so với Tiêu Quan Âm thì chẳng khác nào gà mẹ và thiên nga.

Nhưng tài năng của nàng ta thì cao hơn gấp trăm lần Tiêu Quan Âm, trong chớp mắt Trần Khác vén được mặt nạ của nàng, Y Cổ Lệ xoay tay lại, cầm cây trâm đâm về phía hắn, khoảng cách tới ngực của Trần Khác chỉ còn là một tấc, xem ra hắn không thoát khỏi rồi!

Ai ngờ trong phút giây đó họa sinh phúc, nghe thấy keng một tiếng, nàng kia chững lại, cây trâm trong tay phi tới xén mấy lọn tóc của Trần Khác, rồi cắm phập vào tường sâu ba tấc.

Không ngờ tới trường hợp này, nàng ta tưởng rằng mình gặp phải quỷ, nhưng không để cho nàng ta kịp suy nghĩ thêm, nắm đấm giận dữ của Trần Khác vội lao tới!

Võ công của cô gái kia rất cao, nhưng tầng tháp này quá nhỏ, vì vậy không có chỗ mà chạy, nàng ta chỉ biết giơ cánh tay lên đỡ. Nhưng không ngờ võ công của Trần Khác cũng rất cao, cú đấm giận giữ này đủ để đập tan một tảng đá, huống chi chỉ là cánh tay của nàng ta?

Chỉ nghe thấy một tiếng răng rắc, cánh tay phải bị gãy, nàng ta kêu lên thảm thiết. Trần Khác bổ nhào lên trước, nhấc nàng ta lên quẳng mạnh xuống đất, bụi bay mù mịt. Nàng ta kêu la thảm thiết một hồi lâu, sau đó rên rỉ...

- Ngươi là ai?!

Trần Khác hét lên như một con hổ đang giận dữ.

Nàng kia định chống cự, nhưng đã bị đã bị đối phương khéo léo khống chế được, chân tay mình mẩy không thể động đậy.

Chỉ có đầu là có thể cử động, nàng ta thấy trời đất quay cuồng, cố gắng tập trung nhìn thì thấy một tràng hạt!

Thì ra thứ đánh rơi vũ khí lợi hại của mình chính là chuỗi hạt bắn vào từ bên ngoài cửa sổ. Đây là tầng tháp thứ mười hai, không ngờ bên ngoài cửa sổ lại có người!

Trong đầu nàng ta như có mười ngàn con quạ đen bay qua, nhắm mắt lại cam chịu số phận.

- Vậy thì chết đi!

Trần Khác hiểu rõ đây chỉ là một công cụ, một công cụ giết người mà thôi. Nhưng hắn lúc này đây lại muốn giết người!

Nhưng cú đấm hận thấu xương đó của hắn đã bị một người khác ngăn lại. Hòa thượng Huyền Ngọc xuất hiện trên tầng tháp Linh Cảm. Một tay của y nắm lấy tay của Trần Khác, tay kia giơ lên, miệng đọc một câu Phật hiệu:

- A Di Đà Phật, tháp này có xá lị của Phật Tổ, hà cớ gì lại tạo thành sát nghiệt?

Năm đó Ngô Việt Vương hàng Tống, đã đem xá lị Phật Tổ ở chùa A Dục Vương hiến dâng cho Đại Tống. Thái Tổ bèn ra lệnh cho xây chùa Khai Bảo ở đây, và cũng tu sửa lại tầng tháp cao nhất này để thu nạp xá lợi của Phật Tổ.


Khởi Nguyên Mobile

Hồi (1-355)


<