Vay nóng Tinvay

Truyện:Tuyệt đỉnh - Hồi 01

Tuyệt đỉnh
Trọn bộ 20 hồi
Hồi 01: Ám sát trên cầu Phi Quỳnh
2.50
(2 lượt)


Hồi (1-20)

Siêu sale Shopee

Đỉnh núi có ba người, hai người đi trước, một mặc áo bào màu tím, một vận y phục xanh nhạt, cùng đứng lặng hồi lâu nhìn về kinh thành dưới chân núi dần bị bóng tối buông phủ, ánh đèn thi nhau bừng lên nhấp nháy. Trung niên áo đen còn lại đi cách mấy bước, chắp tay sau lưng, dáng vẻ vô cùng nhàn nhã, rảo bước tiến lên như đang ngắm phong cảnh núi rừng, thật ra có ý lưu tâm xem hai người đi trước nói gì.

Giữa vùng sương khói mênh mang, loáng thoáng vọng lại tiếng vó ngựa của quân binh giữ thành đang về doanh trại cùng tiếng còi hiệu xuyên qua bầu không khí lành lạnh, phảng phất vọng khắp đất trời. Màn đêm dần buông.

Ngọn núi xa xa khoác lên mình màn sương mỏng mờ ảo, rừng phong ẩm ướt yên ả, lẫn vào lá phong đỏ như máu bay ngập trời chỉ có rêu xanh loang lổ khắp cành cây khô, cơ hồ là chút màu xanh rơi rớt lại trong tiết cuối thu ở kinh sư.

Người đàn ông mặc áo bào trạc năm mươi, mặt mũi trắng trẻo, chòm râu dài, mày rậm mắt sáng, làn da mịn màng không có dấu hiệu của tuổi già, hiển nhiên ngày thường được chăm chút cẩn thận, tay cầm một vật dài hơn ba xích giống như cây sáo, khuôn mặt vuông vắn không giận mà oai, trầm giọng thong thả nói: "Nơi này có tên Ngưng Tú phong, là chỗ cao nhất mấy dặm quanh đây. Đứng trên đỉnh có thể quan sát toàn bộ kinh thành cũng như mọi khâu bố phòng, nếu không có người của Vương thất đưa đường, người ngoài tuyệt không thể lên được."

Người áo xanh vươn vai ngáp: "Bát Thiên Tuế hẹn gặp tại hạ vào buổi tối, chắc không phải chỉ để ngắm cảnh đêm kinh thành."

Người mặc áo bào nguyên là Thái Thân Vương, em ruột của đương kim Thánh thượng, thường được gọi là Bát Thiên Tuế. Trong hoàng tộc, ông ta xếp thứ tám nhưng lại là hoàng tử duy nhất do chính cung của tiên đế sinh ra, quyền vọng trong Hoàng thất cực cao, chỉ đứng sau Thánh thượng đương triều.

Thái Thân Vương mỉm cười thư thả: "Bản vương đặc biệt mời Cung tiên sinh đến đây, tất nhiên không để người được mời thiệt thòi, lẽ nào tiên sinh không muốn biết chuyến đi Ngưng Tú phong này có lợi ích gì sao?"

Khuôn mặt lạnh lùng của nam tử áo xanh thoáng qua nét giễu cợt: "Địch Trần cùng Quốc sư nghiên cứu Phật pháp nhiều năm, mọi phồn hoa trên thế gian chỉ coi như mây khói thoảng qua, tuyệt không thấy hứng thú."

Thái Thân Vương khẽ lộ ra thần sắc không hài lòng, cười lạnh hỏi: "Cung tiên sinh đã đạt đến đại cảnh giới vô dục vô cầu (1), hà tất vượt ngàn dặm đường xa xôi đến kinh sư làm gì?"

Nam tử áo xanh được Thái Thân Vương gọi là "Cung tiên sinh" vốn tên Cung Địch Trần, đại đệ tử đích truyền của Quốc sư Mông Bạc nước Thổ Phồn (2). Mấy năm nay, Thổ Phồn đại hạn liên miên, cộng thêm nạn ôn dịch, lần này y phụng mệnh Thổ Phồn Vương đến kinh thành tiến cống, đồng thời cầu lương, không ngờ mới đến kinh sư được ba ngày, còn chưa kịp lên điện ra mắt Hoàng thượng đã được Thái Thân Vương mời đến Ngưng Tú phong trước.

Cung Địch Trần chừng hăm lăm, hăm sáu tuổi, lưỡng quyền nhô cao, mày thưa miệng hẹp, hàm răng đều chằn chặn, tóc dài đến vai, đầu đội kim quan, tướng mạo cực kỳ tuấn mỹ, tà áo vải thô bình dị mặc trên người không dính một hạt bụi, mỗi động tác cất tay nhấc chân đều có khí thế áp bức. Y không lấy gì làm cao lớn, giọng nói mỏng mà chói tai, thân hình nhỏ thó khiến người khác có cảm giác văn nhã, nhưng bây giờ sóng bước cạnh Thái Thân Vương quyền thế nghiêng trời vẫn không hề khúm núm, ánh mắt lấp lánh thần quang. Nhược điểm làm giảm vẻ tuấn mỹ là sắc mặt vàng võ như đang ủ bệnh, hai bên khóe mắt hằn lên mấy nếp nhăn không hợp với tuổi tác, thoạt nhìn giống một lão nhân đã trải qua mọi dâu bể.

Cung Địch Trần tất nhiên hiểu Thái Thân Vương có ý trào lộng, cười mủm mỉm: "E rằng Thiên Tuế hiểu nhầm ý của Địch Trần. Kỳ thực con người ta sống trên đời, mấy ai có thể thật sự vô dục vô cầu? Văn nhân đèn sách mười năm mong được ghi tên lên bảng vàng, tướng sỹ ra sức giết địch để được kim điện phong hầu (3), kẻ học võ khổ luyện vì muốn danh động giang hồ, người tu hành cầu đạt đến đạo trời, trăm họ vất vả tối ngày để có được cuộc sống dễ chịu hơn, kể cả Phật Tổ một lòng phổ độ chúng sinh cũng có mục đích.... chẳng qua mong ước của mỗi người khác nhau. Thiên Tuế đã muốn ban ân mưa móc cho người, tất cũng hiểu người ta muốn gì."

Nghe Cung Địch Trần thong thả giải thích, sắc mặt Thái Thân Vương hơi giãn ra: "Lời Cung tiên sinh rất có lý, vừa nãy bản vương đã quá thất thố. Không biết tiên sinh muốn điều gì?"

Cung Địch Trần bình thản đáp: "Chỉ là một ý niệm có phần hoang đường, chắc Thiên Tuế không thấy hứng thú." Y đối đáp có vẻ tùy ý, thật ra trong lòng thoáng ớn lạnh: Thái Thân Vương đường đường là Thiên Tuế cao vời, lại tỏ ra ôn hòa với y như vậy, chuyện cần thương lượng tất cực kỳ trọng yếu.

Thái Thân Vương cười ha hả như thể đang tự giễu mình: "Tiên sinh đã không còn để những lễ tục vụn vặt trong lòng.... " Sắc mặt ông ta hiện lên vẻ thần bí, "bất quá, Cung tiên sinh xem qua món đại lễ của bản vương đã rồi sẽ thấy có đáng giá không!"

Cung Địch Trần gật đầu: "Xin Thiên Tuế nói rõ ràng." Vẻ mặt y điềm đạm, không lay động chút nào, hình như nể mặt Thái Thân Vương lắm mới nhận phần lễ vật.

Thái Thân Vương không hề giận, cười ha hả, đưa vật hình ống trong tay cho y: "Vật này gọi là kính viễn vọng, có thể nhìn được xa ngoài trăm trượng, là cống phẩm Ba Tư triều cống năm ngoái. Cung tiên sinh có muốn thử qua không?"

Cung Địch Trần không nhận, mỉm cười với vẻ cao ngạo: "Quốc sư từng truyền cho Địch Trần 'Thiên Duyên Pháp Nhãn', tin rằng cự ly trăm trượng không cần đến công cụ hỗ trợ, xin Bát Thiên Tuế cứ giữ lại sử dụng."

Thái Thân Vương bị châm chọc nhưng không tỏ ra khó chịu tí nào, đưa tay chỉ xuống kinh thành sáng rực đèn đuốc dưới chân Ngưng Tú phong: "Cung tiên sinh hãy nhìn cho kỹ cầu Phi Quỳnh có treo bốn ngọn hồng đăng phía xa xa kia. Theo tin tức mật báo của bản vương, đến giờ Tuất trên cầu sẽ xảy ra một cảnh quan hiếm thấy, coi như đó là phần đại lễ bản vương tặng Quốc sư Mông Bạc."

Cung Địch Trần liền chăm chú nhìn. Y mới đến kinh sư, vốn chưa thông thuộc kiến trúc, đường lối trong thành, nhưng giữa màn đêm, bốn ngọn hồng đăng đó hết sức nổi bật, nhìn một chốc là thấy. Tuy y còn trẻ, tâm tư lại cực kỳ linh mẫn, thấy Thái Thân Vương tốn bao tâm kế mời mình đến đây, đồng thời chính miệng nói đó là món lễ vật tặng cho Quốc sư Mông Bạc, liền đoán ngay ra ông ta đã sai người an bài đâu vào đấy, mấy lời kiểu tin tức nghe được ...vân vân, chẳng qua để che mắt người khác. Dù chưa biết đến giờ Tuất sẽ được chứng kiến cảnh tượng kinh người gì, nhưng với thân phận tôn quý trong Hoàng thất của Thái Thân Vương mà cũng không công nhiên thừa nhận, e rằng đó là hành động chỉ được ngấm ngầm tiến hành trong bóng tối, không tiện nói với người khác, có khi liên quan đến đấu đá chính trị ở kinh sư...

Trong lòng y thầm tính toán, ngoài miệng vẫn bình hòa: "Còn một lúc nữa mới đến giờ Tuất, Bát Thiên Tuế có thể thổ lộ một chút nội tình chăng?"

Thái Thân Vương làm sao ngờ rằng một câu nói tùy tiện của ông ta lại khiến Cung Địch Trần liên tưởng nhiều như vậy, một tay đưa kính viễn vọng lên mắt, nhìn về phía cầu Phi Quỳnh: "Không giấu gì Cung tiên sinh, bản vương mất mười vạn lạng bạc mới lấy được tin tức này. Nhưng chỉ cần tiên sinh chịu xem, bản vương sẵn lòng trả thêm hai mươi vạn lạng." Ông ta thở dài một hơi như đang xót bạc, đoạn nói, "đợi tiên sinh xem xong, bản vương lại xuất tiếp ba mươi vạn lạng nhờ tiên sinh giúp cho một việc."

Đầu mày Cung Địch Trần khẽ động, trầm giọng hỏi: "Thiên Tuế có dạy bảo gì xin cứ nói rõ."

"Đợi Cung tiên sinh xem qua món đại lễ của bản vương, hy vọng tiên sinh nhìn ra điều bản vương muốn nói với Quốc sư Mông Bạc..." Thái Thân Vương thoáng ngừng lại rồi nhấn mạnh từng câu từng chữ: "Tiên sinh chỉ cần thuật lại những điều mắt thấy tai nghe với lệnh sư là được, bản vương không cần ông ấy hồi đáp."

Cung Địch Trần hít sâu một hơi, lẩm bẩm: "Lẽ nào bỏ ra sáu mươi vạn lạng bạc chỉ để nhờ Địch Trần chuyển mấy câu nói thôi ư?"

Thái Thân Vương vuốt râu gật đầu, thong thả đáp: "Có khi phải mấy trăm câu vẫn chưa xong."

Cung Địch Trần nhắm mắt hồi lâu mới lên tiếng: "Chiêu này của Bát Thiên Tuế thật tuyệt, hiện tại Địch Trần rất có hứng thú."

Thái Thân Vương cười lớn: "Có câu này của Cung tiên sinh, bản vương tốn tiền cũng không oan uổng."

Vẻ mặt Cung Địch Trần thoáng qua một tia trào lộng: "So với tâm tư Bát Thiên Tuế phải hao phí thì sáu chục vạn lạng bạc có đáng gì..." Y đương nhiên hiểu rõ, số bạc này đều do quốc khố bỏ ra, được đổi thành lương thảo chuyển đến Thổ Phồn, Thái Thân Vương chỉ cần tốn chút nước bọt nói tốt vài ba câu cho Thổ Phồn trước mặt Hoàng thượng là xong.

Vẻ mặt Thái Thân Vương thoáng qua sắc giận, lập tức cười vang khỏa lấp: "Cung tiên sinh đã hiểu, bản vương không phải phí lời nữa. Bất quá, bản vương cam đoan, nếu Cung tiên sinh xem qua phần đại lễ rồi tuyệt đối sẽ không ân hận gì về giao dịch hai bên cùng có lợi này."

Người áo đen vốn chắp tay ngắm phong cảnh, không hiểu sao lại lặng lẽ đến sau lưng Thái Thân Vương và Cung Địch Trần, nhẹ giọng thốt: "Tin tức này do thủ hạ bộ Hình của tiểu đệ bí mật nghe ngóng được, phí tổn mười vạn lạng bạc đích xác do Bát Thiên Tuế chi trả, tuyệt không có chút dối trá nào." Giọng người này mỏng mảnh, nhưng khi lọt vào tai người khác lại như mũi kim nhọn khiến người nghe cực kỳ khó chịu, hiển nhiên có luyện một loại nội lực đặc dị.

Thái Thân Vương mỉm cười: "Trong bộ Hình, trừ Hồng tổng quản ra, Cao thần bộ là người kiến thức cao minh nhất, vì thế bản vương mới đặc biệt mời đến đây, may chăng diễn giải được một đôi điều cho Cung tiên sinh."

Người áo đen tỏ vẻ khiêm tốn: "Tiểu đệ ngẫu nhiên nghe ngóng được rằng hôm nay trên cầu Phi Quỳnh sẽ xảy ra biến cố kinh người nên báo cho Bát Thiên Tuế. Tuy nhiên Cung tiên sinh là đại đồ đệ của Thổ Phồn Quốc sư Mông Bạc, nhãn quang độc đáo, tất không phải giải thích dài dòng, tiểu đệ chỉ cần nói một hai câu sẽ hiểu rõ ngọn ngành."

Người áo đen này tên Cao Đức Ngôn, là người của bộ Hình. Quan Huy môn chủ Hồng Tu La Quan Bái, một trong ba đại chưởng môn ở kinh sư, chấp chưởng chức Tổng quản Hình bộ, năm thủ hạ đắc lực của ông ta được xưng tụng là Kinh Sư Ngũ Đại Danh Bộ, danh vọng trong Lục Phiến môn suýt soát với Truy Bộ Vương Lương Thần. Cao Đức Ngôn được liệt danh trong Ngũ Đại Danh Bộ, khoảng trên dưới bốn mươi tuổi, thân hình nhỏ thó, tướng mạo bình thường, mặt mày nhẵn nhụi, cổ áo không bẻ xuống như thể sợ gió lạnh, tay cầm một mảnh khăn lụa, thỉnh thoảng lại phất lên.

Cung Địch Trần thở dài: "Với hậu phương hùng hậu của Bát Thiên Tuế, mấy chục vạn lạng bạc nhỏ nhoi có đáng gì?" Miệng y nói vậy nhưng tâm niệm liên tục xoay chuyển nhanh như chớp: sáu mươi vạn lạng lạc tịnh không phải một món tiền nhỏ, gần tương đương với thu nhập hai tháng của cả nước Thổ Phồn, làm gì có chuyện một kẻ giảo trá đa mưu như Thái Thân Vương cam tâm chi ra? Thái Thân Vương và Cao Đức Ngôn một xướng một họa, rõ ràng muốn thể hiện họ không có liên quan đến chuyện xảy ra trên cầu Phi Quỳnh, lại thêm mắm dặm muối như muốn tránh bị hiềm nghi. Với tâm tư mẫn tiệp như y cũng không tài nào đoán ra món đại lễ thần bí này là gì, chỉ xác định được chuyện xảy ra trên cầu Phi Quỳnh tất kinh người phi thường.

Thái Thân Vương gật đầu mãn ý, lại ghé mắt vào kính viễn vọng, cười nụ: "Tuy còn sớm nhưng với nhãn lực tuyệt diệu của Cung tiên sinh, chắc cũng đại khái nhìn ra đôi điều."

Cung Địch Trần ngầm hít một hơi dài, vận khởi thần công, tức thì cảnh vật trước mắt rõ ràng hơn hẳn.

oOo

_______

(1) không ham muốn gì

(2) một quốc gia ở vùng Tây Tạng, không chế con đường tơ lụa suốt từ thế kỷ thứ 6 đến thế kỷ thứ 9

(3) được vua phong chức tước

Cầu Phi Quỳnh bắc qua con sông chảy trong lòng kinh sư, một đầu cắt với ngả đường tiến vào Hoàng cung Tử cấm thành, đầu kia giao với Bắc môn. Cầu dài hơn mười trượng, mỗi đầu tọa lạc một tòa đình treo biển màu lam dát chữ vàng được Hoàng thượng ngự chế (4), một tên Tích Vân, một tên Điệp Thúy. Mặt cầu được lát gỗ đỏ, bên dưới có sáu trụ xây bằng đá xanh chia cây cầu thành năm nhịp nối nhau, những hôm đêm thanh trăng sáng, mỗi nhịp cầu lưu giữ một vầng trăng, tỏa ánh vàng rạng rỡ xuống dòng nước chảy rì rào bên dưới, bọt nước bay lên như quỳnh tương, từ đó mới có tên Phi Quỳnh.

Thái Thân Vương ung dung nói: "Các vị đế vương tiền triều ba lần xua quân lên phía Bắc chống địch, cây cầu này là con đường nhất định phải qua khi xuất thành. Bởi liên tục chiến bại, quân sỹ thương vong thảm trọng, vợ con sỹ tốt đều ra sát chân cầu tiễn biệt, không khí buồn thảm nên mới có tên khác là Ảm Nhiên kiều. Thái tổ bản triều cảm khái, lệnh cho bá quan văn võ lúc qua cầu đều phải dừng ngựa mà đi bộ để an ủi vong linh các tướng sỹ bỏ mạng nơi trận tiền..."

Cung Địch Trần thoáng thở dài trong lòng, hà cớ gì một người quyền cao chức trọng như Thái Thân Vương lại hiểu được ý nghĩ ly tán, tuyệt vọng của hai chữ "Ảm Nhiên".

Y không để lộ những suy nghĩ trong lòng ra nét mặt, chỉ nhẹ nhàng thốt lên: "Lúc Địch Trần về nước nhất định can gián Thổ Phồn vương, trước là dùng binh lực giống như mấy vị đế vương tiền triều quý quốc, sau lại trọng dụng thật nhiều đại thần biết thương kẻ dưới như Thiên Tuế, có vậy mới giữ được quốc lực hưng thịnh, không sợ thù trong giặc ngoài." Y tuy không hiểu rõ dụng ý của Thái Thân Vương nhưng dần dần đoán ra ông ta muốn mượn sức Quốc sư Mông Bạc đả kích kẻ địch trong triều, lòng không khỏi chán ghét, mới buông lời trào phúng.

Lửa giận bốc lên trong lòng Thái Thân Vương. Cung Địch Trần này rõ ràng có chuyện cần cầu cạnh mình nhưng không cảm ân uy thì chớ, lại còn liên tục trào phúng, chẳng biết có coi thể diện một thân vương vào đâu không? Ông ta định phát tác, nhưng đáng hận ở chỗ đối phương là sứ giả Thổ Phồn, không phải thuộc hạ trong triều nên không làm gì được. Huống hồ thân vương đương triều hẹn gặp riêng sứ thần ngoại quốc vốn không phải việc hợp lý, ngộ nhỡ bị phe Minh tướng quân hoặc Thái tử biết được, bé xé ra to tất không tránh khỏi phiền hà.

Ông ta miễn cưỡng áp chế lửa giận, hừ lên bực bội: "Nghe nói ở triều cương Thổ Phồn, Cung tiên sinh chỉ là khách khanh (5), tuyệt không phải quan chức gì, không ngờ lại tham dự vào cả chính sự nữa."

"Lần này vào kinh cầu lương vốn không liên quan đến Địch Trần, do Quốc sư cực lực tiến cử nên mới được tham gia." Cung Địch Trần đương nhiên hiểu hàm ý trào phúng của Thái Thân Vương nhưng không mảy may nổi giận, "Địch Trần trẻ người non dạ, còn may là ảnh hưởng của Quốc sư với Thổ Phồn vương lại không thể đo đếm được."

Thái Thân Vương cười hắc hắc: "Nếu lần này Cung tiên sinh cầu lương không thành, không hiểu Thổ Phồn vương có lòng dạ nào mà nghe lời can gián của Quốc sư?" Lời lẽ hiện rõ vẻ uy hiếp.

Cung Địch Trần chắp tay lại: "Quốc sư tinh thâm lẽ trời, đã đoán trước được kết quả chuyến này của Địch Trần."

Thái Thân Vương xua tay cười lớn: "Từ lâu đã nghe Quốc sư Mông Bạc học cứu thiên nhân (6), tinh thông Phật lý, không hiểu có đoán được vận khí chăng? Quốc sư sẽ giải thích như thế nào?"

Cung Địch Trần nhún vai: "Trước lúc Địch Trần lên đường, Quốc sư từng dặn dò cẩn thận, không rõ Thiên Tuế có muốn biết vài câu liên quan đến Địch Trần chăng?"

Thái Thân Vương nhướng mày: "Cung tiên sinh có nói cũng chẳng sao."

Cung Địch Trần mỉm cười: "Quốc sư từng cảnh cáo Địch Trần: Lần này đến kinh sư việc đầu tiên là cầu lương cho Thổ Phồn, thứ hai là thưởng ngoạn phong cảnh, sản vật của Trung Nguyên. Nhưng khi kết giao với các phe phái quyền quý phải ngàn vạn lần cẩn thận, không được sa chân vào vòng xoáy tranh đấu trong quý triều, bằng không mất tính mạng là chuyện nhỏ, nhất thiết phải coi chuyện của nước nhà làm trọng."

Thái Thân Vương chậm rãi phản bác: "Quốc sư phải chăng quá lời để dọa người. Ở kinh sư hiện nay, tướng sỹ đồng lòng, triều thần giữ mệnh, lấy đâu ra chuyện đấu tranh?"

Cung Địch Trần vỗ vỗ lên trán, thở than: "Thiên Tuế hà tất dối Địch Trần? Thổ Phồn tuy xa xôi nhưng cũng nghe được đôi điều về tình hình kinh sư." Y chuyển chủ đề bàn luận, "Quốc sư có dặn: Địch Trần vào kinh cầu lương, cứ theo lệ thường sau năm ngày lên điện bái kiến Hoàng thượng, thành bại không thể biết được. Nhưng nếu có thân vương, trọng thần đương triều đến tìm tất sẽ thành công."

Thái Thân Vương hầm hừ: "Bản vương tìm tiên sinh chẳng qua là cảm hứng nhất thời, chẳng lẽ Quốc sư dự liệu trước được?"

Cung Địch Trần hiểu ra, mỉm cười sảng khoái: "Nếu Thiên Tuế không đến, biết đâu chẳng có vị văn thần võ tướng nào đó trong triều tới tìm? Chẳng hạn như Thái tử điện hạ và Minh tướng quân đều muốn mời Địch Trần đến làm khách." Lời vừa dứt, Thái Thân Vương lập tức biết ngay y tuy từ xa xôi đến nhưng nắm rõ các đại thế lực trong triều như lòng bàn tay.

Cung Địch Trần không đợi Thái Thân Vương trả lời, tiếp tục nói: "Bất quá Quốc sư cũng có dặn: Nếu Thái tử đến mời trước phải mượn cớ bệnh tật mà khéo léo chối từ, nếu Minh tướng quân đến tìm thì phải thoái thác, duy có Thiên Tuế muốn gặp mới thành tâm đến phó ước."

Thái Thân Vương động dung: "Đó là duyên cớ gì?"

Cung Địch Trần lắc đầu, lời lẽ hình như có thâm ý to lớn: "Quốc sư không giải thích ngọn nguồn, Địch Trần tuy suy tưởng trăm đường, nhưng cũng biết không nên nói ra."

Thái Thân Vương ngẩn ngơ hồi lâu, bật cười nói: "Quốc sư Mông Bạc có thần cơ diệu toán thế nào cũng không đoán ra bản vương tặng cho ông ấy lễ vật gì."

Lúc đó, đĩa đèn thứ ba trong bốn đĩa hồng đăng bên cầu Phi Quỳnh đột nhiên sáng chói, giống như một dải khói đỏ bốc lên, trong trời đêm mờ mờ càng bắt mắt. Thái Thân Vương phấn chấn tinh thần, đưa kính viễn vọng lên mắt đoạn đưa tay ra dấu. Cung Địch Trần cũng có cảm ứng, mục quang như điện hướng xuống kinh thành.

Con đường nối cầu Phi Quỳnh với Hoàng cung dài hơn hai chục trượng đang có một đội xe ngựa chậm rãi chuyển động. Xe dài một trượng năm tấc, ghế cao ba thước bốn tấc, bên ngoài treo dây tua kỳ lân bằng bạc, trướng lụa rực rỡ bọc vải bông màu vàng thêu hình linh thú, đòn xe sơn đỏ cao gần một trượng khảm sư tử và kỳ lân. Xe do bốn con ngựa kéo, có tám thị vệ theo sát.

Cung Địch Trần chấn động, y tuy đến từ Thổ Phồn, nhưng từ nhỏ đã quen đọc thi thư Trung Nguyên nên hiểu mọi lễ nghi. Chỉ cần nhìn khí thế của cỗ xe là đoán được người ngồi trên tất thuộc hàng trọng thần trong triều.

Xe đến đình Tích Vân ở đầu cầu thì dừng lại, tám tùy tùng xuôi tay đứng nghiêm, một người đầu đội mũ bảy múi (7), mình khoác áo bào đỏ tươi dài đến gối, lưng đeo đai ngọc, thắt lụa trắng, đi hài da mềm từ trong xe bước xuống. Cung Địch Trần từ trên cao nhìn xuống nên bị kim quan che mất tầm nhìn, không trông rõ tướng mạo người đó nhưng thấy đối phương tuy đi có mấy bước, tư thế long hành hổ bộ ẩn ước khí phái gió cuốn mây vần khiến người khác sinh lòng kính nể. Người đó đứng trầm tư bên tòa đình một hồi lâu, hình như viếng các tướng sỹ chết trận, đột nhiên hướng mắt lên nhìn về phía đỉnh Ngưng Tú.

Tuy biết rõ trên đỉnh núi có cây cối che khuất nhưng Cung Địch Trần không khỏi nảy lòng muốn lướt đến sau một gốc cây ẩn nấp, tránh ánh mắt đối phương. Đồng thời phát giác thân hình Thái Thân Vương và Cao Đức Ngôn chấn động, trông sang thấy vẻ mặt cả hai đều khẩn trương, nhìn người trên cầu Phi Quỳnh không chớp mắt. Cánh tay cầm kính viễn vọng của Thái Thân Vương hơi run run, miệng hình như lẩm bẩm. Đến lúc này, y đã xác định được thân phận của người ngồi trên xe.

Từ tận đáy lòng y nảy ý e sợ năm phần, ba phần kính trọng, hai phần nghi ngại, đành dùng lời nói giảm bớt bầu không khí khẩn trương: "Không ngờ hôm nay Thiên Tuế mời Địch Trần đến đây để chiêm ngưỡng phong thái của thiên hạ đệ nhất cao thủ."

Hóa ra vị trọng thần phong thái uy nghiêm hào hùng, tinh thần cao vợi, xả thân vì thiên hạ đứng bên cầu kia chính là Minh tướng quân.

"Cung tiên sinh thân là sứ giả của Thổ Phồn, sớm hay muộn gì chẳng phải gặp Minh tướng quân." Nghe lời lẽ của Cung Địch Trần hiện rõ hàm ý kính trọng Minh tướng quân, giọng nói cố gắng ra vẻ trấn tĩnh của Thái Thân Vương không khỏi pha lẫn khổ não, "nếu bản vương chỉ đưa ra đại lễ như thế làm sao khiến Cung tiên sinh động tâm được? Có tư cách gì nhờ tiên sinh chuyển lời cho lệnh sư? Hắc hắc, thiên hạ đệ nhất cao thủ! Lẽ nào trong mắt Cung tiên sinh, võ công của Minh tướng quân còn trên cả Quốc sư Mông Bạc?"

Cung Địch Trần mỉm cười: "Chẳng qua là một chút hư danh, làm sao khiến Quốc sư bận tâm." Y đoán rằng lời lẽ của Thái Thân Vương còn hàm ý, bèn hít sâu một hơi, vận Thiên Duyên Pháp Nhãn đến mười thành, hướng về phía cầu Phi Quỳnh quan sát thật cẩn thận, càng nhìn càng kinh hoảng, thần sắc dần trở nên ngưng trọng.

Ánh mắt sáng ngời của Thái Thân Vương chằm chằm nhìn vào vẻ mặt Cung Địch Trần, thấy y chăm chú hồi lâu, lúc đầu thoáng lộ vẻ kinh ngạc nhưng chỉ giữ trong lòng, bề ngoài vẫn ra vẻ ơ hờ. Ông ta ngầm nảy ý cảnh giác: người thanh niên này giữ thần khí ổn định như vậy, quyết không đơn giản tí nào!

Cao Đức Ngôn cười giòn giã: "Cung tiên sinh là đại đệ tử của Quốc sư Mông Bạc, tất nhiên mục quang sắc bén, không biết có nhìn thấy chuyện gì đặc sắc chăng?"

Cung Địch Trần cười lạnh: "Món đại lễ này thật không tầm thường, Cao đại nhân chỉ bỏ có mười vạn lạng bạc mà lấy được tin tức kinh người này, cái danh Thần Bộ quả không hư truyền." Cao Đức Ngôn đương nhiên nghe ra ý trào phúng trong lời lẽ của Cung Địch Trần, không biết phải tiếp lời thế nào, đành cười ngượng ngùng.

Cung Địch Trần chỉ tay về cầu Phi Quỳnh, chậm rãi nói: "Trên nóc đình tinh quang loáng qua, dưới nhịp cầu thảo mộc khẽ lay động, thuyền bè đứng yên, dưới nước có ánh sáng hắt lên, đâu đâu cũng có sát thủ mai phục..." Y đột nhiên thở dài một hơi, "Địch Trần có một chuyện xin Thiên Tuế chấp thuận."

Thái Thân Vương dùng ánh mắt ra hiệu đồng ý. Cung Địch Trần bình thản hỏi: "Thiên Tuế có biết Địch Trần theo Quốc sư hơn mười năm, lĩnh ngộ lớn nhất là gì chăng?"

Thái Thân Vương và Cao Đức Ngôn đưa mắt nhìn nhau, đều không hiểu vì sao Cung Địch Trần lại hỏi một câu lãng xẹt trong lúc quan trọng thế này.

Thái Thân Vương trầm ngâm đáp: "Bản vương tuy không thông hiểu võ học, nhưng trong đám thủ hạ có không ít kỳ nhân dị sỹ, đều ca ngợi Hư Không Đại Pháp của Quốc sư, phải chăng Cung tiên sinh muốn đề cập đến chuyện này, có liên quan gì không?"

Cao Đức Ngôn nối lời: "Nghe nói ngồn gốc giáo pháp Thổ Phồn bắt nguồn từ Phật lý của Thiên Trúc, võ công dựa theo Du Già Công mà thành, lấy Ban Nhược Long Tượng Công làm cơ sở. Từ lâu đã nghe danh của Hư Không Đại Pháp nhưng chưa có duyên chiêm ngưỡng, xin Cung tiên sinh chỉ giáo cho đôi điều."

Cung Địch Trần không để tâm, tiếp tục nói: "Giáo nghĩa của Thổ Phồn chia thành Hồng, Hoàng, Bạch; giáo chúng ba nhánh giáo phái vì muốn khuếch trương mà cùng lập Hoạt Phật, dẫn đến đấu tranh giữa dân chúng trong nước, khó lòng thu về một mối. Mãi đến khi Mông Bạc đại quốc sư hoành không xuất thế, hiểu được Tứ đế (8), thông suốt Ngũ uẩn (9), dựa vào Thập nhị nhân quả (10) mà rũ bỏ được đại phiền não, bằng Phật lý tinh thâm tranh luận liền chín ngày với bảy vị đại sư Phật học của hai giáo Bạch, Hồng rồi thu được thắng lợi, giúp Thổ Phồn vương thống nhất tam giáo, được bái làm Đại quốc sư. Quốc sư Mông Bạc luôn coi trọng Phật lý, không có ý theo đuổi võ học, tuy tự sáng tạo Hư Không Đại Pháp nhưng thật ra chỉ là không đọng lại trong hư, lấy nhân quả làm trọng mà coi nhẹ chuyện dưỡng khí cường kiện thân thể, hết cách mới phải tranh cường với người khác." Y nhìn sang Thái Thân Vương, vẻ mặt trở nên trang nghiêm, "Mọi nghiệp chướng vốn không sinh ra, cũng không có định tính; Mọi nghiệp chướng mà bất diệt, tất không thể sinh sôi."

_____

(4) vua ban chữ

(5) một chức vụ đóng vai trò cố vấn

(6) học rộng như người trời, ý nói kiến thức uyên thâm

(7) loại mũ quan lại thời Đường hay dùng

(8) Tứ đế: hay còn gọi là Tứ diệu đế (dịch từ chữ Phạn Catvary Aryasatyani) tương đương với bốn chân ngôn của nhà Phật gồm Khổ đế (thực trạng đau khổ của con người), Tập đế (nguồn gốc hay nguyên nhân dẫn đến thực trạng đau khổ), Diệt đế (sự kết thúc hay sự chấm dứt khổ đau), Đạo đế (con đường hay phương pháp thực hành dẫn đến chấm dứt khổ đau.)

(9) Ngũ uẩn: là năm nhóm (skandha) tượng trưng cho năm yếu tố tạo thành con người gồm: Sắc, Thụ, Tưởng, Hành, Thức.

(10) Thập nhị nhân quả: chia thành Nhân quá khứ (gồm Vô minh và Hành, gọi là nhân khổ), Quả hiện tại (gồm Thức, Danh sắc, Lục nhập, Xúc và Thọ, gọi là Quả khổ), Nhân hiện tại (gồm Ái, Thủ và Hữu) và Quả vị lai (gồm sinh và lão, tử)

Đợi cho thân ảnh Cung Địch Trần khuất vào sơn đạo, Thái Thân Vương trầm giọng hỏi: "Mục Quan Hoa bị phủ Tướng quân bắt giữ, có hậu hoạn gì không?"

Cao Đức Ngôn cung kính đáp: "Thuộc hạ đã an bài bọn Tả Phi Đình ở phụ cận, một khi thích khách thất thủ sẽ nhân danh bộ Hình mà áp giải phạm nhân. Nhưng...nhưng chỉ ngại Minh tướng quân không nể mặt." Tả Phi Đình mà y nói đến chính mà một trong Ngũ Đại Danh Bộ.

Thấy thần sắc Thái Thân Vương khó coi, Cao Đức Ngôn cẩn thận hỏi dò: "Nếu phủ Tướng quân không chịu thả người, có cần...." Hắn vừa nói vừa làm động tác đưa tay chém xuống.

Thái Thân Vương trầm giọng: "Kể cả Minh tướng quân đã hiểu nội tình cũng không dám chạm vào bản vương. Hơn nữa việc này cơ mật như vậy, không hề có sơ hở nào, chưa đến lúc vạn bất đắc dĩ không nên để lộ nội ứng trong phủ Tướng quân."

Ánh mắt ông ta rực lên, nhìn Cao Đức Ngôn chằm chằm, hừ lạnh một tiếng: "Bản vương chỉ không hiểu vì cớ gì Quỷ Thất Kinh lại xuất hiện tại đây?" Câu hỏi này cực kỳ thiết thực, nên biết Quỷ Thất Kinh là nhân vật đứng thứ ba trong phủ Tướng quân, chỉ sau đại tướng quân và Thủy Tri Hàn, xuất hiện trong hàng ngũ hộ vệ của Minh tướng quân quả thật quá ư không hợp tình lý, trừ phi cục diện lần ám sát này đã bị Minh tướng quân biết trước.

Vẻ mặt Cao Đức Ngôn hiện rõ nét lúng túng, hiển nhiên không thể hồi đáp. Thái Thân Vương cười âm trầm, chợt nhìn vầng trăng trong lơ lửng treo cao phía cuối chân trời, thở dài: "Đêm nay trăng đẹp thật!"

Cao Đức Ngôn vốn cho rằng Thái Thân Vương sẽ trách mắng nghiêm khắc, không ngờ ông ta lại nói lái sang hướng khác, coi như cho qua chuyện này. Hắn tuy thuộc quyền quản hạt của bộ Hình, những thật ra là tâm phúc của Thái Thân Vương từ trước, hiểu rõ vị thân vương dưới một người mà trên vạn người này thâm sâu thế nào, nếu mình phạm sai lầm, chỉ e không còn được thấy vầng trăng đêm mai, bất chợt mồ hôi lạnh ròng ròng chảy xuống lưng.

Thái Thân Vương lại cười ha ha, nheo mắt lại như sợi chỉ: "Ngươi có biết vì sao bản vương còn lòng dạ ngắm trăng không?"

Cao Đức Ngôn thận trọng đáp: "Thuộc hạ không dám đoán mò ý nghĩ của Thiên Tuế."

Thái Thân Vương nhẹ nhàng nói: "Thấy người vừa nãy, lại thấy mảnh trăng khuyết, bản vương chợt cảm giác cả hai có những điểm tương tự..."

Cao Đức Ngôn không hiểu tâm ý của ông ta: "Thiên Tuế muốn nói đến Minh tướng quân?"

Thái Thân Vương cười ha hả, hỏi ngược lại: "Ngươi thấy Minh Tôn Việt mảnh dẻ, sáng láng như vầng trăng sao?"

Cao Đức Ngôn đột nhiên hiểu ra, nhớ lại thân hình mảnh khảnh hơi yếu nhược, y phục không nhiễm bụi trần, lối ăn nói thanh nhã, bình đạm của Cung Địch Trần, tất cả vừa khớp với ví dụ của Thái Thân Vương, bèn nói: "Con người Cung Địch Trần cao thâm khó dò, thuộc hạ xưa nay chưa từng được nghe qua cái tên này, hắn che giấu như vậy chắc còn có mưu đồ khác."

Thái Thân Vương gật đầu: "Ngươi về huy động toàn bộ lực lượng Hình bộ điều tra chân tơ kẽ tóc của Cung Địch Trần cho ta." Ông ta vuốt chòm râu dài, lẩm nhẩm: "Nhân vật như vậy, nếu bản vương không sử dụng được, không phải là điều hối tiếc to lớn sao..."

Cao Đức Ngôn cúi đầu: "Thiên Tuế yên tâm, Đức Ngôn quyết không nhục mệnh." Hắn quá quen với phong cách hành sự của Thái Thân Vương, đoán được hàm ý trong câu nói: nếu Cung Địch Trần không để ông ta sử dụng, e rằng không còn đất dung thân.

Thái Thân Vương cười lạnh lẽo: "Ngươi lui đi. Nhớ phải tiến hành mọi việc âm thầm, đừng để hắn nắm được chút nào."

Cao Đức Ngôn vâng lệnh lui xuống.

"Trước khi gặp được Quốc sư Mông Bạc, bản vương rất có hứng thú với con người này." Thái Thân Vương ngẩng nhìn trời, lẩm nhẩm lại mấy chữ: "Rất có hứng thú!" Ánh mắt nhắm hờ, tự nhiên lóe lên một đóa hoa lửa sáng như ánh sao.

oOo

Trận đấu trên cầu Phi Quỳnh thu hút đám đông dân chúng đổ về, ai nấy thấy đại tướng quân trọng thần đương triều Minh Tôn Việt có mặt, đều đứng từ xa thì thầm, không dám đến gần quan sát. Minh tướng quân chậm rãi bước qua cây cầu, thần tình có vẻ mệt mỏi, lại như đang nghĩ ngợi, bảy hộ vệ theo lệnh của Quỷ Thất Kinh, đem Mục Quan Hoa toàn thân nhuộm máu, đã ngất xỉu lên xe, theo sau Minh tướng quân chừng mười bước.

Minh tướng quân đột nhiên dừng bước, ánh mắt nhìn sang mấy bóng đen đứng chếch bên đường.

Một người vẹt đám đông bước ra hành lễ với ông ta: "Tả Phi Đình của Hình bộ xin ra mắt Minh tướng quân." Tả Phi Đình thân hình cao lớn, mặt mũi sáng sủa, ước hai bảy, hai tám tuổi, xếp thứ tư trong Ngũ Đại Danh Bộ.

Minh tướng quân mỉm cười: "Tả thần bộ đến bắt thích khách chăng?"

Tả Phi Đình hơi ngẩn người, y vốn phụng mệnh đem thích khách về Hình bộ thẩm vấn, nhưng đối mặt với uy nghiêm của Minh tướng quân, đang suy nghĩ xem nên mở miệng cách nào để mang người đi, không ngờ lại bị phủ đầu trước, cũng không thấy ông ta có ý trào phúng Hình bộ chỉ biết đợi xong việc mới đến tranh công, thành ra nhất thời nghẹn họng.

Minh tướng quân phất tay: "Năm thích khách, bốn tên đã bị giết tại chỗ, một tên còn lại trọng thương bị bắt, hiện đang ở trong xe, Tả thần bộ cứ đến bắt tự nhiên."

Trong lòng Tả Phi Đình có vô số lời hay ho nhưng không nói ra được, đành lật đà lật đật đa tạ, đang định bước lên, chợt nghe Minh tướng quân lạnh lùng thốt: "Hiện trường chưa bị xáo trộn, Tả thần bộ không nên bỏ qua bất kỳ manh mối nào, nhất định phải tra ra rốt cuộc là kẻ nào lớn mật dám hành thích bản tướng quân."

Tả Phi Đình đặt chân vào Hình bộ mới hai, ba năm nhưng có nghe qua những chuyện minh tranh ám đấu giữa phủ Tướng quân và phủ thân vương. Tuy y không phải là tâm phúc của Thái Thân Vương, không hiểu tình hình phía sau lần hành thích này, nhưng từ lời dặn dò của Cao Đức Ngôn cũng đoán ra đôi điều, đành đáp một cách hàm hồ: "Tướng quân cứ yên tâm, ty chức sẽ toàn lực điều tra ra kẻ chủ mưu."

Một hộ vệ của Minh tướng quân bước lên bẩm báo: "Trong miệng thích khách có giấu độc hoàn, hiện đã được lấy ra."

Minh tướng quân cười nụ, nhìn Tả Phi Đình chằm chằm: "Tả thần bộ đã nghe rõ chưa?"

Tả Phi Đình làm sao lại không hiểu được hàm ý của ông ta, cúi người nói: "Ty chức sẽ cẩn thận, quyết không để cho thích khách tự vẫn vì sợ tội."

Minh tướng quân cười ruồi, không để ý đến y nữa, rảo bước về phía trước.

Tả Phi Đình lệnh cho thủ hạ bắt thích khách về bộ Hình, lòng ngấm ngầm kêu khổ. Minh tướng quân có vẻ như trao thích khách hết sức dễ dàng nhưng chỉ vài ba câu đã trút cho y áp lực cực nặng, không chỉ buộc bộ Hình phải điều tra đến nơi đến chốn, hơn nữa không thể giết thích khách diệt khẩu. Ngọn núi này được đặt vào tay, sợ rằng Tổng quản Hồng Tu La cũng phải đau đầu mấy ngày.

oOo

Một đội thiết kỵ từ phía trước mặt tiến đến nghênh đón Minh tướng quân, người đi đầu khoảng bốn mốt tuổi, khuôn mặt thanh thoát, ba chòm râu buông dài dưới cằm phơ phất trong gió, trông như một vị nho sỹ. Đội kỵ mã còn cách hơn mười bước, giọng nói thuần hậu như thực chất của người trung niên vang tới: "Tri Hàn đến chậm, xin tướng quân thứ tội." Người đến chính là đại tổng quản Thủy Tri Hàn của phủ Tướng quân, được liệt danh trong Lục Đại Tôn Sư của tà phái.

Thủy Tri Hàn đến trước mặt Minh tướng quân, tung người nhảy xuống ngựa, toan cúi xuống, tay phải Minh tướng quân đã nhanh nhẹn giơ ra đỡ lấy nách y: "Tổng quản không cần phải đa lễ." E là khắp thiên hạ này không ai có thể dùng tay không tiếp cận với chỗ yếu hại của y gần đến vậy.

Thủy Tri Hàn hơi ngạc nhiên, không dám xuất thủ đỡ lại, để cho tay phải Minh tướng quân lướt qua ngực, thuận thế dứng dậy. Trong mắt người ngoài, Minh tướng quân đã đỡ Thủy Tri Hàn dậy, chỉ có hai người trong cuộc tự hiểu: thế đứng lên của Thủy Tri Hàn và cái nhấc tay phải của Minh tướng quân phối hợp chặt chẽ như áo trời không kẽ hở, từ đầu đến cuối, tay phải Minh tướng quân vẫn cách nách Thủy Tri Hàn một cự ly mắt thường không thể phân biệt được, thực tế ngay cả áo y, Minh tướng quân còn chưa động tới.

Trong lòng Thủy Tri Hàn thoáng lạnh buốt, tay phải Minh tướng quân tuy chưa tiếp xúc nhưng một luồng đại lực lập lờ ngưng lại không tan, thử nghĩ nếu Minh tướng quân đột nhiên ra tay, y không dùng Hàn Tẩm Chưởng danh chấn thiên hạ, e không nắm chắc nửa phần tránh thoát.

Thủy Tri Hàn vẫn như thường, lên tiếng hỏi: "Không hiểu là kẻ nào dám hành thích tướng quân?"

Minh tướng quân bình thản đáp: "Chẳng qua là mấy tên nhãi nhép đến làm trò hề múa may, cũng coi như khiến bản tướng quân thư giãn gân cốt." Ngữ khí nhẹ tênh, hình như vốn không coi trường ám sát kinh tâm động phách vào đâu.

Thủy Tri Hàn định hỏi tiếp thì Minh tướng quân đã phất tay phải, khe khẽ nghiêng đầu, như thể đang lắng tai nghe ngóng. Y ngầm vận nhĩ lực, chỉ nghe thấy giữa trời đêm truyền lại tiếng tiêu.

Tiếng tiêu rất kỳ dị, rõ ràng âm điệu cao vút nhưng lọt vào tai lại thành trầm thấp, thoạt đứt thoạt nối, thoạt có thoạt không, cộng thêm bốn bề tiếng côn trùng rỉ rả, ve sầu kêu quàng quạc, nếu không dụng tâm nghe ngóng, thật sự khó lòng nghe được. Tuy nhiên tiếng tiêu lờ mờ như từ trên trời cao vang xuống lại dấy lên tính tò mò sâu thẳm nhất trong lòng mỗi người, khiến ai nấy muốn nghe cho rõ huyền hư.

Thinh không tối mịt mùng, gió thu hiu hắt cuốn theo một làn hơi lành lạnh, thổi tung lớp lá khô trên đường, tô thêm phần thê lương cho buổi đêm kinh sư. Tiếng tiêu mênh mang vọng lại, đột nhiên khiến khung cảnh lúc tàn thu có thêm sức sống.

Tiếng tiêu càng lúc càng vang, con phố dài đột nhiên yên lặng, trên mặt bách tính cùng sỹ tốt đều hiện lên thần sắc vui sướng mênh mang, dụng tâm nắm bắt lấy từng giọt âm thanh thần diệu ẩn tàng giữa đất trời. Ngay cả Minh tướng quân và Thủy Tri Hàn luôn giữ cảnh giác cẩn thận, thần tình cũng thoáng mê say.

Quỷ Thất Kinh không hiểu âm luật, bị tiếng tiêu làm cho tâm phiền ý loạn. Y thân là sát thủ tuyệt đỉnh trong hắc đạo, lúc ẩn giấu hành tung cần giữ cho lòng đạt đến cảnh giới phẳng lặng như nước, bây giờ tâm thần không thể yên tĩnh, nội tức ẩn ẩn khuấy động, chính là đại kỵ so với bình thường, bèn không nén được, lớn tiếng gọi: "Đêm hôm khuya khoắt thế này, Lạc chưởng môn không ngủ còn định làm gì?" Giọng nói rin rít vừa vang lên, vô số ánh mắt trách móc, khó chịu liền đổ tới, có ý oán trách y quấy nhiễu tiếng tiêu.

Tiếng tiêu hình như bị giọng nói của Quỷ Thất Kinh kinh động, liền chuyển sang nhạc khúc dằng dặc, càng thổi càng cao, càng cao càng mảnh, cơ hồ đứt đoạn. Người nghe đều cảm giác trái tim nghèn nghẹn, sợ tiếng tiêu đột nhiên vụt tắt. Tiếng tiêu lên cao vút rồi nhẹ nhàng hạ thấp xuống mấy cung, cơ hồ cố gắng thổi tiếp, phảng phất như một thiếu nữ đang ca múa vui vẻ ở nơi hoang dã không bóng người, chợt bị một con thú nhỏ chui ra quấy nhiễu, nàng vỗ vỗ nhẹ lên ngực, thở hắt ra một hơi rồi tiếp tục hát ca như không có chuyện gì.

Minh tướng quân vỗ tay ngâm vang:

"Hùng trĩ vu phi,
tiết tiết kỳ vũ.
Ngã chi hoài hĩ,
tự di y trở.
Hùng trĩ vu phi,
hạ thượng kỳ âm.
Triển hĩ quân tử,
thật lao ngã tâm.
Chiêm bỉ nhật nguyệt,
du du ngã tư.
Đạo chi vân viễn,
Hiết vân năng lai?
Bách nhĩ quân tử,
Bất tri đức hành?
Bất kỹ bất cầu,
Hà dụng bất tang?" (*)

Đây là khúc Hùng Trĩ trong Kinh Thi, kể lại chuyện một người con gái ở nhà nhìn con chim trĩ bay qua song cửa, thương nhớ chồng đang đi thú ngoài quan ải xa xôi. Bài thơ nguyên là nỗi tương tư, được tiếng ngâm hùng hồn, hào sảng của Minh tướng quân cất lên, hoàn toàn không cảm nhận thấy nỗi bùi ngùi triền miên, tuy động lòng nhưng cảm xúc không giống với nguyên tác.

_____

(*) Tạm dịch:

Lặng nhìn chim trĩ giữa trời,
Thong dong lượn cánh, chơi vơi khối sầu,
Nỗi lòng như giọt mưa ngâu,
Xót chàng biên ải dãi dầu gió sương,
Vẳng nghe tiếng trĩ vấn vương,
Chao nghiêng đôi cánh về phương xa vời,
Tấc lòng thương nhớ khôn nguôi,
Gửi người quân tử thân nơi dặm ngàn,
Tháng ngày buồn tủi dầm chan,
Tương tư đối bóng canh tàn ai hay,
Ải quan mờ mịt chân mây,
Muôn trùng cách trở, biết ngày gặp nhau?
Phàm trang quân tử lược thao,
Tam cương đạo hiếu lẽ nào chẳng thông,
Tham chi khanh tướng nhọc lòng,
Trở về vui thú ruộng đồng chẳng hơn!

(Bản dịch thơ của Thảo Nguyên)

Minh tướng quân ngầm vận nội lực ngâm vang, toàn thành đều nghe thấy. Ban đầu, tiếng tiêu không ảnh hưởng bởi tiếng ngâm, vẫn rào rạt vang lên, tiết tấu không mảy may loạn nhịp, âm điệu rời rạc nhưng thi thoảng vẫn lộ ra tiếng tiêu, tình cảm luân phiên thay đổi. Minh tướng quân ngâm được nửa bài, tiếng tiêu đột ngột run rẩy, âm điệu như tiếng chim nỉ non, liên tục tấu lên mấy âm cao ngất, ẩn chứa nỗi giận dữ, như chú chim nhỏ hoảng sợ lượn quanh cành cây đoạn rũ cánh bay đi, âm thanh nhỏ dần rồi tắt hẳn. Những người ở hiện trường lắng nghe say mê, tiếng tiêu tuy tan đi nhưng vẫn vọng lại như từ trên trời cao vẳng xuống. Hồi lâu sau, bách tính và sỹ tốt quanh đó mới vỗ tay như sấm động.

Minh tướng quân thở dài, nhìn Quỷ Thất Kinh nói: "Lạc cô nương không vui mà thổi tiêu, định dùng tiếng tiêu hóa giải mùi máu tanh, chứ không nhắm vào ngươi. Thật ra năm ngoái ngươi bị Trùng Đại Sư Dư Thu Ngôn đả thương, ba tháng trước lại bị bắt tại Cầm Thiên bảo, mấy lần thụ thương khiến công lực giảm hẳn, cẩn phải điều dưỡng cẩn thận."

Quỷ Thất Kinh lúc này mới cảm nhận nội tức sôi réo dần dần bình phục, y xưa nay không thích lắm lời, thần sắc cảm kích loáng qua trên mặt, vòng tay đa tạ Minh tướng quân.

Người thổi tiêu đương nhiên là một trong ba đại chưởng môn ở kinh sư, Kiêm Gia môn chủ Lạc Thanh U, được người đời xưng tụng là "Tú tiên khỉ mạch, vũ quá minh hà, tế chước thanh tuyền, tự ngữ u kính" (13). Nàng xinh đẹp nức tiếng thiên hạ, tài thổi tiêu cực giỏi, cùng với Cầm Sắt Vương Thủy Tú trong nhóm Bát Phương Danh Động xưng là Kinh Sư Song Xu, một khúc tiêu vừa nãy cố ý thổi lên vì trường ám sát trên cầu Phi Quỳnh, âm điệu tuy bình thường nhưng ẩn chứa tâm pháp Hoa Âm Đạp Đạp do sư môn truyền thụ, có thể hóa giải khí ác trong lòng người nghe. Sát thủ hắc đạo Quỷ Thất Kinh sát khí cực nặng, lại thêm thương thế chưa lành, nếu không phải Minh tướng quân kịp thời ngâm lên, nàng cũng dừng tiêu, e là tu vi võ công của y sẽ ảnh hưởng vô cùng vi diệu.

Minh tướng quân chợt nheo mắt với Quỷ Thất Kinh và Thủy Tri Hàn: "Lạc cô nương xưa nay vẫn thích gì làm nấy, lại rất ưa thể diện, ta dùng một khúc Hùng Trĩ phá hỏng tâm tư, ngại gì nàng ta không ngừng tiêu." Ông ta nhớ lại tình hình, không nén được bật cười ha ha, y hệt một cậu bé tinh nghịch vừa hoàn thành một việc vô cùng đắc ý.

Thủy Tri Hàn chưa từng thấy vị tướng quân xưa nay thần thái uy nghiêm hành động như con nít thế này, không tránh khỏi kinh ngạc. Nhưng y tâm tư tinh tế, lập tức hiểu ngay ý tứ của Minh tướng quân, khẽ nhíu mày, thở dài nói: "Tri Hàn vừa nhận được tin mật báo, Truy Bộ Vương Lương Thần đi theo người đó từ vùng giáp ranh Tương Cống, nhưng không xuống tay. Theo Tri Hàn phán đoán, chắc là vâng lệnh của Thái Thân Vương, cố ý bức người đó vào kinh."

Thủy Tri Hàn cố ý không nói ra tên người Truy Bộ Vương Lương Thần bám theo, lại cảm giác không khí quá mức nặng nề, bèn cười nhạt, cố làm ra vẻ thoải mái: "Xem ra người Lạc chưởng môn muốn đợi chắc không lâu nữa sẽ đến."

Minh tướng quân tắt ngay tiếng cười, ngước nhìn bầu trời âm u mây đen, vẻ mặt trở nên ngưng trọng, trong mắt hiện lên làn ánh sáng chứa chan hy vọng, xen lẫn mừng vui, nhẹ giọng thốt ra mấy chữ: "Người nàng muốn đợi, ta cũng đợi!"

____

(13) Đẹp như tranh gấm, rực rỡ như cầu vồng sau mưa, thanh nhã như suối trong, u uẩn như đường mòn.


Chiến Giới 4D
Phiên bản dành cho Android tại đây!
Hồi (1-20)


<