Vay nóng Tima

Truyện:Tử quải ô cung - Hồi 13

Tử quải ô cung
Trọn bộ 42 hồi
Hồi 13: Hồi 13
5.00
(một lượt)


Hồi (1-42)

Siêu sale Shopee

Lão Phương trượng nghe tiếng quát, đau đớn và khó khăn ngước mắt lên một cái. Lại nghe người thêu hình rắn lạnh lùng nói:

- Lão lừa trọc, cả miếu này có bao nhiêu tăng chúng?

Lão Phương trượng nhắm nghiền mắt lặng thinh, chỉ tay phải ba ngón cái trỏ giữa chập vào nhau, tay trái hai ngón cái trỏ tách ra, giơ lên rồi hạ xuống, kể như thay cho câu trả lời.

Người thêu hình rắn cười khẩy:

- Ngươi không sớm bảo họ ra đây chịu chết, còn muốn lão phu tốn công nữa sao?

Bỗng một tăng nhân đứng ở hàng sau tiến tới trước mặt lão Phương trượng, rắn giọng nói:

- Xin Phương trượng từ bi, mười hai đệ tử vai vế chữ Tuệ chờ lệnh xuất chiến.

Lão Phương trượng nhắm mắt lắc đầu gắng sức nói:

- Không... cần... đâu!

Đoạn điều tức chốc lát, cất tiếng gọi:

- Pháp Dũng!

Rồi ho sặc sụa, phún ra một ngụm máu tươi, giọng yếu ớt nói tiếp:

- Hãy triệu tập... toàn thể... tăng chúng... đến đây... ứng... kiếp.

Lão Phương trượng nói xong, lại không ngớt ho dữ dội.

Những tăng nhân hiện diện thấy cảnh đau khổ của lão Phương trượng như vậy và nghĩ đến vận mệnh của toàn tự lát nữa đây, thảy đều ruột gan tan nát, xót xa tột cùng.

Pháp Dũng vừa chăm sóc cho lão Phương trượng, vừa ra hiệu với tăng nhân vừa mới xin xuất chiến.

Tăng nhân thoáng do dự, sau đó liền quay người phóng đi vào hậu điện.

Lát sau đã nghe tiếng chuông pháp ngân vang.

Boong... boong... boong... liên tục mười một tiếng.

Khi tăng nhân ấy quay trở lại, tăng chúng toàn tự đã tập hợp đầy đủ.

Lúc này toàn tự bảy mươi tám người đứng yên lặng, không một tiếng động khẽ, nghe rõ cả tiếng thở và tiếng tim đập lẫn nhau.

Bỗng thấy người thêu hình rắn quay sang trái nói:

- Lão ngũ, giao cho ngươi đấy, hãy xử tử họ đi!

Lão ngũ là người thêu hình thằn lằn đứng sau cuối, nghe vậy liền từng bước tiến về phía tăng chúng, mắt thấy một cuộc tàn sát đẫm máu chốn Phật môn sắp diễn ra.

Bỗng thấy người thêu hình rắn ngước lên nhìn trời, lại nói:

- Hãy khoan, còn kém một tuần trà nữa mới đến một giờ.

Lão ngũ lại từng bước lui về chỗ cũ.

Người thêu hình rắn nói tiếp:

- Bọn lão phu xưa nay nói sao làm vậy, kẻ đáng chết là phải chết, chưa đến giờ, muốn chết cũng chẳng thể được.

Thời gian một tuần trà cũng chỉ trong chốc lát, chừng một khắc sau, người thêu hình rắn lại nói:

- Đã đến giờ rồi!

Lão ngũ vừa mới đi được hai bước, bỗng thấy một thiếu niên mặc áo dài màu lam ngọc, anh tuấn phi phàm từ sau Đại Hùng bửu điện đủng đỉnh bước ra, loáng cái đã đến trước mặt mọi người.

Năm người áo đỏ cùng chúng tăng thảy đều sửng sốt, lão ngũ chưa kịp đi tiếp bước thứ ba, đã thấy thiếu niên áo lam hướng sang lão Phương trượng đang ngồi dưới đất vòng tay xá dài nói:

- Đệ tử xin thay cho chư vị sư phụ toàn tự chịu chết!

Tiếng nói thấp chậm bình hòa, song tất cả mọi người hiện diện đều nghe rất rõ ràng.

Lão Phương trượng mở choàng mắt, ánh mắt đờ đẫn vừa tiếp xúc với ánh mắt của thiếu niên áo lam, liền tức sáng rực lên, đoạn lại nhắm mắt, khẽ tuyên một câu Phật hiệu, nhếch môi cười.

Pháp Dũng đứng bên đỡ lão Phương trượng kinh ngạc thầm nhủ:

- Đây chẳng phải là thiếu niên xin tá túc đêm qua là gì?

Đoạn liền nảy ý, vội nói:

- Sơn Dương ngũ tà Độc lực bá thế, sư đệ hãy tự lượng sức mình.

Thiếu niên áo lam chính là Ngô Sương, ngay khi tiếng huýt đầu tiên vừa dứt, chàng đã ra khỏi phòng và ẩn nấp trong Đại Hùng bửu điện, lúc ấy chẳng những tăng chúng trong chùa chưa tập trung mà ngay cả năm người áo đỏ cũng chưa đến nơi.

Do đó mọi diễn biến ngoài sân vườn chàng đều thấy và nghe rõ cả, giờ nghe Pháp Dũng xưng hô và ngầm cảnh cáo với mình như vậy, bèn thầm nhủ:

- Hòa thượng này chẳng những võ công chẳng kém, mà trí tuệ cũng cao hơn người một bậc.

Chàng mỉm cười gật đầu, thò tay vào lòng lấy ra một vật sáng chói, nhét vào trong lòng lão Phương trượng.

Tất cả mọi người hiện diện không ai trông thấy rõ đó là vật gì, chỉ thấy Ngô Sương khẽ nói gì đó với lão Phương trượng, sau đó đứng thẳng người lên.

Khi vật ấy nhét vào lòng, lão Phương trượng liền cảm thấy không ngừng lên xuống, cơn đau giảm ngay, nội phủ và nơi thọ thương hết sức thư thái.

Khi nghe Ngô Sương nói xong, lão Phương trượng mỉm miệng cười, tự vận công điều tức.

Ngô Sương từ lúc hiện thân đến giờ, tuy chỉ trong chốc lát, song chàng hoàn toàn không thèm đếm xỉa đến năm người áo đỏ.

Bỗng nghe người thêu hình rắn cười khẩy nói:

- Lão lừa trọc, khi nãy ngươi dùng tay ra dấu với lão phu là trong miếu tổng cộng chỉ có bảy mươi tám người, sao không kể luôn tân đệ tử tục gia này?

Đoạn quay sang phải trầm giọng nói:

- Lão ngũ...

Ngay khi ấy, Ngô Sương bỗng quay người, loáng cái đã ngạo nghễ đứng trước mặt năm người áo đỏ.

Không kể mặt khác, nội khí thế trác tuyệt ấy cũng đủ khiến năm người áo đỏ giật mình kinh khiếp.

Năm người đang thắc mắc về lai lịch đối phương, bỗng nghe Ngô Sương ung dung nói:

- Kẻ gây nhiều tội ác ắt tự diệt, đến Phật Pháp Hóa này đâu để các ngươi lộng hành như vậy được, bổn thiếu gia dù có tấm lòng từ bi, thiết nghĩ cũng khó mà khuyên được các ngươi rời khỏi đây, thời gian có hạn, để các ngươi lên đường sớm, hãy cùng xông vào một lúc đi.

Năm người áo đỏ chưởng sầm mặt, vẫn người thêu hình rắn nói:

- Tiểu tử rõ là ếch ngồi đáy giếng, thật không biết trời cao đất dày chỉ những lời ấy của ngươi cũng đủ trừng trị nặng nề rồi...

Đoạn quát to:

- Lão ngũ, hãy chặt tay chân xử tử tên tiểu tử này trước!

Vừa dứt tiếng, lão ngũ đã đến trước mặt Ngô Sương, dùng Xà bổng điểm thẳng vào mặt chàng và quát:

- Chặt cánh tay phải trước!

Ngô Sương cười khẩy:

- Đâu dễ dàng vậy được!

Đồng thời người đã tạt sang bên tám thước.

Lão ngũ tức giận hừ lên một tiếng, liên tiếp tung ra năm bổng, thảy đều xê xích mảy may không trúng đích, bất giác phừng lửa giận, buông tiếng quát vang, chưởng bổng cùng lúc tung ra, tới tấp tấn công ra mười bảy chiêu.

Ngô Sương chẳng chút nao núng, ung dung lạng lách trong chưởng bổng đối phương, thân pháp hết sức ngoạn mục.

Đến chiêu thứ hai mươi tám, lão ngũ bỗng biến thế, tung mình lao bổ tới, bóng bổng rợp trời phủ chụp xuống Ngô Sương.

Chúng tăng thấy vậy đều thất kinh, còn bốn người áo đỏ thì nhếch môi cười đắc ý.

Thốt nhiên, một tiếng rú kinh tâm động phách vang lên, tiếp theo là một vòi máu tươi theo thân người lão ngũ bay ra xa ngoài hai trượng.

Ngô Sương tay phải nắm lấy đầu bổng, đầu kia được nắm chặt bởi một cánh tay máu me đầm đài.

Ngô Sương đưa mắt nhìn người thêu hình rắn, giọng bình thản nói:

- Cánh tay phải đã chặt, xin chờ lệnh dụ tiếp theo.

Bốn người áo đỏ bàng hoàng đứng thừ ra tại chỗ, nghe tiếng Ngô Sương họ mới bừng tỉnh, người thêu hình rắn cất tiếng huýt ghê rợn, bốn bóng đỏ cùng với bốn chòm sáng vàng bay thẳng vào Ngô Sương.

Ngô Sương chờ cho bốn luồng kình lực đến gần đỉnh đầu mới vung mạnh Đằng Xà bổng trong tay và nhanh nhẹn lách người ra xa, cánh tay đứt lìa của lão ngũ rơi xuống đất ngay chỗ đứng của chàng trước đó.

Bốn người áo đỏ toàn lực xuất thủ, bốn ngọn Đằng Xà bổng giáng xuống đất lốp bốp, cánh tay lão ngũ liền tức biến thành một đống máu thịt nhầy nhụa.

Bốn người áo đỏ thấy vậy càng thêm điên tiết, buông tiếng gầm vang, lại chưởng bổng cùng lúc tung ra, tới tấp tấn công Ngô Sương.

Cuộc chiến diễn ra vô cùng ác liệt, lúc này chỉ còn trông thấy bốn bóng đỏ và một chùm sáng vàng, bóng lam của Ngô Sương chập chờn lúc ẩn lúc hiện hệt như chiếc thuyền nhỏ nhấp nhô trên sóng dữ.

Chẳng những tăng chúng trong chùa xem đến ngây ngẩn, ngay như lão Phương trượng cũng tuyên Phật hiệu liên hồi.

Bỗng, Ngô Sương cất tiếng huýt dài, với bổng thay kiếm thi triển chiêu thứ nhì Vọng Phong Phác Ảnh trong Truy Phong thất kiếm đã học của Kiếm Tôn Ninh Hân.

Bốn người áo đỏ trong tiếng quát tháo giận dữ, cùng bị đẩy lùi ra sau.

Đang khi sửng sốt, Ngô Sương lần đầu sử dụng thấy Truy Phong thất kiếm quả nhiên uy lực khôn cùng, lòng mừng khôn xiết, liền thi triển tiếp chiêu thứ tư Phong Khởi Vân Dũng (gió dậy mây cuốn). Chỉ thấy một làn bổng kèm theo uy lực kinh người và tiếng rít ghê rợn ập đến đối phương.

Bốn người áo đỏ tái mặt, cùng buông tiếng quát vang và lùi nhanh ra sau.

Người thêu hình bò cạp thoáng chút chậm trễ, đã bị trúng bổng vang bay lên không, ngọn Đằng Xà bổng cũng vuột khỏi tay bay ra khỏi chùa.

Ngô Sương lòng mừng khôn tả, bỗng nghĩ đến phi hoàn của Đoạn Tiềm Long, chẳng rõ uy lực thế nào, nhân dịp này mang ra sử dụng thử xem sao.

Bèn cất tiếng huýt dài, hai ngọn phi hoàn đã theo tâm pháp ghi trong bửu lục ném ra.

Bỗng nghe người thêu hình rắn hét to:

- Bát Trảo Phi Hoàn!

Đồng thời, một bóng đỏ nhanh vọt ra khỏi chùa, đến tiếng "Hoàn" thì đã mất dạng trong đêm.

Cùng lúc ấy, hai tiếng rú thảm ngắn ngủi vang lên, hai chiếc phi hoàn đã xuyên qua ngực lão tam và người thêu hình nhện.

Hai người trúng hoàn vẫn trợn trừng mắt, đứng yên tại chỗ.

Ngô Sương vung tay vừa định xuất thủ tiếp, bỗng nghe lòng như cất tiếng ngăn cản, liền thu song hoàn cất trở vào lòng.

Lúc này từ trước và sau ngực hai người trúng hoàn mới phún máu xối xả, từ từ ngã xuống bất động.

Hai chiếc phi hoàn phóng ra chưa trở về tay, Ngô Sương nghĩ là phi hoàn dính đầy máu thế kia, sao có thể cầm trong tay được, nào ngờ khi trở vào tay, phi hoàn vẫn bóng loáng như trước, không hề dính chút máu tanh, mới biết phi hoàn quả là kỳ diệu.

Thì ra cách sử dụng phi hoàn là mỗi lần phóng ra phải một đôi, hai tay có thể phóng ra bốn chiếc, khi luyện tới mức cao siêu, có thể cùng lúc phóng ra tám chiếc, bất luận trúng hay không thì cũng có thể nhờ vào sự va chạm giữa song hoàn quay ngược trở về, người phóng dùng công lực thu hồi.

Vận dụng đến tột đỉnh, có thể thu phát tùy ý, liên tục không dứt, nên người sử dụng phi hoàn cần phải có công lực thượng thừa.

Ngô Sương thấy cường địch đã trừ, bèn quay về phía lão Phương trượng ôm quyền nói:

- Đại sư thấy thương thế đã giảm nhiều chưa?

Lão Phương trượng vội đứng lên, một tay dựng đứng trước ngực cao giọng tuyên Phật hiệu, toàn thể tăng chúng cùng liền hòa theo, khiến bầu không khí trong chùa lập tức trở nên trang nghiêm tột cùng.

Lão Phương trượng dõng dạc nói:

- Thiếu chủ thật giàu lòng hiệp nghĩa, chẳng những bảo toàn sau ngôi cổ sát này, mà tăng chúng toàn tự cũng nhờ thí chủ mới thoát khỏi kiếp nạn, nghĩa cử này ngang bằng ngàn vạn công đức, thiện tai, thiện tai!

Ngô Sương vừa định noi, lão Phương trượng quay sang Pháp Dũng đứng bên nói:

- Một điều thiện nhân có thể kết muôn vàn tuệ quả!

Pháp Dũng cũng cung kính chắp tay:

- Kính nhận lời giáo huấn của sư phụ!

Ngô Sương lúc đầu ngơ ngẩn, sau đó liền mỉm cười, biết là lão Phương trượng đã ám chỉ việc xin tá túc đêm qua.

Bỗng nghe Pháp Dũng ủa lên một tiếng, và mặt đầy vẻ kinh ngạc.

Lúc này mọi người mới phát giác trên đấu trường chỉ có hai thi thể của lão tam và người thêu hình nhện đã táng mạng dưới song hoàn của Ngô Sương, cùng với cánh tay phải nhầy nhụa của lão ngũ, còn người thêu hình bò cạp đã bị Ngô Sương đánh văng ra xa, với lão ngũ bị mất một cánh tay đã biến mất tự bao giờ.

Ngô Sương cười nói:

- Sau khi đệ tử ném ra song hoàn, hai người kia đã theo sau người có hình rắn đào tẩu từ cổng tự, đệ tử không muốn gây nhiều sát nghiệp nên đã để họ thoát đi.

Lão phượng trượng gật đầu lẩm bẩm:

- Quả nhiên tuệ căn thâm hậu.

Sau đó, lão Phương trượng chỉ huy tăng chúng thu dọn chiến trường, mai táng người chết và đưa người thọ thương đến tĩnh xá điều trị.

Xong xuôi, cùng Pháp Dũng đưa Ngô Sương đi về thiền xá Phương trượng.

Nơi tọa thiền của Phương trượng là một ngôi tiểu viện thanh nhã ở sau cuối thiền tự.

Trên đường đi, Ngô Sương mới nhìn thấy rõ tình hình đại khái của Pháp Hóa thiền tự này.

Toàn tự có ba gian đại điện, hai khu nhà ngang và một trai đường, phía sau thiền xá Phương trượng là một ngôi Bạch Cốt Pháp.

Bốn người vào trong thiền xá, vừa mới ngồi xuống, tiểu sa di đã mang đến bốn tách trà thơm.

Lão Phương trượng thò tay vào trong lòng lấy ra một vật, liền tức ánh sáng chói lọi soi khắp thiền xá.

Lão Phương trượng hai tay bợ một viên minh châu, hướng về Ngô Sương vô vàn cảm kích nói:

- Trầm Thương châu là chí bửu võ lâm, có công hiệu tị thủy hỏa và trừ bách độc, tương tự như Bích Ngọc Thiền trong truyền thuyết. Lão nạp may mắn được bửu vật này mà thoát khỏi kiếp nạn, giờ xin hoàn trả thí chủ. Bửu vật trong thiên hạ là phải thuộc sở hữu của người tài đức, lão nạp rất lấy làm mừng bửu vật này đã về tay một người chủ xứng đáng.

Ngô Sương cung kính hai đón lấy Trầm Thương châu, rất lấy làm lạ sao lão hòa thượng này lại biết tên gọi của viên châu này, chưa kịp cất tiếng hỏi, lại nghe lão Phương trượng nói:

- Thí chủ đã cứu nạn cho Pháp Hóa thiền tự này, kể như đã kết thiện duyên sâu dày với bổn tự, nhưng từ tối qua đến giờ, lão nạp vì phải lo việc đối phó với Sơn Dương ngũ tà, nên chưa tiếp đãi chu đáo, xin thí chủ hãy cho biết đại danh, lão nạp sẽ dặn bảo chúng đệ tử niệm kinh chúc phúc cho thí chủ.

Ngô Sương nghe vậy vội đứng lên, vòng tay xá dài nói:

- Đại sư đã quá lời rồi, đệ tử Ngô Sương thật không dám thọ nhận.

Vừa nghe hai tiếng "Ngô Sương", Pháp Dũng và Pháp Tĩnh liền cùng kinh ngạc kêu lên:

- Ồ!

Lão Phương trượng hớn hở cười lớn nói:

- Truyền nhân của Tử Quải Càn Nguyên lão thí chủ trong Hoa Hạ song tuyệt, thảo nào võ công trác tuyệt thế này.

Pháp Dũng và Pháp Tĩnh chằm chặp nhìn Ngô Sương, ánh mắt đầy vẻ kinh ngạc và ngưỡng mộ.

Lão Phương trượng chậm rãi nói tiếp:

- Lão nạp có mấy điều không phải muốn thỉnh giáo thí chủ, mong thí chủ chớ trách lão nạp già nua mạo muội.

Ngô Sương vội nói:

- Đại sư có điều chi xin cứ dạy bảo!

- Nghe đâu Tử Quải Càn Nguyên lão thí chủ với Tuyệt Mệnh tam quải uy chấn võ lâm thiên hạ, khi nãy giao chiến với Sơn Dương ngũ tà, hai chiêu sau cùng đánh bại kẻ địch dường như là Truy Phong thất kiếm của Kiếm Tôn Ninh Hân lão thí chủ, chẳng hay lão nạp có trông lầm không vậy?

Ngô Sương thầm kinh ngạc bởi kiến thức và nhãn lực của lão hòa thượng này, bèn vội đáp:

- Kiếm chiêu của đệ tử chính là do Kiếm Tôn Ninh Hân đã truyền dạy cho!

Lão Phương trượng cảm khái gật đầu, đưa mắt nhìn viên Trầm Thương châu trong tay Ngô Sương, lại hỏi:

- Viên Trầm Thương châu trong tay thí chủ với hai chiếc phi hoàn khi nãy đã hạ sát Nhị tà dường như là di bửu của Bát Trảo Phi Hoàn Đoạn Tiềm Long lão thí chủ, một vị hiệp ẩn khi xưa, chẳng ngờ lại được gìn giữ trong tay Tử Quải lão nhân...

- Trầm Thương châu với phi hoàn quả đúng là di vật của Đoạn Tiềm Long lão tiền bối, nhưng không phải do gia sư ban tặng cho, mà là do Đoạn lão tiền bối di thư lưu tặng, đệ tử ngẫu nhiên phát hiện.

Pháp Dũng và Pháp Tĩnh nghe đến ngây ngẩn, lão Phương trượng gật đầu cảm thán:

- Kỳ duyên ngàn năm, Ngô thí chủ thật là phúc duyên thâm hậu.

Ngô Sương nhận thấy lão hòa thượng này kiến thức uyên bác, bèn thừa cơ hỏi:

- Đại sư kiến thức uyên bác, văn sự võ học đều hơn người, chẳng hay là vị tiền bối võ lâm nào vậy?

Pháp Dũng và Pháp Tĩnh nghe Ngô Sương hỏi vậy, liền cùng đưa mắt nhìn sư phụ.

Lão Phương trượng nhẹ lắc đầu, vẻ áy náy nói:

- Lão nạp pháp hiệu Vô Hành, trung niên xuất gia khổ tu tại Pháp Hóa thiền tự này. Lúc còn là người tục, cũng từng ngang dọc giang hồ, góp mặt võ lâm, từng một lần gặp gỡ với Hoa Hạ song tuyệt và Võ Lâm song kỳ các vị võ lâm tiên ẩn, rất tiếc lão nạp tư chất bình phàm, cả nửa đời không chút thành tựu, mới nương thân chốn Phật môn tiềm tâm tu hành. Sau khi xuất gia lại càng chểnh mảng về việc rèn luyện võ công, nên khi gặp biến cố không đủ sức đối phó. Hôm nay đối chọi với Sơn Dương ngũ tà cũng chẳng qua chỉ là ứng phó cục diện, dù biết rõ không phải là địch thủ, nhưng lại chẳng thể không ứng chiến, quả nhiên chưa đầy trăm chiêu đã thua bại. Ôi, dĩ vãng tựa mây trôi, hối tiếc thì đã muộn, không nhắc lại thì hơn.

Ngô Sương thấy lão hòa thượng không muốn nhắc đến quá khứ tục gia, mình đã hỏi ắt khơi dậy dĩ vãng xót xa của lão hòa thượng, lòng hết sức áy náy, vội giơ Trầm Thương châu trong tay lên nói:

- Đại sư trước kia đã từng trông thấy Trầm Thương châu này rồi ư?

Vô Hành đại sư lắc đầu.

Ngô Sương lại hỏi:

- Vậy sao đại sư vừa trông thấy đã biết đây là Trầm Thương châu?

Vô Hành đại sư gật đầu:

- Trầm Thương châu vốn là thiên tài địa bửu được tụ thành bởi tinh khí nơi giữa nham thạch dưới đáy hàn băng ngàn năm, rất lạnh mà cũng rất ấm, về sau đã lọt vào tay Sùng Già lạt ma, một vị cao tăng Tây Vực đi khắp nơi cứu nhân tế thế, chẳng rõ sao lại lưu truyền đến tay vị hiệp ẩn Đoạn Tiềm Long, lúc bấy giờ mới nghe trên giang hồ đồn đại, bởi kích cỡ ánh sáng và diệu dụng đều khác hẳn những minh châu thường, những nhân vật võ lâm đời trước đều biết rõ điều ấy, nếu là trước khi thọ thương, lão cũng khó mà nhận ra được. Bởi thấy viên châu này trị thương thần diệu và thấy Ngô thí chủ ném song hoàn hạ sát Nhị Tà, lão nạp mới suy ra được bảy tám phần. Lão nạp chỉ biết có vậy, ngoài ra không rõ nữa.

Ngay khi ấy, vị tăng nhân vai vế chữ Tuệ đã xin xuất chiến khi nãy lại hớt hải đi vào, trước tiên thi lễ với Vô Hành đại sư, sau đó quay sang Ngô Sương chắp tay khom mình, rồi mới hướng về Vô Hành đại sư nói:

- Bốn vị sư thúc Pháp Thịnh, Pháp Thường, Pháp Tộ và Pháp An sau khi uống vào Thương Mệnh Đơn vẫn không thấy khởi sắc, kính xin sư tổ Phương trượng định đoạt.

Vô Hành đại sư đưa mắt nhìn Pháp Dũng và Pháp Tĩnh, chưa kịp cất tiếng, Ngô Sương đã nói:

- Xin hỏi đại sư, Trầm Thương châu có thể sử dụng liên tiếp không vậy?

Vô Hành đại sư cười:

- Dù sử dụng trăm lần liên tục cũng không hề gì!

Ngô Sương vội hai tay trao Trầm Thương châu cho Vô Hành đại sư và với giọng tự trách nói:

- Đệ tử thật hay quên, ngay cả việc cứu người mà cũng sơ suất, thật tệ hết sức!

Vô Hành đại sư hai tay chắp trước ngực khẽ tuyên Phật hiệu, đón lấy Trầm Thương châu trao cho Pháp Dũng và căn dặn mấy câu, Pháp Dũng và Pháp Tịnh cùng tăng nhân ấy bỏ đi.

Sau đó, Ngô Sương bỗng lại nhớ đến một đến một điều, bèn hỏi:

- Xin hỏi đại sư, Sơn Dương ngũ tà lai lịch thế nào? Vì sao lại xâm nhiễu bửu sát Phật môn vậy?

Vô Hành đại sư khẽ thở dài:

- Ôi! Đúng là đạo cao một thước, ma cao một trượng! Trong vùng núi cách bổn tự chừng hai trăm dặm về hướng nam có một ngọn Sơn Dương phong, trên ấy cư trú năm huynh đệ họ lệ, bởi quá hung tàn nên mọi người gọi là Sơn Dương ngũ tà. Gần đây chẳng rõ có hành động gì, định chiếm cứ bổn tự để làm một của trạm trong vùng Đồng Quan, vào một đêm hồi ba tháng trước, lão ngũ Lệ Độc, người có thêu hình thằn lằn nơi ngực bỗng nhiên đến bổn tự, thẳng thắn nói rõ là họ muốn mượn Pháp Hóa thiền tự, bảo lão nạp nội trong ba tháng phải giải tán tăng chúng, sau bị lão nạp dùng lời khéo léo từ chối, y đã tức giận bỏ đi.

Vô Hành đại sư ngẫm nghĩ một hồi, nói tiếp:

- Ba hôm sau, lão tam Lệ Đan và lão tứ Lệ Biển, tức người thêu hình rết và hình nhện đã táng mạng dưới phi hoàn của thí chủ, lại phụng mệnh lão đại Lệ Cổ đến bổn tự kỳ hạn ba tháng nếu bất tuân sẽ giết sạch tăng chúng bổn tự. Giờ tý đêm qua chính là thời hạn cuối cùng, còn những gì sau đó thì thí chủ đã chứng kiến cả rồi.

Đoạn lắc đầu nói tiếp:

- Ngũ tà nổi lên trên giang hồ chưa đầy mười năm. Hôm qua chỉ mỗi mình lão đại Lệ Cổ toàn thân đào khoét, Ngũ tà xưa nay hành sự đều thuận buồm xuôi gió, phen này bị thua thiệt to như vậy, chắc chắn họ sẽ không cam tâm.

Ngô Sương thấy Vô Hành đại sư vẫn còn lo sợ về anh em họ Lệ, bèn an ủi:

- Theo đệ tử nghĩ, Ngũ tà phen này bị thất bại thảm trọng thế kia, một thời gian ngắn hẳn cũng không làm được trò trống gì, khi nào họ phụ hồi nguyên khí, dù họ không đến đây, có lẽ chúng ta còn phải đi tìm họ nữa.

Ngô Sương lúc này lòng đã quyết định, sẽ đích thân đến thăm dò Sơn Dương phong.

Vô Hành đại sư nghĩ Ngô Sương chẳng qua là an ủi mình nên không nói gì, chỉ gật đầu cho qua chuyện.

Ngô Sương lại thắc mắc hỏi:

- Đệ tử có một điều xin đại sư chỉ điểm cho.

Vô Hành đại sư với ánh mắt dò hỏi nhìn Ngô Sương.

Ngô Sương nói tiếp:

- Biểu ký mà Ngũ tà thêu trước ngực phải chăng là tượng trưng cho loài độc vật họ điều khiển?

Vô Hành đại sư lắc đầu:

- Không phải, nghe đâu Ngũ tà chỉ là bản tính kỳ dị, thích ăn các loại độc vật, sở dĩ họ cư trú trên Sơn Dương phong là vì nơi ẩm ướt, dễ tìm kiếm độc vật. Nơi họ cư trú có bảy gian thạch thất, để cho bầy độc vật kia tha hồ dành ăn, cảnh khiếp sợ tột cùng của nạn nhân cùng với cảnh tương tàn giành ăn của lũ độc vật, đó là thú tiêu khiển riêng của mỗi người, kẻ khác nhìn vào cũng có vẻ thần bí. Còn như vì sao họ lại có thể chất và tâm tính như vậy, đó thì lão nạp không sao hiểu nổi.

Ngô Sương lại hỏi:

- Trước khi động thủ với Ngũ tà, Pháp Dũng sư phụ từng ngầm cảnh cáo đệ tử, bảo là Ngũ tà khắp người đầy chất độc, chẳng hay ám chỉ gì vậy?

Vô Hành đại sư mỉm cười:

- Võ công của Ngũ tà rất quái dị và riêng biệt, bởi thường ăn độc vật và uống độc dịch nên khắp người có độc tố. Song chưởng và Đằng Xà bổng của họ cũng được ngâm trong kịch độc, hết sức ghê gớm, nên thời gian Ngũ tà nổi lên trên giang hồ tuy ngắn ngủi, nhưng khu vực quanh vùng Tần Lĩnh sơn, ai nghe nói đến cũng kinh hoàng biến sắc. Pháp Dũng sợ thí chủ không biết bị hại, nên mới lên tiếng ám thị...

Vô Hành đại sư chưa dứt lời, bỗng ngoài sân có tiếng bước chân vang lên, người đến là đệ tử thủ tọa vai vế chữ Tuệ.

Vô Hành đại sư liền cất tiếng hỏi:

- Tuệ Minh, thương thế của họ thế nào?

Tuệ minh khom mình cung kính đáp:

- Thương thế của các vị sư thúc đã khá hơn rất nhiều. Pháp Tĩnh sư thúc bảo đệ tử đến đây bẩm báo.

Ngô Sương bỗng nói:

- Đệ tử muốn đi xem thử thương thế của các vị đại sư.

Vô Hành đại sư gật đầu đồng ý, do Tuệ Minh dẫn đường, cùng Ngô Sương đi đến tăng xá ở tây viện.

Pháp Dũng và Pháp Tĩnh vừa thấy Phương trượng và Ngô Sương đến, liền vội đứng lên, Pháp Dũng trước tiên nói:

- Bốn vị sư đệ nhờ bửu châu của Ngô thí chủ đã hoàn toàn không còn nguy hiểm nữa, nghỉ dưỡng vài hôm là có thể phục nguyên...

Dứt lời, hai tay trao trả Trầm Thương châu cho Ngô Sương.

Vô Hành đại sư và Ngô Sương lại xem xét kỹ bốn người thọ thương một hồi, thấy họ đều sắc mặt hồng hào đang say ngủ, hai người lặng lẽ lui ra.

Lúc này trời đã gần sáng, chúng tăng đang niệm kinh sáng, ngoại trừ hai cánh cổng chưa được sửa chữa, Pháp Hóa thiền tự đã hoàn toàn trở lại yên tĩnh như trước.


Chiến Giới 4D
Phiên bản dành cho Android tại đây!
Hồi (1-42)


<