Vay nóng Tima

Truyện:Thần điêu đại hiệp - Hồi 031



Thần điêu đại hiệp
Trọn bộ 104 hồi
Hồi 031: Đại hội Cái Bang
0.00
(0 lượt)


Hồi (1-104)

Siêu sale Lazada

Ban nhạc cử lên nhiều bài khi hùng tráng, lúc mê ly, khi dồn dập như sấm động, lúc thoảng qua như gió mùa xuân.

Dương Qua đứng nghe tiếng nhạc lòng mê say với giọng sáo tiếng kèn, óc ngẩn ngơ suy nghĩ những chuyện xa vời.

Vừa lúc đó cửa ngoài có bốn vị đạo nhân từ từ bước vào.

Thoạt trông thấy mấy người này, chàng cảm thấy tấm thân xao xuyến nhưng vẫn cố giữ vẻ bình tĩnh.

Người đi đầu mặt đỏ hồng hào, tóc râu trắng phau như tuyết, quả là Quang Minh Tử Hách Đại Thông, một trong bảy vị cao thủ phái Toàn Chân- Toàn Chân thất tử.

Người đi kế theo là một lão đạo cô,cả tóc mi cũng trắng bạc, xưa nay Dương Qua chưa gặp mặt lần nào nên không rõ danh tánh.

Hai người đi sau rốt không ai xa lạ, chính là Triệu Chí Kính và Doãn Chí Bình, sánh vai nhau đi thong thả, vừa bước vừa chuyện trò.

Vợ chồng trang chủ từ trong đại sảnh bước ra bái chào làm lễ tham kiến và gọi lão đạo cô là sư phụ.

Kế đến là vợ chồng Quách Tỉnh, con gái là Quách Phù và hai anh em Võ Đôn Nho, Võ Tu Văn cũng lần lượt chạy ra kính cẩn lạy chào đón tiếp.

Tuy trong rừng người, kẻ bàn tán ồn ào nhưng Dương Qua vẫn thính tai nghe được những lời đối đáp của đôi bên.

Chàng thấy một ông lão đứng bên mặt chỉ mấy vị và giới thiệu cho một người bạn biết:

- Vị lão đạo cô này là một vị nữ kiếm khách lừng danh của Toàn Chân phái tên là Tôn Bất Nhị đó.

Người kia nói:

- A, té ra là nữ hiệp Tôn Bất Nhị đã lừng danh Nam Bắc. Tôi đã từng nghe tiếng tăm vang dậy nhưng đến nay mới được gặp mặt lần đầu.

Ông lão nói thêm:

- Ngài là sư phụ của Lục phu nhân trang chủ. Còn Lục trang chủ thì không thọ giáo cùng lão đạo cô.

Lục trang chủ là Lục Quán Anh, con của Lục Thừa Phong. Xưa kia Lục Thừa Phong là đệ tử của Hoàng Dược Sư đảo chúa Đảo Đào Hoa, phụ thân của Hoàng bang chủ. Nếu tính theo vai vế thì Lục Thừa Phong và Quách Tỉnh ngang nhau, mà Lục Quán Anh thì dưới một bậc.

Vợ của Lục trang chủ tên là Trình Dao Ca, đệ tử của lão đạo cô Tôn Bất Nhị. Ngày trước hai vợ chồng trang chủ sống chung với cha là Lục Thừa Phong tại Quy Vân trang trên bờ Thái Hồ. Sau đó Âu Dương Phong đến đánh phá, đốt trụi cả Quy Vân trang. Lục trang chủ không đủ sức chống cự phải dời về Kinh Tử Quan là cơ sở ngày nay đây.

Thời còn niên thiếu, Trình Dao Ca gặp nhiều nỗi truân chuyên hoạn nạn, may nhờ có Quách Tỉnh và Hoàng Dung mấy phen cứu thoát, vì vậy cho nên đối với vợ chồng Hoàng Dung nói riêng và Cái Bang nói chung, Lục phu nhân vẫn mang một cái ơn rất lớn.

Lần này nhân dịp toàn thể Cái Bang họp đại hội và toàn thể anh hùng khắp nơi cũng được thiếp mời về dự "Anh hùng yến" nơi đây, tất thảy đều do vợ chồng Lục trang chủ bao hết mọi phí tổn. Số người quá đông, lẽ dĩ nhiên sự chi tiêu phải vô cùng tốn kém, có thể lên đến gần một nửa gia sản của chủ nhân. Tuy nhiên hai vợ chồng Lục Trang chủ là người hào phóng, trọng nghĩa khinh tài, vẫn không nề hà chút nào cả.

Khi ấy Quách Tỉnh mời Hách Đại Thông và Tôn Bất Nhị cùng bước vào đại sảnh để gặp mặt chư vị anh hùng.

Hách Đại Thông đưa tay vuốt chòm râu bạc, cất giọng sang sảng nói:

- Tất cả các huynh Mã, Khưu, Lưu, Vương đều có nhận được thiếp mời của Hoàng bang chủ, ai nấy cũng đã chuẩn bị để lên đường đi dự "Anh hùng yến". Không ngờ vào giờ chót, Lưu sư huynh bị bệnh nên các vị sư huynh khác buộc lòng phải ở lại để lo săn sóc và tìm thầy thuốc men chạy chữa. Vì vậy nên bốn vị sư huynh có nhờ lão chuyển lời cáo lỗi cùng Hoàng bang chủ và Quách đại hiệp.

Hoàng Dung đáp lại:

- Không dám, xin nhị vị lão tiền bối đừng khách sáo. Được nhị vị niệm tình chiếu cố đến dự hôm nay cũng là một vinh dự cho Cái Bang lắm rồi. Chúng tôi chẳng còn đòi hỏi gì hơn nữa.

Tuy Hoàng Dung còn trẻ tuổi nhưng đã là Bang chủ của một tổ chức quan trọng nhất, nên Hách Đại Thông nể vì trọng vọng lắm.

Còn Quách Tỉnh và Doãn Chí Bình vốn đã quen biết và thân với nhau ngay từ ngày còn niên thiếu, do đó hôm nay gặp lại thì tay bắt mặt mừng chuyện trò vui vẻ lắm.

Lục Quán Anh nhân danh chủ yến, sai gia nhân dọn tiệc và mời chư vi anh hùng cùng vào ngồi dự.

Trong đại sảnh đèn đuốc sáng rực rỡ, bàn ghế la liệt, người đông như kiến, nói nói cười cười vô cùng náo nhiệt.

Tuy đã ngồi vào bàn nhưng Doãn Chí Bình cứ đưa mắt láo liên nhìn khắp chỗ, hình như cố tìm kiếm một kẻ nào đó. Triệu Chí Kính biết ý chàng, cười thầm trong bụng rồi ghé tai nói nhỏ:

- Sư đệ có gặp Long đạo hữu về dự tiệc hay không?

Doãn Chí Bình thất sắc, chỉ nhìn lại, không nói gì hết.

Quách Tỉnh lắng tai nghe hai người nhắc đến vị đạo hữu họ Long thì cũng ngờ là một vị nào trong môn phái chứ không ngờ Triệu Chí Kính ám chỉ Tiểu Long Nữ.

Ông cũng vui cẻ góp lời:

- chắc nhị vị đang chờ một vị đạo hữu nào họ Long nhưng đến muộn phải không?

Triệu Chí Kính cười hóm hỉnh và nói kháy:

- Thưa, vị ấy là bạn thân của Doãn sư đệ đấy. Bần đạo đâu dám đèo bòng đến.

Quách Tỉnh thấy thái độ hai người có ve khách sáo thiếu tự tin, đoán có lẽ giữa đôi bên có ẩn tình gì đây, nhưng không tiện hỏi thêm, quay sang nói chuyện với khách.

Chợt Doãn Chí Bình thấy Dương Qua đang ngồi lẫn lộn giữa đám đông thì trong lòng hồi hộp mất tự nhiên, sắc mặt tái đi trông thấy rõ. Chàng nghĩ thầm:

- Dương Qua có mặt thì thế nào Tiểu Long Nữ cũng đến đây và có lẽ sớm muộn gì rồi cũng xuất đầu lộ diện.

Nhìn mặt mày Doãn Chí Bình tái mét, Triệu Chí Kính và Quách Tỉnh cũng đều hết sức ngạc nhiên, vội nhìn ngay về hướng đó thì thấy có Dương Qua. Quách Tỉnh mừng quá lật đật chạy đến nơi nắm tay chàng ôn tồn nói:

- Qua nhi,chẳng hay con đến từ lúc nào. Sở dĩ vì đường sá quá xa xôi nên ta không biên thiếp mời con, ngại con đi vất vả. Con cùng đi với sư phụ sao không vào ngay mà cứ để sự phụ con nhọc công đi tìm kiếm con từ nãy đến giờ?

Nguyên Quách Tỉnh ở Đào hoa đảo cách phái Toàn Chân quá xa xôi, hơn nữa lúc bấy giờ giao thông liên lạc rất khó khăn nên việc xung đột giữa Dương Qua và Toàn Chân phái ông vẫn chưa hề hay biết. Lần này đi dự Anh hùng yến, Triệu Chí Kính định đưa ra nói lại cho ông nghe nhưng chưa kịp. Chẳng ngờ lại gặp Dương Qua ở đây mà Quách Tỉnh lại ân cần đón hỏi, Triệu Chí Kính sợ rằng Dương Qua đưa ra nói trước. Khi nghe thấy Quách Tỉnh nói thế hắn mới biết Quách Tỉnh cũng chưa nắm rõ được tình hình nên buộc miệng nói:

- Bần đạo đâu có tài năng và diễm phúc được nhận Dương Qua làm đệ tử!

Quách Tỉnh nghe nói lạ lùng quá hỏi lại:

- ủa, tại sao Triệu sư huynh lại nói như vậy. Hay là Qua nhi đã có làm điều chi vô lễ xúc phạm đến sư huynh, hoặc chẳng nghe lời dạy bảo chăng?

Triệu Chí Kính đưa mắt nhìn lên thấy trên đại sảnh anh hùng hào kiệt qua đông, ngại rằng nếu đưa việc này ra nói thì quả là dài dòng mà còn làm thương tổn đến danh dự của phái Toàn Chân nên phải dằn lòng cười nhạt một tiếng không nói gì hết.

Quách Tỉnh đưa mắt nhìn kỹ Dương Qua thì thấy mặt mũi sưng vù, trên má có bị nhiều vết trầy như bị ai cào, quần áo rách tả tơi, thân hình ốm o tiều tuỵ thì đoán có lẽ chàng đang sống trong một hoàn cảnh bi đát, nên chạnh lòng thương xót, đưa tay ôm choàng vào lòng vỗ nhẹ lên lưng như để an ủi vỗ về.

Dương Qua thấy bị Quách Tỉnh ôm chặt vào mình chưa rõ dụng ý gì nên vội vàng vận dụng nội công chống đỡ.

Quách Tỉnh thật lòng thương xót cháu, chẳng quan tâm đến sắc diện của chàng, ngó Hoàng Dung hỏi:

- Em có nhận ra ai đây không?

Hoàng Dung đưa mắt nhìn Dương Qua từ trên xuống dưới và hỏi một câu để lấy lòng Quách Tỉnh:

- Hay quá, cháu về đây từ lúc nào đấy?

Dương Qua không đáp lại, chỉ lấy tay gỡ tay Quách Tỉnh ra khỏi mình và nói nhỏ:

- Thân hình tôi dơ dáy bẩn thỉu lắm, xin lão trượng buông ra để khỏi làm lấm quần áo quý.

Câu nói đơn giản chân thật nhưng bao hàm nhiều nỗi cay chua đau đớn khiến cho Quách Tỉnh chạnh lòng thương xót nghĩ thầm:

- Tội nghiệp cháu tôi, không cha không mẹ, làm sao sung sướng được.

Ông âu yếm nắm tay Dương Qua kéo lại ngồi bên mình.

Dương Qua ghe xuống ghế và nói nhỏ nhẹ:

- Dạ,cháu ngồi đây được rồi. Xin bá bá đừng bận tâm, cứ lo tiếp các quan khách đi.

Quách Tỉnh nhận thấy chàng nói đúng vì nhìn xung quanh chư vị anh hùng đã tề tựu đủ cả. Ông cúi xuống vỗ vào lưng và bóp nhẹ vào vai chàng để tỏ ý thông cảm rồi trở lại ghế cũ rót rượu mời mọi người.

Qua ba tuần rượu, Hoàng Dung đứng dậy nghiêm trang lên tiếng:

- Thưa liệt vị, ngày mai mới là ngày chính thức của Anh hùng yến. Hôm nay còn nhiều vị ở xa chưa về kịp. Vậy kính mời liệt vị cứ ăn uống no say, rồi ngày mai chúng ta uống nữa.

Mọi người nâng chén vui vẻ nói:

- Chúng tôi xin vâng lời, Bang chủ chớ bận tâm.

Tiếp theo đó bọn tráng đinh khiêng các món ăn và đủ thứ đặt lên các bàn, nào thịt heo, thịt dê, bê thui,... mỹ tửu không thiếu thứ gì. Bàn nào cũng la liệt đầy cả các món ăn.

Tiệc xong các vị anh hùng đều được hướng dẫn về phòng riêng nghỉ ngơi.

Khi ấy tại đại sảnh, Triệu Chí Kính lại gần Hách Đại Thông thưa nhỏ vài câu.

Hách Đại Thông nghe xong gật đầu tỏ vẻ đồng ý.

Thưa xong, Triệu Chí Kính chạy lại phía Quách Tỉnh, chắp hai tay lại vái dài một lễ và nói:

- Xin Quách đại hiệp rộng lòng tha thứ cho, bần đạo đã phụ lòng uỷ thác của đại hiệp.

Quách Tỉnh cũng chắp tay đáp lễ rồi nói lại:

- ủa, sao Triệu sư huynh lại nói như vậy. Hay là cháu nó đã có gì thất lễ cùng sư huynh chăng. Vậy xin mời các vị cùng vào trong để tôi gọi cháu nó ra la rầy ít câu dạy hắn ít bớt cái tính ngang ngạnh bướng bỉnh đi.

Quách Tỉnh nói lớn tiếng nên mặc dầu ở xa, Dương Qua vẫn nghe rõ từng tiếng một. Chàng tức mình nghĩ bụng:

- Nếu người mắng ta một câu ta sẽ bỏ đi ngay, tội gì ở lại đây để nghe những lời vô lối như vậy. Nếu người đánh ta thì dẫu tài mọn sức kém, ta cũng quyết tâm chống lại, không thèm nhẫn nhịn nữa.

Vì có dự định thái độ trước nên chàng thản nhiên chờ đợi không chút nào phân vân lo ngại như lúc ban đầu.

Quách Tỉnh đưa tay ngoắc chàng lại bên mình.

Trong lúc ấy, Quách Phù và anh em họ Võ ngồi ăn chung một bàn ở căn phòng bên cạnh.

Khi thấy cha mẹ nhận ra Dương Qua, Quách Phù cũng nhớ ra liền. Nàng sực nhớ lại anh chàng này lúc bé đã cùng sống chung với mình trên đảo Đào Hoa, vui đùa thân thiết lắm, chẳng ngờ chưa bao lâu mà đã thay đổi khá nhiều, lúc gặp lại nhận không ra.

Nàng bỗng băn khoăn suy nghĩ thêm:

- Phàm còn trẻ tuổi ai cũng lớn mau như thổi. Chỉ cách nhau vài ba tháng, khi gặp lại đã thấy khác liền, huống chi hắn cùng ta đã xa nhau bao nhiêu năm trời thì làm sao khỏi quên cho được.

Nàng bỗng nhớ thêm:

- à, không rõ anh chàng này còn nhớ câu chuyện tranh chấp nhau hồi trên đảo không? Nếu còn nhớ thì chắc hẳn là oán hận mình lắm.

Nàng thấy Dương Qua ăn mặc quá tồi tàn, rách rưới thì đem so sánh với anh em họ Võ và suy nghĩ có vẻ khoái chí lắm:

- Nhìn hai anh em họ Võ xinh trai, đẹp đẽ, ăn mặc sang trọng bao nhiêu thì trông anh chàng Dương Qua dơ dáy, rách rưới như ma lem thật quả là hai thái cực trái ngược nhau.

Nhưng chàng lại thương hại ngay và quay sang hỏi nhỏ Võ Đôn Nho:

- Ngày trước phụ thân em đích thân đem Dương Qua gửi cho Toàn Chân phái, không biết đến nay đã học hỏi tới đâu rồi, có giỏi hơn bọn mình không nhỉ?

Võ Đôn Nho tỏ vẻ khinh thường nhướn mắt đáp:

- Quách sư phụ là đệ nhất anh hùng trên thiên hạ. Quách bá mẫu đã được ngoại tổ và Hồng Thất Công lão bang chủ truyền lại nhiều thế võ công tuyệt diệu. Hai vị đã hết lòng truyền thụ cho chúng ta thì hắn không thể nào bì nổi. Trên thế gian này làm sao tìm ra một bậc sư phụ ngang tài cùng Quách sư phụ và Quách sư mẫu. Vì vậy, chắc chắn tài nghệ của chúng ta phải vượt hơn hắn xa lắm.

Quách Phù gật đầu tỏ vẻ tán đồng và nói thêm:

- Xưa kia hắn đã tỏ ra là người thiếu căn bản, ngày nay dù cố gắng cũng chưa chắc tiến bộ được là bao nhiêu. Nếu hắn có bản lĩnh khá, đâu đến nỗi lang thang tiều tuỵ như vậy được.

Vừa lúc ấy nghe Quách Tỉnh cất tiếng cười, Hách Đại Thông và mọi người vào phòng để hỏi tội Dương Qua, Quách Phù bỗng nổi tánh hiếu kỳ đứng dậy nói:

- Chúng ta thử nấp phía ngoài nghe thử mọi việc xem sao.

Võ Đôn Nho e ngại nếu sư phụ biết sẽ trách phạt thì Võ Tu Văn đã lẹn miệng đáp:

- Hay đấy, mình đến rình thử cho biết!

Thấy Võ Đôn Nho còn ngập ngừng không nói, Quách Phù đã bước ra bỗng dừng chân lại nói gằn:

- Sao, anh không đi phải không?

Nghe giọng nói của nàng có vẻ gay gắt, Võ Đôn Nho nghĩ dầu có từ chối cũng chẳng xong nên gượng cười đứng dậy đi theo.

Ba người đứng ngoài, ghé mắt nhìn qua khe cửa thấy trong phòng có đủ mặt vợ chồng Quách Tỉnh, Hách Đại Thông, Tôn Bất Nhị, Doãn Chí Bình và Triệu Chí Kính.

Khi ai nấy ngồi xong rồi, Quách Tỉnh bảo Dương Qua:

- Con ngồi xuống đi!

Dương Qua lắc đầu, ngước mắt nhìn ông đáp:

- Con không dám ngồi, sợ rằng như thế sẽ vô lễ với sư thúc, sư bá.

Miệng nói, mắt nhìn xung quanh một lượt, thấy toàn là những cao thủ võ lâm, kẻ nào cũng vẻ mặt lạnh lùng, khiến cho Dương Qua cũng thấy rờn rợn trong lòng.

Quách Tỉnh xưa nay rất trọng các vị trong phái Toàn Chân, đối với Dương Qua thì ông lúc nào cũng xem như hàng con cháu. Ông không muốn căn vặn nhiều e mang tiếng hạch sách áp chế trẻ con nên chỉ la rấy lấy lệ:

- Tại sao cháu to gan lớn mật, chẳng biết kính nể kẻ bề trên?

Mắng sơ rồi ông quay sang thưa cùng các vị trong phái Toàn Chân:

- Kính thưa sư phụ, sư thúc, xưa nay thánh nhân đã dạy con người phải biết kính trọng ba ngôi Quân, Sư, Phụ. Học trò lúc nào cũng phải tuyệt đối tuân theo lời thầy chỉ dạy, xem thầy như cha, thế mà ngày nay tình sư đệ trong võ lâm mỗi lúc càng lỏng lẻo, chẳng qua là vì chúng ta cưng chiều bọn hậu bối quá nên chúng đâm ra lớn mật.

Ông nói năng từ tốn, ôn tồn không hề quát tháo nặng lời hay hạch sách như bao nhiêu ngừoi khác.

Triệu Chí Kính cười lạt rồi đứng dậy nói:

- Xin Quách đại hiệp đừng dạy vậy mà bần đạo càng thêm hổ thẹn. Bần đạo đâu dám nhận làm sư phụ Dương tiểu gia đây. Ngay tất cả anh em trong Toàn Chân giáo đây cũng không một ai dám ngỏ lời buộc lỗi ai, xin đại hiệp đừng nói nặng lời cùng "tiểu anh hùng" trước đám đông mà không phải.

Rồi hắn nhìn Dương Qua nói:

- Dương anh hùng hãy tha thứ cho bọn già có mắt không ngươi này nhé. Chúng tôi bất tài, đâu có đủ tư cách làm sư phụ ai!

Quách Tỉnh và Hoàng Dung thấy thái độ của Triệu Chí Kính có vẻ quá đáng, càng nói càng lộ vẻ căm hờn, thấy có điều khác lạ và suy nghĩ:

- Phàm học trò có lỗi, làm thầy rầy la đánh mắng là chuyện bình thường xưa nay. Tại sao y nói năng có vẻ móc ruột và bực tức như vậy nhỉ?

Hoàng Dung lanh trí hơn, đã dự đoán được phần nào câu chuyện nên vội dùng lời khoả lấp đôi bên:

- Triệu huynh không cần phải giận dỗi xa xôi làm gì cho mệt trí. Cháu nó dại khờ, nhân có đủ mặt mọi người,cứ vạch tội của hắn cho rõ ràng, tự nhiên hắn sẽ biết lỗi mà chừa ngay.

Triệu Chí Kính cười nhạt và lớn tiếng nói:

- Triệu Chí Kính này bất tài thiếu đức, đâu dám làm sư phụ ai, nói ra người ta sẽ phỉ nhổ vào mặt tôi đấy.

Hoàng Dung có vẻ không bằng lòng thái độ của Triệu Chí Kính nên nghĩ thầm:

- Gia đình ta cũng Toàn Chân giáo cũng chẳng có thân tình bao nhiêu. Trước đây bọn Toàn Chân thất tử bày trận Thiên cang Bắc đẩu vây khốn phụ thân ta là Hoàng Dược Sư, sau nhờ Trường Xuân Tử Khưu Xứ Cơ đứng ra dàn xếp cùng Quách Tỉnh mới yên. Ngày nay nhớ lại chuyện này lòng ta vẫn còn bực tức. Nhưng nghĩ vì mọi việc đều thay đổi với thời gian, ta chẳng thèm quan tâm đến nữa. ấy vậy mà nay chú đạo sĩ này lại to tiếng lớn lời có vẻ vô lễ quá, thật không thể nào nhẫn nhịn được nữa.

Hách Đại Thông và Tôn Bất Nhị đã hiểu thấu được nỗi bực mình của Triệu Chí Kính nên không chấp nhất về sự to tiếng lớn lời của Triệu Chí Kính. Tuy nhiên hai người cũng đồng ý là thái độ ấy không phải là thái độ của một kẻ tu hành.

Nghĩ vậy nên Tôn Bất Nhị bảo Triệu Chí Kính:

- Nếu có điều gì hắn không phải thì cứ thẳng thắn trình bày cho vợ chồng Quách đại hiệp biết rõ và giải quyết, không nên hồ đồ như vậy, không xứng đáng là kẻ tu hành.

Tuy là đàn bà nhưng Tôn Bất Nhị là kẻ bề trên mà tính tình lại vô cùng nghiêm khắc nên đệ tử ai cũng kính nể. Vì vậy nên sau mấy lời ấy, Triệu Chí Kính không dám cãi lại, phải cúi đầu vâng dạ rồi rón rén trở về chỗ cũ.

Lúc bấy giờ Quách Tỉnh nghiêm giọng nói:

- Dương Qua! Chắc con cũng nhận thấy thái độ khiêm cung lễ độ của sư phụ đối với bề trên. Sao con không noi theo gương ấy mà ăn ở cho đúng đắn và có lễ độ?

Triệu Chí Kính định cải chính mình không phải là sư phụ của Dương Qua, nhưng Tôn Bất Nhị đã trừng mắt không cho phép nên vội làm thinh ngay và ngồi xuống.

Ngờ đâu Dương Qua vùng thét lớn:

- Hắn đâu phải là sư phụ tôi!

Câu nói quá đột ngột,chẳng những làm cho Quách Tỉnh và Hoàng Dung ngạc nhiên mà Quách Phù và hai anh em họ Võ đang nấp ngoài cửa cũng kinh hồn vì không ai có thể ngờ trước được.

Quách Tỉnh nghĩ bụng:

- Phàm cổ nhân có câu "Nhất tự vi sư, chung thân như phụ", một ngày là thầy, suốt đời cũng coi như cha đẻ. Hơn nữa trong quy luật võ lâm, nghĩa thầy trò được xem trọng lắm. Mình đây ngày còn niên thiếu đã lạy thờ Giang Nam thất quái làm thầy, nhờ công ơn dạy dỗ nên người. Sau được Hồng Thất Công truyền dạy cho nhiều thế võ công thượng thặng trùm thiên hạ, lúc nào ta cũng xem tình thầy trò nặng như núi, sâu như biển. Thế mà không ngờ ngày nay thằng này quá ngỗ nghịch chẳng xem thầy ra cái quái gì hết?

Nghĩ tới đây, Quách Tỉnh tức quá, xanh mặt trợn mắt điểm mặt Dương Qua thét lớn:

- Sao, mày.... muốn... nói sao?

Hoàng Dung xưa nay chưa thấy chồng giận dữ đến mức đó bao giờ, nay thấy vậy lật đật dùng lời nhỏ nhẹ khuyên nhủ cho dịu bớt:

- Quách ca, đừng nóng giận lắm. Gặp thằng cháu ngỗ nghịch dạy không được thì cứ cho nó một quyền xong đời, hơi đâu mà bận lòng nhọc trí đến như vậy.

Dương Qua lúc đầu cũng e dè lo ngại, chừng nghe Hoàng Dung nói như vậy, lòng tự ái dâng lên, sinh liều nghĩ bụng:

- Bọn bay có cậy đông, ỷ lớn hiếp người, ta cũng quyết chống lại đến cùng, rủi mất mạng thì thôi chứ có chi đâu mà sợ?

Nghĩ xong, chàng không kể gì nữa, oang oang quát lớn:

- Ta vốn là đứa bé bất lương, mất dạy, không có hân hạnh được học võ công của mấy người. Nhưng ta cũng có một điều hết sức ngạc nhiên là chẳng hiểu vì sao các người mang danh anh hùng hiệp nghĩa, bản lãnh siêu quần, thế mà nỡ mang tâm đi dùng thủ đoạn bất lương để lừa đảo một đứa bé khốn khổ mồ côi cha mẹ...

Nhắc đến bốn chữ "mồ côi cha mẹ" chàng bỗng xúc động tâm tình, nước mắt tuôn trào như suối, nhưng cũng cố bặm môi cố dằn cơn nức nở nghĩ thầm:

- "Phen này dầu chết thì thôi, ta cũng quyết không để sa lệ trước mặt bọn này để cho chúng đem lòng khinh miệt".

Quách Tỉnh nổi giận nói:

- Vợ ta và sư phụ mi đã hết lòng dạy mi võ nghệ chỉ vì niệm tình ngày trước đã giao du cùng cha mi, ai lại cố tâm lừa đảo mi làm gì mà mi lại mở miệng nói những câu vô hậu như thế hả?

Dương Qua mỉm cười mỉa mai đáp:

- Riêng Quách bá bá hết lòng thương tôi, nghĩa ấy tôi không thể quên được.

Hoàng Dung cũng nói trước để bào chữa cho mình:

- Nếu Quách bá mẫu có điều gì sơ thất cùng cháu, cháu đem lòng oán hận cũng phải đấy.

Dương Qua nổi nóng đáp lớn:

- Dầu Quách bá mẫu có không tử tế với ta, ta cũng đâu thèm oán hận. Nhưng ta thử hỏi bà đã dạy võ nghệ cho ta từ bao giờ, được môn nào. Hay chỉ dạy vớ vẩn mấy câu sách, để đọc như đọc vẹt, phòng sau này đi luồn cúi thiên hạ tìm những cái hư danh hay chăng?

Nói đến đây lòng uất hận tràn lên bồng bột, Dương Qua chỉ thẳng vào Triệu Chí Kính và Hách Đại Thông gằn lên từng tiếng một:

- Còn hai cái hận máu này, thế nào ta cũng lấy máu để đòi nợ máu trong một ngày gần đây.

Quách Tỉnh quá đỗi ngạc nhiên vội hỏi:

- ủa, cái gì mà lạ thế? Cháu muốn nói sao?

Dương Qua càng to tiếng nói:

- Lão đạo sĩ họ Triệu kia, ngươi xưng danh sư phụ ta, chẳng hay ngươi đã dạy cho ta một ngón võ, một thế quyền nào chưa. Điều đó ta cũng chưa trách lắm. Nhưng ta thử hỏi, ta đã có tội tình gì mà người manh tâm gọi những tên đạo sĩ khác hùa nhau để giết ta? Dầu cho Quách bá mẫu không dạy ta một miếng võ nào, bọn Toàn Chân không hề chỉ cho ta một đường kiếm, nhưng nếu bọn ngươi có tiểu tâm áp bức đánh ta, ta cũng sẵn sàng nghênh địch, dù cho đến chết cũng chẳng cần đâu.

Chàng chỉ luôn vào mặt Hách Đại Thông trợn mắt hỏi lớn:

- Thằng già họ Hách kia, tại sao ngươi nỡ đang tâm hạ sát một lão bà chỉ vì bà ta có lòng thương xót đùm bọc cho một đứa bé mồ côi? Mang danh một đạo sĩ tu hành, tại sao có những hành vi ác độc như vậy? Mi hãy tự vấn lương tâm về việc làm của mình xem có đúng hay không hả?

Nhớ đến cảnh tượng Tôn bà bị chết thảm thương quá, Dương Qua uất hận tràn trề, nhảy tới thoi đại vào mặt Hách Đại Thông.

Kể về võ công và đạo đức, thì Quang Minh Tử Hách Đại Thông là một trong những người hữu danh nhất trong Toàn Chân thất tử, được người đời ca tụng tặng cho bốn chữ "cực cao cảnh giới". Từ khi lỡ tay giết chết Tôn bà ngày nọ, ông vẫn thường ân hận mãi về hành đông nông nổi của mình. Ngày nay nghe Dương Qua nhắc lại, ông bỗng chạnh lòng, hồi tưởng hình ảnh Tôn bà bị ngã gục trước mặt mình, máu tuôn lai láng nên từ từ đứng dậy, rút thanh gươm đang cài sau lưng Triệu Chí Kính, nhìn thẳng vào Dương Qua.

Mọi người đinh ninh ông sẽ dùng gươm này để trừng trị cái tội hỗn láo của Dương Qua.

Quách Tỉnh dự định đứng ra can thiệp.

Nhưng ai nấy đều ngạc nhiên khi thấy ông trở chuôi gươm trao cho Dương Qua, từ tốn nói:

- Mi nói đúng lắm. Mấy năm nay lúc nào Hách Đại Thông này cũng ăn năn mãi về hành động sát nhân của mình. Vậy hôm nay tuỳ ý mi sử trí, lão chẳng hề kháng cự tý nào đâu. Cứ nhận gươm và ra tay rửa hận cho Tôn bà đi.

Sự việc diễn ra quá đột ngột, ngoài sức tưởng tượng và ước đoán của mọi người.

Quách Tỉnh sợ Dương Qua giật gươm làm bậy nên vội lớn tiếng nói:

- Qua nhi, không được vô lễ đấy!

Dương Qua tự xét thấy trước mặt có Quách Tỉnh và Hoàng Dung, không dễ gì mình báo thù được cho Tôn bà nên lạnh lùng mỉa mai nói:

- Phải lắm. Ngươi đã già kinh nghiệm nên xử sự phải lắm. Ngươi thừa biết Quách bá bá và Quách bá mẫu đời nào để cho ta được tự do giết mi nên mới làm ra vẻ anh hùng trao gươm cho ta để loè thiên hạ. Nếu không, đời nào ngươi dám làm như vậy.

Hách Đại Thông vốn là một bậc võ lâm tiền bối, nay bỗng nhiên bị một thiếu niên như Dương Qua sỷ nhục trước mặt mọi người, làm sao chịu đựng nổi. Lưỡi gươm đưa ra không được, thu lại cũng không xong, ông uất quá, thét lớn một tiếng, bẻ thanh gươm làm hai đoạn vứt trên mặt đất và kêu lớn:

- Thế là hết, hết rồi!

Nói xong phi thân khỏi thư phòng rồi mất dạng.

Quách Tỉnh vội vàng chạy ra giữ nhưng không kịp nữa.

Ông trở vào đưa mắt nhìn Dương Qua, Tôn Bất Nhị và mọi người, lặng người suy nghĩ:

- Cứ xem thái độ thằng này thì có lẽ nó không nói bậy. Chắc việc này phải có nhiều uẩn khúc mà nó là kẻ chịu đựng phần thiệt thòi đau khổ nên nó mới có những cử chỉ như thế này.

Nghĩ vậy ông hỏi Dương Qua:

- Nếu trong mấy năm qua, các vị trong Toàn Chân giáo không truyền võ nghệ cho con thì ta hỏi con ở đâu và làm công việc gì, tại sao thân hình quá ư tiều tuỵ như vậy?

Nghe câu hỏi này, lòng Dương Qua đã lắng dịu phần nào nên đáp:

- Ngày Quách bá bá lên Trùng Dương cung đánh bại mấy trăm đạo sĩ rồi ra về, bọn này đã cố tâm hành hạ đánh đập tôi đến chết đi sống lại nhiều lần. Họ xem tôi là kẻ tử thù chứ có dạy cho tôi một miếng võ nào đâu. Bao nhiêu năm qua tôi đã sống những ngày cơ cực lầm than nhất đời, những tưởng không bao giờ nhìn thấy thiên hạ, hưởng ánh sáng mặt trời và cũng không ngờ ngày nay còn được gặp Quách bá bá nữa.

Nói đến đây chàng cảm động quá đứng lặng yên.

Thấy Quách Tỉnh có vẻ tin lời Dương Qua nói nên Triệu Chí Kính đứng lên cướp lời nói lớn:

- Tất cả huynh đệ trong Toàn Chân giáo đều là những người trọng nghĩa khinh tài, hành vi lỗi lạc, khi nào lại có những hành động vô lý như mi đã đặt điều nói láo. Ai đi hành hạ mi đâu?

Quách Tỉnh vốn bản chất trung hậu, ngay thẳng, nghe Dương Qua nói là tin ngay. Hoàng Dung lanh lẹ trí trá hơn nhiều, khi nhìn thấy nét mặt của Dương Qua luôn luôn thay đổi, thỉnh hoảng len lét nhìn mình có vẻ e dè, thì đoán bên trong vẫn còn điều gì uẩn khúc nữa, chứ chưa nhất thiết như lời hắn đã thuật lại.

Nghĩ xong Hoàng Dung hỏi:

- Theo như mi nói, thì mấy năm qua mi làm việc không công cho Toàn Chân giáo phải không?

Nói xong Hoàng Dung bất chợt vung tay, vận chưởng đập mạnh vào đỉnh đầu Dương Qua một cái, bàn tay xoè ra điểm luôn vào huyệt Bách hội và huyệt Thượng Tỉnh là hai huyệt quan trọng nhất trong người, nếu bị trúng phải là chết ngay tức khắc.

Quách Tỉnh thất sắc gọi lớn:

- Dung em, không nên như vậy!

Miệng kêu tay vung ra đỡ đòn. Nhưng Hoàng Dung xuất thủ theo thế "Lạc Anh Chưởng" lanh lẹ quá mức, hễ đánh ra là trúng ngay nên không đỡ kịp nữa.

Dương Qua muốn tránh nhưng nghĩ thầm:

- "Với bản lãnh của Hoàng Dung, mình né tránh làm sao nổi. Nếu đỡ được, bà tiếp tục thế khác cũng không xong. Biết đâu bà muốn thử xem quả thực mình không biết võ công như đã nói chăng? "

Nghĩ vậy, chàng cứ đứng yên lặng nhận đòn không hề né tránh. Nếu ra tay thật tình thì Dương Qua không tài nào tránh né hay chịu được đòn này, nhưng đây chỉ là một thế thử thách của Hoàng Dung, nên chiêu thức đưa ra tuy mau lẹ nhưng chỉ đánh khẽ mà thôi.

Thấy Dương Qua không phản ứng gì mà vẻ mặt có vẻ lo sợ, Hoàng Dung mới tin chàng chưa được truyền thụ võ công nên mỉm cười nói:

- Mi chưa được học võ nghệ là một điều may mắn lắm đấy!

Tuy miệng nói như vậy nhưng trong thâm tâm Hoàng Dung vẫn chưa tin chắc là Dương Qua lại chưa học võ công của Toàn Chân giáo vì bà chợt nhớ lại:

- Có lẽ mình cũng lầm gian kế của thằng ranh này rồi. Ngay từ lúc trên Đào Hoa đảo hắn đã dùng được thế "Hàm mô công" để đánh người, như thế hắn đâu phải hoàn toàn không biết võ nghệ. Ta cần phải thử thách thêm một lần nữa mới chắc được.

Dương Qua nghe Hoàng Dung nói vậy chỉ yên bụng được phần nào, chứ trong lòng dự đoán là vẫn còn nhiều thủ đoạn nữa sẽ được thi thố. Vì vậy nên lúc nào chàng cũng luôn để ý đối phó để khỏi bị lật tẩy.

Khi đó Hoàng Dung hết nhìn Dương Qua đến Triệu Chí Kính, bỗng nghĩ ra một kế, mỉm miệng cười thầm.

Triệu Chí Kính thấy Hoàng Dung đánh thử, Dương Qua ranh mãnh làm bộ không chịu tránh né nên Hoàng Dung đã tin lời và ngó mặt mình mỉm cười mỉa mai nên nổi nóng nghĩ bụng:

- Thằng nhóc con này thật lắm cơ mưu, xảo quyệt đến nỗi Hoàng Bang chủ cũng phải lầm kế. Ta phải khám phá và vạch mặt hắn ra mới được.

Nghĩ xong hắn điểm mặt Dương Qua nạt lớn:

- Ranh con, nếu mi quả tình không biết võ công cứ nói thẳng ra đây trước mặt mọi người, nếu không ta quyết không tha mạng. Sống chết tuỳ nơi mi cả đấy, hãy lựa chọn lấy mà nói thật đi.

Triệu Chí Kính thừa biết Dương Qua võ công cao hơn mình một bậc nên quyết tâm nói khích để chàng lộ chân tướng ra, cho mình khỏi mất mặt cùng Quách Tỉnh. Nếu Dương Qua cứ khăng khăng đóng vai người không biết võ nghệ thì mình cứ hạ sát cho rồi.

Vì vậy nên miệng nói, tay y đã vung lên đập mạnh vào ngừoi Dương Qua mạnh như búa bổ.

Quách Tỉnh sợ nguy đến tính mạng Dương Qua vội gọi lớn:

- Hãy ngừng tay lại, sao nóng nảy vậy?

Ông định ra tay can thiệp, nhưng Hoàng Dung đã đưa tay níu lại nói nhỏ:

- Mặc kệ chúng nó thử xem sao?

Sở dĩ Hoàng Dung ngăn cản chồng đừng can thiệp vì đoán rằng trong lúc Triệu Chí Kính đang nóng giận thế nào cũng dùng những chiêu thức hiểm độc để hạ thủ. Lẽ cố nhiên Dương Qua phải dùng những thế võ đã học hỏi được ra chống cự để tự vệ và sẽ lộ liễu sự dối trá ra liền.

Quách Tỉnh tuy chẳng hiểu đầu đuôi sự việc ra sao. Ông chỉ đoán rằng trong việc này thế nào cũng có uẩn khúc chi đó và có lẽ Hoàng Dung lanh lợi hơn đã biết rồi. Ông cũng nghe theo đứng im để xem và định bụng nếu Dương Qua không biết võ công thật hoặc nếu bị bức bách quá đáng thì sẽ ra tay giúp đỡ.

Triệu Chí Kính đưa tay thoi ra một quyền, nhưng Dương Qua không né đỡ, cứ điềm nhiên chịu trân nên tức giận vô cùng quay về phía Tôn Bất Nhị và Doãn Chí Bình phân trần:

- Sư thúc và sư đệ cũng đã thấy rõ ràng, thằng ranh này quá sức xảo trá. Hắn muốn đóng kịch giả vờ không biết võ để lừa dối thiên hạ, lãnh phần phải về mình và chọc tức tôi mãi. Phen này tôi quyết đánh chết hắn để trừ một phần tử gian manh quỷ quyệt. Sau này xin nhờ nhị vị trình lại Giáo chủ giúp dùm tôi.

Tôn Bất Nhị thừa biết Dương Qua phản bội Toàn Chân giáo và cố tình trêu tức Triệu Chí Kính nên bảo rằng:

- Quân lừa thầy dối bạn ấy cũng nên xử đi cho rồi, để làm chi nữa.

Nguyên Tôn Bất Nhị là một vị lão ni đạo đức hiền lành, không khi nào có dụng ý sát nhận nhưng vì đã hiểu rõ tài nghệ của Dương Qua nên giả bộ nói câu ấy khích chàng nổi tức đánh lại, hoặc cũng không dám tiếp tục giả bộ ngây ngô để nhận đòn.

Triệu Chí Kính được sư thúc tán đồng ý kiến nên càng thấy yên chí, dùng chân phải đạp một đạp thật mạnh vào bụng Dương Qua theo thế "Thiên sơn phi độ". Thế này bao gồm cả âm, dương, mềm cứng, mới trông vào thì rất dũng mãnh nhưng thực ra thì không nguy hiểm bao nhiêu.

Toàn Chân giáo đem thế này để huấn luyện các đệ tử mới nhập môn, tuy lợi hai với những tay mới chứ Dương Qua thì đâu có xem ra gì.

Theo lệ thường trong Toàn Chân giáo, mỗi khi dạy thế "Thiên sơn phi độ" thì dạy luôn thế "Thoái mã " để tránh đòn. Sở dĩ Triệu Chí Kính dùng thế này là để cốt nhử cho Dương Qua theo thói quen tự nhiên lùi ra sau để né tránh. Như thế sẽ có đủ bằng cớ là chàng có thọ giáo với võ thuật của Toàn Chân giáo.

Nhưng Dương Qua ranh mãnh đoán được mưu ấy nên không hề thoái bộ né tránh mà chỉ đưa tay ôm bụng rồi ngồi xuống nhăn nhó la đau.

Triệu Chí Kính tức giận điên người, vận sức vào chân đạp thêm một cái nữa, sức mạnh có thể phá vách bể tường, nhưng Dương Qua đã đề phòng, một mặt cố sức chịu đựng, một mặt dùng tay trái ôm chân Triệu Chí Kính rồi điểm nhẹ vào huyệt "Thái cốc"

Phép điểm huyệt của Dương Qua đặc biệt ở chỗ là chàng không xỉa thẳng ngón tay vào huyệt đạo mà chỉ giả vờ xô nhẹ vào chân địch thủ, tự nhiên huyệt "Thái cốc" chạm vào ngón tay. Triệu Chí Kính bị chồn chân mất thăng bằng té nhào trên mặt đất.

Quá xấu hổ vì bị té bất ngờ, Triệu Chí Kính lồm cồm bò dậy, mặt mày đỏ gay, bẽn lẽn đứng nhìn mọi người. Doãn Chí Bình nín thinh không nói gì hết. Tôn Bất Nhị đứng dậy khen lớn:

- Chú bé tài thật! Tài thật!

Từ xấu hổ đến tức giận, từ tức giận trở nên liều lĩnh. Triệu Chí Kính từ từ đứng dậy, mắt trừng trừng nhìn vào Dương Qua, dùng tay trái giả đập vào hàm mặt của Dương Qua rồi bất thình lình trong ống tay tống một đòn thật mạnh từ dưới lên trên móc vào quai cằm. Dương Qua đâu có ngán những thế võ này. Chàng ngấm ngầm vận dụng nội công của "Ngọc nữ tâm kinh" để chịu đựng, thành thử mấy đòn của Triệu Chí Kính tuy trúng được mục tiêu nhưng chẳng làm chàng đau đớn chút nào.

Không muốn để cuộc xung đột kéo dài mãi bất tiện, Quách Tỉnh bèn đứng ra hoà giải và dàn xếp đôi bên. Ông nhìn Tôn Bất Nhị lễ phép nói:

- Bây giờ cũng đã xế chiều, cần phải lo coi thu dọn nơi ăn chốn ở để sư thúc và chư vị anh hùng nghỉ ngơi đêm nay. Còn câu chuyện của Dương Qua xin tạm gác lại một bên. Khi nào thuận tiện sẽ đưa ra bàn bạc lại. Kính mời sư thúc về phòng an nghỉ. Dương Qua, bá bá nhờ cháu thay mặt ra ngoài xem xét dùm công việc, đừng để bê bối mà thất lễ với chư vị anh hùng nhé!

Nói xong ông nắm tay Dương Qua bước ra khỏi phòng ngay.

Vừa đi, ông vừa ghé tai nói nhỏ, vừa để khuyên răn, vừa để an ủi:

- Qua nhi, phàm người anh hùng lúc nào cũng lấy đức trả oán, cháu đừng nên bận tâm nhiều đến câu chuyện của Triệu Chí Kính làm gì. Ngoài trang viên có hàng trăm hạng người. Biết đâu trong số đông không tìm được một vài người có khí tiết để làm quen mà kết thành bạn tốt. Nhân dịp này cháu nên trà trộn vào đó, tìm hiểu và kết bạn với những người ý hợp tâm đầu.

Dương Qua chẳng biết nói sao, cúi đầu vâng dạ rỗi lững thững ra ngoài.

Thấy Dương Qua đi rồi, Quách Tỉnh lại nói chuyện với Triệu Chí Kính:

- Dương Qua nó còn nhỏ dại chưa hiểu đời, có những cử chỉ nông nổi, xin đừng quan tâm phiền trách làm gì cho mệt trí. Hôm nay trong buổi tiệc, sư đệ nên quên hết mọi chuyện, uống một bữa cho thật say để thoả tình hội ngộ. Chuyện cũ cứ để cho nó trôi qua trong quên lãng.

Vừa lúc ấy bọn tráng đinh đã bưng lên nhiều mâm trái cây tươi, rất nhiều món ăn lạ và rược ngon hảo hạng. Chén đũa cũng toàn là đồ quý giá, trông hoa cả mắt.

Nhìn trên bàn tiệc nhan nhản cả sơn hào hải vị, không thiếu gì của ngon vật lạ, Doãn Chí Bình vui vẻ nói với Hoàng Dung:

- Giàu có sang trọng đến bực này, hèn chi nhà chứa thực phẩm của Lục trang chủ có treo hai câu đố mà tiểu đệ dám chắc dầu là các bậc vương hầu khanh tướng cũng chưa chắc dám treo.

Hoàng Dung mỉm cười hỏi:

- ủa, sư đệ xuống phòng đấy hồi nào mà xem được hai câu đối ấy?

Doãn Chí Bình đáp:

- Tiểu đệ vừa mới đi ngang qua đấy, thấy nét chữ quá sắc sảo, tiểu đệ mới chú ý nhìn xem cho biết. Tay nào đã viết ra hai câu đối ấy, chắc hẳn cũng là một bậc tài hoa xuất chúng, chữ nghĩa đầy mình.

Tôn Bất Nhị lắng tai nghe hai người nói chuyện cũng động tánh hiếu kỳ xen vào hỏi:

- Hai câu đối ấy như thế nào, hãy đọc lại cho ta nghe thử.

Doãn Chí Bình vâng lời đọc:

" Sơn hào hải vị tàng vô tận Dã vị lâm cầm vẫn hữu dư "

Tạm dịch là:

" Miếng ngon vật lạ kho không thiếu Dê béo chim rừng hỏi có ngay "

Chàng vừa đọc vừa kéo dài giọng ngâm nga ca kệ theo lối mấy cụ đồ ngâm thơ, khiến cho bao nhiêu quan khách trong buổi tiệc cũng đều tức cười và cùng vỗ tay tán thưởng.

Lúc bấy giờ Quách Phù và hai anh em họ Võ đã rời chỗ nấp đi ra phòng khách. Còn Dương Qua thì len lỏi vào đám đông tìm lại Vương Thập Tam nói chuyện cho vui nhưng tìm mãi không gặp.

Chàng lần đi vào nhà tiếp tân ăn năm ba miếng dằn bụng rồi rảo bước ra tìm thăm chừng con ngựa của mình còn đó hay là đi tìm cỏ để gặm rồi.

Vừa ra khỏi sân được vài bước, Dương Qua bỗng thấy dưới bóng cây hoè có hai người ăn xin đang nằm gối đầu trên bị gậy, quần vén tận háng, vừa nói cười tay gãi sồn sột, ra bề tương đắc lắm.

Dưới ánh sao chiếu mờ mờ, Dương Qua nhận thấy một người đã già và một chàng trai trẻ.

Người đã già có râu quai nón mọc rậm bao quanh hàm, che kín cả miệng. Ngừoi trẻ còn thanh niên, vẻ mặt tao nhã dễ ngó.

Nếu không có bị và gậy dưới đất, chắc cũng không ai có thể ngờ đó là đệ tử của Cái Bang hành khất.

Người già râu rậm nói:

- Sáng hôm qua ta đi ngang qua Dự châu, có đứa bé con gái đứng trong tiệm nhìn ra, nhạo ta hai câu thơ nghe cũng ngồ ngộ, cậu muốn biết không? Để ta đọc lại và nhân thể nhờ cậu nhận xét thử ý nghĩa như thế nào nhé? Có lẽ cũng sâu xa và thâm thuý lắm đó, hay câu thơ đó như vầy:

" Bất thức khẩn âm hà xứ đạo Chỉ văn mạo lý hữu thanh tuyền"

Người thanh niên cười sằng sặc đáp:

- Hai câu thơ ấy tôi có nghe đọc một lần rồi. Kể ra chẳng có gì sâu xa hiểm hóc nhưng có vẻ hài hước chút ít. Nhưng có một điểm đáng trách là nó cả gan vô lễ mắng đại huynh là kẻ thiếu mồm.

Người già nhiều râu có vẻ bực tức nói:

- Chỉ có bọn ngu si dại dột mới nói như vậy. Chú mày thử nghĩ, nếu thiếu mồm thì làm sao nói năng ăn uống để sống chứ? Hẳn là đàn bà chẳng biết gì. Cũng do nơi chú bàn xa tán rộng để mỉa mai ta mà thôi. Có phải thế không?

Người thanh niên ôn tồn đáp:

- Đời nào đệ lại dám đi mỉa mai nhạo báng đại huynh. Hiện nay tiểu đệ tứ cố vô thân, hỉ co một hình một bóng, chuyện gì cũng nhờ cậy vào một mình đại huynh che chở đùm bọc, đời nào đệ lại đi xuyên tạc kẻ bề trên ân nhân của mình! Đại huynh không để ý đấy chứ, trên đời hiếm chi người văn hay chữ nhiều, nếu đại huynh không tin cứ nhờ người ta giải thích hộ xem họ có nói như tiểu đệ hay không? Bây giờ tiểu đệ xin giảng lại cho đại huynh nghe nhé:

Cứ theo câu trên " Bất thức khẩu âm hà xứ tại " có nghĩa là "chẳng biết mồm ông ở chốn nào? ". Còn câu dưới là "Chỉ văn mạo lý hữu thanh truyền " có nghĩa là "chỉ nghe tiếng nói phát ra từ đám lông". Muốn cho văn vẻ đôi chút thì tiểu đệ xin tạm dịch là:

" Mồm lão nơi đâu tìm chẳng thấy Chỉ nghe tiếng nói tại chòm lông"

Giảng giải đến đây, chàng ta tức cười quá nhịn không được ré lên cười hăng hắc, khiến lão già râu rậm nổi giận nạt lớn:

- Cười gì mà lãng nhách, vo duyên lạ. Con bé đã nhạo ta chú lại còn thêm dầu giấm tô đậm thêm cho mặn mà để cười cho sướng cổ. Thôi từ đây có lên dốc xuống đèo, qua rừng lội suối, hãy cố mà lo liệu lấy, đừng có phá rày đến lão không mồm nãy nữa nhé.

Chàng thanh niên sợ hãi vội đứng dậy chắp tay bái luôn mấy cái khẩn khoản nói:

- Đại huynh, tiểu đệ trẻ người non dạ, vì nông nổi theo câu văn nói càng thiếu suy nghĩ đến nỗi xúc phạm đến đại huynh thật là đắc tội. Vậy xin đại huynh niệm tình tha thứ, đừng chấp nê tội nghiệp tiểu đệ.

Người già nghiêm giọng nói:

- Chú ăn nói hồ đồ, quả thật đáng trách lắm. Trong lúc này mà huynh đệ còn đùa cợt trêu chọc người ta được thì quả là vô ý thức. Ta đây dốt chữ, chỉ biết dùng sức mạnh giết quân thù xây dựng đất nước, cứu vãn dân tộc. Sở dĩ chưa tung hoành được là chưa có cơ hội tốt mà thôi. Ta muốn nhờ chú mày có chút căn bản học hành, mong một ngày mai tươi sáng cùng dìu dắt nhau hiến tài cho đất nước, không ngờ chú mày quá trẻ con chỉ nghĩ đến chuyện cười đùa cho thoả thích, đâu có nghĩ gì đến tình yêu đất nước giống nòi.

Bị mắng đậm, người thanh niên mủi lòng sụt sùi khóc nói:

- Từ ngày vua Cao Tông dời đô về Lâm An, giữ lại miền Nam Tống, bỏ rơi miền Bắc Tống vào tay bọn rợ Kim cướp nước, bao nhiêu công lao hạng mã Tống Thái Tổ gây dựng ngày xưa đã trôi theo dòng nước, kẻ có chút ít tâm huyết ai chẳng đau lòng. Em đâu phải hạng người tim sắt đá mà hững hờ với cảnh đất nước ngửa nghiêng. Ngày nay ta đã tạm dời cư sang Nam, em chỉ mong chờ một ngày nào thiên quang vân tạnh để đưa thân này hiến cho đất nước, đánh đuổi bọn xâm lăng. Nhưng buồn nỗi từ vua đến quan triều đình nhà Tống chỉ thủ phận cầu an, ai cũng muốn tích cực sống riêng giữ lấy hạnh phúc gia đình. Có kẻ tự cho có chút bản lãnh lại đứng lên xưng hùng xưng bá. Quan địa phương bất lực, bọn chúng càng tung hoành, không ai làm gì nổi. Ngày nay bao nhiêu ăn mày cùng chung sức trong tổ chức Cái Bang cũng chỉ mong có cơ hội tìm lại vinh quang cho đất nước. Em tự xét tài hèn sức yếu phải chờ đợi thời cơ. Những lúc buồn lòng, muốn dùng câu thơ ngâm nga cho tiêu sầu giải muộn, nào ngờ quá trớn xúc phạm đến đại huynh làm cho đại huynh buồn ý, thật ân hận vô cùng.

Dương Qua lắng tai nghe hai người nói chuyện có nhiều khí phách anh hùng nên vội rảo bước tới gợi chuyện làm quen.

Chàng vồn vã nói:

- Nơi đây chùa đất có Phật vàng, thật không ngờ hôm nay được nghe những lời tâm huyết. Tình cờ nghe câu chuyện của nhị vị, tiểu đệ mới biết được mục đích của Cái Bang và hiểu rõ nghĩa trắng đen của câu nói " Đói cơm, rách áo mới đi ăn mày "

Nghe nói ông già liếc mắt nhìn chàng, ánh mắt sáng như sao băng.

Tuy ban đêm nhưng Dương Qua chú mục nhìn kỹ cũng nhận ra được ông lão da dẻ hồng hào, dáng độ vô cùng hiên ngang quắc thước, râu nửa đỏ nửa đen mọc rậm xung quanh hàm như râu Châu Thương đời nhà Hán, người thanh niên cứ ngồi yên một chỗ, không nói một lời, hình như y không hề quan tâm đến mình.

Ông già hỏi:

- Chú là ai? Đến đây làm gì?

Dương Qua đáp:

- Tôi về đây dự đại hội Cái Bang.

Ông lão hỏi tiếp:

- Chú thuộc hàng mấy túi?

Dương Qua đáp luôn:

- Tôi chưa thuộc dạng nào mà cũng chưa có túi nào hết.

Ông ta cất tiếng cừoi ha hả và nói:

- A, thế ra chú mày cũng như bọn này, đều thuộc vào loại "ăn mày bất đắc dĩ" nên chưa được cấp túi sắp hạng chứ gì?

Lúc ấy người ăn mày trẻ mời nhìn lại nói ra vẻ dạy đời:

- "Ninh khả chính nhi bất túc, bất khả tả nhi hữu dư". Thà cứ làm việc để chịu nghèo còn hơn là làm điều bậy để mong giàu sang. Chức phận trong Cái Bang lợi đâu mà phải ước mơ? Chú còn nhiều việc quan trọng phải làm tròn, hãy về mà lo liệu cho xong, sáng mai đến đây hãy gặp lại bọn ta nói chuyện lại.

Nói xong cả hai nằm lăn ra ngủ liền, không mấy chốc đã ngáy vang như xay lúa.

Thấy đứng mãi cũng chướng nên Dương Qua lẳng lặng rút lại về phòng trọ, trong lòng hơi cảm thấy tức về thái độ thiếu lịch sự của hai người ăn mày.

Canh càng khuya đêm càng vắng lặng. Bốn bề vẳng tiếng kêu ri rỉ như khóc như than khiến cho Dương Qua chạnh lòng thao thức mãi, không nhắm mắt được và nghĩ bụng:

- Hai người ăn mày một già một trẻ, khẩu khí cũng có vẻ anh hùng mã thượng, biết yêu nước thương nòi, chắc cũng ẩn tàng một bản lãnh siêu quần xuất chúng, mưu lược hơn người. Chẳng hiểu sao người thanh niên lại quả quyết là ta đang còn nhiều việc quan trọng chưa làm xong? Hay sáng nay bọn Triệu Chí Kính còn kiếm chuyện gì rắc rối nữa chăng?

Gió đêm thoảng mát, chàng bỗng nhớ lại những lúc cùng Lục Vô Song kề vai cọ vế và nhớ xa hơn nữa, đến chuỗi ngày thơ mộng vô tư lự cùng Tiểu Long Nữ trong cổ mộ đài, bao nhiêu nỗi nhớ nhung thiết tha dồn dập, khiến cho chàng thấy một niềm nhớ nhung tràn ngập tâm tư, phải kêu lên cho vơi bớt:

- Cô nương ơi! Cô nương! Giờ đây cô nương phiêu bạt nơi nào, cô nương ơi!

Lời kêu vô cùng thiết tha đến tận cõi lòng, tràn ngập tiếc thương như tiếng kêu của con nhạn lạc bầy trong đêm vắng.

Trằn trọc vẩn vơ suốt tàn canh, chàng thiếp đi lúc nào không hay biết.

Sáng tinh sương, tiếng thần điêu ríu rít trên ngọn cây tùng trước sân làm Dương Qua giật mình thức dậy.

Chàng dụi mắt, vươn tay mấy cái cho đỡ mỏi, lại ra ao rửa mặt, định vào sảnh đường để cáo biệt Quách Tỉnh rồi ra vườn dắt ngựa lên đường đi tìm Tiểu Long Nữ.

Quách Tỉnh đang đứng nơi đại sảnh, vừa trông thấy Dương Qua đã ân cần vui vẻ hỏi:

- Suốt đêm qua chắc con đã suy nghĩ điều hơn lẽ thiệt rồi, vậy con nên gặp Triệu sư phụ chịu nhận lỗi đi cho rồi.

Dương Qua từ tốn đáp:

- Thưa Quách bá bá, ở đời có hai điểm cần phải nhớ ơn: nhớ ơn người giúp mình khi đói rét, nhớ ơn kẻ dạy dỗ mình nên thân. Đối với người này tôi không hề chịu ơn gì hết. Hắn không giúp đỡ an ủi tôi một câu, chẳng dạy tôi một ngón võ nào, vậy thì tại sao tôi phải gọi hắn là sư phụ và buộc phải nhớ ơn hắn?

Triệu Chí Kính đứng phía sau, nghe nói thẹn quá, nổi giận lôi đình đưa tay điểm vào "Hậu khê huyệt" của chàng.

Lối điểm huyệt này chỉ dùng bàn tay phớt qua trên ngón tay của địch thủ. Dương Qua đã biết trước nên vận khí vào ngón tay chờ sẵn và điểm ngay vào yếu huyệt trên tay y, Triệu Chí Kính đau quá tung chân đạp thật mạnh...


Chiến Giới 4D
Phiên bản dành cho Android tại đây!
Hồi (1-104)


<