Vay nóng Tima

Truyện:Tiếu ngạo giang hồ - Hồi 052



Tiếu ngạo giang hồ
Trọn bộ 225 hồi
Hồi 052: Lâm Bình Chi đả bại Lục Hầu Nhi
0.00
(0 lượt)


Hồi (1-225)

Siêu sale Lazada

Lệnh Hồ Xung coi lại bức đồ hình thì người trong tay cầm một đường dây thẳng tuột tiêu biểu cho cây côn bổng đang theo thế phóng vào mũi kiếm của người ra chiêu "Hữu phụng lai nghi".

Mới coi thân hình người đó tuy có vẻ vụng về, song trong cái vụng về lại bao hàm một một tư thế liên miên không dứt.

Chiêu "Hữu phụng lai nghi" có ba chiêu tiếp theo, song cây côn bổng của người kia dường như bao hàm đến sáu bảy chiêu kế tiếp, rất có thể đối phó được với những chiêu sau của "Hữu phụng lai nghi".

Lệnh Hồ Xung chú ý nhìn mấy nét sơ sài về nhân hình trong lòng xiết đỗi kinh dị tự nghĩ:

- Chiêu "Hữu phụng lai nghi" của bản môn coi rất đơn giản, song về uy lực lợi hại vô cùng. Ðịch thủ biết thế mà đỡ gạt né tránh sẽ không sao, bằng họ phát tất bị thất bại. Xem chừng chiêu côn kia của đối phương có thể phá được chiêu "Hữu phụng lai nghi" của bản môn mất. Cái đó... cái đó..

Lệnh Hồ Xung từ chỗ kinh dị đi tới chỗ bội phục rồi trong thâm tâm hắn không khỏi có điều sợ hãi.

Hắn đứng ngẩn ra nhìn đồ hình này không biết bao nhiêu lâu.

Ðột nhiên tay mặt hắn cảm thấy đau đớn kịch liệt, thì ra bó đuốc hắn cầm đã cháy đến tận tay. Hắn vội liệng bó đuốc đi.

Lúc này trong thạch động đã sáng rõ, Lệnh Hồ Xung vẫn đứng ngắm hai nhân hình bụng bảo dạ:

- Nếu người sử côn kia mà công lực tương đương với kiếm thủ bản môn thì người kiếm thủ bản môn không khéo bị thương mất. Nếu công lực đối phương còn cao hơn một chút thì khi hai chiêu gặp nhau, kiếm thủ bản môn tất phải mất mạng tức khắc. Chiêu "Hữu phụng lai nghi" quả thật bị người ta phá rồi, không còn nghi ngờ gì nữa.

Lệnh Hồ Xung coi đến đồ hình thứ hai thì người sử kiếm của bản môn ra chiêu "Thương Tùng nghênh khách".

Hắn chấn động tâm thần vì ngày hắn tập chiêu này phải luyện mất đúng một tháng trời mới thành thục và trở nên một tuyệt chiêu trong lúc lâm địch. Mỗi khi hắn ra chiêu này là thủ thắng được ngay để chấm dứt cuộc chiến.

Hắn trong lòng phấn khởi nhưng không khỏi phập phồng khiếp sợ vì lo rằng chiêu này cũng bị phá.

Lệnh Hồ Xung coi đến đồ hình người sử côn thì thấy trong tay y có 5 ngọn côn chia ra đánh vào 5 bộ vị dưới hạ bàn người sử kiếm.

Hắn ngơ ngác tự hỏi:

- Sao y lại có những năm ngọn côn?

Khi xem kỹ tư thế đồ hình người sử côn liền hiểu ngay, miệng lẩm bẩm:

- Ðây không phải là năm ngọn côn mà là trong nháy mắt y phóng liền ra năm phát liên tiếp nhằm vào năm chỗ trong hạ bàn đối phương.

Hắn tự nhủ:

- Nếu y ra chiêu mau lẹ thì bên mình cũng mau lẹ. Chưa chắc y đã rảnh tay mà phóng liền được năm côn. Vậy chiêu "Thương Tùng nghênh khách" chắc là đối phương không phá được rồi.

Hắn đang ra chiều đắc ý, bỗng lại ngơ ngẩn người tự hỏi:

- Nếu y không phóng liền năm côn mà chỉ đánh một côn vào một phương vị nào đó thì kiếm thủ bên mình né tránh cách nào?

Hắn lượm lấy thanh trường kiếm của bản môn sử chiêu "Thương Tùng nghênh khách" rồi lại ngó vào đồ hình trên vách đá để suy nghĩ xem đối phương đánh vào bộ vị nào bên mình để mình tìm cách đối phó.

Nhưng cây côn đối phương có thể đánh vào bất cứ một bộ vị nào cũng được mà khi ấy, lưỡi kiếm của mình đang phóng ra ngoài không kịp thu về mới nguy chứ. Trừ phi chiêu kiếm giết được đối phương trước, không thì hạ bàn bên mình tất bị đánh trúng.

Nhưng đối phương đã là tay cao thủ, có lý nào mình phóng một kiếm mà đâm chết ngay được họ?

Cứ coi thế địch nhân hạ thấp xuống với chân bước đi thì nhất định giữa lúc khe chừng sợi tóc y đã tránh khỏi chiêu kiếm bên mình.

Chiêu kiếm này mà bị đối phương tránh được rồi phản công thì mình lại không có đường tránh thoát. Như vậy tuyệt chiêu "Thương Tùng nghênh khách" của phái Hoa Sơn há chẳng bị người phá mất rồi ư?

Lệnh Hồ Xung hồi tưởng lại đã ba phen chàng ra chiêu "Thương Tùng nghênh khách" đều thủ thắng rồi tự nhủ:

- Giả tỷ đối phương đã nhìn thấy đồ hình trên vách đá này mà biết đường phản kích thì bất luận họ sử đao kiếm hay sử côn bổng để phản kích theo cách này thì mình đã mất mạng rồi và còn đâu là Lệnh Hồ Xung ở trên thế gian nữa.

Lệnh Hồ Xung càng nghĩ lại càng kinh hãi. Trán hắn toát mồ hôi nhỏ giọt.

Hắn tự nói để mình nghe:

- Không thể thế được! Không thể thế được! Nếu chiêu "Thương Tùng nghênh khách" mà bị tư thế này phá giải thì khi nào sư phụ mình lại không hay để cảnh cáo mình?

Tuy hắn rất thuộc yếu quyết về tuyệt chiêu "Thương Tùng nghênh khách", song nhìn thấy đồ hình người sử côn cực kỳ lợi hại: năm đường dây ngắn ngủi trên vách đá tựa hồ đường nào cũng đánh một đòn rất trầm trọng vào đùi vào chân hắn, khiến cho toàn thân hắn dường như bị tê liệt khó lòng rời khỏi nửa bước.

Lệnh Hồ Xung lại coi xuống dưới, thấy trên vách đá khắc toàn những tuyệt chiêu về kiếm pháp của bản môn. Bên đối phương cũng đều là những chiêu cực kỳ xảo diệu hiểm ác để giết giải hoặc để đả phá.

Hắn càng coi càng kinh hãi.

Lúc Lệnh Hồ Xung coi đến chiêu "Kinh đào ngạn phách" thì côn bổng của đối phương phản lại bằng chiêu số mềm yếu bất lực chỉ thủ chứ không công. Hắn mới thở phào một cái bụng bảo dạ:

- Chiêu này họ không phá được rồi.

Hắn nhớ lại tháng chạp năm ngoái, sư phụ ngồi coi tuyết rụng phất phơ, nẩy lòng cao hứng, liền tụ tập bọn đệ tử lại giảng giải kiếm pháp. Sau cùng sư phụ thi triển chiêu "Kinh đào ngạn phách", với những thế kiếm ngày một thần tốc và mỗi chiêu thấp thoáng trên không tựa hồ tuyết rụng hoa bay.

Ðến cả sư nương cũng vỗ tay hoan hô. Bà nói:

- Sư ca! Chiêu này tiểu muội chịu phục rồi. Phái Hoa Sơn phải do sư ca làm chưởng môn mới được.

Khi ấy sư phụ cười lạt nói:

- Người cầm đầu phái Hoa Sơn trông vào đức hạnh nhiều hơn là võ lực. Sử được chiêu kiếm thuần thục vị tất đã làm nổi chưởng môn?

Sư nương cười nói:

- Ðức hạnh của sư ca cao hơn tiểu muội chăng? Nói thế mà không biết thẹn.

Sư phụ lại cười rồi không nói nữa. Sư nương vốn có tính chẳng chịu ai, thường cùng sư phụ tranh thắng. Thế mà bà phải phục chiêu "Kinh đào ngạn phách" thì đủ biết nó lợi hại đến thế nào.

Lệnh Hồ Xung coi kỹ lại người sử côn thì thấy hắn đứng co ro tư thế chẳng vừa mắt chút nào.

Chiêu số cũng chẳng vào phương thức nào hết, hắn không khỏi phì cười.

Ðột nhiên mặt hắn cứng đơ, đang tươi cười biến thành khủng khiếp. Giả tỷ lúc này có người đứng bên thấy hắn có vẻ rối loạn tâm thần tất không khỏi kinh hãi.

Lệnh Hồ Xung ngó chầm chập vào cây côn bổng mà hình người kia cầm trong tay. Hắn càng nhìn càng thấy đầu côn đưa ra bộ vị cự kỳ xảo diệu. Chiêu "Kinh đào ngạn phách" phóng đến chín nhát kiếm rồi 10, 11, 12 nhát... mà nhát nào cũng chỉ đâm vào côn bổng.

Té ra thế côn bổng này lúc mới chợt nhìn thấy rất vụng về mà thực ra cực kỳ xảo diệu. Bề ngoài coi như yếu ớt, kỳ thực mãnh liệt vô cùng. Ðúng là một thế côn bổng về cách dùng tĩnh để chế động, đem cái vụng về để chống đối với cái tinh xảo.

Lệnh Hồ Xung coi những chiêu số của cây côn bổng kia lúc nữa rồi đâm ra mất hết lòng tin cậy vào võ công của bản phái.

Hắn cho là dù mình có luyện kiếm thuật bản môn được đến chỗ tinh diệu bằng sư phụ mà gặp phải người sử côn này cũng chẳng khác gì kẻ bị cật tay trói chân không còn đường để chống đối nữa. Như vậy thì kiếm thuật bản môn có học thêm cũng chẳng ích gì.

Hắn tự hỏi:

- Chẳng lẽ Hoa Sơn kiếm pháp không chịu nổi một đòn của đối phương thật ư? Cứ coi những bộ hài cốt kia hư nát từ lâu thì ít ra là ba bốn chục năm rồi. Vậy sao đến nay Ngũ nhạc kiếm phái vẫn còn xưng hùng được ở trên chốn giang hồ? Mình chưa từng nghe nói đến kiếm pháp bản phái bị người chiết phá bao giờ, nhưng coi đồ hình trên vách đá lại khác hẳn. Kiếm pháp phái Hoa Sơn mình đã thuộc kỹ và biết rằng lỡ gặp phải đối phương có những chiêu số cao minh ghê gớm như thế này tất phải thua liểng xiểng.

Lệnh Hồ Xung đứng ngây người như tượng gỗ, ngơ ngác không nhúc nhích. Trong đầu óc hắn bỗng lóe lên một ý niệm nhưng chỉ thoáng qua rồi vụt đi ngay.

Không hiểu hắn đứng ngẩn ra đã bao lâu, bỗng có người lớn tiếng gọi:

- Ðại sư ca! Ðại sư ca ở chỗ nào vậy?

Lệnh Hồ Xung giật mình hấp tấp từ trong hậu động chuồn ra. Qua cửa Ðông rời sang đến sơn động của mình, Lệnh Hồ Xung nhìn rõ Lục Ðại Hữu đứng ngoài sườn núi đang hô hoán om sòm.

Lệnh Hồ Xung liền nhảy vọt ra đi quanh về phía sau núi đến chỗ tảng đá lớn mới lên tiếng:

- Tiểu huynh ngồi đây mà. Lục sư đệ! Có chuyện gì vậy?

Lục Ðại Hữu theo thanh âm đi tới rồi cả mừng đáp:

- Ðại sư ca ở trong này ư? Tiểu đệ đưa cơm lên đây, không thấy đại sư ca, rất đỗi bồn chồn trong dạ.

Nguyên Lệnh Hồ Xung ngưng thần xem xét chiêu số trên vách đá từ lúc bình minh. Hắn để hết tâm trí theo dõi những bức đồ hình chẳng biết gì đến thời khắc trôi qua nữa.

Bây giờ trời đã hoàng hôn mà hắn cũng không hay. Hắn ở sơn động để ăn năn tội lỗi, Lục Ðại Hữu không dám thiện tiện đi vào, nhưng sơn động này rất nông, gã không thấy có Lệnh Hồ Xung ngồi đó liền ra phía trước tìm kiếm, gã không hiểu có cửa hầm đi vào hậu động.

Lệnh Hồ Xung hỏi:

- Ta ở trên này còn đi đâu được? Chà! Mặt sư đệ làm sao thế kia?

Hắn trông thấy má bên phải Lục Ðại Hữu có rịt một nắm thuốc lớn. Máu thấm qua lần thuốc rịt ứa ra ngoài. Hiển nhiên gã bị thương khá nặng.

Lục Ðại Hữu đáp:

- Sáng nay tiểu đệ luyện kiếm không cẩn thận. Lúc rụt kiếm về đập mạnh vào mặt. Nói ra càng thêm hổ thẹn.

Lệnh Hồ Xung coi thần sắc Lục Ðại Hữu thấy gã tức giận nhiều hơn là hổ thẹn. Hắn đoán ngay có chuyện gì liền gặng hỏi:

- Lục sư đệ! Thực tình tại sao sư đệ bị thương? Chẳng lẽ sư đệ lừa dối cả tiểu huynh nữa ư?

Lục Ðại Hữu hậm hực đáp:

- Ðại sư ca! Không phải tiểu đệ lừa dối mà là sợ đại sư ca nổi đóa nên không dám nói đó thôi.

Lệnh Hồ Xung lại hỏi:

- Mặc Lục sư đệ bị ai đả thương?

Miệng hắn hỏi vậy, trong lòng rất lấy làm kỳ vì sư huynh, sư đệ bản môn trước nay ăn ở với nhau rất hòa mực chưa từng có sự tranh chấp về chuyện tỷ đấu bao giờ. Nếu bảo là có ngoại địch lên núi lại càng vô lý.

Lục Ðại Hữu đáp:

- Sáng sớm hôm nay tiểu đệ cùng Lâm sư đệ luyện kiếm, gã đã học được chiêu "Hữu Phụng lai nghi", tiểu đệ sơ tâm bị mũi kiếm quẹt vào mặt thành thương.

Lệnh Hồ Xung nói:

- Giữa sư huynh sư đệ tập dượt kiếm pháp lỡ tay bị thương là chuyện tầm thường không nên để dạ. Lâm sư đệ mới học kiếm pháp không thể thu phát theo ý muốn, thì trách gã sao được? Ðó chẳng qua là tại Lục sư đệ bất cẩn mà thôi. Chiêu "Hữu Phụng lại nghi" uy lực không phải tầm thường, Lục sư đệ cần cẩn thận đối phó mới được.

Lục Ðại Hữu nói:

- Ðại sư ca dạy chí phải. Nhưng tiểu đệ có ngờ đâu... Gã họ Lâm mới nhập môn được mấy tháng mà sao đã luyện được chiêu "Hữu Phụng lai nghi"? Còn tiểu đệ sau khi bái sư hơn 5 năm sư phụ mới bảo đại sư ca truyền chiêu đó cho tiểu đệ.

Lệnh Hồ Xung không khỏi sững sờ, bụng bảo dạ:

- Lâm sư đệ nhập môn mà đã học được chiêu "Hữu Phụng lai nghi" thì quả là hấp tấp thật. Nếu trời không phú cho óc thông minh khác người, căn bản hãy còn nông cạn đã mong mau thành kết quả thì rất tai hại cho việc luyện công sau này. Chẳng hiểu tại sao sư phụ lại vội vã truyền cho gã những chiêu khó khăn như vậy?

Lệnh Hồ Xung còn đang ngẫm nghĩ thì Lục Ðại Hữu lại nói tiếp:

- Khi ấy tiểu đệ giật mình kinh hãi nên ra chiêu không được trấn tĩnh thành bị kiếm gã đả thương.

Kỳ hơn nữa là tiểu muội đứng bên lại vỗ tay reo: "Lục Hầu nhi! Sư huynh không địch nổi cả đồ đệ của tiểu muội thì từ đây còn dám diệu võ dương oai trước mặt tiểu muội nữa không?". Thằng lỏi họ Lâm tự biết mình có lỗi chạy lại toan buộc vết thương cho tiểu đệ, nhưng gã bị tiểu đệ đá lộn đi mấy vòng.

Tiểu sư muội thấy vậy tức giận lên tiếng: "Lục hầu nhi! Người ra đã có hảo tâm lại băng bó cho sư huynh sao sư huynh còn đánh người ta? Phải chăng là sư huynh thẹn quá hóa giận?". Ðại sư ca! Té ra chiêu "Hữu Phụng lai nghi" này do tiểu sư muội đã lén lút truyền cho thằng lỏi họ Lâm.

Lệnh Hồ Xung trong lòng đau khổ vô cùng! Hắn biết chiêu "Hữu Phụng lai nghi" cực kỳ khó luyện vì nó đã biến hóa phức tạp lại có nhiều yếu quyết khó nhớ. Tiểu sư muội dạy cho gã luyện được chiêu kiếm pháp này nhất định nàng hao tổn tâm cơ và tốn công rất nhiều.

Mấy bữa nay nàng không lên đây thì ra suốt ngày ở gần bên Lâm sư đệ.

Lệnh Hồ Xung đã biết Nhạc Linh San bản tính hiếu động, không thể nhẫn nại làm công chuyện tỷ mỷ. Vì nàng có tính cương cường hiếu thắng mà phải nhẫn nại luyện kiếm cho mình thì được, còn bảo nàng dạy ai thì khó mà hy vọng được nàng hết lòng chỉ điểm.

Thế mà nay nàng tự ý đem chiêu "Hữu Phụng lai nghi" biến hóa phức tạp dạy cho Lâm Bình Chi thì đủ biết nàng tha thiết quan tâm đến gã là chừng nào.

Hồi lâu Lệnh Hồ Xung đã tĩnh râm lại được đôi chút, liền cất giọng thản nhiên hỏi:

- Lục sư đệ tạo sao lại đi kiếm chuyện với Lâm sư đệ?

Lục Ðại Hữu đáp:

- Hôm qua tiểu đệ nói với đại sư ca mấy câu đó khiến cho tiểu sư muội rất lấy làm khó chịu. Lúc xuống núi suốt dọc đường y càu nhàu với tiểu đệ. Sáng nay y đến kéo tiểu đệ đi luyện kiếm. Tiểu đệ tuyệt không phòng bị, tưởng luyện kiếm là luyện kiếm như mọi khi. Ngờ đâu tiểu sư muội đã ngấm ngầm dạy cho thằng lỏi họ Lâm mấy tuyệt chiêu. Tiểu đệ vô ý bị gã ám toán.

Lệnh Hồ Xung càng nghe càng hiểu rõ câu chuyện. Hắn nhất định mấy bữa nay Nhạc Linh San thân thiết với Lâm Bình Chi lắm.

Hắn còn cho là Lục Ðại Hữu giao hảo với mình, coi không thuận mắt thốt ra những lời châm chích xa xôi, có khi gã còn nhục mạ Lâm Bình Chi để gây chuyện cũng chưa biết chừng.

Hắn liền hỏi:

- Có phải Lục sư đệ đã thóa mạ Lâm Bình Chi mấy lần rồi không?

Lục Ðại Hữu hằn học đáp:

- Hạng người vô liêm sỉ đê hèn như thằng lỏi mặt trắng đó mà chẳng thóa mạ thì còn thóa mạ ai?

Gã sợ tiểu đệ lắm. Tiểu đệ chửi mắng thế nào gã cũng không dám đối nửa lời. Hễ gã trông thấy tiểu đệ là quay đi chỗ khác. Không ngờ... thằng lỏi thế mà thâm độc. Hừ gã phỏng được mấy hơi? Nếu không có tiểu sư muội hậu thuẩn thì gã đả thương tiểu đệ thế nào nổi?

Lệnh Hồ Xung lúc này trong lòng tức giận đến cực điểm.

Hắn nhớ tới những chiêu thức khắc trên vách đá trong hậu động chuyên để đả phá "Hữu Phụng lai nghi", liền lượm một cành cây ở dưới đất tiện tay đưa ra một tư thế và muốn truyền lại chiêu đó cho Lục Ðại Hữu.

Nhưng hắn lại nghĩ rằng:

- Lục sư đệ đang căm hận thằng tiểu tử họ Lâm đến cùng cực. Nếu Lục sư đệ phóng ra chiêu này nhất định làm cho gã họ Lâm bị trọng thương. Sư phụ cùng sư nương hỏi ra thì mình cùng Lục sư đệ tất bị trọng phạt. Mình không thể dại dột thế được.

Hắn nghĩ vậy liền nói:

- Mỗi lần thất bại là một lần sinh khôn. Từ nay sư đệ đừng mắc bẫy gã nữa là yên. Giữa sư huynh, sư đệ chúng ta lúc trao đổi chiêu thức sao lại để tâm đến những chuyện thắng bại nhỏ nhen?

Lục Ðại Hữu giương cặp mắt thao láo nhìn Lệnh Hồ Xung lớn tiếng hỏi:

- Ðại sư ca! Tiểu đệ chẳng để tâm thì không sao. Ðại sư ca cũng ngơ đi được chăng?

Lệnh Hồ Xung biết gã nói về câu chuyện Nhạc Linh San tha thiết với Lâm Bình Chi trong lòng lại nổi lên cơn đau đớn kịch liệt, da mặt co rúm lại.

Lục Ðại Hữu vừa nói ra biết ngay mình đã làm cho đại sư ca phải thương tâm, gã lắp bắp:

- Tiểu đệ... tiểu đệ nói nhăng rồi.

Lệnh Hồ Xung nắm lấy tay gã ôn tồn nói:

- Lục sư đệ có nói nhăng gì đâu? Sao ta lại làm ngơ được. Nhưng... nhưng...

Hắn dừng lại một lát rồi nói tiếp:

- Lục sư đệ! Từ nay trở đi chúng ta đừng nhắc tới chuyện đó nữa.

Lục Ðại Hữu nói:

- Vâng! Ðại sư ca ơi! Chiêu "Hữu Phụng lai nghi" đại sư ca đã dạy cho tiểu đệ, nhưng lúc ấy tiểu đệ không chú ý nên mới mắc bẫy thằng lỏi kia. Tiểu đệ nhất định luyện cho tinh thông, để thằng lỏi kia biết xem đại sư ca dạy giỏi hay là tiểu sư muội dạy giỏi?

Lệnh Hồ Xung nở một nụ cười thê thảm nói:

- Chiêu "Hữu Phụng lai nghi" đó. Hà hà! Thực ra chẳng đáng gì đâu.

Lục Ðại Hữu thấy Lệnh Hồ Xung ra vẻ đăm chiêu thì tưởng là tiểu sư muội đã lạnh nhạt khiến cho lòng y chán nản nên gã không dám nói gì nữa, cáo từ xuống núi.

Lệnh Hồ Xung chờ cho Lục Ðại Hữu đi khỏi, hắn nhắm mắt dưỡng thần một lúc rồi bật lửa đốt cành thông cầm vào hậu động để coi tiếp những chiêu kiếm trên vách đá.

Lúc đầu hắn để tâm nghĩ chuyện Nhạc Linh San truyền thụ kiếm thuật cho Lâm Bình Chi, không thể nào chú ý đến đồ hình trên vách được. Những nét bút sơ sài vạch thành hình người tựa hồ bị hình ảnh Nhạc Linh San và Lâm Bình Chi xóa nhòa hết.

Hắn tưởng tượng ra một người đứng dậy và một người đang học vẻ mặt cực kỳ thân thiết. Trước mắt hắn lấp loáng toàn là tướng mạo tuấn mỹ của Lâm Bình Chi.

Hắn nghĩ bụng:

- Tướng mạo Lâm sư đệ tuấn tú gấp mười ta, tuổi cũng nhỏ hơn ta nhiều. Gã chỉ hơn tiểu sư muội có 1, 2 tuổi, trách gì hai người chẳng dễ thương yêu nhau.

Ðột nhiên gã đế ý đến một người sử kiếm trong đồ hình trên vách. Từ cách vận kình, đến lối phóng kiếm và thế kiếm đi giống hệt như chiêu "Vô song, vô đối Ninh thị nhất kiếm" của Nhạc phu nhân.

Hắn giật mình kinh hãi tự hỏi:

- Rõ ràng chiêu kiếm này do sư nương mới sáng chế ra sao lại khắc vào vách đá từ trước mới thật là kỳ!

Lệnh Hồ Xung coi kỹ lại đồ hình mới phát giác ra chiêu kiếm trên vách đá so với chiêu kiếm của Nhạc phu nhân sáng chế có chỗ khác biệt.

Chiêu trên vách đá so nội lực hùng hậu hơn mà đường kiếm không văn hoa, hiển nhiên do thủ bút của người đàn ông. - đây chỉ trần một chiêu kiếm, không giống thế kiếm của Nhạc phu nhân còn tàng ẩn những phần về sau. Vì nó đơn thuần nên càng mãnh liệt.

Lệnh Hồ Xung gật đầu lẩm bẩm:

- Chiêu kiếm của sư nương sáng chế té ra cũng hợp với kiếm ý của tiền nhân. Cái đó chẳng có chi là lạ vì cả hai đều lấy Hoa Sơn kiếm pháp làm căn bản rồi phô diễn ra. Công lực cùng óc thông tuệ của hai người chẳng sai nhau là mấy, dĩ nhiên cách sáng chế có đại đồng tiểu dị.

Rồi hắn bụng bảo dạ:

- Xem thế thì biết những chiêu kiếm trên vách đá này có nhiều chỗ sư phụ và sư nương đều không hay. Chẳng lẽ sư phụ kiếm pháp đã cao thâm mà chưa học hết ư?

Hắn xem đến tay côn của đối thủ phóng ra một vách thẳng điểm tới. Ðầu côn nhằm điểm vào mũi kiếm, rồi cả kiếm lẫn côn dính liền vào thành một đường thẳng.

Lệnh Hồ Xung vừa coi đến đường thẳng này bất giác hắn la hoảng:

- Hỏng rồi!

Cây đuốc trong tay rớt xuống đất. Sơn động tối mò. Trong lòng Lệnh Hồ Xung đâm khiếp sợ, hắn bật lên câu hỏi:

- Làm thế nào đây? Làm thế nào đây?

Hắn nhìn rất rõ đầu côn mũi kiếm đụng nhau. Côn cứng mà kiếm mềm, cả hai bên lại vận toàn lực phóng ra thì tất nhiên trường kiếm phải gãy đôi.

Hậu kình cả hai bên ra chiêu này tiếp tục liên miên. Một đằng côn bổng thừa thế đâm tới nữa, một bên hậu kình của tay kiếm phản kích lại thì chẳng còn cách nào giải khai được.

Giữa lúc ấy trong đầu óc hắn lóe lên một ý nghĩ:

- Có thật chẳng còn cách nào giải khai được chăng? Cái đó mình chưa nhìn thấy. Theo mình nhận xét thì kiếm bị gãy rồi mà côn bổng của đối phương đang phóng lẹ tới chỉ còn cách liệng kiếm đi, quỳ hai gối xuống. Nếu không thế, phải đề người nằm xoài về phía trước cho đầu côn trượt đi. Nhưng sư phụ cùng sư nương là những kiếm thuật danh gia liệu có dùng tư thức đó không? Dĩ nhiên các người thà chết chứ không chịu nhục. Than ôi! Thế là bị thua liểng xiểng mất rồi.


Cửu Mộng Tiên Vực

Hồi (1-225)


<