Vay nóng Homecredit

Truyện:Tuyết Hồ công tử - Hồi 03

Tuyết Hồ công tử
Trọn bộ 21 hồi
Hồi 03: Giang Biên Bạt Kiếm Phi Ma Tử - Sơn Thượng Xưng Danh Ma Giáo Hoan
4.22
(9 lượt)


Hồi (1-21)

Siêu sale Shopee

Ðất Hán Trung nằm cạnh giòng sông Hán Thủy, bên kia bờ đã là đất Hà Nam. Bến đò qua sông có một tửu quán chuyên bán các loại rượu ngon nhất Trung Nguyên. Còn cách xa mười trượng nghe mùi rượu thơm lừng. Tiểu Hồ rít lên đòi tắm, Thuyên Kỳ vừa gật đầu thì nó đã phóng xuống sông rượt bắt những con cá béo. Hai người đành vào quán nhâm nhi. Gương mặt Sầm Tham như bớt lạnh lùng vì mối lo về sức khỏe mẫu thân không còn. Vi bang chủ đã cho người rước bà về Tổng đàn Long Hổ bang để chữa trị. Bà sẽ lưu lại đây để họ Sầm an tâm theo phò tá Thiếu chủ Thẩm Thuyên Kỳ. Bà đã mừng biết bao nhiêu khi biết Thánh Nữ Lý Nhược Hồng còn sống.

Khi bước vào quán, hàng trăm hào khách võ lâm đều giật mình khi thấy Tàn Chi Quỷ Ðao. Dung mạo và cách ăn mặc của gã đã được truyền tụng khắp giang hồ. Nhưng lạ thay, họ Sầm lại tỏ ra vô cùng cung kính với chàng thiếu niên vô danh cùng đi.

Tiểu nhị của quán cũng là người lịch duyệt, nhận ra hung thần vội vã khom lưng đón tiếp:

- Sầm đại ca giá lâm, khiến bổn điếm vô cùng rạng rỡ.

Họ Sầm lạnh lùng bảo:

- Bất tất nhiều lời, chỉ cần rượu quý và thức ăn ngon là đủ.

Chỉ lát sau, gần chục món ăn ngon nhất và vò rượu Trúc Diệp Thanh ba mươi năm được dọn lên. Có mấy bàn đến trước mà chưa được ăn, họ ấm ức nhưng chẳng dám hé môi.

Thuyên Kỳ cười mát bảo:

- Người có danh như cây có bóng, đi với Sầm huynh ta cũng được thơm lây.

Gã cười sang sảng đáp:

- Thiên hạ sợ Sầm mỗ vì tính tàn độc của đao pháp. Ngày nào thiếu chủ bạt kiếm họ mới biết ai đáng mặt anh hùng.

Hai người ăn uống, nói chuyện rất vui vẻ. Tiểu Hồ từ dưới lòng sông phóng lên, miệng ngậm một con cá chép lớn nặng đến sáu bảy cân. Nó thả xuống chân chủ nhân rồi rít lên liên hồi. Chàng cười bảo họ Sầm:

- Tiểu Hồ tặng chúng ta đấy, Sầm huynh bảo nhà bếp chưng lên để chúng ta uống thêm vài vò rượu nữa.

Tiểu Hồ hài lòng, phóng lên nằm trên vai chàng. Thực khách trong quán trần trồ khen ngợi con vật xinh đẹp và khôn ngoan.

Bỗng từ cuối quán, một văn sĩ trung niên mặt trơ như gỗ, mắt đầy tà khí, bước đến hỏi Thuyên Kỳ:

- Công tử có đồng ý bán con Hỏa Nhãn Tiểu Hồ này không?

Chàng hòa nhã đáp:

- Rất tiếc là không.

Gã gằn giọng nói thêm:

- Ta đồng ý trả cho công tử với bất cứ giá nào.

Chàng thản nhiên đáp:

- Tiểu Hồ được tại hạ nuôi nấng từ nhỏ, ngàn vàng cũng không bán.

Gã trung niên ngửa cổ cười vang, giọng cười như muốn xé tung màng nhi mọi người. Sầm Tham nổi giận quát lên:

- Câm ngay! Ðừng làm điếc tai ta!

Gã mặt gỗ ngưng cười, cất giọng mỉa mai:

- Tàn Chi Quỷ Ðao là cái thá gì mà dám quát tháo ta!

Họ Sầm chăm chú nhìn gã, nhớ đến một người, chậm rãi hỏi:

- Phải chăng tôn giá là Vô Diện Phi Ma?

Toàn trưởng rúng động khi nghe nhắc đến danh hiệu này. Lão là một trong tứ đại ác ma lừng danh vũ nội, ba chục năm nay. Võ công đã đến mức siêu phàm nhập thánh, thủ đoạn tàn độc phi thường. Ai chạm đến lão toàn gia thảm tử, gà chó không còn.

Phi Ma kiêu ngạo gật đầu:

- Kể ra nhãn quang ngươi cũng khá đấy. Mau bảo tên công tử kia bán con Tiểu Hồ cho ta.

Sầm Tham sợ thiếu chủ không địch lại lão ác ma, nghiến răng nói:

- Ðược! Nhưng ta cũng muốn xem bản lãnh của tôn giá thế nào?

Thuyên Kỳ ung dung hỏi gã:

- Sầm huynh có chắc thắng được lão không hả?

Họ Sầm đau đớn lắc đầu:

- Bẩm thiếu chủ, không có hy vọng!

Chàng gật đầu bảo:

- Nếu vậy chẳng cần phải ra tay. Ta chỉ muốn biết lão có đáng chết hay không?

Sầm Tham trả lời:

- Tôi lỗi của lão chất cao như núi, có chết cũng không đủ đền bù. Xin thiếu chủ đừng nương tay!

Phi Ma nghe hai người đối đáp cứ như lão là con cá nằm trên thớt, động sát khí nói:

- Lúc đầu ta định ta cho hai cái mạng sâu kiến. Nhưng giờ thì có mà trời cứu.

Thuyên Kỳ lặng lẽ đứng dậy bước ra bãi cỏ trước cửa quán. Thực khách bỏ bàn tiệc, xúm lại xem cho được trận đấu vô tiền khoáng hậu này. Uy danh Vô Diện Phi Ma vang dội mấy chục năm, lại đấu với một thiếu niên vô danh. Nhưng chàng ta đã là chủ nhân của Quỷ Ðao thì võ nghệ không thể thầm thường.

Thuyên Kỳ rút kiếm, trầm giọng hỏi địch thủ:

- Tôn giáo nên dùng vũ khí, nếu không sẽ thua thiệt đấy.

Lão cười ngạo nghễ:

- Song chưởng của Phi Ma còn lợi hại hơn đao kiếm, đừng rườm lời, mau động thủ đi!

Thuyên Kỳ cười mát, vung kiếm điểm nhanh. Lão ma cười gằn, vung song thủ tấn công, chưởng ảnh rợp trời, mang theo kình phong mãnh liệt.

Chàng thản thiên giải phá, nhắm những khe hở trong màn chưởng mà len kiếm vào. Chưởng phong thổi áo chàng bay phần phật nhưng dường như chẳng có tác động gì đến thân thể. Phi Ma kinh hãi, giở pho thân pháp thành danh, biến thành bốn bóng người bao vây đối thủ. Thuyên Kỳ cũng chẳng kém, thân hình nhẹ như bông nõn, trôi dạt trong lưới chưởng như bóng du hồn. Ðã hơn trăm chiêu, Phi Ma vẫn không nhận ra lộ số võ công của chàng. Dường như chàng thuộc lòng kiếm pháp các phái võ lâm, thuận tay muốn đánh chiêu nào thì đánh.

Lão bị một thiếu niên hôi sữa cầm chân, động nộ giở pho Phi Ma thần trảo quyết giết cho được đối phương. Chân khí toàn thân dồn vào song thủ, mười ngón tay giơ ra như móng chim ưng, cứng rắn như thép nguộn, thẳng thắn va chạm vào lưỡi kiếm.

Thuyên Kỳ bật cười vang, tung mình lên không, chụp màn lưới kiếm xuống đầu Phi Ma. Lão nghiến răng biến chiêu, tống hai đạo chưởng bài sơn đảo hải như muốn nghiền nát chàng ra. Nhưng chiêu kiếm của Thuyên Kỳ đã xé chưởng kình, lao đến như lưỡi hái tử thần.

Phi Ma kinh hoàng, định đẩy lùi né tránh, tiếc rằng đã muộn. Lão gào lên thảm khốc, song thủ bị chặt sát khuỷu, thân hình bị chặt làm hai đoạn ngang lưng.

Chàng đưa tay áo lau mồ hôi trán, lẩm bẩm:

- Chiêu kiếm này quả là tàn khốc!

Hơn trăm thực khách gào lên như điên loạn, họ đã tận mắt chứng kiến tên đại ác ma đền tội. Giai đoạn này sẽ khiến họ trở thành những kẻ đáng tự hào. Người nào đó đã đặt cho Thuyên Kỳ kỳ danh hiệu Tuyết Hồ công tử.

Có hơn mười người phục xuống lại tạ Thuyên Kỳ:

- Tại hạ thay mặt những nạn nhân của Phi Ma, cảm tạ công tử đã lấy mạng lão rửa hận cho bao người.

Chàng khoát tay mời họ đứng dậy, thoáng thấy mặt lão chưởng quầy, chàng bảo:

- Chưởng quầy! Nếu lão muốn phát tài thì cứ đem xác Phi Ma chôn trong khuôn viên tửu quán, nhớ dựng bia đàng hoàng. Ta bảo đảm hào kiệt bốn phương sẽ đến xem đông như hội. Chỉ sợ lão không đủ sức mà tiếp đón thôi!

Lão mừng rỡ khen phải, hối thúc tiểu nhị đi mua hòm. Lòng định làm ma chay rầm rộ nhưng lại sợ những nạn nhân của Phi Ma đến chửi mắng.

Sầm Tham quăng cho lão một ném bạc mười lượng rồi cùng thiếu chủ xuống bè vượt sông.

Vừa đến huyện thành Tín Dương thì trời đã về chiều, hai người trọ lại một đêm. Hôm sau định ăn sáng xong sẽ lên đường. Bỗng một gã khất cái bước vào cung kính nói:

- Bẩm công tử, Phân đà chủ Phân đà Hà Nam có lời mời.

Chàng gật đầu bảo họ Sầm tính tiền rồi dắt ngựa theo lão hóa tử. Phân đà nằm cách khách điếm chừng trăm trượng dù trước cổng không có chiêu bài nhưng chỉ nhìn bọn hóa tử ra vào tấp nập, cũng biết đây là đâu.

Hà Nam đất phì nhiêu, màu mỡ, rộng lúa bạt ngàn nên sinh ý của bọn ăn mày cũng khá hơn. Khách sản rộng rãi, thoáng mát không hề trang trí gì ngoài một bàn bát tiên khá mới. Thiết Cốt Cái Tưởng Duyệt ra tận cửa đón khách. Lão tuổi trạc ngũ tuần, da ngăm đen, lưng đeo sáu túi, đôi mắt tinh anh, lanh lợi.

Họ Tưởng cẩn trọng hỏi chàng:

- Xin công thử cho tại hạ xem lệnh phù.

Thuyên Kỳ lấy trong túi ra một đoạn trúc đen bóng ngắn hơn gang tay nhưng lại có đến mười mấy đốt. Ðây là loại trúc hiến có trên đời, tuyệt đối không làm giả được. Thiên Cốt Cái cung kính vái ba vái rồi mời hai người an toạ. Lão vui vẻ nói:

- Thẩm công tử đã cầm hắc trúc lệnh phù trong tay, có quyền điều động đệ tử Cái bang trong cả nước. Xin ngài cẩn thận đừng để thất lạc.

Lão hắng giọng rồi nói tiếp:

- Ðệ tử Phân đà vừa phát hiện một tổ chức bí mật ở ngoại thành huyện Tân Hương. Từ gia trang của lão Huyết Kiếm Từ An Trinh nằm dưới chân núi Hương Sơn, trước nay rất vắng lặng, nhưng đột nhiên gần đây laịi tấp nập người ra vào. Tại hạ đã đích thân đến dò xét, nhận ra thân thủ của hơn hai trăm gia đình đinh rất cao cường. Chắc chắn đây là một trong những Phân đàn của Thông Thiên giáo.

Thuyên Kỳ trầm tư một lúc rồi hỏi:

- Núi Hương Sơn cách dãy Tung Sơn bao xa?

Tưởng Duyệt đáp:

- Cũng chỉ khoảng hơn trăm dặm.

- Vậy sáng mai tôn giá hãy dùng chim câu liên lạc với hai phắi Võ Ðang và Thiếu Lâm, mượn mỗi nơi năm chục cao thủ. Chúng ta sẽ tiến hành tập kích, tiêu diệt bọn chúng. Ðêm nay, tại hạ âm thầm xâm nhập vào Từ giang trang điều tra sự thể.

Bàn bạc thêm một lúc, hai người rời Tín Dương, phi nước đại về phía huyện Tân Hương. Ðến nơi lúc cuối giờ tuất vào khách điếm ăn uống, nghỉ ngơi một chút đầu canh ba nai nịt gọn gàng tìm đến Tứ gia trang.

Sầm Tham tuổi đã hơn tam tuần, luyện võ từ năm lên mười, công lực không dưới hai mươi năm tu vi. Gã đuổi theo Thuyên Kỳ đến mướt mồ hôi trán, tự hỏi chàng học nghệ từ lúc nào mà tuổi mới mười bảy đã có nội công thâm hậu hơn cả gã?

Có nằm mơ gã cũng không nghĩ đến chuyện Thánh Nữ Lý Nhược Hồng đã dùng Ma Pháp Thoát Thai Hoán Cốt rèn cho con trai từ lúc còn rất nhỏ. Năm mười tuổi chàng đã phải trèo hơn ngàn trượng, theo mẫu thân lên đỉnh Thiên Sơn, mỗi tháng hai lần để thắp hương cho thân phụ. Hai năm sau cùng, có ngày Thuyên Kỳ phải chạy hàng trăm dặm trên băng tuyết, đuổi theo đàn tuần lộc để kiếm miếng ăn. Thái Ất Vô Quy chân kinh là tuyệt học tốt thượng của võ lâm còn Ma kinh là bí truyền của Ma Ðạo. Chàng được mối phụ thù nung nấu nên khổ luyện trong những điều kiện khắc nghiệt nhất, luyện được cả hai loại thần công.

*****

Từ gia trang, chung quanh có rừng cây bao bọc, nằm biệt lập không gần với xóm dân cư nào, trong những lùm cây, bụi cỏ hàm chứa sát cơ, không thể coi thường.

Hai người như bóng ma tiếp cận bìa rừng. Thuyên Kỳ thì thầm với Tiểu Hổ, nó nhanh nhẹn nhảy xuống đất, chậm rãi tiến vào. Thuyên Kỳ biết rõ khả năng của nó nên kéo Sầm Tham theo sau. Với bản năng của dã thú, Tiểu Hồ phát giác dễ dàng mùi người đang ẩn nấp và mùi sắt thép của bẫy vật.

Chừng nửa canh giờ, họ đã vào đến khu trung tâm. Cũng như hàng ngàn sơn trang khác, ngoài tòa đại sảnh bằng gạch đá đứng sừng sững ở giữa, chung quanh có rất nhiều những tiểu viện dành cho giai nhân.

Bốn toán tuần tra lưu động, mỗi toán mười người, rảo quanh khắp chốn chứng tỏ đây không phải một gia trang bình thường. Muốn đột nhập vào đại sảnh phải vượt qua một khoảng trống mười trượng.

Thuyên Kỳ bảo nhỏ họ Sầm:

- Sầm huynh, chúng phòng bị nghiêm mật như vậy, không thể vào hai người được. Lát nữa, Sầm huynh vận toàn lực giúp ta phóng lên nóc sảnh.

Sầm Tham gật đầu, chàng bèn đứng lên hai bàn tay gã. Chờ toán võ sĩ đi qua và toán kia chưa kịp xuất hiện, họ Sầm nắm chặt gót chân thiếu chủ tung mạnh.

Thuyên Kỳ nhờ lực đạo ấy, vượt qua khoảng trống nhẹ nhàng đặt chân lên mái gói. Chàng phải để Tiểu Hồ ở lại với họ Sầm, vì màu trắng nuốt của nó rất dễ bị phát hiện.

Vận thần công nghe ngóng một lát, nhận ra có tiếng người đàng bàn bạc chàng lần về phía ấy. Xác định đúng nơi cần đến, Thuyên Kỳ êm ái gỡ một mảnh ngói, đưa mắt nhìn xuống. Quanh chiếc bàn dài là một lão già râu bạc bạch bào và bốn hoàng y nhân mặt bịt. Chàng đoán người áo trắng là Huyết Kiếm còn bọn còn lại là các Hộ pháp hoặc Đường chủ Thông Thiên giáo.

Họ Từ hắng giọng:

- Bang chủ đã truyền lệnh cho toàn giáo phái đặc biệt lưu ý đến gã Thẩm công tử, người có con Tuyết Hồ trên cổ. Chính gã là người đã phá vỡ kế hoạch ly gián, gây cảnh tương sát giữa phe bạch đạo và Long Hổ bang của Giáo chủ. Hôm qua gã lại hạ sát Vô Diện Phi Ma một cách dễ dàng. Với bản lãnh ấy, chỉ mình Giáo chủ mới có khả năng đối phó. Nhưng rất tiếc người lại đang tọa quan, hai tháng nữa mới luyện xong thần công. Trong giai đoạn này, chúng ta nên ẩn nhẫn mai phục, tránh đụng chạm với gã để bảo toàn lực lượng.

Gã bịt mặt bằng sa hồng lên tiếng:

- Có lẽ Giáo chủ và đại hộ pháp đánh giá họ Thẩm quá cao. Hai đánh một chẳng chột cũng què, tại hạ chỉ cần mười tay sát thủ trong đội Tâm đao cũng đủ đưa hắn về Âm phủ.

Huyết Kiếm Từ An Trinh mừng rỡ nói:

- Té ra Nam đường đã đào luyện xong đội sát thủ rồi ư? Vậy lão phu thay mặt Giáo chủ, chấp thuận cho Mạnh huynh truy sát tên Thẩm Thuyên Kỳ.

Gã che sa đen hỏi họ Từ:

- Chẳng hiểu Phó giáo chủ đem năm ngàn lượng xuống Giang Nam thuyết phục Lý Bách liên thủ hành động. Ðã có kết quả chưa?

Họ Từ cau mày đáp:

- Giáo chủ Ma giáo đã nhận vàng nhưng lại hẹn đến rằm tháng bảy này mới phúc đáp. Nghe nói Giáo chủ phu nhân lâm trọng bệnh, khó mà qua khỏi.

Lão hắng giọng hỏi lại:

- Phần Trung đường, hãy báo cáo kết quả tung người tiềm nhập các phái trên giang hồ?

Gã che sa đen cười âm hiểm:

- Xin đại hộ pháp yên tâm, trong thất đại môn phái và sáu bang hội giang hồ đều có người của chúng ta. Chỉ cần Giáo chủ ra lệnh, trong ba ngày, lực lượng nội gián Trung đường sẽ khuynh đảo các phái, làm tê liệt sức kháng cự của họ. Lúc đó lo gì bản giáo không thống trị võ lâm?

Thẩm Thuyên Kỳ giật mình trước âm mưu thâm độc của Thông Thiên giáo. Chỉ hận không thể nhảy xuống giết sạch bọn tà ma. Nhưng vì đại cục võ lâm, chàng cố ẩn nhẫn lắng nghe.

Chúng bàn bạc thêm một lúc rồi chia tay. Ðã có chủ ý, chàng bám theo gã Ðường chủ Trung đường sát nút. Gã ra khỏi Từ gia trang, đi về hướng Nam, Thuyên Kỳ như bóng du hồn ập đến sau lưng, thò tay điểm vào Thụy huyệt của gã Trung đường. Ðường chủ gục xuống mà không kịp hiểu vì sao?

Sầm Tham và Tiểu Hồ cũng đã ra đến. Gã bế xốc gã áo vàng đi theo thiếu chủ.

Nửa canh giờ sau, Ðường chủ Trung đường tỉnh lại, ngỡ ngàng nhận ra mình đang nằm bên vệ đường, cố nhớ lại điều gì đã xảy ra, nhưng chỉ hoài công. Gã tặc lưỡi cho rằng mình bị trúng gió bất ngờ, phủi áo tiếp tục cuộc hành trình.

Lúc này, Thuyên Kỳ và Sầm Tham đã có mặt trong khách điếm. Danh sách bọn nội gián của Thông Thiên giáo đang nằm trên đầu chàng. Ma Nhãn Di Hồn đại pháp đã moi từ tên Ðường chủ những tin tức cực kỳ quý giá về nội tình Thông Thiên giáo. Ðáng tiếc là gã cũng không biết lai lịch và diện mục của Giáo chủ.

Ngay đêm ấy, hai người thúc ngự phi nước đại trở về Phân đà Cái bang ở Tín Dương. Thiết Cốt Cái nghe chàng kể sự tình, mồ hôi toát ra như tắm, lão hỏi chàng:

- Công tử định thế nào?

Thuyên Kỳ trả lời:

- Ngay tại Tổng đàn Cái bang cũng có nội gián, chúng ta không thể dùng chim câu báo tin được. Tốt nhất, sáng mai, Sầm Tham hộ tống Tưởng huynh về Tổng đàn ở Lạc Dương, bí mật trao danh sách này cho Bang chủ. Người sẽ đích thân đi gặp Chưởng môn các bang phái để thông tri. Phần tại hạ phải xuống ngay Giang Nam để ngăn chặn việc liên minh giữa Ma giáo và Thông Thiên giáo. Nếu để hai tà giáo này liên thủ, võ lâm sẽ nguy mất.

Sầm Tham dù không muốn xa thiếu chủ nhưng không dám chối từ trọng trách.

*****

Giang Nam là tên gọi chung của một phần đất Giang Tô và toàn phủ Chiết Giang, vùng phía Nam Trường Giang. Nơi đây có hai địa danh nổi tiếng thiên hạ là Tô Châu và Hàng Châu, nhưng cũng là trọng địa của Ma giáo. Vào cuối đời nhà Tống, Phượng Liệp đã thống lãnh giáo đồ chống lại triều đình. Dù thất bại nhưng Ma giáo vẫn không hề bị tiêu diệt, hơn trăm năm sau lại hưng thịnh như xưa. Có điều không gây hấn với các phái khác, chỉ yên phận truyền bá giáo pháp của mình.

Ma giáo thực ra là một chi nhánh của Hồi giáo Ba Tư, được truyền sang Trung Hoa từ đời nhà Ðường. Lúc đầu có tên là Thiên Yên giáo, cùng với đạo Phật của Thiên Trúc.

Thẩm Thuyên Kỳ vượt bốn ngàn dặm đường, thay bảy lần ngựa mới đến được huyện thành Åm Sơn, cách núi Thiên Thai sáu dặm. Hôm ấy là ngày mười hai tháng bảy, thấy trời đã hoàng hôn, chàng vào khách điếm tắm gội, nghỉ ngơi.

Sáng hôm sau, Thuyên Kỳ đến trước cổng đại môn Tổng đàn Ma giáo dưới chân núi Thiên Thai bảo gã giáo đồ canh cửa:

- Xin các hạ đem vật này vào dâng lên Giáo chủ phu nhân, nói rằng tại hạ muốn bán.

Chàng trao cho gã sợi dây chuyền mặt ngọc. Tên này tuổi mới đôi mươi đâu thể nhận ra lai lịch kỷ vật.

Gã cười khinh thị:

- Trong Tổng đàn thiếu gì ngọc ngà châu báu, sợi dây tầm thường này nào có đáng gì đâu mà Giáo chủ phu nhân thèm để mắt đến.

Thuyên Kỳ không muốn mất thì giờ, chiếu đôi ma nhãn sáng quắc bảo gã:

- Ðừng nhiều lời, mau đem dâng tận tay Lý phu nhân.

Gã líu ríu vâng lời, chạy như bay lên núi. Ba tên còn lại chẳng hiểu vì sao đội trưởng Hồ Bá của mình thay đổi thái độ nhanh đến thế?

Chàng ung dung chắp tay sau lưng đứng đợi. Lát sau, Hồ Bá và hai nữ tỳ áo xanh xuống đến. Họ cung kính nghiêng mình thi lễ. Nàng có hai bím tóc dài thưa rằng:

- Bọn nô tỳ là Tiểu Lan và Tiểu Thúy, kính thỉnh công tử thượng sơn. Giáo chủ phu nhân rất nóng lòng được gặp.

Chàng trao cương ngựa cho Hồ Bá rồi theo hai tiểu tỳ.

Tổng đàn nằm tít trên đỉnh núi, đường lên được đục đẽo thành bậc thang nên cũng dễ đi. Ngọc Thiên Thai chỉ cao chừng ba trăm trượng, đỉnh núi bằng phẳng, rộng rãi, cây cối um tùm.

Họ không đưa chàng vào đại sảnh mà đi thẳng vào tòa tiểu lâu hai tầng ở phía sau. Giáo chủ phu nhân mặt mũi xah xao, tóc đã bạc trắng nhưng dung mạo còn vương lại những nét thuở xuân thì.

Bà chăm chú quan sát, mời chàng ngồi xuống, tay mân mê mặt ngọc, mắt long lanh hỏi:

- Từ đâu công tử có được vật này? Và vì sao lại muốn bán cho ta?

Thuyên Kỳ cố nén cảm xúc đáp:

- Xin thứ lỗi, tiểu sinh sẽ trả lời sau. Nhưng trước hết, tiểu sinh muốn cho phu nhân biết giá cả. Vật này và những tin tức liên quan sẽ đổi lấy một nửa tài sản Ma giáo.

Lý phu nhân giật mình nhưng cũng gật đầu:

- Ðược! Ta chấp thuận.

Thuyên Kỳ cười mát nói:

- Chỉ sợ Lý giáo chủ không đồng ý đấy thôi!

Lý phu nhân quắc mắt bảo:

- Vì lão thất phu ấy mà ta đau khổ suốt mười tám năm nay, không lúc nào quên được Hồng nhi. Nếu lão dám nói nửa lời, ta quyết liều mạng già với lão. Cơ nghiệp này vốn là của Hồng nhi, người thừa kế duy nhất. Ta và lão tuổi đã cao, còn tiếc rẻ làm gì? Xin công tử hãy nói rõ hạ lạc của chủ nhân vật này?

Thuyên Kỳ trầm giọng:

- Thánh Nữ vẫn còn sống, hiện đang ở chân rặng Thiên Sơn bên Tây Vực, canh giữ thi hài Côn Luân Thần Kiếm Thẩm Thiên Tân. Vì Lý giáo chủ đã bắt hai người phải thề suốt đời không trở lại Trung Nguyên.

Lý phu nhân như bị một trùy giáng mạnh vào đầu, bà đau đớn lẩm bẩm:

- Thế mà lão dám bảo không biết Hồng nhi lưu lạc phương nào? Lý Bạch dám lừa ta!

Bà gạt nước mắt bảo Tiểu Lan:

- Ngươi mau tìm Giáo chủ đến đây.

Bà chợt nhớ ra một điều, quay sang hỏi chàng:

- Nhưng công tử có quan hệ gì với con gái ta?

Thuyên Kỳ không cầm được lòng, phục xuống gọi:

- Tổ mẫu, Kỳ nhi là giọt máu của Thần kiếm và Thánh nữ đây.

Lý phu nhân vui mừng khôn xiết nhưng thấy dung mạo chàng không giống Lý Nhược Hồng, còn Thẩm Thiên Tân thì bà không biết mặt, nên cố nén tâm tình hỏi lại:

- Nếu ngươi là ngoại tôn của ta, tất phải biết trong người ta có dấu hiệu gì đặc biệt chứ?

Chàng cười trong nước mắt, đứng lên đáp:

- Trên vai trái tổ mẫu có ba nốt ruồi son to bằng hạt đậu.

Không còn gì hạnh phúc hơn, Lý phu nhân ôm lấy chàng khóc nức nở.

Thuyên Kỳ thì thầm vào tai bà, phu nhân mỉm cười lau nước mắt:

- Kỳ nhi quả là ranh mãnh! Thôi được, để xem lão quỷ ấy có thái độ thế nào?

Hai người ngồi lại, trò chuyện như chủ với khách. Lát sau, Lý Bạch bước vào, lão dù tuổi đã hơn thất tuần nhưng trông còn rất tráng kiện, thân thể cao lớn, uy phong.

Họ Lý ngồi xuống ghế, ôn tồn hỏi nương tử:

- Chẳng hay phu nhân muốn ta giải quyết việc gì?

Bà dịu dàng nói:

- Phu quân cũng biết thiếp vì ngày đêm thương nhớ Hồng nhi nên mang tâm bệnh, không cách nào sống hết năm. Nay công tử đây biết rõ nơi ẩn dật của Nhược Hồng, đồng ý hướng dẫn chúng ta đi đón con về với giá vạn lượng vàng, không hiểu ý phu quân thế nào?

Lý giáo chủ lúng túng vì lão không thể nói với bà rằng từ lâu lão đã biết ái nữ ở Tây Vực. Nhưng nếu tự dưng mất vạn lượng vàng thì cũng đau lòng, lão bối rối chẳng biết nói sao.

Phu nhân giận dữ hỏi:

- Mười tám năm nay lão bảo đã cho giáo đồ truy tìm khắp nơi mà không thấy. Nay có người chỉ chỗ còn chờ gì nữa?

Lý Bách ngượng ngùng nói nhỏ:

- Phu nhân tha lỗi cho ta, năm xưa, ta bắt Hồng nhi âm thầm rời khỏi Trung Nguyên, suốt đời ẩn cư ở quan ngoại rồi.

Lý phu nhân không dằn được lòng căm hận, giáng một chưởng vào lưng Giáo chủ, lão hự lên một tiếng, máu rỉ ra khóe miệng, gượng cười:

- Phu nhân tưởng ta sung sướng lắm hay sao? Ba mươi năm trước sư tổ của Thẩm Thiên Tân chém gãy một tay sư phụ ta. Mối thù giữa Côn Luân và Ma giáo còn đấy, chẳng lẽ ta lại dám để chúng công khai lấy nhau hay sao? Chỉ có cách xưa rời Trung Thổ mới chung sống được thôi.

Lý phu nhân sững sờ bậc khóc:

- Sao phu quân không nói cho thiếp biết từ đầu?

- Tình mẫu tử như trời biển, nếu biết việc này, phu nhân đã bỏ ta mà theo Hồng Nhi ra quan ngoại từ lâu rồi. Ta đã mất ái nữ, chẳng lẽ lại mất luôn bà hay sao?

Lão quay sang bảo Thuyên Kỳ:

- Nguồn cơn đã rõ, chắc công tử cũng thông cảm cho ta. Ðể cảm tạ tấm lòng công tử, ta xin tặng ngàn lượng bạc đền ơn.

Lý phu nhân tủm tỉm cười bảo:

- Theo ý thiếp, phu quân hãy phong cho chàng công tử này chức Thiếu giao chủ Ma giáo. Sau này kế vị ngôi Giáo chủ.

Lý Bách giật mình sửng sốt, tưởng nương tử bị bệnh hoạn nên phát cuồng. Nhưng thấy bà nhìn chàng thiếu niên với cặp mắt âu yếm, lão ngẩn người chăm chú quan sát dung mạo chàng. Hình bóng Thẩm Thiên Tân hiện ra trong ký ức, lão nghẹn ngào hiểu ra chân tướng, gạt lệ già nua ứa ra khóe mắt, Lý phu nhân cười bảo Thuyên Kỳ:

- Kỳ nhi, người còn oán hận ngoại tổ nữa hay không?

Chàng sụp xuống cúi đầu thưa:

- Ngoại tổ! Tiểu tôn Thẩm Thuyên Kỳ xin khấu kiến.

Lý Bách vui mừng vô hạn, cúi xuống nhấc bổng chàng lên, bật cười ha hả:

- Hoàng thiên hữu nhãn, ta vẫn lo cơ nghiệp không người thừa kế. Không ngờ Hồng nhi đã cho ta một đứa cháu ngoại cốt cách phi phàm. Bà cháu ngươi thật tai ác, dám bỡn cợt lão già này!

Lý Bách cộng lực thâm hậu, giọng nói sang sảng như chuông đồng nên cả Tổng đàn đều nghe rõ. Lý phu nhân cau mày gắt gỏng:

- Phu quân nói lớn làm thiếp nhức cả đầu!

Lão cụt hứng nhận lỗi:

- Phải! Ta quên mất bà đang mang bệnh.

Lão buông chàng ra, thân thiết hỏi:

- Song thân con vẫn an khang chứ?

Thuyên Kỳ bùi ngùi đáp:

- Tiên phụ mười hai năm trước đã bị người ám hại, cùng với ba trăm hào kiệt Trung Nguyên.

Lý Bách trừng đôi mắt hổ:

- Kẻ nào dám giết hiền tế của ta?

Chàng cười mát bảo:

- Nếu tiểu tôn không lầm thì hắn chính là kẻ vừa dâng cho ngoại tổ năm ngàn lượng vàng.

Lý Bách kinh hãi lùi lại một bước:

- Thông Thiên giáo chủ ư?

- Tiểu tôn chỉ linh cảm như vậy. Sau này có gặp lão xin ngoại tổ chú ý bàn tay hữu, nếu mất hai ngón út và áp út thì quyết chẳng sai.

Chàng bèn thuật lại thảm án năm xưa và việc Cửu công Vi Thừa Khánh đã tìm ra phương thuốc hồi sinh cho Thiên Tân, cũng như dã tâm của Thông Thiên giáo.

Lý Bách tư lự, vân vê hàm râu bạc.

- Nếu cần ta sẽ đích thân lên Thiếu Lâm tự cầu khẩn lão trọc Không Từ để xin ba viên Ðại Hoàn đan. Nhưng Ðộc Y đã từng bị ta đả thương chắc khó mà lão chịu biếu kinh đan. Cùng lắm, ta kéo lực lượng Ma giáo đến Sơn Tây uy hiếp lão mà lấy Cửu Chuyển Phản Hồn đan.

Thuyên Kỳ không ngờ ngoại tổ lại tận tâm với cha mình như vậy, chàng cảm kích thưa:

- Việc này hạ hồi phân giải, tiểu tôn cho rằng trước mắt phải bắt cho được Giáo chủ Thông Thiên giáo. Nếu hắn chính là hung thủ năm xưa thì đem ra trước võ lâm luận tội, rửa hờn cho ba trăm hào kiệt đã vùi thây dưới chân rặng Thiên Sơn.

Lý Bách thấy cháu ngoại hào khí can vân, hiếu kỳ hỏi:

- Võ công của Kỳ nhi thế nào, Nhược Hồng có đem Ma kinh dạy cho ngươi không?

Chàng tủm tỉm cười, gật đầu hỏi lại:

- Bản lãnh tứ đại ác ma so với ngoại tổ hơn kém ra sao?

Lão nghiêm giọng bảo:

- Nếu đơn đấu thì trong vòng ba trăm chiêu ta đủ sức lấy mạng họ.

Thuyên Kỳ thản nhiên nói:

- Tiểu tôn không cần đến một trăm chiêu đã lấy mạng Vô Diện Phi Ma rồi.

Lý Bách sửng sốt:

- Ta luyện Ma kinh sáu chục năm mà còn không làm được điều ấy. Hay ngươi còn học thêm thần công khác?

- Phải! Ngoại tổ quên rằng pho Quy Nguyên bảo lục vốn là kỳ học của Côn Luân hay sao:

Lão chủ mừng rỡ cười khà khà:

- Hèn gì ngày ấy Thiên Tân đưa Nhược Hồng sang Tây Vực, ẩn dật nơi Thiên Sơn lạnh giá. Nay Kỳ nhi tinh thông tuyệt học, cổ kim hiếm thấy.

*****

Trưa hôm sau, Tổng đàn Ma giáo tưng bừng như ngày tết. Hai ngàn giáo chúng mặc áo mới lăng xăng treo đèn kết hoa từ chân núi lên đến Tổng đàn.

Nhưng không ai biết ngay chiều hôm trước, đại hộ pháp Ma giáo là Quỷ Ảnh Vương Ly đã bị phế võ công tống vào đại lao. Lão đã thú nhận mình là tay trong của Thông Thiên giáo, đang chờ cơ hội ám hại Lý giáo chủ để đoạt ngôi, tiếp vị.

Phu thê Giáo chủ và các bậc tướng thượng trong Ma giáo thấy Thuyên Kỳ luyện thành Ma Nhãn Di Hồn đại pháp không khỏi ngạc nhiên. Họ cũng nhiều năm khổ luyện môn này mà không thành. Giáo chủ hỏi thì chàng trả lời:

- Có lẽ do trong người tiểu tôn có cả hai luồng nội công Thái Ất Quy Nguyên và Thiên Ma tâm pháp luân chuyển nên luyện được công phu Ma Nhãn, còn chư vị trưởng bối chỉ có một loại. Ngày còn ở một mình dưới rặng Thiên Sơn tuyết phủ, tiểu tôn nảy ra ý định thu phục bọn sói lang, hổ báo nên cố công luyện thử, ngờ đâu lại thành công.

Truyền thống của Ma giáo là ăn chay, nhưng từ ngày theo Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương đánh đuổi quân Mông Cổ, giáo đồ Ma giáo đã được phép ăn mặn như người thường. Từ đó đến nay, việc chay tịnh không bắt buộc. Trong suốt triều đại tự do truyền bá, trở nên rất hùng mạnh, đền thờ Thánh Hỏa mọc lên khắp nơi. Giáo đồ đông đến hàng trăm vạn. Cũng may, sau cuộc Kháng Nguyên, Ma giáo không còn bị các phái Bạch đạo khinh thường, ghét bỏ nữa nên võ lâm được thái bình. Nếu Lý Bách có dã tâm thống trị giang hồ, thì với lực lượng hùng hậu này, quả dễ dàng như trở bàn tay.

Nhắc lại, sau mười tám năm im lìm, lặng lẽ vì cuộc ra đi của Thánh nữ, núi Thiên Thai mới có ngày hội lớn hôm nay. Hơn hai ngàn giáo chúng ngồi đầy gần bốn trăm bàn tiệc. Cố giương mắt chiêm ngưỡng Thiếu giáo chủ, ái tử của Thánh Nữ mới từ Tây Vực trở về.

Lý Bách sang sảng tuyên bố:

- Chư vị giáo chúng, bổn tòa xin giới thiệu ngoại tôn Thẩm Thuyên Kỳ, Thiếu giáo chủ bổn giáo và cũng là người kế vị bổn tòa sau này. Cơ nghiệp Ma giáo không phải là của riêng họ Lý, nhưng nếu ai tự tin có bản lãnh thắng được tiểu tôn, bổn tòa xin lập tức thoái vị, nhường ngôi cho người ấy. Giờ đây chúng ta cùng nâng chén chúc mừng.

Lời tuyên bố của Giáo chủ gây xôn xao toàn trường. Họ không tin chàng thiếu niên kia lại hơn được những cao thủ thành danh của Ma giáo. Rượu được vài tuần, Ðường chủ Cự Lực đường là Thần Lực Kim Cang Cao Thích đứng dậy vòng tay nói:

- Cung bẩm Giáo chủ, không phải thuộc hạ nghi ngờ kim ngôn của Giáo chủ nhưng cũng muốn được Thiếu giáo chủ chỉ giáo vài chiêu.

Toàn trường vỗ tay khích lệ. Họ Cao tự tin bước ra khoảng sân trống ở giữa, lừng lững như chiếc tháp sắt biết đi. Gã nổi tiếng là người có thần lực khủng khiếp nhất võ lâm. Lý Bách mỉm cười ra hiệu cho Thuyên Kỳ. Chàng ung dung đứng đối diện với Cao Thích, hòa nhã hỏi:

- Chẳng hay Cao huynh muốn tỷ đấu bằng cách nào?

Gã bị nụ cười đầy ma lực của chàng chinh phục, bối rối quên cả ý định tranh hùng, gãi đầu nói:

- Thuộc hạ không dám mạo phạm, tùy Thiếu giáo chủ định đoạt.

Chàng thấy trong tay gã có thanh Thiết Côn bằng thép ròng, to bằng cổ tay liền bảo:

- Chúng ta mỗi người nắm một đầu côn, ai giành được coi như thắng.

Gã không ngờ chàng lại dám so thần lực với mình nên đắc ý tán thành. Lý Bách dù tin tưởng vào bản lãnh của cháu ngoại cũng không khỏi giật mình lo ngại.

Cao Thích đưa một đầu côn cho Thuyên Kỳ, ngạo nghễ nói:

- Xin Thiếu giáo chủ cẩn trọng!

Nói xong, gã quát lên như sấm xuống tấn giật mạnh thiết côn. Hai tay gã sức ngàn cân, đinh ninh ít nhất cũng kéo được đối thủ rời chỗ. Nào ngờ, chẳng hề mảy may chấn động. Họ Cao biến sắc, vận toàn lực kéo đến nỗi thanh thép tròn bị dãn dài ra nửa thước. Cử tọa hoan hô như sấm động, mồ hôi tràn Thần Lực Kim Cang toát ra như tắm mà vẫn không sao lay chuyển đối phương. Thấy Thuyên Kỳ vẫn mỉm cười, tươi tỉnh, gã ngượng ngùng cố giữ thế cân bằng. Lát sau, gã nghe Thiết côn nóng lên và ngày càng dãn ra như đang bị nung trong lửa. Cuối cùng, da bàn tay bỏng rát, không còn chịu nổi, gã buông côn vòng tay nhận bại:

- Thiếu giáo chủ thần công vô thượng, thuộc hạ xin tâm phục.

Giữa tiếng reo hò, chàng ruốt thân Thiết Côn ngắn lại như cũ, trao cho gã và nói:

- Lát nữa ta và Cao huynh đấu thử xem tửu lượng ai cao cường?

Gã mừng rỡ, nắm tay chàng lôi về bàn mình. Lát sau, bàn của hai người chở thành tâm điểm của ngày hội, các giáo đồ xúm lại uống mừng và càng thêm yêu mến Thuyên Kỳ.

Bỗng nhị hộ pháp là Cầu Hồn Kiếm Thôi Hạo, Ðệ nhất kiếm thủ Ma giáo đứng lên cao giọng:

- Bẩm Giáo chủ! Tiểu đệ luyện Thiên Ma kiếm pháp đã sáu mươi năm. Tự tin không ai hơn được. Suốt đời chỉ khâm phục có mình Giáo chủ đại ca, nay Thuyên Kỳ muốn kế nghiệp đại ca, ít nhất phải thắng được thanh kiếm trong tay tiểu đệ.

Lý giáo chủ biết lão đệ của mình vẫn tự hào về kiếm thuật, cho rằng xứng đáng kế vị sau này. Nay thấy Thuyên Kỳ thế chỗ mình không khỏi ấm ức. Lý Bách cười ha hả bảo:

- Thôi lão đệ! Ta cũng biết ngươi là đại công thần của bổn giáo. Ðã cùng ta vào sanh ra tử, rất xứng đáng làm Giáo chủ. Nhưng tuổi tác chúng ta đều cao, nếu ta chết đi thì liệu lão đệ sống được bao nhiêu năm nữa? Chính vì vậy ta mới muốn giao cơ nghiệp cho lớp trẻ. Nay lão đệ muốn thử tài Thuyên Kỳ thì cứ việc, nếu không ngươi sẽ trách đại ca thiên vị. Có điều, ngươi là trưởng bối, nếu có lỡ thua tuyệt đối không được vì hổ thẹn mà đem lòng oán hận Kỳ nhi.

Thôi Hạo tỉnh ngộ, mỉm cười đáp:

- Ðại ca yên tâm, tiểu đệ nào phải kẻ hẹp hòi. Nếu Kỳ nhi thắng được Câu Hồn Kiếm, chứng tỏ Ma giáo may mắn có được bậc kỳ tài kế nghiệp, tiểu đệ càng cao hứng chứ sao lại giận hờn?

Lý Bách hài lòng gọi Thuyên Kỳ:

- Kỳ nhi! Thôi cửu công muốn chỉ dạy cho ngươi vài đường kiếm, mau ra hầu tiếp người.

Chàng dạ lớn rồi bước đến trước mắt họ Thôi kính cẩn thưa:

- Tiểu tôn xin lĩnh giáo Cửu công.

Thôi Hạo đã mất đi ý tranh ngôi Giáo chủ nên hiền hòa nói:

- Kỳ nhi bất tất khiêm cung, ngươi phải trổ hết tài nghệ cho toàn giáo tâm phục. Nếu không sẽ khiến ngoại công người mang tiếng thiên vị đấy.

Thuyên Kỳ gật đầu hiểu ý, ôm kiếm chào rồi bắt đầu tấn công. Thôi Hạo thấy chàng sử dụng pho Thiên Ma kiếm pháp một cách kỳ ảo, lão rất hài lòng. Kiếm thuật họ Thôi đã đến mức xuống thần nhập hóa, phát huy hết uy lực của kiếm chiêu, kiếm khí lạnh lẽo, dàn dụa như mây mù.

Ðã hơn trăm chiêu mà Thuyên Kỳ vẫn không hề chịu kém. Họ Thôi dồn thêm công lực vào thân kiếm quyết dành thế thượng phong. Nhưng Thuyên Kỳ tự hiểu không thể dùng pho Thiên Ma kiếm pháp mà thủ thắng được, nên đã biến chiêu, sử dụng pho kiếm Vô Thượng trong Quy Nguyên bảo lục.

Thân kiếm hợp nhất biến thành đạo hào quang bay lượn xung quanh đối thủ.

Mọi người kinh hãi trước thuật Ngự kiếm, đứng cả lên theo dõi. Câu Hồn Kiếm cao hứng đem tuyệt chiêu tâm huyết một đời do lão tự sáng tạo ra, vận toàn lực rung kiếm tạo thành hàng vạn kiếm ảnh, đón lấy đường kiếm của Thuyên Kỳ. Hai thanh thép chạm nhau vang rền, song phương dội ra. Toàn trường chú mục cố phân định xem ai thắng bại, nhưng chỉ thấy hai người nhìn nhau cười hòa ái.

Lý giáo chủ cười vang tuyên bố:

- Cuộc đấu này bất phân thắng bại.

Câu Hồn Kiếm lắc đầu phủ nhận:

- Ðại ca đừng mua mặt cho tiểu đệ làm gì. Nếu Kỳ nhi không nương tay thì Hạo này đã táng mạng rồi.

Nói xong lão vạch tung ngực áo cho mọi người xem bẩy chấm đỏ trên tâm thất. Lão vui vẻ bảo:

- Kỳ nhi luyện kiếm đến mức dùng kiếm khí đả thương mà chẳng rách áo, Cửu công xin bái phục!

Mọi người lắc đầu, lè lưỡi, hoan hô vang dội.


Cửu Mộng Tiên Vực

Hồi (1-21)


<