← Hồi 09 | Hồi 11 → |
Bà ta dùng tay áo lau nước mắt cho chàng thiếu niên áo vàng, nói: "Lát nữa cha con sẽ nói với con". Bà ta ngập ngừng rồi quay đầu nói với Lăng Vị Phong: "Hai đêm trước có vài tên vệ sĩ triều đình tìm đến thạch thất của bọn ta. Đêm đầu tiên ta và học trò của phụ thân nó hợp lực đuổi đi. Đêm thứ hai bọn chúng lại đến, Trúc Quân không cẩn thận đã bị Sũy Thủ tiễn của chúng đánh bị thương cánh tay trái, may mà chỉ bị thương nhẹ. Trúc Quân là muội muội của nó". Mạo Hoàn Liên nói: "Tôi quen lệnh ái, nàng rất xinh đẹp". Bà già lại nói: "Tôi quên mất, lúc nãy cô nương kể lại chuyện ngày hôm ấy, lẽ ra tôi phải nhớ chứ. Lúc đó tuy tôi không ở Kiếm Các nhưng nghe Trúc Quân kể lại có một ông già đội mũ nho và một thiếu nữ đến tá túc, rút đao trợ chiến, giết chết bọn vệ sĩ, thiếu nữ ấy chắc là cô nương đây!" Mạo Hoàn Liên gật đầu nói: "Ông già đội mũ nho ấy chính là bá phụ Phó Thanh Chủ". Bà già ngạc nhiên nói: "Ồ, té ra là đương kim cao thủ Phó lão tiên sinh, trên giang hồ gọi ông ta là Thái Cực kiếm Phó Thanh Chủ. Nếu đêm ấy không nhờ có các người, dưỡng phụ của nó nói không chừng đã chết".
Mọi người vừa đi vừa nói, ánh lửa đã hiện ra. Đột nhiên bà già lướt người, nói: "Bọn tặc tử quả nhiên lại đến!" Lăng Vị Phong đi vòng qua một đống đá, trong tai nghe tiếng quát tháo, chàng nhìn lại thì chỉ thấy có một bóng đen cao lớn đang chống lại hai tên vệ sĩ rất vất vả. Lăng Vị Phong quát lớn một tiếng, hai cây Thiên Sơn thần mãng bay ra, phía trước hai tiếng kêu thảm vang lên, một tên co giò bỏ chạy, bà già vung cái vòng ra thì y đã chạy xa.
Bà già phóng tới, chỉ thấy một tên vệ sĩ nằm phơi thây dưới đất, biết ngay chết bởi thần mãng, hán tử cao lớn ấy đỡ bà già nói: "Sư nương, mau trở về xem sư phụ".
Mọi người cùng hán tử cao lớn vào trong thạch thất, chỉ thấy bên trong phòng có một cái giường, xung quanh giường cắp rất nhiều cọc gỗ, ba cây cọc gỗ bách ở giữa đã bị gãy đến gốc. Ông già mặt đỏ nằm ngủ trên giường, bên giường có một thiếu nữ cầm kiếm, trong phòng còn có thi thể của một tên vệ sĩ triều đình.
Bà già bước vào thì hỏi: "Không sao chứ?" Thiếu nữ nói: "Ồ, không sao, cha đã đá chết tên tặc tử này rồi!" lúc này thiếu niên áo vàng đã xông vào trong, thiếu nữ vừa thấy thì mừng mừng tủi tủi! Nàng kéo tay thiếu niên áo vàng nói: "Đại ca!" thiếu niên áo vàng cũng trả lời một tiếng, rồi rút tay ra khỏi tay nàng, lao bổ tới giường như cơn gió, ôm ông già mặt đỏ, khóc lên: "Cha, cha vẫn còn sống đây mà!" ông già mặt đỏ vừa rồi dùng lực quá độ, chỉ nằm nghỉ ngơi dưỡng thần, nghe chàng ta kêu lên như thế thì đột nhiên mở mắt, kêu lớn: "Ai đánh chết ta nổi! Ồ... sao con lại trở về!" ông ta đưa mắt nhìn rồi đột nhiên ngồi bật dậy sau đó ngất đi.
Bà già kinh hoảng, Mạo Hoàn Liên chạy tới, bắt mạch cho ông ta rồi lớn giọng nói: "Bá mẫu, ông ta chắc chắn sẽ tỉnh dậy, các người đừng nên kêu khóc, ông ta vì kích động quá độ chứ chẳng hề chi".
Lúc này thiếu niên áo vàng đã kéo tay Mạo Hoàn Liên đáp tạ: "Tỷ tỷ, có nhận ra muội không? Đa tạ tỷ tỷ hai lần giúp đỡ chúng tôi". Mạo Hoàn Liên nói: "Không cần nói những lời khách sáo. Xem ra lão bá bán thân bất toại mà vẫn còn kịch đấu với kẻ địch, có đúng không?" Nàng thiếu nữ chỉ cái xác ở dưới đất, nói: "Cũng chẳng kịch đấu gì cả, tên tặc tử này lao bổ đến giường bị cọc gỗ trước giường chặn lại, cha dùng tay chống người lên tung ra một cước, đá gãy luôn ba cây cọc gỗ, kẻ địch thì chết tươi". Lăng Vị Phong thầm nhủ: "Công phu hạ bàn của ông già này thật cao, chả trách nào Quế Thiên Lan đã bị thương bởi tay ông ta".
Thời gian khoảng nguội một chén trà trôi qua, ông già mặt đỏ quả nhiên từ từ tỉnh dậy, kéo thiếu niên áo vàng nhìn trân trân, người trong phòng đều nín thở, Mạo Hoàn Liên chan chứa nước mắt. Một lúc rất lâu sau, chàng thiếu niên áo vàng khẽ nói: "Cha, cha hãy cho con biết lai lịch của con đi!".
Sắc mặt của ông già mặt đỏ đột nhiên tái nhợt, ông ta vẫy tay nói: "Để mẹ của con nói trước, chỗ nào còn thiếu thì ta sẽ nói tiếp". Bà già bước đến thiếu niên mà chân run lẩy bẩy, nói: "Con tên là Thạch Trọng Minh..." ông già mặt đỏ chợt nói: "Lẽ ra phải tên là Quế Trọng Minh". Bà già trợn mắt, nhìn ông già nói: "Tôi muốn nó phải nhớ đến dưỡng phụ của nó". Bà già hít một hơi, bình tĩnh rồi nói tiếp: "Cha của con tên gọi Thạch Thiên Thành, ông ta và Quế Thiên Lan đều là đồ đệ của ngoại tổ con. Quế Thiên Lan là sư huynh, ông ta là sư đệ. Ngoại tổ con là Xuyên Trung đại hiệp Diệp Vân Tôn vào năm mươi năm trước. Ta là con gái duy nhất của người. Ngoại tổ của con không có con trai, coi cả hai người họ như con ruột, ta tập võ cùng với họ, chẳng hề kiêng dè. Hai sư huynh đệ rất thân thiết nhau, có điều Thiên Thành tính tình nóng nảy, Thiên Lan cực kỳ trầm tĩnh. Ta coi họ như huynh đệ nhưng Thiên Thành tánh tình ngay thẳng, tuy nóng nảy nhưng lại rất hợp với ta. Nhiều năm trôi qua, ba người bọn ta đều trưởng thành, ngày nọ ngoại tổ hỏi riêng ta rằng: ‘Con gái, con cũng nên kết hôn. Con nói thực cho ta biết, trong hai người họ con thích ai hơn’."
Ông già mặt đỏ nhìn bà già nói: "Sao chuyện này tôi chưa bao giờ nghe bà kể?" bà già vẫn tiếp tục nói với thiếu niên áo vàng: "Ngoại tổ của con hỏi ta, lúc đó ta cũng chỉ giống như Hoàn Liên cô nương, ta làm sao dám nói. Ngoại tổ mới nói: ‘Thiên Lan rất già dặn’. Ta chen vào nói: ‘Chính vì quá già dặn nên tuổi con trẻ mà cứ như một ông già!’ người lại lẩm bẩm: ‘Thiên Thành thì lại nóng tính’. Ta nói: ‘Cũng chẳng hề chi!’ ngoại tổ của con cười ha hả: ‘Mấy ngày trước bọn chúng đã nhờ người đến cầu thân với ta. Ta vẫn chưa quyết định, giờ đây thì được! Con đã tự nói ra rồi đấy. Ta hổ thẹn vội chạy đi, ngày hôm sau ngoại tổ của ta nhận sính lễ của Thiên Thành’." Ông già mặt đỏ nghe đến đây thì mỉm cười, trông có vẻ rất vui!
Bà già sầm mặt, thở dài nói: "Không bao lâu sau, ta và cha con đã kết hôn, một năm sau thì sinh được con, ngày tháng trôi qua rất vui vẻ, trong chớp mắt đã được sáu năm, Quế Thiên Lan đã hơn hai mươi tuổi mà vẫn chưa kết hơn. Bọn ta đều sống ở nhà ngoại tổ phụ, vẫn coi như huynh đệ tỷ muội, rất thân thiết với nhau. Cha con hỏi y làm sao vẫn chưa kết hôn, y không nói. Ta cũng đoán được tâm sự của y nhưng không tiện nói ra. Nhưng y đối với ta chưa hề lỗ mãng, càng chưa hề nói nửa câu gió trăng.
Khi bọn ta kết hôn, quân Mãn Châu đã đánh vào Sơn Hải quan, lúc đó bọn ta sống ở tận Tứ Xuyên. Tứ Xuyên và còn là thiên hạ của Trương Hiến Trung. Bọn ta không biết chuyện ở bên ngoài, sau đó Trương Hiến Trung chiến bại, thuộc hạ của y là Tôn Khả Vọng và Lý Định Quốc vẫn chiếm Tứ Xuyên, quân Mãn Châu mau chóng lấy được Trung Nguyên nhưng vẫn chưa đánh vào. Bọn ta sống như thế ngoại đào viên. Lúc con năm tuổi thì quân Mãn Thanh bắt đầu đánh vào Tứ Xuyên, nhà của cha con ở Xuyên Nam, bởi vậy phải quay về đón người nhà lên Xuyên Bắc tránh nạn. Lúc đó ta lại có mang hai tháng không thể đi cùng. Trước khi đi ông ấy còn dặn Thiên Lan đại ca chăm sóc chúng tôi rồi mới yên tâm trở về quê.
Không ngờ ông ta đi được nửa tháng, đại quân Mãn Châu đã tấn công đến Tứ Xuyên, đường sá cách trở, trăm họ lưu lạc. Trong buổi cuối đời mà ngoại tổ phụ của con gặp đại biến như thế, quân Mãn Châu chưa đánh vào thì ông đã chết. Trước khi chết còn bảo Thiên Lan bảo vệ chúng ta chạy nạn. Ngày tháng chạy nạn thật thê thảm, không ăn không uống là chuyện thường, càng không có chỗ ở, có lúc rất nhiều người dồn ở một nơi, có lúc phải ngủ ngoài đồng hoang, Thiên Lan lại cố gắng né tránh, thế nhưng ta đang có mang, không rời được ông ta, những nỗi khổ ấy đúng là một lời khó nói hết. Ta đã sinh muội muội con ở trong một rừng trúc hoang. Bởi vậy mới đặt tên là Trúc Quân.
Sau khi quân Thanh đánh vào Tứ Xuyên, hỗn chiến kéo dài nhiều năm, chúng ta chạy nạn được hai năm, đến đâu cũng hỏi tung tích của cha con. Sau đó nghe võ lâm đồng đạo đồn rằng cha con đã chết trong binh mã loạn lạc. Bọn chúng ta nửa tin nửa ngờ.
Cuộc sống chạy nạn càng lúc càng khổ cực, ta dắt theo huynh muội các con đi cùng với Thiên Lan rất không tiện. Lúc đó Thiên Lan cùng vài trăm nạn dân khỏe mạnh tụ tập lại, bàn nhau đi theo Lý Định Quốc. Thiên Lan lo lắng cho ta và huynh muội các con, có người nói với ông ta rằng ở nơi Lý Định Quốc có đặt nữ doanh, có thể thu nạp gia quyến của binh sĩ. Họ đều nói: ‘Trong cơn chạy nạn chẳng thể nghĩ ngợi được nhiều, chi bằng hai người cứ thành hôn đi thôi!’."
Bà già nói đến đây thì lại liếc nhìn ông già mặt đỏ, ông già mặt đỏ nói: "Bà cứ nói tiếp, bây giờ tôi đã hiểu. Đó không phải lỗi của bà". Bà già thở dài nói: "Chúng ta đã là người mấy mươi tuổi, cần gì phải e dè nữa. Cứ nói thẳng trước mặt con cái cũng tốt". Rồi bà ta hít một hơi, tiếp tục nói: "Đêm đó Thiên Lan hỏi ta: ‘Ý của muội thế nào?’ ta nghĩ ngợi rất lâu rồi trả lời: ‘Thiên Thành bặt vô âm tín, con cái lại còn nhỏ, chạy nạn chẳng có gì ăn, nước mất nhà tan, ngoại trừ đi theo Lý Định Quốc e rằng chẳng còn con đường nào khác mà chọn lựa!’ Thiên Lan nói: ‘Tôi vốn coi Thiên Thành và muội như người ruột thịt. Khi học võ nghệ ở sư môn, không giấu gì muội, tôi đã có lòng với muội. Nhưng từ sau khi các người thành thân, ta đã sớm bỏ ý nghĩ này. Vì sợ Thiên Thành sinh nghi, ta đã phải né tránh. Nhưng giờ đây thời thế buộc chúng ta phải đi chung với nhau. Chúng ta là người trong giang hồ, lại chẳng phải là học trò của Khổng phu tử. Muội không để ý đến trinh tiết bài phương, ta cũng không màng đến quả phụ cô nhi. Những lễ pháp này chúng ta đừng để trong lòng. Muội tử, chúng ta trải đất làm nhang, bẩm cáo với Thiên Thành hiền đệ, mong y lượng thứ!’ Việc đã đến nước này cũng đành tuân theo tình thế. Ta và Thiên Lan nguyện kết làm đôi bạn cùng vượt qua hoạn nạn, tuy trong hoạn nạn nhưng chúng ta không hề sơ sài. Đến hôm sau thì bọn ta đã ở lại với mọi người, họ đều rất vui mừng. Họ bới được rất nhiều vỏ cây gốc cỏ có thể ăn được, lại mau mắn đánh được hai con lợn rừng, tìm được một ngôi nhà hoang để làm tân phòng cho chúng ta. Có người lại dùng than viết lên cánh cửa hai chữ đại hỉ. Sau khi thành hôn với Thiên Lan đại ca, bọn chúng ta cùng kéo nhau đến chỗ Lý Định Quốc. Ai ngờ sự việc lại trùng hợp đến thế, trong đêm hôm ấy cha con đã trở về!".
Ông già gật đầu nói: "Nếu không trùng hợp như thế, không đến nỗi có chuyện bi thảm sau này. Sau khi chia tay với mẹ con, ta đến Xuyên Nam đón người nhà, trên đường gặp phải quân Thanh bởi vậy mới đi đường nhỏ, không ngờ đến quê nhà thì nhà ta đã trở thành đống gạch vụn, cả nhà đều chết cả, ta bi phẫn cùng cực muốn đi theo nghĩa quân nhưng lại nhớ đến thê nhi, bởi vậy mới trở về tìm.
Nhưng khắp nơi chiến hỏa đang xảy ra, ta tìm không ra thê nhi, chỉ đành chạy theo lưu dân, vừa kiếm cái ăn vừa tìm các người.
Chạy nạn được hai năm, ta vẫn chẳng tìm được tông tích của các người. Một bữa chiều nọ ta cùng mười mấy nạn dân chạy đến một trấn nhỏ, thấy có một đám nạn dân hớn hở vui mừng, vừa ca vừa nhảy thì lấy làm lạ. Ta hỏi thì mới biết đại ca Quế Thiên Lan đang thành thân. Ta vội vàng hỏi tân nương tử là ai. Họ nói là một quả phụ có hai con, lại còn nghe nói là con gái của Xuyên Trung đại hiệp Diệp Vân Tôn!
Ta nghe mà máu nóng dâng trào, lửa giận bốc cao, thế là quay đầu bỏ chạy. Lúc đó ta đau đớn vì mất người nhà, lại trải qua nhiều nỗi ưu phiền, chuyện không như ý quá nhiều, tính nóng nảy càng tăng hơn! Ta cũng không chịu nghĩ cho hoàn cảnh của người khác, chỉ tức tối nhủ rằng: Ta coi Quế Thiên Lan như người anh ruột, gởi gắm thê tử, thế mà trong lúc thê tử của ta gặp nạn, lại buộc họ thành thân. Đúng là lòng dạ của kẻ tặc tử chẳng thể nào tha thứ nổi, chỉ vì ta và thê tử xưa nay cứ thương yêu nhau, nên vừa nghe chuyện này thì đổ hết mọi tội lỗi cho Quế Thiên Lan. Nhưng nghĩ lại không biết thê tử có đổi lòng thay dạ hay không? Đêm ấy ta không chịu suy nghĩ nên đến xem động phòng của họ".
Ông già mặt đỏ ngừng lại, tiếp tục nói: "Ta còn nhớ đó là một đêm tối trời, ta bôi tro lên mặt rồi đến xem động phòng của họ. Ta muốn xem họ rốt cuộc sẽ làm gì? Nếu thê tử của ta bị Quế Thiên Lan ép thành thân thì ta sẽ giết cái giống mặt người dạ thú ấy đi. Nhưng nếu nàng tự nguyện thì ta sẽ giết cả đôi.
Ta vốn định canh ba sẽ đi nhưng trời vừa tối thì đã như kiến bò chảo lửa, chẳng thể nào kìm chế được. Ta đứng từ xa thấy đám nạn dân lần lượt ra khỏi căn nhà thì mới thi triển thuật dạ hành đến nghe lén tân phòng của họ.
Ta vừa nghe thì tức đến muốn bể phổi. Thê tử của ta dặn con cái rằng: ‘Các con nhớ từ ngày mai phải gọi Quế bá bá là cha’. Giọng nói của nàng rất bình thản, chẳng hề có cảm giác đau buồn. Ta định ra tay thì chợt nghe Quế Thiên Lan kêu lớn một tiếng có trộm, ta nổi giận bắn ra mấy cây Sũy Thủ tTiễn, vợ của ta cũng vung tay đánh ra mấy vòng kim hoàn, đó chính là ám khí độc môn bà đã luyện từ nhỏ!".
Bà già sắc mặt tái nhợt, nói tiếp: "Lúc đó chúng tôi nằm mơ cũng không ngờ là ông. Trong hai năm chạy nạn bao nhiêu khổ cực cũng đã trải qua, nước mắt đã cạn khô. lúc đó chúng tôi tưởng rằng ông đã chết, dù không chết cũng khó gặp lại. Thiên Lan đối với tôi rất tốt, tôi chấp nhận lấy ông ta đương nhiên phải bảo con mình gọi ông ta là cha, không ngờ ông đột nhiên trở về, không hỏi rõ trắng đen thì đã vung tay ném ám khí. Chúng tôi biết ông chẳng phải người xấu, bởi vậy tôi mới dùng kim hoàn đánh vào huyệt đạo của ông".
Ông già mặt đỏ cười buồn bã nói: "Bà không cần nói nữa, giờ đây tôi đã hiểu tất cả, là lỗi lầm của tôi. Nhưng lúc đó lửa giận công tâm, chẳng hề biết chuyện gì cả. Thiên Lan tung mình vọt ra, tôi vừa gặp mặt đã đánh mấy chiêu hiểm hóc.
Nhưng lúc đó công lực của Thiên Lan thâm hậu hơn tôi rất nhiều, đánh xong mấy chiêu tôi biết không phải là đối thủ của ông ta. Lúc đó bà chạy ra giúp ông ta, tôi tức giận thầm nhủ: ‘Được! Hai người các ngươi cùng một giuộc với nhau, đêm nay ta sẽ nhận nhục chạy trốn rồi sẽ tìm danh sư luyện thành tuyệt kỹ, thế nào cũng trả được thù cướp con đoạt vợ!’.
Lúc đó Thiên Lan tránh xong mấy đòn của ta, có lẽ đã nhận ra là chiêu số của đồng môn, lớn giọng hỏi: ‘Ngươi là ai? Nói mau để khỏi đánh nhầm!’ khi ông ta quát lớn, một vòng kim hoàn của bà đã trúng vào huyệt đạo Tam Lý của tôi, bọn khách đến ăn tiệc lại bắn tên ra, tôi chẳng đáp một lời cởi phăng bộ áo vàng đang mặc trên người. Đó là bộ áo bà đã may cho tôi, tôi không nỡ mặc. Hôm ấy tôi mặc là để muốn chọc giận bà, nhưng bà không nhận ra. Tôi cởi chiếc áo thi triển công phu Thiết Bố Sam, tên và đá bắn tới đều bị rơi xuống đất, nhưng vì tránh mấy vòng kim hoàn của bà nên tôi đã bị trúng hai mũi tên, máu tươi nhuộm lên chiếc áo. Tôi trùm chiếc áo về phía Thiên Lan, quát lớn: ‘Có gan thì hãy giết chết ta!’ ông ta hự một tiếng rồi ngã xuống đất. Tôi xoay người bỏ chạy, sau này các người làm gì tôi chẳng biết nữa".
Bà già nói: "Lúc đó tôi nghe được giọng của ông, tôi sững người ra, đến khi tỉnh dậy thì chẳng thấy bóng dáng của ông đâu nữa! Tôi chỉ đành cứu tỉnh Thiên Lan".
Bà già nói đến đây, mọi người đều cảm thấy nặng nề trong lòng, không khí trong phòng tựa như ngưng tụ lại. Mạo Hoàn Liên thở dài nói: "Tất cả chỉ vì chiến tranh!" bà già lẩm bẩm: "Đúng thế, chẳng có ai sai cả, kẻ sai là chiến tranh. Chiến tranh làm tan nát gia đình, bạn bè ly tán, khiến mọi người hiểu lầm để rồi trở thành bi kịch. Tất cả món nợ này đều là do bọn Thát Tử Mãn Châu!".
Bà già thở dài rồi tiếp tục nói: "Sau khi Thiên Lan tỉnh dậy, nước mắt tuôn trào. Một lúc lâu sau mới nói: ‘Muội tử, Thiên Thành vẫn còn sống, dù thế nào chúng ta cũng phải tìm y để gia đình các người đoàn tụ’. Tôi đương nhiên cũng nghĩ như thế, nhưng ta biết tính Thiên Thành nóng nảy. Có lẽ đến chết ông ta cũng không tha thứ cho bọn ta.
Sau khi bình tĩnh chúng ta bàn kế lâu dài. Thiên Lan nói: ‘Việc đã đến nước này, muội tử, muội đành phải chịu thiệt thòi, chúng ta hãy làm vợ chồng hữu danh vô thực. Biển người mênh mông, trong một lúc khó tìm được Thiên Thành, ngày tháng chạy nạn sẽ rất khó khăn, huống chi muội còn có hai con nhỏ, chúng ta hãy đi theo Lý Định Quốc rồi tính tiếp!’ Thế là bọn ta dắt theo một đám nạn dân đi theo Lý Định Quốc. Bề ngoài bọn ta tuy là phu thê nhưng thực sự chỉ coi nhau như huynh muội. Giờ đây tôi không ngại nói rằng, mấy mươi năm qua tôi và Thiên Lan có thể nói là trong sạch như băng tuyết, chẳng hề có chuyện đáng hổ thẹn!".
Ông già mặt đỏ lau nước mắt rồi nói: "Tôi đã biết chuyện này!" bà già nhìn ông ta, đang định hỏi thì ông ta đã nói: "Nhưng lúc đó tôi rất ân hận hai người. Tôi chỉ một mình chẳng hề thân thích, phiêu bạt bốn phương. Sau đó đi thẳng đến Hồi Cương, ở phía nam Thiên Sơn đã gặp bậc danh túc của phái Võ Đang là Trác Nhất Hàng, học được hai món tuyệt kỹ của ông ta là Cửu Cung Thần Hành chưởng và Uyên Ương Liên Hoàn Thoái. Lúc đó tôi vì hận các người, thề rằng không dùng công phu của cha bà truyền dạy. Tôi biết, nếu luận về công phu bổn môn, Thiên Lan còn cao hơn cả tôi".
Lăng Vị Phong chen vào hỏi: "Lúc còn nhỏ tôi có nghe nói đến Trác Nhất Hàng, ông ta là bằng hữu của gia sư Hối Minh thiền sư. Đáng tiếc tôi lên Thiên Sơn không bao lâu thì ông ta đã chết. Ông già mặt đỏ mở mắt nhìn Lăng Vị Phong, kêu ủa một tiếng rồi nói: "Té ra ngươi chính là đệ tử quan môn của Hối Minh thiền sư. Khi ta lưu lạc đến Hồi Cương cũng từng nghe nói đến Hối Minh thiền sư. Muốn theo ông ta học kiếm nhưng ông ta chẳng chịu dạy. Sau đó mới bảo ta đến gặp Trác Nhất Hàng. Có lẽ giờ đây người đã gần trăm tuổi". Bà già tiếp lời: "Chả trách nào kiếm pháp của ngươi lại lợi hại đến thế! Tính ra tên tiểu tử nhà ngươi cũng cùng vai vế với hai người già bọn ta". Lăng Vị Phong mỉm cười, nói: "Không dám!" ông già mặt đỏ tiếp tục nói: "Trác Nhất Hàng là bằng hữu thân thiết của Hối Minh thiền sư, võ công đương nhiên cũng cao cường. Tôi học được bảy năm, thì trở về Tứ Xuyên tìm các người báo thù. Lúc đó Tứ Xuyên đã bị quân Thanh san bằng, chỉ có tàn dư của Lý Sấm vương vẫn chiếm ở ranh giới Tứ Xuyên và Vân Nam. Sau trận kiếp nạn, tất cả người thân bằng hữu quá nửa đều đã qua đời. Tôi chẳng tìm ra các người, cũng chẳng dò hỏi. Sau đó nghe các cao thủ võ lâm nói rằng trên đỉnh Kiếm Các có một cao nhân ẩn cư, tôi đoán đó là Thiên Lan nên mới hai phen đến báo thù!
Bà già nói: "Từ sau khi chúng tôi đầu hàng Lý Định Quốc, không lâu sau thì đã được trọng dụng. Thiên Lan trở thành ái tướng tâm phúc của Lý Định Quốc, tôi cũng giúp coi sóc sự vụ trong doanh trại, vốn là có thể ở cùng với người thân của các tướng lĩnh cao cấp nhưng chúng tôi tự nguyên tách ra. Ngày nọ Lý Định Quốc hỏi thì Thiên Lan đã kể toàn bộ sự việc. Lý Định Quốc mới bảo sẽ giúp chúng ta tìm lại nhau. Ông ta cũng thật nghĩa khí, dù sự vụ trong quân bận rộn nhưng vẫn sai người tìm tung tích của Thiên Thành, nào ngờ lúc đó Thiên Thành đã đến Hồi Cương!
Ta đã cất giữ chiếc áo vàng mà Thiên Thành bỏ lại. Trên chiếc áo vẫn còn vài giọt máu của Thiên Thành, ta phải giữ lại chiếc áo ấy cho Trọng Minh. Từ lúc còn bé ta đã may đồ màu vàng cho Trọng Minh, mọi người gọi hắn là bé áo vàng. Có người lấy làm lạ hỏi ta tại sao chỉ may áo vàng cho con trai? Ta chỉ cười không đáp. Nguyên nhân này ta chưa bao giờ nói với Trọng Minh, ta thề rằng sau khi cha con họ gặp nhau ta mới nói. Trời cao thương xót, hôm nay rốt cuộc hai cha con đã gặp được nhau!".
Thiếu niên áo vàng nghe đến đây thì nước mắt tuôn trào, chàng khẽ gọi một tiếng "mẹ". Bà già vuốt mái tóc chàng rồi tiếp tục nói: "Lúc đầu Lý Định Quốc chiếm được Tứ Xuyên và Quý Châu chống lại quân Thanh, thanh thế rất lớn, đáng tiếc hoàng hôn tuy đẹp nhưng mau tàn. Sau khi quân Thanh bình định Trung Nguyên thì kết minh thành ba đường tấn công mạnh. Bọn đại hán gian Hồng Thừa Tụ, Ngô Tam Quế đều là tiên phong của quân Thanh, mà một cánh quân chủ lực của Trương Hiến Trung là Tôn Khả Vọng đột nhiên đầu hàng quân Thanh. Lý Định Quốc đại bại, bị đuổi chạy đến Miến Điện, thổ huyết mà chết ở Mãnh Lạp. Trước khi chết ông ta đã giao một bức thư cho Thiên Lan, nói: "Nếu ngày sau gặp Thiên Thành thì hãy trao bức thư này cho ông ta! Thiên Thành đã là đệ tử bậc cao thủ võ lâm, ông ta không tin ông cũng phải tin tôi!" Lý Định Quốc là chủ soái mà lòng đầy nghĩa hiệp, có thể nói rất đáng kính ngưỡng. Ông ta nói một lời nặng như chín đỉnh, trước khi chết mà vẫn không quên chuyện của Thiên Lan!
Sau khi Lý Định Quốc chết đi, chúng tôi từ Miến Điện trở về, lúc đó nghĩa quân ở Tứ Xuyên đã hoàn toàn tan vỡ. Thiên Lan bảo tôi cùng đến Kiếm Các ẩn cư. Ông ta nói trước đây đã từng tuân theo lệnh Lý Định Quốc đến Kiếm Các vài lần, nơi đó trái cây thú hoang rất nhiều, có thể sống mà chẳng lo lắng gì. Ông ta cũng không nói tại sao đến Kiếm Các, tôi cũng chẳng hỏi".
Ông già mặt đỏ nói tiếp: "Sau khi tôi biết các người đến Kiếm Các ẩn cư, tôi đã lên sạn đạo tìm các người, lúc đó tôi cũng thu được một học trò tên gọi Hoán Vu Trung, công phu cũng rất khá. Tôi dắt hắn đến Kiếm Các, bảo hắn ở dưới đáy cốc chờ tôi, tôi chuẩn bị chẳng may vùi thây nơi núi hoang cũng có người chôn xác.
Tôi đến lúc nửa đêm khiến Thiên Lan bất ngờ. Ông ta định giải thích với tôi, nhưng hai mươi năm qua tôi nuốt nhục chờ đợi, nào có thể nghe ông ta nói. Vừa gặp mặt đã dùng Cửu Cung Thần Hành chưởng đánh ông ta, ông ta chỉ chống đỡ. Tôi tưởng rằng học thành tuyệt kỹ, có thể nắm chắc phần thắng, không ngờ công phu của ông ta chẳng kém gì tôi, không những Đại Lực Ưng Trảo công của bổn môn đã luyện đến mức lư hỏa thuần thanh mà cũng đã học được tuyệt kỹ Miên chưởng trong võ lâm, so với Cửu Cung Thần Hành chưởng của tôi còn lợi hại hơn! Ông ta cứ nhường tôi, nhưng tôi tưởng rằng ông ta áy náy nên mới làm thế, bởi vậy càng bực tức hơn, càng đánh càng gấp, định rằng sẽ liều mình cùng ông ta. Chúng tôi càng đánh càng dữ, ông ta cứ lùi ra phía sau, tôi cứ tiến tới phía trước, khi dồn ông ta đến mép vực thì đột nhiên có người kêu lớn Thiên Thành, tôi nhìn lại thì quả nhiên thấy thê tử và một thiếu niên áo vàng bước tới! Tôi nghĩ thiếu niên áo vàng này chắc chắn là con của tôi. Từ nhỏ nó đã xa rời tôi, tôi cũng không biết nó trông như thế nào, tôi không khỏi ngẩn người ra bước lên nhìn nó. Không ngờ nó vung tay, phát ra ba mảnh kim hoàn, công phu ám khí của nó đều do mẹ nó truyền thụ, kình đạo còn lợi hại hơn cả bà ta! Thiên Lan vọt lên vỗ một cái, đánh rơi một mảnh ám khí, tôi đang thẫn thờ chẳng thể nào né tránh, hai mảnh còn lại đều đánh trúng vào người tôi, tôi vội bế huyệt đạo, nhưng vẫn rất đau đớn. Lúc đó tôi phẫn nộ vô cùng, tưởng rằng bà ta không nhận tôi là phu quân, con không nhận tôi là cha, lại còn hợp lực mưu hại tôi. Tôi còn ở đây làm gì? Thế là tôi nhảy xuống vực sâu! Bên tai còn nghe tiếng kêu của vợ và tiếng khóc của con!"
Ông già mặt đỏ kể đến đây thì ngừng lại, đồ đệ của ông ta bưng một mâm trái cây xuống rồi rót một chén trà đưa cho ông già: "Sư phụ, hãy ăn chút đồ!" ông già gật đầu nói: "Đồ đệ ngoan, sư phụ thật tệ với con, mọi người cũng ăn chút đồ đi thôi!".
Một hồi sau Hoán Vu Trung nói: "Tôi vâng lệnh sư phụ chờ ở phía dưới tiếp ứng cho người. Người cũng chẳng hề dặn tôi sẽ làm gì, chỉ bảo rằng người sẽ gặp kẻ thù lớn nhất trong đời, tôi bên dưới nghe tiếng sư phụ quát thì tim đập thình thình, không lâu sau thì chợt thấy sư phụ từ trên rơi xuống, tôi vội vàng chạy đến tiếp, may mà sư phụ bị thương không nặng, người vừa đứng dậy thì đã xua tay bảo tôi chạy cho mau. Tôi hỏi người không nói gì cả, chỉ bảo rằng tôi phải cố học tuyệt kỹ cho giỏi!".
Bà ta nhắp ngụm trà rồi nói tiếp: "Đêm ấy tôi ngủ cùng Trúc Quân, nửa đêm tỉnh dậy thì nghe bên ngoài có tiếng đánh nhau. Tôi vốn định rằng khi chết mới cho con biết, bởi vì tôi không muốn tâm hồn trong trẻo của chúng có bóng đen. Nên nó vẫn không biết rằng ông là cha của nó. Nó vừa ra tay Thiên Lan đã kêu lớn: "Đó là cha con". Nhưng đã muộn!".
Thiếu niên áo vàng nói: "Tôi lớn lên ở Kiếm Các, cũng cảm thấy cha có điều khác lạ, chúng tôi tuy sống rất hòa thuận nhưng đến tối thì tôi theo cha, em gái theo mẹ. Mười năm như một ngày, ngày thường đối đãi nhau cũng rất khách sáo, chẳng khác gì bằng hữu. Nhưng tôi không ngờ rằng bên trong lại có tình tiết phức tạp như thế, đêm hôm ấy dưỡng phụ và mẹ đã chảy nước mắt nói thực với tôi, chuyện ấy như sấm nổ giữa trời xanh. Tôi cũng không biết hận ai mới phải, tôi chỉ có thể hận bản thân! Tôi hoang mang cầm kiếm chạy xuống núi, dưỡng phụ ở phía sau chỉ thở dài chứ không cản tôi. Sau khi xuống núi tôi chẳng suy nghĩ gì cả, cũng không biết tìm đâu ra cha ruột của mình, chỉ là ngày cũng như đêm, lúc nào cũng tựa như có giọng nói vang lên bên tai tôi: ‘Ngươi đã giết cha ruột của ngươi!’ tôi không chịu nổi nữa, ngày nọ cứ chạy bừa ngoài đồng trống, tự dày vò mình, trong một ngày mùa đông tuyết rơi tôi đã nằm ngất giữa đồng hoang!".
Nói đến đây chợt nghe bên ngoài có tiếng động nhỏ, bà già chỉ Lăng Vị Phong, chưa kịp lên tiếng thì chàng đã rút soạt thanh kiếm ra khỏi vỏ, lướt ra khỏi căn nhà như con chim én. Bà già nói: "Có tiếng động cũng chưa chắc là người, nhưng phải phòng bị thì tốt hơn. Có Lăng đại hiệp ra ngoài xem xét, chúng ta không cần sợ bọn tiểu tặc đến quấy nhiễu nữa!".
Thiếu niên áo vàng tiếp tục nói: "Không biết tôi đã ngất bao lâu, lúc đó mới được bọn người Ngũ Long bang cứu tỉnh. Sau đó đã mất trí nhớ, cả tên mình cũng quên hẳn".
Mạo Hoàn Liên nói: "Chuyện sau đó muội sẽ kể dùm huynh". Nàng kể lại một lượt chuyện đã chữa trị thế nào cho thiếu niên áo vàng. Bà già nghe mà mừng mừng tủi tủi, khẽ kéo tay nàng nói: "Hoàn Liên cô nương, tôi không biết cám ơn cô nương thế nào mới đúng!" ông già mặt đỏ mở mắt nhìn Mạo Hoàn Liên, lại nhắp một ngụm trà, nói tiếp: "Cô nương, tôi đã nhớ được cô nương, cô nương là người đứng trên Kiếm Các xem chúng tôi đánh nhau vào ngày hôm đó. Nghe Trúc Quân nói, cô nương đã giúp chúng tôi rất nhiều! Đó là lần thứ hai tôi đến tìm Thiên Lan tính sổ. Sự việc cũng đúng là trùng hợp, Trúc Quân đã lớn, cũng giống như ca ca của nó, dùng ám khí đả thương tôi. Tôi vì cứu nó nên đã ôm Bát Tý Na Tra Tiêu Bá cùng lăn xuống cốc sâu, tuy tôi đã giết chết y nhưng cũng đã tàn phế".
Trúc Quân nghe xong thì vuốt tóc, nắm tay Mạo Hoàn Liên nói: "Đêm ấy tôi đau lòng nhảy xuống vực sâu, may mà tôi lớn lên ở chốn núi rừng, vẫn thường leo trèo với khỉ vượn. Tuy không dám nói có khinh công tuyệt đỉnh nhưng thân thủ cũng rất linh hoạt, tôi lăn xuống cốc sâu, phát hiện cha tôi đã được Trung sư huynh cứu tỉnh, thế là tôi đến gặp người. Lúc ấy người tuy bị trọng thương nhưng thấy tôi thì vẫn rất vui mừng, kéo tôi hỏi han này nọ. Tôi nói với người hai mươi năm qua, tôi vẫn thường ngủ với mẹ, mẹ rất yêu thương tôi. Người nghe xong thì lẩm bẩm: ‘Chả lẽ họ chỉ là phu phụ trên danh nghĩa?’ tôi nghe mà chẳng hiểu gì cả".
Bà già thầm gật đầu, nhủ bụng: "Chả trách nào lúc nãy ông ta nói đã biết". Ông già mặt đỏ lúng túng mỉm cười, nói tiếp: "Vài ngày sau mẹ của Trọng Minh trở về. Lúc đó tôi vì bị thương nặng không thể cử động, Vu Trung và Trúc Quân chỉ đành hầu hạ tôi. Sau khi bà ấy đến thì mới hợp lực tạo ra căn thạch thất này.
Phu thê chúng tôi gặp lại tựa như cách thế. Bà ngồi bên giường bệnh mà ứa nước mắt kể lại sự tình tôi mới hiểu tất cả. Lửa giận đã tiêu tan! Sau đó bà còn sợ tôi không tin, lấy một bức thư ra. chính Lý Định Quốc trước khi chết đã nhờ Thiên Lan sư huynh gởi bức thư này cho tôi, lời lẽ bức thư rất khẩn thiết, ông ta lấy thân phận chủ soái đảm bảo rằng Thiên Lan không phải người xấu, đồng thời chứng thực Thiên Lan và bà chỉ là một cặp vợ chồng trên danh nghĩa".
Ông già mặt đỏ nói đến đây thì vuốt tóc thiếu niên áo vàng: "Nếu chẳng phải cha còn muốn gặp mặt con, lúc đó cha đã liều mình! Thiên Lan sư huynh đối với ta ân sâu nghĩa nặng thế mà cha đã bức tử ông ta! Cha thật sự chẳng phải con người! Con ơi! Cha muốn con từ rày về sau mang họ Quế chính là vì báo đáp ông ta. Đứa con đầu tiên của con coi như là cháu của Quế Thiên Lan, nó sẽ kế thừa hương hỏa nhà họ Quế. Đứa con thứ hai mới là cháu nội của ta, kế thừa hương hỏa nhà họ Thạch. Con ơi! Con phải nhớ ơn đức của nghĩa phụ con suốt đời!".
Bao nhiêu ân oán giữa Thạch Thiên Thành và Quế Thiên Lan đến đây đã rõ, tất cả mọi người đều không khỏi đau lòng, thở dài thườn thượt! Bà già chợt lấy hành lý trên lưng thiếu niên áo vàng, mở ra, bên trong có mấy bộ áo vàng. Ông già mặt đỏ chép miệng: "Con ơi! Mấy năm nay đã cực khổ cho con, may mà con vẫn có thể hiểu cho nỗi khổ tâm của mẹ con, tuy mất hết trí nhớ nhưng vẫn luôn mặc y phục màu vàng". Bà già vẫn không nói gì, chọn một bộ áo vàng đưa tới rồi nói: "Thiên Thành, ông hãy xem chiếc áo vàng này có phải là chiếc áo vàng năm ấy tôi đã may, trên áo còn dính vết máu của ông?" ông già mặt đỏ nhìn chiếc áo mà lệ tuôn rơi. Bà già nói: "Chúng tôi vẫn cất giữ bộ áo này, năm Trọng Minh mười tám tuổi mới để cho nó giữ. Chúng tôi bảo đó là một tín vật gia truyền, có thể nhờ bộ áo này để tìm một người thân đã thất lạc. Lúc đó nó rất nghi hoặc, cũng đã hỏi nhưng tôi bảo vẫn chưa đến lúc, đừng hỏi nhiều. Đứa con này rất nghe lời, quả nhiên đã cất giữ. Ông thấy không, nó lưu lạc bao nhiêu năm mà vẫn giữ kỹ chiếc áo này!".
Ông già mặt đỏ mở chiếc áo vàng ra, câu chuyện hai mươi năm trước như hiện về trước mắt, trong nhất thời đau đớn như muôn ngàn mũi tên đâm vào trong tim! Bộ áo vàng này đã cũ kỹ nhưng trong mắt ông ta vẫn còn như lúc vợ mới may. Ông ta chợt bảo thiếu niên áo vàng châm một cành cây tùng đem tới. Ở nơi cốc hoang không có đèn, trong thạch thất chỉ đốt cành tùng chiếu sáng. Thiếu niên áo vàng lấy cành tùng tới, ông già mặt đỏ bỏ chiếc áo lên ngọn lửa, chiếc áo bốc cháy phừng phừng. Ông ta nói: "Hôm nay cả nhà đoàn viên, vật không may này đừng nên giữ nữa!".
Đột nhiên thiếu niên áo vàng kêu lên: "Mọi người xem đây là gì?" khi mọi người nhìn lại chỉ thấy trong ánh lửa xuất hiện một bức tranh, trong tranh là một dòng thác, ở cuối dòng thác nước đổ xuống như rèm châu trước cửa một sơn động, cửa đá sơn động đóng chặt, trong ánh lửa còn hiện bảy chữ lớn "Trái ba phải bốn giữa mười hai". Ai nấy đều lấy làm lạ, không biết đó là ý nghĩa gì, chiếc áo cháy rất nhanh, trong chốc lát đã biến thành tro. Mạo Hoàn Liên vẫn nhớ bức tranh ấy, định rằng ngày sau sẽ vẽ lại.
Thạch Thiên Thành thắc mắc hỏi: "Cái gì thế này?" Mạo Hoàn Liên nói: "Tôi nghe Phó bá bá nói có một loại cỏ dại, đốt thành tro pha với nước dùng để viết chữ, nét chữ không hiện ra, nếu đem đốt đi thì sẽ lộ ra. có một số bang hội bí mật đã từng dùng loại cỏ dại này chế thành mực nước ẩn hình để viết những bức thư bí mật. Đáng tiếc loại cỏ hoang này rất khó tìm, cũng rất ít người biết cách dùng".
Thạch Thiên Thành nói: "Tôi nhận ra nét chữ ấy là của Thiên Lan sư ca, nhưng không biết bức tranh ấy có ý nghĩa gì?" bà già ngạc nhiên nói: "Tôi cũng từng nghe ông ta nói. Từ sau khi ẩn cư ở Kiếm Các, ông ta càng lúc càng trầm mặc, có những ngày chẳng nói một câu, tôi cũng không biết ông ta đã vẽ bức tranh này khi nào!"
Lại nói Lăng Vị Phong cầm kiếm ra ngoài tuần tra. Trong sơn cốc nước chảy róc rách, đom đóm ẩn hiện, chàng nghĩ đến câu chuyện bi thảm của những người trong nhà thì liên tưởng đến thương thế của mình, chàng bất giác thẫn thờ. Đang suy nghĩ thì chợt thấy có hai bóng đen từ xa lướt tới.
Lăng Vị Phong thầm nhủ: "Hai kẻ này chắc là bọn người mà bà già đã nói, xem thử bọn chúng làm gì?" rồi chàng nằm phục xuống trong đám cỏ. Thân pháp của hai người này rất nhanh, trong chớp mắt đã đến trước mặt chàng, chỉ nghe người ở giữa nói: "Nghe nói Quế lão đầu nấp ở Kiếm Các! Nhưng sao tìm không thấy y mà chỉ có một căn nhà tranh rách nát?" người kia nói: "Chờ Hàn đại ca đến thì sẽ có cách thôi, có điều chỉ sợ y không đến". khi đang nói thì cả hai người chỉ còn cách Lăng Vị Phong bốn năm trượng. Lăng Vị Phong vò một viên bùn rồi búng vào vai của kẻ đứng phía sau, kẻ ấy nhảy nhổm lên, đưa mắt nhìn xung quanh nhưng chẳng thế bóng người. Lúc này một trận gió thổi tới, cây cổ thụ bên cạnh rơi xuống mấy chiếc lá. Người ấy cũng là cao thủ nội gia, lúc đầu còn tưởng là bùn trên cây rơi xuống, nhưng nghĩ lại nếu là rơi từ trên cây xuống mình sẽ không đau điếng như thế. Y vỗ người phía trước nói: "Đứng sánh vai với nhau, có bằng hữu phương khác đến!" người phía trước quay đầu nói: "Đào đại ca, huynh thấy gì thế?" kẻ được gọi là Đào đại ca chẳng nói lời nào, vén tà áo phóng lướt lên cây, đưa mắt nhìn xung quanh, đột nhiên cành cây y đang đứng chân kêu răng rắc rồi gãy lìa. May mà công phu khinh thân của y cao cường, y mới nhẹ nhàng hạ xuống đất rồi đưa mắt nhìn xung quanh. Lăng Vị Phong không khỏi bật cười.
Hai người ấy quay lại mắng: "Bằng hữu phương nào xin mời ra đây chỉ giáo cho ba chiêu hai thức, cứ lén lút như thế đâu phải là anh hùng?" Lăng Vị Phong đứng dậy, nói: "Ta đang ở đây? Ai bảo các người không nhận ra?".
Hai người ấy tên gọi là Bát Phương Đao Trương Nguyên Chấn, một kẻ là Hắc Sát Thần Đào Hoằng, đều là đại đạo độc cước ở miền Thiểm Tây, luận về công phu chẳng phải tay thường nhưng thuật khinh công ám khí thì kém xa Lăng Vị Phong. Lúc này bọn chúng bị Lăng Vị Phong ngầm thử tài, đều rất nổi giận, thế là nhảy bổ đến chàng!
Lăng Vị Phong giở chưởng thử trước ngực, đứng yên chẳng hề nhúc nhích. Trương Nguyên Chấn đấm tới một quyền từ bên trái, chàng đột nhiên hạ chưởng chặn lại, Trương Nguyên Chấn hơi thất kinh, đánh ra một chiêu Thủ Huy Tì Bà, hóa giải đòn hoành kình của Lăng Vị Phong. Đào Hoằng lao bổ tới từ bên phải, điểm chỉ vào huyệt Thông Tuyền của Lăng Vị Phong.
Lăng Vị Phong lắc người tránh qua, trở tay điểm lại vào huyệt Kính Cơ ở eo của Đào Hoằng, miệng cười rằng: "Nhà ngươi mà cũng biết điểm huyệt?" Lăng Vị Phong ra tay nhanh như điện, Đào Hoằng hóp ngực thu bụng tuy chưa bị điểm trúng nhưng áo cũng bị Lăng Vị Phong đâm một lỗ nhỏ, chàng thừ thế móc hai ngón tay xé được một mảng áo của y.
Đào Hoằng nhảy bổ đến hỏi: "Ngươi là ai?" Lăng Vị Phong nói: "Các ngươi là ai?" Trương Nguyên Chấn lúc này đã thấy vết đao trên mặt Lăng Vị Phong, thất kinh kêu lên: "Ngươi có phải là Thiên Sơn Thần Mãng Lăng Vị Phong đấy không?" Lăng Vị Phong kiêu ngạo nói: "Ngươi cũng biết đến tên ta?" Trương Nguyên Chấn nói: "Ngươi ở miền Tây bắc cũng khó lắm, cần gì phải đến đây?" Lăng Vị Phong quát hỏi: "Người trong thiên hạ quản chuyện thiên hạ, các ngươi dám đến bức hiếp người già tàn tật, ta không thể không quản!".
Đào Hoằng vội vàng ôm quyền nói: "Lăng đại hiệp, ông nói Quế Thiên Lan đã tàn phế rồi sao? Chúng tôi chẳng phải là kẻ thù của y, y đang ở đâu? Làm phiền ông dẫn kiến".
Lăng Vị Phong chưa lên tiếng thì từ xa đã có ba người phóng tới, Lăng Vị Phong thấy toàn là những ông già tuổi trên năm mươi. Trương Nguyên Chấn, Đào Hoằng vái dài rồi nói: "La đương gia, Đạt thổ ty và Lưu đà chủ đều đến. Chúng ta là bằng hữu hợp nhau, có dưa thì mọi người cùng ăn!" Lăng Vị Phong nghe xong thì biết đó là tiếng lóng của bọn lục lâm. Người trong chốn lục lâm khi cướp được một món đồ, hễ gặp một nhóm khác, nếu không muốn đổ máu thì cùng chia nhau. Lăng Vị Phong lấy làm lạ, bọn người này có vụ làm ăn nào trong hoang cốc?".
Trương Nguyên Chấn chỉ Lăng Vị Phong nói: "Đây là Tây Bắc du hiệp Thiên Sơn Thần Mãng Lăng Vị Phong". Ba người kia hờ hững khẽ gật đầu, Trương Nguyên Chấn lại giới thiệu với Lăng Vị Phong: "Vị này là La đương gia La Đạt ở miền Xuyên Bắc Mi Sơn, còn đây là Thổ ty ở Thạch Để tên gọi Đạt Tam Công. Còn đây là Đà chủ của bang Thanh Dương Lư Đại". Lăng Vị Phong vừa nghe thì biết ba người này là những kẻ có tên tuổi ở miền Tứ Xuyên, chàng tuy nổi tiếng ở miền Tây Bắc, nhưng lại chưa từng đến Tứ Xuyên, chả trách nào bọn họ vừa nghe tên của mình thì chỉ hờ hững. Nhưng không biết thế nào mà trong một đêm có nhiều lục lâm cao thủ đến đây, vả lại trong đó còn có cả cao thủ ngoại gia Đạt thổ ty!
Thế rồi Trương Nguyên Chấn nói: "Lăng đại hiệp là bằng hữu của Quế lão đầu. Y bảo Quế lão đầu đã tàn phế, chúng tôi định nhờ y dẫn kiến". Ba người kia đều khen tốt. Lăng Vị Phong vốn muon bảo rằng Quế Thiên Lan đã chết nhưng nghĩ lại thì im bặt. Chàng nghĩ bọn chúng đã bảo chàng là bằng hữu của Quế Thiên Lan vậy thì cứ dẫn bọn chúng đến gặp Thạch thái thái rồi tính tiếp".
Lại nói mọi người đang ở trong thạch thất đoán bức tranh của Quế Thiên Lan. Chợt nghe bên ngoài có tiếng bước chân, bà già tuốt kiếm ra nói: "Chả lẽ có tặc tử nào lại đến, cả Lăng Vị Phong mà chẳng chặn kịp?" bà ta phóng ra, chỉ thấy Lăng Vị Phong đi trước cao giọng kêu: "Thạch lão thái thái, có vài bằng hữu đến gặp bà, họ nói quen biết với Quế Thiên Lan!".
Trương Nguyên Chấn và Đạt thổ ty nghe Lăng Vị Phong kêu Thạch lão thái thái thì cảm thấy ngạc nhiên, bọn chúng nói: "Quế lão tẩu, có còn nhớ chúng tôi không? Thiên Lan huynh có ở đây không?" bà già sầm mặt, nói: "Quế Thiên Lan đã bị bọn người của triều đình hại chết. Các người đã đến muộn một bước, đương gia của ta Thạch Thiên Thành thì nằm trong nhà, có điều giờ đây ông ta đã là một phế nhân, không dám mời các bằng hữu vào!" nói xong thì giơ kiếm chặn trước cửa.
Khi bà ta và Quế Thiên Lan ở chỗ Lý Định Quốc đã quen biết Trương Nguyên Chấn và Đạt thổ ty. Trương Nguyên Chấn là kẻ cầm đầu một nhóm sơn tặc, lúc đó cũng nghe theo hiệu lệnh của Lý Định Quốc, Đạt thổ ty đã có một lần mượn đường đi ngang qua căn cứ địa của Lý Định Quốc, lúc đó người đứng ra giải quyết sự vụ là Quế Thiên Lan.
Trương Nguyên Chấn và Đạt thổ ty nghe bà già nói như thế thì đều chưng hửng! Bọn chúng không hề biết bà già còn có một đương gia khác, chỉ tưởng rằng bà nói dối, nhưng thấy bà ta cầm kiếm đứng ngang trước cửa thì không dám ra tay bừa bãi. Bởi vì năm xưa bà cũng là một bậc nữ kiệt trong quân của Lý Định Quốc, Ngũ Cầm kiếm pháp nổi tiếng miền Xuyên Trung. Không biết Đạt thổ ty thế nào nhưng Trương Nguyên Chấn thì đã hơi khiếp sợ. Đang chần chừ thì chợt thấy từ xa có bóng người loáng thoáng.
Mọi người nheo mắt nhìn chỉ thấy Đà chủ của Thanh Dương bang là Lư Đại hỏi: "Có phải là Thạch tẩu tẩu đấy không? Tôi là Lư Đại đây, năm xưa đã từng nhận ân điển của lệnh tôn, cũng đã uống rượu mừng của hiền khang lệ, nếu Thạch đại ca ở đây, theo lý phải để tiểu đệ vào bái kiến". Lư Đại là đệ tử tục gia của phái Nga Mi, thời còn trẻ đã đắc tội với hai nhân vật giang hồ cực kỳ lợi hại, may mà được cha của Thạch đại nương là Diệp Vân Tôn ra mặt hóa giải nên mới yên. Nhờ đó y cũng đã thay đổi rất nhiều, bởi vậy có thiện cảm với Diệp Vân Tôn. Sau này Thạch đại nương kết hôn, y cũng đến chúc mừng, từ ngày uống xong bữa rượu mừng đó đến nay đã ba mươi năm. Chuyện của Thạch đại nương và Quế Thiên Lan y hoàn toàn không biết.
Bà già trợn mắt, vẫn giơ ngang kiếm đứng trước cửa, nhìn Lư Đại nói: "Đa tạ các vị bằng hữu đã có ý tốt, chỉ là đương gia của tôi bị vệ sĩ đại nội ám toán khiến cho trở thành phế nhân, đêm qua bọn chúng cùng từng đến nơi này lục soát, đả thương con gái của tôi, giờ đây đương gia của chúng tôi đang đợi bọn ưng khuyển đến, không muốn làm phiền đến bằng hữu". Lư Đại nổi giận đùng đùng hỏi: "Có chuyện này nữa hay sao?".
Khi đang nói thì bóng người đã đến trước căn thạch thất. Bà già cười gằng hỏi: "Hãy nhìn xem, đó chẳng phải là bọn vệ sĩ đến hay sao?" Lư Đại xoay đầu nhìn lại, quả nhiên có năm tên vệ sĩ mặc toàn đồ màu xanh tản ra tạo thành thế bao vây.
Lư Đại nói: "Để tôi trừ khử bọn chúng trước!" rồi phóng vọt người lên, nhưng lại bị Mi Sơn trại chủ La Đạt kéo lại: "Lư đại ca, khoan đã, chúng ta đừng bỏ qua cơ hội này!".
Trong năm tên vệ sĩ thì có ba tên là đại nội cao thủ, kẻ đứng đầu tên gọi Vương Cương, nổi tiếng võ lâm nhờ môn Kim Cương Tán Thủ, hai người kia là Thân Thiên Hổ và Thân Thiên Báo, hai người này là một cặp huynh đệ, nổi tiếng nhờ môn Ngô Câu kiếm pháp. Hai tên còn lại là vệ sĩ trong phủ Tổng Đốc Xuyên Thiểm tên gọi Hồng Đào và Tiêu Trực. Trước đây bọn chúng cũng là nhân vật lục lâm, sau đó mới đi theo Tổng Đốc Xuyên Thiểm. Hai người này đã dắt đường cho bọn Vương Cương.
Hồng Đào, Tiêu Trực đều quen biết với bọn La trại chủ, Đạt thổ ty, Trương Nguyên Chấn, thế rồi nói với Vương Cương rồi chào rằng: "Chúng tôi vâng lệnh đến đây bắt khâm phạm Thạch Thiên Thành, những người khác đều không có liên quan. Các bằng hữu, xin nhường đường!".
Lư Đại gầm lên quát: "Không được!" La Đạt lại bảo: "Đại ca, người ta đang có chuyện gấp, huynh lo gì?" bọn La Đạt, Trương Nguyên Chấn, Đào Hoằng, Đạt thổ ty tuy là nhân vật lục lâm hùng bá một phương nhưng cũng chỉ là lục lâm bình thường, chắc không thể so sánh với bọn Lý Tự Thành, Trương Hiến Trung. Bọn chúng tụ tập ở chốn núi rừng chỉ muốn có chỗ đứng chân mà thôi, bởi vậy xưa nay chẳng xích mích hay qua lại gì với quan binh. Nếu bọn chúng đối đầu với vệ sĩ đãi nội, bao che cho khâm phạm, bọn chúng cũng chẳng muốn. Vả lại cả bọn cũng chẳng có giao tình thân thiết với Quế Thiên Lan, Thạch Thiên Thành.
Bà lão ôm kiếm trước ngực, vái dài Lư Đại rồi nói: "Bà già này xin đa tạ người bằng hữu, cũng không dám làm khó bằng hữu, tôi tuy già nhưng cũng không đến nỗi lẩm cẩm. Các bằng hữu xin tránh ra! Ta cũng muốn xem tay chân của Hoàng đế lão tặc ra thế nào?".
Bà già múa thanh kiếm toan phóng vọt ra. Lăng Vị Phong tiến lên một bước, chặn ở phía trước cao giọng kêu: "Đại nương, cứ để bọn thỏ này cho tôi. Đã lâu rồi tôi không ăn thịt thỏ, nếu bà muốn, tôi sẽ để giành cho bà hai con!" nói xong thì điểm mũi chân phóng vọt tới trước mặt ba tên vệ sĩ. Bà già cười ha hả: "Được, ta nhường cho ngươi, ngươi có đói thì ăn hết cũng được!".
Lăng Vị Phong điểm mũi chân xoay người, nhìn ba tên vệ sĩ rồi lạnh lùng hỏi: "Chủ nhân đã giao mọi chuyện cho ta, các người hãy xông về phía ta!" Hồng Đào cao giọng nói: "Ngươi chẳng phải nhân vật chủ chốt, dựa vào cái gì mà ra nói chuyện với bọn ta? Bằng hữu, chúng ta nước sông không phạm nước giếng, đừng xen vào chuyện của nhau. Non xanh còn đấy, nước biếc chảy dài, sao không kết bằng hữu với nhau. Chúng tôi thấy ngươi là một người tốt!".
Lăng Vị Phong nặng lời như thế mà tại sao Hồng Đào vẫn khách sáo với chàng? Té ra lúc nãy Hồng Đào đã nhận ra bọn La Đạt, Đạt thổ ty cùng một đường với chàng. Y chỉ lo Lăng Vị Phong ra tay thì bọn này sẽ giúp chàng. Những kẻ này toàn là cao thủ lục lâm, tuy y không biết Lăng Vị Phong nhưng từ khinh công của chàng có thể thấy chàng chẳng phải tay tầm thường. Năm người bọn chúng nếu chỉ đối phó với vợ chồng Thạch Thiên Thành, con gái và đồ đệ của ông ta thì dư sức. Nhưng nếu đấu với cả những người kia thì không dễ tí nào. Bởi vậy y tuy bực dọc nhưng cũng phải nói lời tốt đẹp. Y tưởng Lăng Vị Phong cũng giống như La Đạt, đều là nhân vật lục lâm có thể lợi dụng được.
Nào ngờ y không nói thì thôi, nhưng đã nói xong thì Lăng Vị Phong chợt quát lớn: "Đánh rắm, ai là bằng hữu của ngươi!" chàng thấy Hồng Đào nhìn quần hào thì lớn giọng nói: "Các người cứ xông về phía một mình ta là đủ!" rồi quay sang bọn La Đạt nói: "Các bằng hữu, nếu coi trọng tôi xin đừng giúp đỡ để kẻo bọn chúng nói chúng ta lấy đông hiếp ít".
Lúc này màn đêm dần tan, trời đã hửng sáng, Vương Cương đã thấy rõ mặt mũi Lăng Vị Phong, y chợt bước tới một bước, lạnh lùng nói: "Nhà ngươi có phải là Lăng Vị Phong đấy không?" Lăng Vị Phong ngạo mạn nói: "Phải thì thế nào?" Vương Cương cười quái dị mấy tiếng rồi vẫy tay với bọn vệ sĩ: "Các người đã thấy rõ rồi đấy, đây chính là đỉnh đỉnh đại danh Thiên Sơn Thần Mãng Lăng Vị Phong, nửa đêm đã đại náo núi Ngũ Đài, cướp đi Xá lợi tử toàn là do y cả. Lăng Vị Phong, người khác sợ ngươi nhưng bọn ta thì không. Ngươi hãy ngoan ngoãn theo bọn ta!".
Té ra sau khi Sở Chiêu Nam thoát khỏi Vân Cương về kinh báo cáo. Triều đình liền vẽ hình Lăng Vị Phong gởi đi các nơi, xem chàng là khâm phạm nguy hiểm nhất. Tính ra chàng còn quan trọng hơn cả vợ chồng Thạch Thiên Thành, bọn Vương Cương tình cờ gặp được chàng vừa lo vừa mừng. Vương Cương cậy mình có ngón Kim Cương Tán Thủ bình sinh chẳng ai địch nổi. Y vốn muốn giành địa vị thống lĩnh Cấm vệ quân, không ngờ Sở Chiêu Nam về kinh thì Khang Hy đã trao vị trí này cho Sở Chiêu Nam, cả Phó thống lĩnh Trương Thừa Bân cũng chẳng thể nào ngóc đầu lên nỗi. Vương Cương rất hậm hực, đã muốn tìm cơ hội đấu thử với Lăng Vị Phong để gián tiếp làm bẽ mặt Sở Chiêu Nam.
Lăng Vị Phong cười lạnh, rút cây kiếm thép ra, chĩa mũi kiếm về phía trước, đang định lên tiếng thì phía sau có người quát: "Lăng đại ca, hãy chừa phần cho tôi!" trong nhà có một người cầm song kiếm phóng ra như cơn gió lốc, người ấy chính là thiếu niên áo vàng Quế Trọng Minh.
Lăng Vị Phong buông kiếm cười hì hì: "Y là công tử của Thạch lão tiền bối, một trong những kẻ các ngươi tìm chính là y, có mặt y ta không thể chiếm phần riêng".
Vương Cương đanh mặt, lạnh lùng nói: "Nếu các ngươi đã ra tay dùm cho Thạch lão đầu, vậy chắc chắn đã có bản lĩnh. Nếu hai người bọn ngươi thua thì thế nào?".
Quế Trọng Minh nói: "Nếu ta thua thì các ngươi sẽ bắt cả nhà!" Lăng Vị Phong cười nói: "Cả ta cũng thế". Lư Đại chen vào nói: "Thật không công bằng, nếu họ không thua thì sao?" Lăng Vị Phong nói: "Cũng chưa chắc, dầu sao bọn chúng cũng chẳng thoát nổi".
Vương Cương tức giận nói: "Hảo tiểu tử, các ngươi có bao nhiêu bản lĩnh mà dám coi thường người khác như thế? Chúng ta không quen đấu mồm, hãy ra bên ngoài tỉ thí!" Hồng Đào kêu lên: "Khoan đã, bọn ta tuy nói bắt khâm phạm, nhưng chúng ta đều là người trong võ lâm. Ta xin mời bọn La đại ca, Đạt thổ ty làm chứng, kẻo các người lại bảo bọn ta lấy mạnh hiếp ít, lấy đông hiếp nhiều". Hồng Đào rốt cuộc vẫn lo bọn Đạt thổ ty, sợ rằng họ sẽ giúp Lăng Vị Phong nên lên tiếng trước để chặn lại, bởi vì nếu họ đã là người làm chứng thì không thể nào ra tay.
Lư Đại hừ một tiếng, La Đạt đã nói: "Điều đó đương nhiên, bọn ta cũng muốn mở rộng tầm mắt!" Lăng Vị Phong ôm kiếm vái dài nói: "Nếu các vị đã coi trọng tôi như thế, hai bên đều không trợ quyền thì thật là hay! Thạch đại nương, bà cũng không cần ra". Bà già cầm kiếm đứng trước cửa, cao giọng nói: "Ta ra làm gì? Nếu mụ không tin ngươi, đã không trao sinh mạng của cả nhà cho ngươi! Nếu các ngươi muốn đánh thì cứ đánh cho mau, nhưng phải ra xa một chút, các ngươi không được cãi nhau ở đây".
Lăng Vị Phong cười ha hả: "Các ngươi đã nghe thấy chưa? Lão đại nương không thích chúng ta đánh nhau ở đây, sơn cốc bên ngoài rộng rãi, chúng ta ra ngoài đi thôi". Vương Cương phẫy tay, năm tên vệ sĩ cùng chạy ra ngoài sơn cốc. Thân Thiên Hổ khẽ hỏi: "Ngộ nhỡ bọn chúng bỏ chạy, không dám theo chúng ta thì thế nào?" Vương Cương nói: "Không sao cả". Thân Thiên Báo quay đầu lại hỏi: "Vương đại ca, cũng chưa chắc, giờ đây chúng cũng chưa dời bước!"
Huynh đệ họ Thân đột nhiên ngừng bước, toan ngoác mồm khích tướng thì đột nhiên chỉ thấy hai bóng đen lướt ra như điện chớp, chưa nhìn rõ là ai thì đã thấy tà áo lướt qua mặt. Vương Cương phóng thẳng người lên đuổi theo, huynh đệ nhà họ Thân cũng vội vàng chạy theo.
Cả hai chạy đến góc núi, chỉ thấy hai bóng đen đã đứng ở đấy. Lăng Vị Phong giơ ngang kiếm trước ngực, Quế Trọng Minh đặt chéo hai kiếm, lạnh lùng cười nói: "Các vệ sĩ lão gia, chỉ có mấy bước mà các ngươi lại đi chậm như thế!" Cả hai huynh đệ nhà họ Thân vừa kinh vừa lo, biết rằng kẻ địch cố tình tỉ thí họ. Lòng thầm mắng: "Các người đừng ngông cuồng, công phu khinh công có đáng là gì? Để lát nữa các ngươi hãy nếm mùi vị Ngô Câu kiếm pháp của bọn ta!".
Một hồi sau, bọn La Đạt đã chạy ra, trong đó lại có thêm một thiếu nữ áo đỏ, đôi mắt long lanh cứ nhìn chằm chằm về phía Quế Trọng Minh.
Thiếu nữ áo đỏ ấy chính là Mạo Hoàn Liên, nàng đeo kiếm ngang eo, trong tay cầm một nắm Đoạt Mệnh thần sa. Nàng vốn không muốn ra nhưng vừa bước đến cửa thì bà già đã nói với nàng, nếu kẻ địch không đả thương nàng thì đừng ra tay để khỏi tổn hại đến uy danh của Lăng Vị Phong. Bởi vậy nàng mới đi lẩn trong quần hào, mắt cứ nhìn chằm chằm Quế Trọng Minh. Vương Cương thấy có thêm một thiếu nữ thì bất giác nhìn nàng.
Lúc ấy mặt trời vừa mới lên, ánh nắng sớm chiếu xuống muôn nơi, quái thạch trong sơn cốc hiện rõ ràng, quần hào và Mạo Hoàn Liên đứng lẩn trong đống quái thạch.
Đúng là: Núi hoang kiếm khí đằng đằng, muôn cây lặng tiếng chờ mưa đến.
← Hồi 09 | Hồi 11 → |
< Xem thêm truyện hay, đặc sắc khác