Vay nóng Tima

Truyện:Tử quải ô cung - Hồi 21

Tử quải ô cung
Trọn bộ 42 hồi
Hồi 21: Hồi 21
3.50
(2 lượt)


Hồi (1-42)

Siêu sale Shopee

Sáng hôm sau, hai người thu xếp xong xuôi, Ngô Sương ra sân trước chờ đợi Thích Nam Giao lên đường.

Lát sau Thích Nam Giao ra đến hỏi:

- Chúng ta định đi theo đường nào?

- Từ đây đến Giang Tây Bàng Sơn chỉ có đi về hướng đông, qua Đồng Quan đến Hà Nam rồi rẽ sang hướng nam, qua Bành Thành thẳng đến Giang Hán, sau đó cứ đi tiếp về hướng Nam, lộ trình trăm dặm, ngoài ra không còn hướng nào gần hơn nữa.

- Sư huynh vẫn định đi tìm Công Tôn Thụ ư?

Ngô Sương ngẩn người:

- Chưa gặp được ông ấy, đâu thể bỏ dở giữa chừng, nếu ở đây chờ đợi thì biết đến bao giờ mới gặp, đành phải đến Lư Sơn một chuyến thôi.

- Vậy thì sư huynh cứ đi!

Ngô Sương sững sờ, nếu hôm qua nàng nói vậy thì tốt biết mấy, nhưng sau một đêm trò chuyện với nàng, giờ đây chàng đã sinh lòng quyến luyến, bèn hỏi:

- Còn sư muội thì sao?

- Tiểu muội đến Nhị Lang miếu dưới chân núi Thanh Thành ở Tây Xuyên lấy một vật do gia phụ cất giấu, nếu sư huynh có hứng thú thì hãy đi với tiểu muội, không thì sư huynh cứ tự tiện.

Ngô Sương do dự một hồi, vẻ khó xử nói:

- Như vậy chẳng phải chúng ta đi một vòng quá to hay sao? Hơn nữa, lên Thanh Thành lại phải nấn ná rất nhiều ngày nữa.

Nhưng sợ Thích Nam Giao phật ý, lại nói tiếp:

- Chẳng phải ngu huynh không muốn đi, nhưng nếu trễ nải quá lâu Công Tôn lão tiền bối lại rời Lư Sơn đến nơi khác, vẫn sẽ hoài công còn gì?

- Ai bảo là lên Thanh Thành nào, tiểu muội chỉ đến chân núi thôi, còn lên hay không thì tùy sư huynh. Vừa rồi tiểu muội chẳng phải đã nói rồi hay sao? Đi hay không là tùy ở sư huynh, tiểu muội không chút có ý ép buộc. Tuy nhiên, sư huynh bảo là đi trễ sợ không gặp được Công Tôn lão tiền bối, đó phải xem sư huynh có duyên phận hay không. Cổ nhân có câu "Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, vô duyên đối diện bất tương phùng". Nếu hữu duyên, dù đến muộn vẫn gặp, còn như vô duyên thì dù đến sớm cũng chẳng gặp. Vả lại, chúng ta cũng có thể đi theo những con đường gần nhất, khi đến Thanh Thành lấy được vật cất giấu xong, chúng ta tức khắc đến Ba Du, đi thuyền xuôi dòng Dân Giang thẳng đến Giang Hán, không mất bao nhiêu thời gian, lại còn có thể nhân tiện ngắm cảnh Tam Hạp nữa.

Ngô Sương nghĩ thấy cũng phải, bèn nói:

- Vậy thì chúng ta hãy đến Thanh Thành trước!

Thích Nam Giao liền ngoảnh đi phía khác cười thầm.

Thế là hai người bèn từ Hoa Âm đi về hướng tây, qua Hàm Dương, Trường An, Ngũ Đài, Thái Bạch theo đường núi Hán Trung đi về hướng Nam.

Đúng như Thích Nam Giao đã nói, hai người như thế toàn đi theo lối gàn nhất, trên đường rất vắng người, họ có thể thi triển hết tốc độ khinh công.

Chừng nữa tháng sau, vào lúc chiều tối hai người đã có mặt tại Quán Thành Tây Xuyên, Dân Giang mênh mang, Thanh Thành đã hiện ra trong tầm mắt.

Nhị Lang miếu ở ngay bên bờ Dân Giang cách huyện thành không xa, đêm hôm ấy hai người bèn nghỉ lại trong thành.

Vùng này gần sông núi nên khí hậu rất mát mẻ, đêm ngủ ngon lành.

Sự mỏi mệt trải qua gần hai mươi ngày bôn ba dặm đường, hoàn toàn tan biến sau một giấc ngủ sâu.

Sáng hôm sau trời mưa lất phất, hai người ăn sáng xong, liền hỏi rõ đường đi nơi điếm gia, sau đó đội mưa ra khỏi thành đi về phía Nhị Lang miếu bên bờ Dân Giang.

Từ Quán Thành đến Nhị Lang miếu đi chậm cũng chỉ chừng nửa giờ, trên đường sông rạch dọc ngang.

Lúc này hai người đang đi qua một chiếc cầu, phía trước là hai đường rẽ nam bắc.

Đang lưỡng lự, thấy con đường phía nam có hai người khiên một chiếc kiệu đi đến.

Ngô Sương bèn cất tiếng hỏi:

- Xin hỏi đại ca, đến Nhị Lang miếu đi đường nào vậy?

Kiệu phu đi trước thấy đôi nam nữ trẻ này tướng mạo phi phàm, liền niềm nở chỉ tay nói:

- Hai vị có trông thấy góc nhà mái xanh trong khu rừng kia không? Đó chính là điện Ngọa Giác của Nhị Lang miếu!

Hai người cảm tạ xong, liền đi về phía theo hướng chỉ dẫn của kiệu phu.

Đi chừng thời gian hai tuần trà, Nhị Lang miếu đã hiện ra trước mắt, đến gần mới thấy rằng ngôi miếu này không to lắm, nhưng rất hùng vĩ.

Trong miếu chỉ có một tiền điện thờ phụng cha con Nhị Lang Thần với mấy mươi pho tượng quanh đại điện chẳng rõ là thần gì, ngoài ra đều là những liễn đối ca tụng công tích trị thủy của hai cha con Nhị Lang Thần.

Phía sau đại điện có một tiểu viện, chỉ có mấy gian nhà trệt, hẳn là chỗ ở của người giữ miếu.

Hai người đang nhìn quanh, bỗng thấy một người tuổi ngoài ba mươi, vẻ như bộc nhân, chân trần và đầu quấn khăn trắng, tay xách một ấm nước từ hậu viện đi ra.

Thích Nam Giao liền cất tiếng hỏi:

- Ô! Cổ tiên sinh có đấy không?

Người ấy ngạc nhiên, quay nhìn Thích Nam Giao hỏi:

- Cô nương tìm Cổ tiên sinh chẳng hay có việc gì?

- Phiền hãy báo với Cổ tiên sinh là có khách từ xa đến hỏi nhân quả.

Ngô Sương đứng bên càng nghe càng thắc mắc, câu thứ nhất hỏi tìm Cổ tiên sinh, lối xưng hô tuy khác lạ, nhưng chắc chắn là tìm một người. Câu thứ nhì không hỏi lấy vật, mà lại hỏi nhân quả. Vị sư muội này thật quái lạ, muốn hỏi nhân quả, miếu tự nào mà chẳng hỏi được, hà tất phải xa xôi lặn lội đến Tây Xuyên làm gì?

Ngay khi ấy bỗng từ trong hậu viện vọng ra một tiếng nói rắn rỏi:

- Tu Bình, hãy mời khách vào hậu viện dùng trà!

Người có tên Tu Bình liền nói:

- Xin mời hai vị ra phía sau!

Đoạn quay người đi trước dẫn đường, Thích Nam Giao và Ngô Sương liền theo sau đi vào hậu viện.

Khu vườn phía sau có nhà chính năm gian và nhà ngang ba gian ở phía đông, lối đi dược lát bằng đá xanh, hai bên trồng đầy hoa.

Đi trên đường đá, phía trái có thể xem dòng nước Dân Giang, phía phải có thể ngắm cảnh núi Thanh Thành, thật là thanh nhã tuyệt trần.

Lúc này, chỉ thấy một lão nhân xanh gầy diện mạo hiền từ, đầu trọc đang đứng trên lối đi lát đá trước nhà chính, tay phải cầm một chuỗi tràng hạt, miệng cười tủm tỉm.

Hai người đi đến gần, Ngô Sương hết sức thắc mắc, người này không tăng không tục, chẳng phải hòa thượng cũng chẳng phải đạo sĩ, xem ra lại giống trụ trì ngôi miếu này, thật ra ông ta là ai thế nhỉ?

Bỗng nghe Thích Na Giao cất tiếng nói:

- Lão trượng là Cổ tiên sinh phải không?

Lão nhân gật đầu cười:

- Mọi người gọi đức Phật là Cổ tiên sinh, lão phu vốn không phải họ Cổ, bởi duyên trần chưa dứt, lại một lòng hướng Phật, nên trước khi nương tựa Phật môn đã đổi là họ Cổ, kẻ hiếu sự bỡn cợt thêm vào hai từ tiên sinh, lão phu đâu dám làm ô nhục đến Phật tổ.

Thích Nam Giao biết đối phương chính là người mình đang cần tìm, bèn nói:

- Xin hỏi lão trượng, Phật tổ có nhân quả, thật ra nhân là sao và quả là sao?

Cổ tiên sinh ngẩn người, nhưng liền lại cười nói:

- Nhân là gây ra, quả là nhận lấy! Trồng thiện nhân ắt được thiện quả, trồng ác nhân ắt được ác quả.

Thích Nam Giao lại hỏi:

- Nhà Phật có thuyết vô biên, chẳng hay giải thích thế nào?

- Trong khởi khí luận nói, hư không vô biên nên thế giới vô biên, thế giới vô biên nên chúng sanh vô biên, chúng sanh vô biên nên tâm hành sai biệt cũng là vô biên.

Thích Nam Giao ngẫm nghĩ một hồi, lại hỏi:

- Vãn bối còn một điều không hiểu, dám xin lão trượng chỉ điểm tiếp cho. Sự vô biên của Phật thuyết phải chăng chính là vô biên vô trở?

Cổ tiên sinh lắc đầu:

- Vô biên vô trở là tất cả thuộc trời, sự đi lại không gặp trở ngại, không bị ngưng trệ, đó là "thời" khác với sự vô biên của nhà Phật là "không".

Ngô Sương đứng bên nghe hai người đối thoại, hệt như bị sa vào sương mây ngàn dặm, chẳng hiểu ất giáp gì cả.

Cổ tiên sinh không chờ Thích Nam Giao hỏi, lại nói:

- Lão phu hãy còn hai điều muốn thỉnh giáo cô nương... Không sóng nước trong giếng, có đốt thành tre thu...

Thích Nam Giao tiếp lời:

- Đàn thanh có điệu cổ, biết khẩy cùng ai kia?

Cổ tiên sinh cười giòn:

- Quả nhiên không sai, lão phu thật chểnh mảng với khách, xin mời hai vị vào nhà.

Đoạn nghiêng người tránh đường, mời hai người vào khách sảnh ngồi.

Sự bày trí trong khách sảnh rất cổ kính trang nhã, ngoài kinh điển còn có mấy bức tự họa danh nhân, trong số đó có một bức tranh vẽ Đạt Ma tổ sư đang qua sông rên một ngọn cỏ lau, hết sức sinh động thần kỳ.

Sau khi bộc nhân Tu Bình dâng trà rời khỏi, Cổ tiên sinh nhìn Thích Nam Giao giọng hiền hòa nói:

- Ô Cung Can Thành Thích đại hiệp xưng hô thế nào với cô nương vậy?

Đoạn quay sang Ngô Sương hỏi:

- Còn vị này là gì của cô nương?

Thích Nam Giao cười đáp:

- Ô Cung Can Thành chính là gia phụ!

Đoạn quay sang Ngô Sương, nói tiếp:

- Đây là Ngô Sương sư huynh, cao túc của Tử Quải Càn Nguyên Mễ sư bá!

Cổ tiên sinh mắt rực sáng:

- Á! Quả là long phụ hổ tử, danh sư cao đồ, thật quí hóa, thật quý hóa!

Vừa nói vừa gật đầu liên hồi, ra chiều hết sức cảm khái, đoạn lại nghiêm túc nói:

- Cô nương đến đây là vì Cổ Luật Ngọc Xích phải không?

- Vãn bối chính là phụng mệnh gia phụ đến đây bái kiến lão trượng và nhân tiện lấy về vật ấy.

Cổ tiên sinh mắt lại rực sáng, lặng thinh hồi lâu, sau cùng nhấn mạnh giọng nói:

- Cô nương, nếu như Cổ Luật Ngọc Xích không còn ở đây nữa, cô nương không hoài nghi chứ?

Dứt lời, hai mắt chằm chặp nhìn vào Thích Nam Giao.

Thích Nam Giao nghe vậy bất giác sững sờ, hồi lâu mới nói:

- Theo vãn bối nghĩ, người mà gia phụ tin cậy nhất định không phải người thường, việc này lão trượng hẳn sớm đã có chủ trương, vãn bối chẳng qua phụng mệnh gia phụ đến đây, tuyệt đối không dám hoài nghi lời nói của lão trượng.

Cổ tiên sinh bỗng buông tiếng cười vang:

- Ha ha... cô nương thật là thông minh! Lão phu với lệnh tôn là đạo nghĩa chi giao, vào ngày mồng tám tháng chạp mười năm trước, lệnh tôn có việc ngang qua đây đi về hướng tây, với võ công và uy vọng của lệnh tôn trên võ lâm, không cần dùng đến Cổ Luật Ngọc Xích nữa, bèn gởi nơi lão phu. Lúc bấy giờ lệnh tôn có dặn, nếu quá mười năm mà không đến lấy thì sẽ do lão phu tùy ý xử trí. Thấm thoát chín năm trôi qua, mùa đông năm rồi lão phu có việc đến Thanh Thành Trầm Thương châu tìm Tam Thanh đạo trưởng, ở lại đó mấy hôm, khi về đến miếu thì thấy Cổ Luật Ngọc Xích đã biến mất. Lão phu chịu sự ủy thác của người mà không làm tròn, thật vô cùng hổ thẹn. Song lại nghĩ, nếu mồng tám tháng chạp năm nay mà lệnh tôn còn chưa đến lấy, kỳ hạn giao ước đã mãn, lão phu có quyền xử lý vật ấy, nên bỏ qua không đi tìm. Nào ngờ còn cách hạn kỳ mấy tháng, hai vị lại đến, rõ thật là định số an bài, Lão phu cam đoan trước hạn kỳ mồng tám tháng chạp sẽ vật quy nguyên chủ, cô nương tin lời lão phu chăng?

Thích Nam Giao vội nói:

- Lão trượng đã quá lời, lão trượng với gia phụ là mạc nghịch chi giao, vãn bối phen này chẳng qua là lịch duyệt giang hồ, tiện đường ngang qua đây, Cổ Luật Ngọc Xích đã mất rồi thì thư thả hãy tính.

Cổ tiên sinh lại cười vang:

- Cô nương, tuy lệnh tôn có thể lượng thứ cho lão phu, nhưng lão phu đâu thể thất tín với người.

Lúc này bộc nhân Tu Bình đã mang bữa ăn chay lên, ba người vừa ăn vừa trò chuyện nhưng không nhắc đến Cổ Luật Ngọc Xích nữa.

Ăn xong, hai người liền đứng lên cáo từ. Cổ tiên sinh đích thân tiễn chân hai người đến tận ngoài Nhị Lang miếu.

Khi sắp chia tay, bỗng thấy Cổ tiên sinh từ bên lưng lấy ra một cuộn giấy vàng và nói:

- Nhà Phật chú trọng nhất là duyên phận, lão phu hôm nay được cùng hai vị đàm đạo cả nữa ngày trời, đó là một duyên phận to lớn, ngôi miếu này chỉ nhờ hương quả thập phương, không có gì để tặng. Đây là do lão phu đã tham ngộ được trong những năm qua, chưa hẳn hai vị đã cần đến, nhưng đây là một chút tâm ý của lão phu.

Nói xong, liền trao cuộn giấy vàng cho Thích Nam Giao.

Thích Nam Giao hai tay đón lấy mở ra xem, thấy đó là một quyển sách mỏng ngoài bìa có bốn chữ Phong Lôi tứ bảo, nét bút rất rắn rỏi. Lật xem thoáng qua, thấy trong đó toàn hình người và chú giải, thảy đều là chưởng thức, trang cuối cùng có năm chữ Thạch Phong Vũ nghiên soạn.

Vừa thấy ba chữ "Thạch Phong Vũ", Thích Nam Giao và Ngô Sương đều rúng động cõi lòng.

Hai người vẫn thường nghe Thạch Phong Vũ hiệu xưng Phong Lôi Thần Chưởng.

khi xưa từng một mình bằng vào pho Phong Lôi chưởng pháp huyết chiến một ngày hai đêm với Dị Long bang tại Dị Long Hồ tỉnh vân Nam, hạ sát và đả thương những nhân vật chủ yếu của Dị Long bang gồm Nhất hào Nhị kiệt, Tam uy Tứ mãnh và Thập Nhị cường lương, từ đó danh trấn thiên hạ, uy vọng ngang hàng với Tử Quải Ô Cung, Ngụy Tuần và Ninh Hân, vì sao lại đổi tên là Cổ tiên sinh, ẩn cư trong ngôi miếu Nhị Lang tầm thường này thế nhỉ?

Hai người cùng kinh ngạc nói:

- Thạch lão tiền bối...

Tiếng bối chưa kịp thốt ra khỏi miệng, bỗng thấy Thạch Phong Vũ hữu chưởng đẩy ra và quát:

- Dĩ vãng tựa mây khói, đừng nhắc đến nữa!

Hai người liền bị một luồng tiềm lực đẩy ra xa ngoài hai trượng, khi đứng vững lại thì Thạch Phong Vũ đã mất dạng.

Hai người đành quay về khách điếm, chiều hôm ấy lại lên đường đi về phía Ba Du.


Khởi Nguyên Mobile

Hồi (1-42)


<