Vay nóng Tima

Truyện:Thuận thiên di sử - Hồi 08

Thuận thiên di sử
Trọn bộ 30 hồi
Hồi 08: Linh Khí Long Thành
0.00
(0 lượt)


Hồi (1-30)

Siêu sale Lazada

Chu Anh, Tự-An ra ngoài quan sát, thì thấy mười con thuyền chia làm hai hàng song song, như vây thuyền mình vào giữa. Hà-Thanh run run đứng nép vào vai Tự-An:

- Chắc tụi Hồng-hà lại đến.

Quả như nàng nói, trên các thuyền đều kéo lá cờ mầu xanh, ở giữa có ngọn lửa đỏ, bên cạnh thêu hàng chữ Hồng-hà bang.

Tự-An quên cả tỵ hiềm nam nữ, ông quàng tay ôm lấy vai Hà-Thanh:

- Thanh đừng sợ. Tôi quyết không để chúng đụng vào vạt áo, sợi tóc của Thanh đâu.

Hai mươi con thuyền dàn ra hai bên đò nhỏ của Chu Anh, rồi một người đứng trên đầu thuyền nói vọng sang:

- Bang chủ bang Hồng-hà được tin Trần đại hiệp giá lâm lãnh địa. Toàn bang lấy làm hãnh diện đón mừng đại hiệp.

Y vẫy tay, lập tức phường Bát-âm trên hai con thuyền bang Hồng-hà đồng tấu nhạc. Bản chúng tấu là bản Động-đình ca của Trương Chi.

Bản nhạc hết, hai con thuyền ghé sát thuyền Chu Anh. Trên mỗi con thuyền có hai thiếu nữ đội hai mâm lễ vật đậy bằng lồng bàn đỏ. Họ sang thuyền Chu Anh cùng với người lớn tuổi mặc áo hồng. Người lớn tuổi chắp tay vái Trần Tự-An:

- Tại hạ Thái Quang hộ pháp của bang Hồng-hà, tuân lệnh bang chủ, kính dâng lễ vật lên Trần đại hiệp.

Y mở lồng bàn ra. Mâm thứ nhất, có năm tấm lụa, năm tấm gấm và một hộp lớn, không rõ bên trong đựng gì. Mâm thứ nhì là một cây đàn tranh, một cây đàn đáy, một cái trống đồng, cùng hai cặp rượu.

Y cúi đầu nói:

- Vì không biết đại hiệp giá lâm, nên anh em trong bang vô lễ với Đào cô nương. Kể từ hôm nay, Long-thành Song-phụng cùng Đào cô nương đi đến đâu, bang chúng phải kính cẩn.

Đại hiệp Trần Tự-An đã từng nhận lễ vật như thế này nhiều lần. Vì vậy ông thản nhiên tiếp lấy:

- Tôi gửi Thái hộ pháp lời cảm ơn đến quý bang chủ. Mong rằng sẽ có ngày hội kiến với người.

Thái Quang cúi đầu, để lễ vật lại, rồi cùng hai thiếu nữ về thuyền. Mười con thuyền vừa đánh trống, vừa chèo đi. Khúc sông lại trở về yên tĩnh.

Trong những ngày đi hát, Đào Hà-Thanh biết về luật lệ võ lâm Đại-Việt. Nàng đã từng nghe nói về Trần Tự-An. Nhưng nàng không ngờ ông chỉ lên tiếng một lần với ba tên lâu la, mà bang chủ một bang cướp khét tiếng phải sai người tạ tội bằng một lễ vật lớn, nàng chưa từng thấy.

Tự-An bưng cây đàn đáy trao cho Đào Phúc:

- Đào tài tử, tôi xin tặng Long-thành Song-phụng cây đàn này, gọi là duyên may gặp gỡ.

Đào Phúc đỡ cây đàn để lên đùi, chàng lên dây, bật mấy tiếng. Chàng chú ý, thấy mặt trống vẽ hình một chùm hoa trà, nét vẽ sống động, trông như hoa tươi. Thành trống làm bằng gỗ thông, sơn đen, khảm xà-cừ sự tích Trương Chi ngồi trên thuyền, tay cầm tiêu thổi. Xa xa là ngôi lầu đài, trên đó Mỵ-Nương đang ngồi lắng tai nghe. Chàng than:

- Cây đàn này khá cổ, song không biết làm từ hồi nào. Bang Hồng-hà đem quý vật dâng Trần đại hiệp, hẳn có ý nghĩa chứ không đơn giản như vậy đâu.

Tự-An bưng cây đàn tranh trao cho Hà-Thanh:

- Cây đàn này xin tặng Đào cô nương. Mong cô nương không chê.

Hà-Thanh để hai tay nâng cây đàn. Nhưng nàng không nhấc lên. Mắt nàng chiếu ra tia sáng long lanh, mỉm cười:

- Đa tạ đại hiệp.

Tự-An nâng cái trống đồng lên ngắm ngía một lúc, chợt mắt ông sáng ngời:

- Bảo vật. Bảo vật đây rồi.

Ông đưa trống ra, chỉ vào tang của nó:

- Trống này đúc vào niên hiệu thứ nhất vua Trưng (39 sau Tây-lịch). Khi vua Trưng thành đại nghiệp, ngài sai Tây-vu Thiên-ưng lục tướng đúc trống đồng. Lục-tướng đúc sáu cái lớn cho sáu tướng chỉ huy sáu đạo quân theo một khổ giống nhau. Sau đó lại đúc năm cái theo một khổ nhỏ hơn dành cho đô-đốc thống lĩnh thủy quân, đại tướng thống lĩnh kị-binh, đại tướng thống lĩnh ngự lâm quân, đại tướng thống lĩnh nỏ thần và đại tướng tổng trấn khu hồ Động-đình. Ngoài ra còn đúc trống cho các vị vương. Cái trống này là của Cửu-chân vương Đô Dương.

Ông chỉ vào mấy chữ khắc khắc ở tang trống:

- Đây là hàng chữ Cửu-chân vương, trống lệnh.

Chu Anh suýt xoa:

- Bang Hồng-hà gớm thực, làm sao họ có báu vật này.

- Họ cũng khôn ngoan đấy chứ. Họ biết tặng gì Trần huynh cũng không thích bằng cái trống này. Không biết bang chủ là người thế nào? Y tặng đàn cho huynh, kỳ thực nhờ huynh tặng Đào cô nương. Ngụ ý đó để tạ lỗi với cô nương đấy.

Bích-Lân uốn cong lưng ong, chắp tay:

- Tệ xá không xa nơi này làm bao. Chúng tôi mạo muội mời Trần đại hiệp cùng Chu tiên sinh ghé chơi, trước nghe hát, sau uống trà. Mong các vị đừng chối.

Tự-An gật đầu:

- Như vậy phiền nhị vị quá.

Hai con thuyền xuôi dòng nước, đến bến Long-biên, họ lên bờ. Nơi ở của Long-thành Song-phụng không xa bờ sông. Ngôi nhà nhỏ, nhưng xin xắn. Trước nhà có dàn hoa Dạ-hương, gió thoảng đưa thơm ngát. Một lão bà mình hạc xương mai, răng đen nhánh mở cửa mời khách. Bích-Lân giới thiệu:

- Đây là mẫu thân tôi.

Rồi nàng thuật cho mẹ nghe những gì đã xẩy ra. Lão bà nghe xong mỉm cười:

- Cách đây nửa giờ, có hai người tới, họ trao cho mẹ một bộ ấm tích, sáu chén pha trà với một bình trà sen. Họ bảo của Trần đại hiệp gửi tặng Đào cô nương. Thế thì...

Tự-An nhìn Hà-Thanh cười:

- Lại bang Hồng-hà rồi. Họ biết bà cụ thích uống trà ướp sen. Họ đem biếu bà cụ, để tạ tội với cô nương.

Hà-Thanh liếc sóng mắt nhìn Tự-An:

- Em thì họ có coi ra gì đâu? Họ biếu bà em, chẳng qua để nhờ em xin anh tha mạng cho họ. Anh chả từng đe giết hết bang chúng không từ con chó, con mèo đó ư?

Lão bà cũng như Long-thành Song-phụng thấy Hà-Thanh gọi Tự-An bằng anh xưng em, mà vẫn im lặng, không một lời cấm cản. Lão bà pha trà mời khách.

Tự-An cầm một tấm gấm, một tấm lụa trao cho lão bà:

- Duyên ca nhạc, chúng tôi được quen với Long-thành Song-phụng cùng Đào cô nương. Gọi là chút quà làm lễ diện kiến với lão bà.

Bà cụ không khách sáo, tay tiếp lụa, gấm, nói lời cảm ơn. Tự-An mở cái hộp nhỏ ra. Trong hộp có đôi vòng ngọc đỏ chói như mầu máu, một bông hoa đào, dính với hai lá và một quả. Hai quả với cành bằng vàng, còn lá thì bằng ngọc xanh mướt. Tự-An cầm lấy cài lên mái tóc Đào Hà-Thanh:

- Bọn Hồng-hà coi vậy mà được đáo để. Chúng tặng tôi, chứ sự thực để biếu cô nương.

Tự-An chợt nhớ ngày vợ ông qua đời trao cho ông chiếc vòng dặn rằng khi gặp người mà anh yêu thương, hãy đem vòng này tặng nàng. Tự nhiên hồn em biết anh định chọn người con gái ấy làm vợ kế. Em sẽ phù hộ cho hai người thành vợ chồng. Bây giờ gặp Đào Hà-Thanh, lòng ông rung động mãnh liệt. Ông cho tay vào ngực, móc ra cái hộp bọc nhung. Trong hộp đựng đôi vòng ngọc xanh biếc. Ông đeo vào tay Đào Hà-Thanh. Dặn:

- Cô nương đeo vòng này, thì luôn luôn được một người rất thiêng phù hộ cô nương.

Hà-Thanh cảm động:

- Đa tạ Trần đại hiệp. Để em hát cho anh nghe mấy bản nữa nhé. Anh có thích bản nào không?

Nếu hỏi về lịch sử cổ kim, hỏi về võ công, có lẽ thiên hạ không ai hơn Tự-An. Nhưng về âm nhạc thì ông mù tịt. Ông lắc đầu:

- Tùy Hà-Thanh. Hà-Thanh hát bản nào cũng được.

Hà-Thanh dạo đàn tranh, trong khi Bích-Lân cầm phách, Đào Phúc bưng trống bật lên. Nàng cất tiếng ngâm theo điệu Sa-mạc:

Thân em như tấm lụa đào, Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai?

Ngồi cành trúc, dựa cành mai.

Phận em liễu yếu biết ai thương cùng.

Người kiếm khách qua chơi cùng khách, Trên con thuyền, với bạn tri âm.

Gió trên sông, trăng sáng đêm rằm, Vừa uống rượu vừa luận bàn kim cổ.

Thanh phong tiếu ngạo, anh hùng lộ, Hồng thủy bi ai, mạt nữ thanh.

Một tiếng quát, một vung tay, đạo tặc khiếp kinh, Phận nội cỏ hoa hèn được dựa bóng.

Vạn dặm gian nan, xin chàng bảo trọng, Căn nhà tranh thiếp dựa bóng trông chờ.

Lòng này ngày nhớ đêm mơ.

Đại bàng tung cánh, phận thơ khóc thầm.

Bao giờ gặp lại tri âm?

Hết khúc hát, Đào Hà-Thanh tuôn hai giòng nước mắt. Tự-An nhìn lại thì Chu Anh, Long-thành Song-phụng cùng bà ngoại Hà-Thanh đã biến đi đâu. Đưới ánh đèn chỉ còn hai người. Thình lình Hà-Thanh gục đầu vào vai Tự-An:

- Ngày mai anh lên đường. Biết bao giờ trở lại. Anh ơi, gian nan vạn dậm, anh đừng bao giờ quên đêm nay nghe.

Tự-An dù có là thánh nhân, quân tử cũng không cầm lòng được. Ông ôm lấy Hà-Thanh. Trong khoảng rung động mãnh liệt, ông ghì sát người nàng vào ngực ông. Cứ như vậy, hai người lặng đi trong không biết bao nhiêu lâu. Tự-An vỗ lưng nàng:

- Em là đệ nhất danh kỹ đế đô. Còn anh chỉ là tên võ phu thôn dã. Anh không thể đem lại những gì em ước mơ được.

Đào Hà-Thanh nghiêng má đào, nhìn vào mặt Tự-An:

- Anh cũng dư biết rằng làm gái, luôn ước ao có tấm chồng cho xứng đáng. Người chồng xứng đáng trong cổ kim Đại-Việt mình không giống người quân tử của Khổng-Mạnh. Cụ Khổng bắt phải tam cương rồi ngũ thường. Còn tự cổ, đấng nam nhi Đại-Việt phải là người có đạo đức, chí khí, tài năng. Còn ngoại giả, xấu, đẹp, già, trẻ không quan hệ.

Tự-An thấy kiến thức Hà-Thanh rất rộng, mỗi lời nói của nàng, ông đều thấy hợp với mình. Ông ôm chặt Hà-Thanh hơn. Hơi thở của nàng thơm thơm. Không cầm lòng được, ông đặt lên môi nàng cái hôn. Hà-Thanh rung động mãnh liệt. Nàng như ngất đi trong tay ông.

Có tiếng chân người đi. ông vội buông nàng ra. Đào Phúc trở lại với Chu Anh. Trời về khuya, Tự-An nói với Đào Phúc:

- Tôi đồ chừng bọn Hồng-hà không dám làm khó dễ các vị nữa đâu. Mai tôi có việc đi xa, lúc trở về, sẽ ghé thăm các vị.

Long-thành Song-phụng tiễn đưa Tự-An, Chu Anh ra bến sông. Thình lình Đào Hà-Thanh cầm lấy tay Tự-An, nàng nắm thực mạnh, rồi bỏ chạy vào nhà.

Sau đêm đó, Tự-An lên đường đi Mê-linh. Suốt dọc đường, ông suy nghĩ:

- Thực khó mà hiểu những cử chỉ ôn nhu của Đào Hà-Thanh. Mình đang góa vợ, nếu muốn tục huyền thì cần người ở thôn dã, may mới có thể giúp mình một tay trong việc tề gia nội trợ. Đào Hà-Thanh là ca kỹ. Nàng với mình chẳng qua chỉ là hoa trong gương mà thôi. Khó có thể bắt nàng khép mình trong song cửa làm phu nhân được.

Thế nhưng trong suốt cuộc hành trình, hình ảnh Đào Hà-Thanh trang nhã, nhu mì luôn hiện lên trong tâm trí ông. Lúc trở về Thăng-long, việc đầu tiên ông tìm đến ngôi nhà bên sông thăm nàng. Khi ông vào, thì Long-thành Song-phụng đi vắng, chỉ có bà ngoại nàng ở nhà. Bà vừa trông thấy ông đã òa lên khóc, khóc thảm thiết, khóc không ngừng.

Ông kinh ngạc hỏi:

- Trong nhà có sự gì không hay xẩy ra rồi ư?

Bà lão vẫn khóc, trả lời ông bằng cái gật đầu. Ông hỏi tiếp:

- Bọn Hồng-hà đến gây truyện với Đào cô nương phải không?

Bà lão tiếp tục khóc. Bà nghiến răng rùng mình:

- Ông ơi, không phải bọn Hồng-hà. Khi ông đi rồi, bọn Hồng-hà vẫn thường cho người tới thăm gia đình chúng tôi. Nay họ biếu gà, mai họ biếu cá. Còn vợ chồng Phúc cùng con Hà-Thanh bỗng nhiên được các chủ tửu lầu trọng đãi cực kỳ. Họ trả lương gấp bốn lần. Trước đây, mỗi khi đi hát, Bích-Lân cùng Hà-Thanh thường hay bị thực khách trêu chọc. Chả hiểu bang Hồng-hà đã làm gì, mà tuyệt nhiên không ai giám trêu ghẹo nữa. Họ đồn rằng con Hà-Thanh sắp làm phu nhân Côi-sơn đại hiệp. Ai ai cũng kính trọng nó. Mà... mà... nó tương tư đại hiệp ngày đêm. Chúng tôi những tưởng thôi thì nó có nhan sắc, lại có chút ít hoa tay. Đợi đại hiệp về qua, sẽ cho đại hiệp. Lấy chồng như vậy mới xứng tấm chồng. Nào ngờ...

Bà lão lại khóc thảm thiết hơn:

- Mấy hôm trước đây có chiếu chỉ vua ban ra tuyển mỹ nữ vào Hoàng-cung. Tổng số một trăm người, trong một trăm người sẽ tuyển lấy mười người nhan sắc, hoa tay, làm tỳ thiếp cho các vị thái tử. Thăng-long nộp mười mỹ mữ. Tên con Thanh đứng đầu sổ. Nó kêu gào, khóc lóc thảm thiết. Trong khi chín cô khác thì sung sướng vô cùng. Vì đang là con nhà dân, bỗng nhiên thành thiếp của các hoàng tử.

Bà vào nhà, lấy ra một gói bọc lụa đưa cho Tự-An:

- Trước khi nhập cung, nó khóc suốt đêm, rồi trao cho tôi gói này, dặn rằng thế nào đại hiệp cũng tìm nó. Khi đại hiệp đến thì đưa cho đại hiệp.

Tự-An cầm gói lụa trong tay, mà lòng cay đắng. Phút chốc ông nổi dậy mối phẫn uất:

- Mình có nên nhập cung cướp Đào cô nương ra không? Võ công mình cao, dễ gì vệ sĩ Hoàng-cung địch nổi?

Ông từ biệt bà lão ra về, lòng như chết đi một nửa. Ông mở gói ra, bên trong chỉ vỏn vẹn có cái khăn, bộ quần áo nàng mặc, hôm gặp ông lần đầu. Ngoài ra không có gì khác. Ông đưa bộ quần áo lên mặt, hít lấy hơi của nàng, tự than:

- Nàng được tuyển vào cung, thì với nhan sắc ấy, với tài đàn hát, chắc chắn sẽ được một trong các hoàng tử tuyển làm phi tần. Các hoàng tử đều còn trẻ, cuộc đời nàng mấy chốc thành vương phi? Như vậy rồi ngày một ngày hai nàng cũng sẽ quên mình. Bây giờ mình đột nhập vào cung cứu nàng, chưa chắc đã thành công. Mà dù có thành công, cũng mang tiếng cướp vợ người, võ đạo Lĩnh-Nam không thể tha thứ cho mình. Lại nữa, triều đình ắt cử binh về tàn phá Thiên-trường. Thôi đành chịu vậy.

Thế rồi ông ôm mối hận, mang bộ quần áo của Đào Hà-Thanh về Thiên-trường. Thời gian thấm thoắt đã hơn năm rồi, không ngờ, thình lình nàng lại xuất hiện.

Từ Thiên-trường tứ kiệt cho tới Thanh-Mai, Bảo-Hòa, Thiệu-Thái, không ai hiểu gì cả. Tự-An đoán rằng Đào Hà-Thanh từ trong cung trốn về đây. Mà tại đây, Mỹ-Linh hiện diện là công chúa. Nàng có kính trọng ông đến đâu cũng không thể bỏ qua việc một tỳ thiếp của cha nàng, hoặc chú nàng trốn đi. Vì vậy ông vẫy tay nói với các sư đệ:

- Các sư đệ với Thanh-Mai tiếp khách. Sư huynh có truyện riêng.

Ông dìu Đào Hà-Thanh trở về Thủy-các.

Nàng kể:

- Khi quan phủ Long-thành đưa em với chín con gái khác nhập cung. Chúng em được Hoàng-cung tổng quản tuyển chọn một lần. Sau lần đó đến quan Hoàng-môn chỉ hậu tuyển chọn, khám xét một lần nữa, cùng chín toán khác.

Nói đến đây mặt nàng đỏ lên, đầy bẽn lẽn. Tự-An gặng hỏi:

- Họ khám bệnh ư?

- Không. Nói ra xấu hổ chết đi được. Hai ông quan này làm thái giám. Ông Hoàng-cung tổng quản khám trước. Đầu tiên ông ta xem tóc, xem mắt, xem da, xem bàn chân bàn tay. Ông ta khen tóc em là tóc mây, ít có trên đời. Mắt em là mắt phụng, da mịn như sữa, bàn chân bàn tay thon nhỏ, xứng đáng làm mẫu nghi thiên hạ. Ông ta còn ngửi tóc, ngửi chân, ngửi nách. Sau khi khám đợt đầu thì tám mươi đứa bị loại. Chúng nó được chia cho các bà hoàng hậu, phi tần làm cung nữ. Vì chúng tuy đẹp, nhưng đứa thì bị loại vì nách, vì chân có mùi hôi. Có đứa bị loại vì răng. Cùng có đứa bị loại vì dáng đi thô kệch, vì tiếng nói thiếu thanh tao.

Nàng ngừng lại thở, rồi tiếp:

- Em cùng hai mươi đứa được tuyển trúng cách. Chúng em bị quan Hoàng-môn chỉ hậu khám lần nữa. Sau cùng, được ba bà hoàng hậu tuyển nhan sắc. Em cùng ba đứa nữa được coi là đủ mọi điều kiện. Khi tuyển về ca hát, thì một quan Hoàng-cung chỉ em nói: Cô nương đây là một ca kỹ bậc nhất Long-thành, không ai sánh kịp. Đức vua cùng Hoàng hậu quyết định chọn em gả cho Khai-quốc vương.

Nghe đến Khai-quốc vương, mặt Tự-An cau lại. Nhưng Hà-Thanh không chú ý đến thái độ của ông.

Đức vua nói với hoàng hậu:

- Bồ nhi tuổi gần ba mươi, mà chưa một mỹ nữ nào được lọt vào làm tỳ thiếp, chứ đừng nói làm vương phi. Ta hy vọng giai nhân này sẽ được Bồ nhi thu dụng. Đợi ít lâu sau, ta sẽ phong làm Khai-quốc vương phi.

Dù sao Thanh-Mai cũng là một thiếu nữ, khi đã là thiếu nữ thì thích tò mò vào chuyện yêu đương của người khác, huống hồ đây là bố mình. Thấy tỳ nữ bưng nước vào Thủy-các, nàng bảo nó:

- Để chị mang dùm em.

Rồi nàng rón rén vào Thủy-các, giữa lúc Tự-An vuốt vai Hà-Thanh:

- Khai-quốc vương là đấng anh hùng đời nay, lại nhã lượng cao trí, một mai ắt sẽ nối ngôi vua. Em được làm vương phi của người, hẳn sau này làm hoàng hậu, mẫu nghi thiên hạ. Em có mừng không?

Hà-Thanh dựa đầu vào vai ông, liếc mắt mỉm cười. Cái liếc mắt của một ca kỹ bậc nhất đế đô làm Tự-An sao xuyến đã đành. Đến Thanh-Mai mà cũng muốn say say. Thanh-Mai nghĩ thầm:

- Nàng này ngang tuổi với mình. Thử xem nàng đối đáp ra sao. Nàng bảo mừng chứ thì hóa ra nàng chẳng có tình nghiã gì với bố, chỉ lóa mắt vì ngôi vương phi. Còn nàng bảo không, thì thực là giả dối, khó mà qua được mắt bố mình.

Hà-Thanh nói sẽ:

- Em không có quyền mừng hay không mừng. Định mệnh đưa đẩy đến đâu hay đến đó. Một đứa khác gả cho Khai-Thiên vương, một đứa cho Vũ-đức vương. Hai đứa kia mừng lắm, vì phút chốc trở thành vương phi. Còn em thì lòng nguội lạnh, vì em chỉ biết có anh. Trong khi ai cũng bảo em có phúc.

Tự-An nghe nói càng nóng lòng:

- Thế rồi các ngài làm lễ cưới cho em với Khai-quốc vương?

Đào Hà-Thanh lắc đầu:

- Không. Luật lệ nội cung nhà Lý như sau: Mỗi khi đức vua tuyển mỹ nữ, thì những người đủ điều kiện, đều phải đưa đến Thái-miếu làm lễ tế, coi như được thu dụng làm tỳ thiếp trong Hoàng-cung hoặc trong các phủ thân vương. Đức vua giữ một vài người lại cho ngài. Còn lại, phân phát cho các thái tử. Bọn em cũng thế, sau khi lễ Thái-miếu, coi như là dâu con nhà vua. Đúng ra Khai-quốc vương đem kiệu rước em về. Nhưng vì người đi vắng, vì vậy hoàng hậu sai đưa em về phủ của vương. Trong các vương phủ khác, ông nào cũng có chính phi, năm sáu bà thứ phi và hàng chục mỹ nữ. Ấy là không kể tỳ nữ hàng trăm. Phủ Khai-quốc chỉ có tỳ nữ. Họ đều thuộc lứa tuổi già trên năm mươi. Người trẻ nhất bốn mươi bẩy tuổi, chính là vú Hậu, người đã nuôi vương hồi xưa. Vú được coi là người có địa vị lớn sau vương. Vương gọi vú bằng u gìa.

Đào Hà-Thanh nhìn Thanh-Mai như định hỏi gì, rồi lại thôi. Nàng tiếp:

- Vú tiếp đón em, gọi em là vương phi. Theo vú kể, em khó lòng được vương thu nhận. Vì trước em, có hàng trăm giai nhân do vua ban cho, vương chối từ đem trả. Chỉ năm trước, một tuyệt sắc giai nhân được tuyển cho vương. Vương ưng ý lắm. Nhưng đang khi động phòng hoa chúc, nghe giai nhân kể, nàng đã có một người yêu thương nàng hết tâm hết dạ. Nàng cũng cảm tình với người đó. Giữa lúc ấy thì nàng bị tiến cung. Vương nghe vậy ngồi dậy sửa sang y phục vái nàng tạ lỗi... rồi cho nàng về với người yêu.

Cả Tự-An lẫn Thanh-Mai đều bật lên tiếng kinh ngạc. Tự-An nghĩ:

- Mình nghe Khai-quốc vương là đấng anh hùng. Nhưng mình vẫn tự hào rộng lượng hơn y. Nay suy truyện này ra, mình muôn ngàn lần không bằng y.

Đào Hà-Thanh kể:

- Khai-quốc vương công du Thanh-hóa, rồi hết việc này, tới việc kia, không về phủ. Mãi hơn tháng trước người về tới. Nghe vú nói đến em, người mừng lắm. Người sai làm tiệc đãi em. Trong tiệc người cho biết, người đã từng nghe em hát, đã từng say bóng dáng em. Nhưng trong chuyến công du Thanh-hóa, vương gặp một nữ hiệp, tài trí vô song. Vương cùng nàng ước hẹn trăm năm. Kỳ này vương sẽ tâu với đức vua phong nàng làm vương phi. Vương nói rằng, tài sắc em khó kiếm. Song vương không thể sủng ái ai, ngoài vị nữ hiệp kia. Nhân dịp này, em cũng thố lộ về truyện anh với em.

- Thế em có nói rõ anh là ai cho vương nghe không?

- Không! Em không nói rõ anh là ai. Vương trầm tư một lúc rồi nói: Nếu ta cho nàng vế với tình quân thì phạm tội lớn với phụ hoàng, vì nàng đã làm lễ ở Thái-miếu, coi như con dâu trong nhà, không thể cho về dân dã. Nhưng thôi, thà ta bị tội, chứ không muốn để nàng với tình quân đau khổ. Sau đó vương cho em vàng lụa, rồi sai người đưa em về nhà. Bố mẹ em nhờ bang Hồng-hà hộ tống em về đây.

Tự-An ngẩn người ra suy nghĩ. Tình cảm che mất linh mẫn, ông không biết giải quyết sao. Ông hỏi ý kiến Thanh-Mai. Thanh-Mai im lặng suy nghĩ:

- Tại sao lại có sự trùng hợp kỳ lạ như vậy? Phu nhân Hồng-sơn đại phu cũng như mẫu thân ta đều qua đời vì Nhật-Hồ độc chưởng. Rồi hai người cưới vợ xấu, đanh ác. Cuối cùng cả hai cùng bị đuổi về. Hồng-Sơn đại phu gặp lại người yêu là Huệ-Phương. Bố ta gặp lại Hà-Thanh, cả hai cùng bị tiến cung. Huệ-Phương trốn đi tìm người. Hà-Thanh được chàng cho về. Cuộc gặp gỡ giữa Huệ-Phương với Hồng-Sơn đại phu thì còn bình thường. Cuộc gặp gỡ giữa bố ta với Hà-Thanh dường như có sự xếp đặt. Nhưng thôi, nếu là sự xếp đặt của triều đình, thì chẳng qua họ muốn lấy lòng bố ta mà thôi. Ta cũng chẳng nên nói ra làm gì.

Nàng nói với bố:

- Con mừng cho bố đã gặp được người như trong ước mơ. Bố nên làm lễ cưới Đào cô nương càng sớm càng tốt. Tuy vậy, bố để cho Mỹ-Linh, Bảo-Hòa đi, rồi hãy cưới thì hơn.

Tự-An gât đầu nghe lời con gái. Ông sai con, với sư đệ trẩy Thăng-long.

Thanh-Mai cho chuẩn bị một con thuyền lớn, để về Thăng-long. Sau đó từ Thăng-long sẽ đi Mê-linh bằng đường bộ. Trong đoàn tùy tùng, kể về quyền thế thì Mỹ-Linh lớn nhất. Kể về vai vế trong võ lâm thì Phạm Hào lớn hơn cả.

Thuyền nhổ neo, kéo buồm, theo sông Vị-hoàng, sang sông Hồng, rồi ngược giòng về Thăng-long. Mỹ-Linh sống ở Thăng-long từ nhỏ, nàng không lấy gì làm nôn nao cho lắm. Thiệu-Thái, Bảo-Hòa đã từng về Thăng-long thăm ông ngoại, nên thành quen. Chỉ riêng chị em Thanh-Mai, Tự-Mai, Tôn Đản, lần đầu tiên được về đế-đô, lòng nao nao lên những niềm vui khó tả.

Nước sông Hồng đỏ tươi như mầu máu, chảy xiết về miền xuôi. Trên sông củi mục, cây khô trôi lềnh bềnh. Dân chúng hai bên sông dùng đò nhỏ ra vớt củi đem về phơi khô bán, làm kế sinh nhai. Họ thấy con thuyền đinh lớn, kéo buồm, còn thêm hàng chục tráng đinh chèo, thì ngơ ngác nhìn.

Thanh-Mai cùng Mỹ-Linh, Bảo-Hòa đứng trên mặt sàn thuyền xem cảnh. Chợt Bảo-Hòa chỉ lên nền trời. Thanh-Mai ngước mắt nhìn: Giữa đám mây trắng trôi, hai con chim ưng dang bay lượn trên thuyền. Nàng nhủ thầm:

- Chắc chàng đã tỏ hết những gì xẩy ra ở trang Thiên-trường. Việc ta đi thế này, hẳn chàng cũng biết, cho nên mới sai chim ưng theo dõi.

Mỹ-Linh sinh trưởng ở Thăng-long. Hồi còn sinh tiền, thân mẫu nàng là một kiếm khách phái Mê-linh, bà hay thăm chùa này, viếng di tích đền nọ. Đi đâu bà cũng mang nàng theo. Vì vậy cảnh trí quanh Thăng-long trong vòng một trăm dặm, nàng thuộc làu hết. Khi thuyền còn cách Thăng-long hơn tám mươi dặm, nàng đã nhận ra cảnh trí rồi. Nàng chỉ chòm cây này, hương thôn nọ giảng giải từng chi tiết một. Đến nỗi bác học như Phạm Hào, Trần Kiệt mà cũng phải chịu rằng cô công chúa này kiến thức không tầm thường.

Bảo-Hòa là người rất tinh tế. Nàng thấy từ lúc rời Thiên-trường lên đường đi Thăng-long đến giờ gần như Tự-Mai với Tôn Đản ngồi im lìm không nói gì. Hai người ngồi bên cái tráp, cầm bút viết viết vẽ vẽ bàn luận về võ công hoặc đùa với Thường-Kiệt. Nàng kinh ngạc không ít, vì thường ngày hai cậu em này thường tía lia luôn miệng nói truyện với Mỹ-Linh, Thanh-Mai. Thế mà hôm nay hai người ngồi riêng, lại ít tiếng.

Bảo-Hòa đến bên Tự-Mai hỏi:

- Sư đệ. Em có truyện gì buồn không? Tại sao mặt lại buồn như con mèo ngái ngủ thế kia?

Tự-Mai nghe Bảo-Hòa ví mình với con mèo ngái ngủ thì bật cười:

- Thế sao hôm nay chị lại tươi như con nai cười thế này?

Tuy Tự-Mai tươi cười, đùa với Bảo-Hòa, nhưng nàng vẫn thấy có vẻ gượng gạo. Nàng tự nhủ:

- Phải tìm ra lý do nào cậu em này lại có thái độ như vậy?

Bảo-Hòa tìm không ra nguyên do củng phải. Trước đây Tự-Mai, Tôn Đản chỉ là hai cậu thiếu niên bình thường. Nhưng trong thời gian ở động đá, chúng luyện Thiền-công. Chính Thiền-công làm cho tâm tư con người trầm lắng lại, vì vậy tình tinh nghịch mất đi rất nhiều.

Nàng cầm tay Tự-Mai, Tôn Đản nói:

- Hai em lên sàn thuyền ngắm cảnh với chị Thanh-Mai, Mỹ-Linh đi chứ? Định ngồi Thiền sao đây?

Lên sàn thuyền, Tự-Mai hỏi Mỹ-Linh:

- Chị Mỹ-Linh này, chị có thuộc hết mọi nơi trong thành Thăng-long không? Đến nơi em muốn đi thăm đền thờ các vị anh hùng thời Lĩnh-nam đã tuẫn quốc. Trước em chỉ nghe nói, mà chưa có dịp đến chiêm ngưỡng.

Mỹ-Linh tính đốt ngón tay:

- Về thời Lĩnh-nam, Thăng-long có tên là Long-biên, nơi Bắc-bình vương Đào Kỳ đóng quân. Còn kinh đô lại ở Mê-Linh. Thời Hán thuộc, lỵ sở của thái thú Tô Định đóng tại Luy-lâu, còn đô-úy Lê Đạo-Sinh cũng đồn trú tại Long-biên. Vì vậy thành Thăng-long là nơi diễn ra biết bao trận đánh lịch sử. Hiện còn nhiều đền thờ các vị anh hùng Lĩnh-nam. Chị kể sơ cho em nghe.

Nói rồi nàng đưa tay ra tính. Bàn tay Mỹ-Linh vốn trắng hồng, da mịn. Các ngón dài như búp măng. Gần đây nàng luyện nội công phái Long-biên, nên bàn tay càng tươi đẹp như cánh hoa sen. Nàng kể:

- Đầu tiên đền thờ vua Trưng cùng các đại công thần ở bờ sông Hồng gần bến Tiềm-long, rồi phải kể đến đền thờ các vị họ Đào là Hiển-Hiệu, Quý-Minh, Phương-Dung ở Thổ-quan. Đền thờ Đinh Bạch-Nương, Đinh Tĩnh-Nương, Quách Lãng ở Đông-ba. Đền thờ Nguyễn Tam-Trinh ở Mai-động. Đền thờ công chúa Tử-Vân ở Vĩnh-hưng...Nhiều lắm, kể không sao hết được.

Tôn Đản hỏi:

- Nước Việt mình từ hồi lập quốc đến giờ trải qua biết bao đời. Không biết những triều đại trước đóng đô ở đâu?

Mỹ-Linh đáp:

- Vua Hùng đóng đô ở Phong-châu. Đến đời vua An-Dương đóng đô ở Cổ-loa, sát Thăng-long ngày nay. Vua Trưng đóng đô ở Mê-linh. Thời tiền Lý, vua Lý Nam-Đế đóng đô ở Ô-diên, cũng gần Thăng-long. Đến thời vua Ngô Quyền, lại đóng đô ở Cổ-loa. Trải tới vua Đinh, ngài đóng đô ở Hoa-lư tức Trường-yên bây giờ. Qua đời Lê, vẫn giữ kinh đô Hoa-lư. Kịp đến khi ông nội chị lên ngôi vua mới dời đô ra thành Đại-la.

Tôn Đản reo lên:

- Việc này em có nghe bố kể. Khi mới lên ngôi vua, Thuận-Thiên hòang đế thấy đất Hoa-lư chật hẹp, lại ở vào khu đất nghèo, không xứng đáng là nơi đế vương ngự trị. Ngài mới hỏi sư phụ là Vạn-Hành xem nên dời đô đến chỗ nào có nhiều linh khí. Thiền-sư Vạn-Hạnh vân du khắp đất nước, ngài thấy thành Đại-la có thế đất chín rồng chầu vào, khí thiêng sông núi tụ lại. Ngài lại xem thiên văn, thấy trên Thiên-hà, đế khí, phú khí, linh khí chiếu cả xuống nơi đây. Ngài mới khuyên vua dời đô ra. Khi thuyền gần tới nơi, thì thấy một con rồng bay lên, lượn trên không. Vì vậy mới đổi tên là Thăng-long.

Thanh-Mai hỏi Mỹ-Linh:

- Thiền sư Vạn-Hạnh nói Thăng-long có chín con rồng chầu vào. Thế liệu những con rồng đó có ở yên, hay theo thời gian sẽ di chuyển đi nơi khác?

Mỹ-Linh đáp:

- Khi ông nội hỏi câu đó, Vạn-Hạnh tổ sư nói Đất linh, do khí thiêng sông núi, do thần linh kết thành. Vì vậy trải qua nhiều đời, thì khí thiêng cũng không đổi. Theo đạo Phật, dù tiên, dù thần, cũng có ngày nhập diệt. Do vậy khí thiêng cũng biến theo. Vạn-Hạnh tổ sư còn nói, Khí thiêng Long-thành chỉ được có nghìn năm mà thôi. Sau này, khó mà biết được.

Thiệu-Thái hỏi:

- Anh nghe nói thành Thăng-long trước đây do Cao Biền đắp, có đúng không?

Câu hỏi của Thiệu-Thái làm mọi người cười ồ lên. Thiệu-Thái không hiểu tại sao mọi người lại cười mình. Chàng ngơ ngác:

- Suốt bao năm qua, người Trung-quốc đều kể rằng thành Thăng-long do Cao Biền đắp từ hồi nhà Đường.

Mọi người lại cười nữa. Tôn Đản nói:

- Anh Thái à. Anh là người bộc trực, tâm tính hiền hậu dễ tin người thành ra mới bị người ta đánh lừa.

Thiệu-Thái càng ngơ ngác. Mỹ-Linh thương hại người yêu, nàng vỗ nhẹ tay lên vai chàng:

- Không phải vậy đâu. Người Hoa thường khoa trương công đức của các quan người Hán sang cai trị đất Việt. Họ phao vu rằng thành Thăng-long do Cao Biền đắp. Sự thực vào đời Đường, Cao Biền sang làm An-nam đô hộ sứ, y có đắp thành Đại-la, nhưng nhỏ xíu. Khi ông nội lên ngôi vua, sai phá cái thành nhỏ ấy đi, xây thành mới năm cửa ngày nay. Công trình xây dựng trải mấy năm mới xong. Thành có hai lớp. Lớp trong gọi là Hoàng-thành, lớp ngòai gọi là Kinh-thành. Hoàng-thành nằm trong lòng Kinh-thành.

Trần Kiệt gật đầu:

- Đó là kiến trúc cổ của người Việt. Thành Phong-châu thời vua Hùng cũng như thành Mê-linh thời vua Trưng đều xây dựng theo mô thức đó. Trong Hoàng-thành, khu Cấm-thành có tường cao, là nơi hoàng đế cùng hoàng hậu, phi tần, thái tử, công chúa ở. Còn Hoàng-thành có nhiều cung điện. Vua cùng tể tướng, quần thần làm việc. Kinh-thành là nơi dân chúng ở. Đại để là thế. Tôi không biết thực sự có những cung nào, điện nào đã được xây và xây từ bao giờ. Công chúa! Công chúa có biết không?

Mỹ-Linh kính cẩn đáp:

- Thưa đại hiệp, tiểu nữ xin trình đại hiệp rõ. Thăng-long chỉ có Hoàng-thành, mà không có Cấm-thành. Trong Hoàng-thành xây rất nhiều cung điện. Tuy so với cung điện thời vua Hùng vua An-Dương không đi đến đâu, nhưng cũng không kém phần tráng lệ. Tại trung ương, lớn nhất là điện Càn-nguyên, cao bốn tầng, có chín nóc chồng lên nhau. Ngói đều mầu xanh. Tường bằng những tảng đá lớn. Kèo cột, cầu thang, gác đều bằng gỗ lim, gỗ trắc hay gỗ gụ.

Thanh-Mai hỏi:

- Bốn tầng đó dùng để làm gì?

- Tầng trên cùng là nơi thờ quốc tổ, quốc mẫu.

Tôn Đản vốn ít học, nó hỏi Bảo-Hòa:

- Có phải quốc tổ là Lạc-Long quân, quốc mẫu là Âu-Cơ không?

Bảo-Hòa mỉm cười:

- Đúng mà sai.

Tôn Đản xịu mặt xuống:

- Sao vậy?

Bảo-Hòa giảng giải:

- Từ thời cổ người Việt mình thờ quốc tổ gồm: Phục-Hy, Thần-Nông, Hùng-vương, An-Dương vương. Còn người Hoa thờ Phục-Hy, Thần-Nông, Hoàng-đế làm quốc tổ. Em còn nhớ sử mình ghi không: Vua Đế-Minh là cháu ba đời vua Thần-nông đi tuần thú phương nam đến núi Ngũ-lĩnh kết hôn với một nàng tiên đẻ ra thái tử Lộc-Tục. Ngài lập đàn tế cáo trời đất, phong cho con trưởng là vua Đế-Lai làm vua phương bắc tức Trung-nguyên. Phong cho con thứ làm vua phương nam tức vua Kinh-Dương. Vua Kinh-Dương kết hôn với con gái vua Động-Đình đẻ ra thái tử Sùng-Lãm. Sùng-Lãm làm vua tức Lạc-Long quân. Lạc-Long quân lấy bà Âu-Cơ là con vua Đế-Lai đẻ ra một trăm con.

Tôn Đản hiểu ra:

- Vậy mình với Trung-nguyên cùng ông tổ Phục-Hy, Thần-Nông. Còn từ sau thì phân ra Nam, Bắc.

Trần Kiệt lại hỏi Mỹ-Linh:

- Tầng trên cùng thờ quốc tổ. Tầng thứ nhì để làm gì?

- Thưa cũng để thờ. Cả tầng thứ nhì thờ từ vua Bà cùng anh hùng thời Lĩnh-nam cho đến vua vua Đinh. Tầng thứ ba thờ liệt tổ họ Lý. Còn tầng cuối cùng là nơi hoàng đế ngồi làm việc.

Ngừng lại một lúc, Mỹ-Linh tiếp:

- Trước điện Càn-nguyên là điện Cao-minh. Điện Cao-minh có một thềm lớn, là nơi thiết đại triều. Bên trái điện Càn-nguyên là điện Tập-hiền, nơi các quan văn làm việc. Bên phải là điện Giảng-võ nơi các quan võ làm việc.

Phạm Hào thắc mắc:

- Tôi nghe nói lầu Thúy-hoa có muôn ngàn hoa thơm cỏ lạ, do công chúa An-Quốc dâng cho vua cha. Vậy lầu đó ở đâu?

Mỹ-Linh đáp:

- Phía sau điện Càn-nguyên là điện Long-an, sau điện Long-an là điện Long-thụy, nơi hoàng đế an nghỉ. Điện Long-an do chính cung hoàng hậu Lập-quốc ở. Sau điện Long-an là điện Long-thụy do hoàng hậu Lập-nguyên ở. Bên phải điện Long-an là điện Nguyệt-minh cho các công chúa ở. Bên trái là điện Nhật-quang cho các thái tử ở. Lầu Thúy-hoa ở sau cùng, có ba tầng là nơi thưởng hoa của hoàng cung.

Trần Kiệt gật đầu:

- Thế từ Hoàng-thành thông với Kinh-thành bằng mấy cửa?

- Thưa có sáu cửa. Bốn cửa chính. Hai cửa phụ. Bốn cửa chính theo đúng Đông, Tây, Nam, Bắc là Tường-phù, Đại-hưng, Quảng-phúc và Diệu-Đức. Ngoài ra còn hai cửa nữa là cửa Phi-long thông thẳng ra cung Nghinh-xuân, cửa Đan-phượng thông ra cung Uy-viễn.

Càng về chiều, nước chảy càng chậm, thuyền đi thực mau. Phạm Hào chợt nhớ ra điều gì. Ông hô lớn:

- Tất cả xuống dưới khoang thuyền. Chúng ta có việc cần bàn.

An toạ xong, Phạm Hào hỏi Mỹ-Linh:

- Công chúa. Cứ như cung khai của tên Đặng Trường cùng Trần-thị Phương thì rõ ràng có sự liên kết giữa Nhật-Hồ lão nhân với bọn sứ đoàn nhà Tống. Điều chúng ta cần phải tìm cho ra Nhật-Hồ lão nhân hiện còn sống hay đã chết rồi. Giang hồ võ lâm nói rằng lão có mười đệ tử. Đệ tử của lão đều vào hàng kiệt hiệt vô song. Chúng ta chỉ biết được tên của năm người. Còn bốn người thì không biết rõ là ai.

Mỹ-Linh hỏi Bảo-Hòa:

- Chị có nghe biết gì về bọn Nhật-Hồ không?

Bảo-Hòa gật đầu:

- Lúc từ Trung-nguyên về Đại-Việt, Nhật-Hồ lão nhân cùng các đệ tử ẩn thân ở vùng Bắc-biên. Họ chiêu dụ các khê động. Có khá nhiều khê động theo họ. Nay dù Nhật-Hò chết, vẫn có nhiều khê đông chủ trương chống lại mạ mạ. Vì vậy mạ mạ theo dõi họ rất kỹ. Chị nghe nói đệ tử đắc ý nhất của lão là Vũ-nhất-Trụ. Nhất-Trụ nguyên là thầy đồ trẻ ở Thăng-long, thường ngồi ở các quán, kể truyện lịch sử Đại-Việt làm kế sinh nhai. Sau Nhất-Trụ bỏ Thăng-long lên Bắc-biên theo lão, được lão thu làm đồ đệ. Tên Đặng-Trường là đệ tử thứ nhì. Đệ tử thứ ba tên Phạm-văn-Trạch. Trạch là con nhà danh gia, có học thức. Đệ tử thứ tư là Hoàng-Văn. Nghe đâu y gốc là người Hoa. Người thứ năm là Nguyễn-Chí. Chí với Vũ-Nhất-Trụ thường hay tranh dành quyền uy với nhau.

Đến đó khoang thuyền mở rộng, thuyền trưởng vào thưa với Trần-Kiệt:

- Trình trang chủ, phía trước có hai con thuyền lớn, đậu ép vào nhau. Người trên thuyền giao chíến kịch liệt. Xin trang chủ quyết định, chúng ta nên tránh ra hay lại gần?

Trần-Kiệt vẫy tay cho mọi người lên mui cùng quan sát. Phía trước, hai con thuyền lớn vô cùng, đậu sát vào nhau. Trên thuyền quả đang có cuộc giao chiến. Tiếng vũ khí chạm vào nhau kêu loảng xoảng. Trần-Kiệt bảo thuyền trưởng:

- Người cứ cho thuyền thẳng tới.

Con thuyền hướng phía trước mà đi. Có tiếng từ trên thuyền vọng lại:

- Chúng ta đang có truyện riêng tư cần giải quyết với nhau. Những người vô can nên tránh xa. Gươm đao vô tình, nếu cứ lướt tới thì đừng trách.

Thuyền càng tới gần, trông càng rõ. Bảo-Hòa tinh mắt nhất. Nàng nói:

- Trong hai bọn đánh nhau, một bọn là sứ đoàn nhà Tống. Còn bọn kia không rõ là ai.

Thanh-Mai đề nghị:

- Sư thúc. Bọn Tống biết mặt chúng ta hết rồi. Xin sư thúc cho giả trang, để quan sát trận đánh, tùy nghi ra tay.

Trần-Kiệt gật đầu. Tất cả mọi người đều vào trong khoang. Thanh-Mai, Bảo-Hòa cùng hoá trang cho mọi người. Phạm-Hào, Trần-Kiệt, Thiệu-Thái giả làm ba người nhà quê. Còn Thanh-Mai, Mỹ-Linh, Bảo-Hòa giả làm ba cô gái thôn dã, đáp thuyền về Thăng-long.

Tất cả mọi người lên thuyền đứng nhìn sang hai con thuyền phía trước. Trên một con thuyền lớn, bọn Triệu-Thành đứng đối diện với một đám người lạ. Trong đám người lạ có Chu-Minh. Trần-Kiệt dùng lăng-không truyền ngữ nói vào tai mọi người:

- Thì ra bọn Tống đang giao chiến với bọn Đại-lý. Chúng ta cứ đứng ngoài cuộc. Không nên ra mặt vội.

Thuyền càng tới gần, nhìn càng rõ. Một người trên thuyền bọn Tống nói vọng sang:

- Thuyền nào kia. Mau tránh ra chỗ khác. Nếu cứ tiếp tục lại gần đây thì đừng trách chúng ta ác độc.

Nghe tiếng quát đó, tâm tư Mỹ-Linh trấn động mạnh. Vì người nói đó chính Dực-Thánh vương, em ruột ông nội nàng. Nàng nói nhỏ vào tai Thiệu-Thái, Bảo-Hòa:

- Dực-Thánh vương đấy. Không hiểu sao người cũng có mặt ở trên thuyền bọn Tống.

Thanh-Mai ngơ ngác hỏi:

- Dực-Thánh vương là ai vậy?

Mỹ-Linh giải thích:

- Ông nội em có bốn anh em. Trên cao nhất là ông bác, được phong Vũ-Uy vương. Ông nội thứ nhì. Dưới người là Dực-Thánh vương. Út nhất là sư thái Tịnh-Huyền. Dực-Thánh vương hiện giữ chức đô đốc thống lĩnh thủy quân. Cháu nội của người là Lý Long-Hưng đã đính hôn với Bảo-Hoà đấy.

Lần đầu tiên Trần Kiệt biết truyện duyên tình của Bảo-Hòa. Ông tò mò:

- Lý Long-Hưng là người thế nào?

- Học văn rất uyên bác. Về võ công, thì học với Dực-Thánh vương. Nghe đâu bản lĩnh không kém gì những cao thủ bậc nhất. Hưng đã đấu với anh Tạ Sơn, ngang tay.

Mọi người kêu lên tiếng ái chà. Vì bản lĩnh Tạ Sơn đâu phải tầm thường. Mà Long-Hưng mới có mười chín, hai mươi tuổi, võ công đã bằng Tạ Sơn thực hiếm có.

Trần Kiệt càng thắc mắc:

- Võ công của Dực-Thánh vương có cao không? Người là đệ tử Tiêu-sơn chăng? Dường như Bảo-Hòa không mấy thích Long-Hưng thì phải.

Mặt Bảo-Hòa nhăn lại:

- Không hiểu sao, mỗi lần thấy Long-Hưng là cháu lại nổi giận. Y chỉ có cái vẻ bề ngoài mặt trắng, hay làm điệu, làm bộ. Trong khi cháu ưa thực tế.

- Võ công của Dực-Thánh vương với Vũ-Uy vương thuộc phái nào?

- Cháu không rõ. Ông Vũ-Uy vương với Dực-Thánh vương không biết học nghiệp với ai. Song võ công không thua gì ông nội. Còn võ công thái cô Tịnh-Huyền, thuộc phái Mê-linh.

Mọi người nhìn sang thuyền phía trước. Trên sàn chia ra làm ba cặp đấu với nhau. Cặp thứ nhất, Minh-Thiên đại sư đấu với một lão già tuổi khoảng sáu chục. Võ công hai người ngang tay. Mỗi lần chưởng lực chạm nhau, một tiếng bùng vang dội, các ngọn cờ trên thuyền lại bay phần phật.

Thanh-Mai kinh hãi nghĩ:

- Không biết lão già là ai, mà võ công đến trình độ ngang tay với Minh-Thiên thì ắt không thua bố mình với Hồng-Sơn đại phu. Nước Đại-lý có những cao thủ như vậy, hèn gì họ dám chống lại nhà Tống.

Cặp thứ nhì, một trung niên nam tử đấu với Địch Thanh. Cả hai cũng ngang tay nhau. Cặp thứ ba Đông-Sơn lão nhân đấu kiếm với một thiếu phụ rất xinh đẹp.

Trần Kiệt nói với Mỹ-Linh:

- Thiếu phụ kia là ai mà đấu kiếm được với Đông-Sơn lão nhân, một trong bốn tay kiếm thuật lừng danh Hoa-hạ. Dường như kiếm pháp của nàng giống kiếm pháp phái Thiên-sơn bên Trung-nguyên.

Mỹ-Linh chỉ vào ngọn cờ bay trên thuyền bọn Tống:

- Lá cờ có con kỳ lân là biểu hiệu của Dực-Thánh vương đấy.

Nàng chỉ vào một người tuổi khoảng năm mươi, đang đứng cạnh Triệu Thành trên đài chỉ huy của chiếc thuyền lớn lược trận:

- Người đó là Dực-Thánh vương.

Thình lình có tiếng xé gió. Một mũi tên từ thuyền Dực-Thánh vương bay lại, hướng vào cổ Trần Kiệt. Trần Kiệt lờ đi như không biết. Chờ cho mũi tên tới trước mặt ông. Ông phẩy tay một cái. Mũi tên đang bay với tốc độ kinh hồn, bị gẫy làm bẩy tám đoạn, rơi xuống sàn thuyền.

Người trên thuyền Dực-Thánh vương quát lớn:

- Thuyền kia, mau ngừng lại.

Ba mũi tên lại xé gió bay tới trước mặt Trần Kiệt. Ông phẩy tay một cái. Ba mũi tên đổi chiều bay ngược trở lại. Ông chĩa ngón tay phóng theo ba chỉ. Kình lực đẩy mũi tên trở thành cực mạnh. Ba mũi tên xé gió kêu lên tiếng vo vo inh tai nhức óc trúng vào cột cờ theo một hàng thẳng từ trên xuống dưới.


Kiếm Hiệp 4.0
Phiên bản dành cho Android tại đây!
Hồi (1-30)


<