Vay nóng Tinvay

Truyện:Uy phong Cổ tự - Hồi 04

Uy phong Cổ tự
Trọn bộ 36 hồi
Hồi 04: Thân Thế Kỳ Bí
4.50
(4 lượt)


Hồi (1-36)

Siêu sale Shopee

Thần sắc ngưng đọng, Tạ Phương Điền chợt đặt nhiều nghi vấn khiến Hứa Phong dù là người vô tâm cũng phải động tâm.

Đầu tiên Tạ Phương Điền hỏi:

- Theo lời Chí Thiện đề quyết, thiếu gia có diện mạo giống như...

Hứa Phong ngắt lời:

- Chỉ là sự liên tưởng mà thôi. Vì hòa thượng Chí Nhân rốt cuộc cũng phải tin tiểu điệt là người họ Hứa, là hậu nhân của Hứa gia. Chuyện người giống người vẫn thường có kia mà?

Tạ Phương Điền càng thêm trầm ngâm:

- Nhưng việc diện mạo của thiếu gia giống nhân vật đã từng gây chấn động võ lâm, một Minh chủ Bất Quá Tam Nhật, lúc ở gia trang chính Chí Nhân cũng một lần đề cập đến, điều đó không làm thiếu gia kinh ngạc sao?

Hứa Phong quả quyết lắc đầu:

- Dù sao đây vẫn là chuyện người giống người, một chuyện hoàn toàn ngẫu nhiên. Huống chi, giữa một nhân vật võ học uyên thâm, từng là Minh chủ võ lâm, và gia phụ, một người suốt một đời chỉ am tường chí thú theo văn nghiệp, đâu thể có mối tương quan giữa hai thái cực hầu như trái ngược này?

Tạ Phương Điền vụt trầm giọng:

- Ngoài chuyện đó ra, Chí Thiện không lần nào đề cập đến quyển kinh Phật?

Hứa Phong mỉm cười:

- Tiểu điệt nghĩ, có lẽ đó chỉ là một quyển kinh Phật bình thường, như bao quyển kinh Phật khác. Và đó là lý do khiến hòa thượng trụ trì không việc gì phai đề cập đến.

Tạ Phương Điền cạu mặt:

- Vậy thì lạ thật! Non một canh giờ thiếu gia cùng lão Chí Thiện đàm đạo, không lẽ quanh đi quẩn lại Chí Thiện chỉ hỏi về lai lịch của thiếu gia?

Hứa Phong sinh nghi:

- Đúng là có câu chuyện như thế! Tạ thúc thúc nghĩ sao? Hay là lai lịch của tiểu điệt...

Tạ Phương Điền xua tay:

- Đây là việc riêng của thiếu gia, Tạ mỗ dù muốn cũng không thể lạm bàn. Chỉ chăng, Tạ mỗ nghĩ, thiếu gia thử lựa lời dò hỏi lệnh tôn xem sao? Còn bây giờ...

Thần sắc của họ Tạ hoàn toàn trở lại bình thường, như suốt một năm qua lão vẫn vậy.

Lão bật cười:

- Đã trọn một năm sống cạnh thiếu gia, đã giúp thiếu gia đến Thiếu Lâm tự an toàn, bây giờ đã đến lúc Tạ mỗ phải đi. Thay cho lời cáo biệt, Tạ mỗ cầu chúc thiếu gia sớm danh đề bảng hổ, làm quang tông diệu tổ cho Hứa gia, đáp ứng kỳ vọng của lệnh tôn. Ha... ha...

Như được ngọn gió lạ hốt đi, tiếng cười của họ Tạ tuy vẫn còn vang dội nhưng bóng dáng của lão chỉ chớp mắt đã mất tăm.

Thấy vậy, A Phúc và A Bảo trợn mắt:

- Quả là chuyện thần kỳ không thể tin. Tạ thúc thúc này tuy cũng là người phàm như chúng ta nhưng kỳ thực lại chính là thần tiên giáng thế? Vì chỉ có bậc thần tiên mới có phép thăng thiên như vậy thôi.

Phần Hứa Phong, lần đầu tiên mục kích Tạ Phương Điền phổ diễn võ công thượng thặng, không như bao thứ võ học bình thường, gần như là quá thô thiển cũng do họ Tạ chỉ điểm suốt một năm qua, tâm trạng của Hứa Phong chợt nôn nao. Và tuy đây là nỗi nôn nao khó thể giải thích nhưng đối với Hứa Phong, đây là tâm trạng khiến lòng người ngất ngây, như Hứa Phong đã từng ngất ngây mỗi khi có dịp nhấp đôi ba chung mỹ tửu.

Cũng với tâm trạng này, Hứa Phong chợt phấn khích thúc hối hai gã gia nhân:

- Không cần dùng xa mã nữa. Chúng ta mỗi người một ngựa, càng chóng hồi trang chừng nào càng tốt chừng đó. Nhanh lên!

A Phúc, A Bảo lập tức thực hiện theo, bỏ cỗ xe lại và họ mỗi người một ngựa, đồng thời vẫn còn thừa một thớt tuấn mã để đổi thay lúc cần thiết.

Họ cho ngựa phi nhanh, dong ruổi đường trường...

*****

Vẫn ở gian thư phòng mà cách đây gần một tuần trăng, khi Hứa Phong hỏi ý phụ thân về việc đi đến Tung Sơn, khung cảnh này đã từng làm Hứa Phong kiêng dè và tôn kính phụ thân.

Lần này, tuy khung cảnh không thay đổi nhưng không khí giữa Hứa Phong và thân phụ chừng như ngưng đọng.

Hứa Phong thấy phụ thân sau một lúc lâu ngồi thừ người, chợt lên tiếng:

- Phần hài tử, Phong nhi hài tử nghĩ sao, khi đã có đến hai người lần lượt bảo hài tử có diện mạo giống một người không phải họ Hứa, mà là người từng là Minh chủ võ Lâm?

Hứa Phong chỉ chờ đợi phụ thân hỏi câu này mà thôi:

- Phụ thân! Hài nhi vẫn không nghi ngờ gì phụ thân, cũng không mất đi lòng ngưỡng mộ đối với phụ thân. Nhưng vì đây là lời nói của hai vị chân tu, nhất định không thể là lời ngoa ngôn xảo trá mà họ ngoa ngôn để làm gì một khi việc đó không hề đem đến điều lợi cho họ. Hài nhi xin mạo muội nói thẳng, diện mạo của hài nhi như chẳng có phần nào giống diện mạo phụ thân. Sự thật như thế nào, phụ thân? Hài nhi thật sự ở họ Hứa, hay phải ở họ Cầm, như Chí Nhân, Chí Thiện nhị hòa thượng ngay lần đầu gặp mặt đã hên tưởng?

Hỏi xong, Hứa Phong chợt ân hận khi thấy sắc mặt của phụ thân đầy vẻ đau khổ:

- Không sai! Đây là chuyện phụ thân định tâm sẽ mãi mãi giấu kín trong lòng. Nhưng vì chuyện đã xảy ra, vì đây là thiên ý mà nhận định khó có thể thắng thiên, phụ thân cho rằng thà để hài tử biết sự thật còn hơn cứ mãi để hài tử sống trong mơ hồ day dứt. Đúng vậy, hài tử không phải ở họ Hứa. Theo huyết tích do chính song thân phụ mẫu hài tử lưu lại, tính danh thật của hài tử là Cầm Phong. Riêng việc phụ thân của hài tử liệu có phải là Minh chủ hay không, phụ thân thật sự không biết.

Hứa Phong bàng hoàng:

- Huyết tích lưu lại? Ý của phụ thân là...

Trở lại dáng vẻ uy nghi thuở nào của bậc quan chi phụ mẫu, Hứa Phong thấy phụ thân vừa đi đi lại lại vừa giải thích:

- Mười tám năm trước, sau một lần đi thăm thú dân tình, lúc quay về phụ thân tình cờ phát hiện thi thể của một nam một nữ. Theo dáng nằm của họ lúc chết tay nắm chặt tay, phụ thân biết họ nguyên là đôi phu thê. Định tìm cách an táng cho họ, không thể để cho họ bộc lộ mãi thi thể như thế, vì dường như họ đã chết lâu hơn một ngày, bất chợt phụ thân nghe ở bụi rậm cạnh đó có tiếng trẻ sơ sinh bật khóc.

Hứa Phong buột miệng kêu:

- Trẻ sơ sinh đó là hài nhi?

- Đúng vậy. Hài tử khi đó khóc vì khát sữa. Phần khác, dù hài tử được vài lớp lụa bọc kín nhưng đó là lúc trời đông tháng giá, cái lạnh đã làm toàn thân hài tử tím tái. Vừa nhìn thấy hài tử, cách đó không xa là thi thể đôi phu thê, phụ thân không cần ngẫm nghĩ gì nhiều cũng biết họ là phụ mẫu của hài tử. Đồng thời phụ thân cũng biết toàn gia của hài tử vậy là đã bị thù nhân sát hại. Thương cảm cho hài tử, lo lắng cho sự an toàn của hài tử sau này, phụ thân vội đưa hài tử về nuôi nấng dưỡng dục.

Sau tiếng thở dài, phụ thân của Hứa Phong nói tiếp:

- Và phụ thân đã không nhận định lầm, giữa những lớp lục bọc kín hài tử, phụ thân phát hiện một dòng chữ được lưu bằng huyết, ghi rõ tính danh của hài tử là Cầm Phong. Cạnh đó cũng giữa những lớp lụa, là một vòng đeo tay bằng ngọc thạch. Vật đó...

Hứa Phong chợt chớp mắt vài lượt, như cố đè nén những hạt lệ chực tuôn trào:

- Phụ thân! Những di vật này, a... hài nhi muốn tận mắt nhìn qua. Không hiểu.

Hứa Phong càng thêm xúc động khi nghe phụ thân nhẹ nhàng bảo:

- Tuy không lường trước câu chuyện như xảy ra hôm nay nhưng những vật đó phụ thân vẫn còn lưu giữ. Hai năm trước, nhân đại lễ Kỳ Yên, phụ thân có đưa hài tử đến một nơi để thắp hương. Nơi đó chính là...

Hứa Phong vụt đứng dậy, mắt nhìn đăm đăm vào phụ thân:

- Ngay lúc này hài nhi thật sự không biết phải nói như thế nào, hoặc nói những gì. Mong phụ thân lượng thứ. Chờ sau khi hài nhi tận mắt nhìn thấy những di vật nọ, lúc đã bình tâm, hài nhi lại đến gặp phụ thân.

Hứa Phong thêm cảm kích khi nghe phụ thân khuyên dạy:

- Làm người, điều trọng yếu là không nên quên cội quên nguồn. Phụ thân không hề trách hài tử. Chỉ mong sao sau chuyện này hài tử chóng bình tâm, vì không bao lâu nữa nhất định hài tử phải lên kinh ứng thí, không thể bỏ qua cơ hội.

Sự quan tâm của phụ thân làm cho Hứa Phong càng nghĩ càng thán phục.

Vì thế, cho dù đang nôn nóng muốn biết rõ lai lịch, nhưng trong thâm tâm Hứa Phong vẫn cảm thấy càng không thể để phụ thân thất vọng.

Hứa Phong vội rời khỏi gian thư phòng và cho dù có nghe từ gian thư phòng bỗng vang lên tiếng động lạ nhưng theo cảm quan của Hứa Phong, đó là tiếng động do phụ thân gây ra vì dù sao câu chuyện xảy ra cũng gây cho phụ thân một cảm kích sâu sắc Đến một gian tịnh phòng, Hứa Phong đột ngột dừng lại. Hứa Phong gọi vào trong:

- Hòa thượng! Vãn sinh đã quay về, muốn vào thăm hòa thượng nên chăng?

Cửa tịnh phòng chỉ khép hờ và âm thanh của Chí Nhân hòa thượng vang ra:

- Là thiếu gia đó ư? A Di Đà Phật! Thiếu gia mau vào đây, chớ khách khí như thế.

Hứa Phong bước vào, tiện tay khép cửa lại:

- Hòa thượng đã bình phục nhiều! Giọng nói của hòa thượng không còn yếu như trước.

Với sắc mặt đã hồng nhuận, Chí Nhân mỉm cười từ hòa với Hứa Phong:

- Thiếu gia đã về, chứng tỏ chuyện bần tăng nhờ thiếu gia đã thực hiện xong. Phiền thiếu gia phải nhọc công, bần tăng thật áy náy.

Hứa Phong ngồi xuống đối diện với Chí Nhân, nghiêm giọng hỏi:

- Vãn sinh có điều nay mong được hòa thượng tận tình chỉ giáo. Đó là việc có liên quan đến Minh chủ võ lâm Cầm Hải.

Chí Nhân biểu lộ vẻ kinh ngạc:

- Sao thiếu gia hỏi chuyện này? Phải chăng đã có thêm người nào khác, bảo thiếu gia có diện mạo giống với Minh chủ Tam Nhật, Tuyệt Chỉ Nhất Quân Cầm Hải?

Hứa Phong khẽ khàng:

- Chính là hòa thượng trụ trì, cũng là Chưởng môn Phương trượng quý phái Thiếu Lâm. Sao lại gọi là Minh chủ Tam Nhật? Thế nào là Tuyệt Chỉ Nhất Quân?

Bằng vẻ mặt nghi ngờ, hòa thượng Chí Nhân tuần tự giải thích:

- Thiếu gia không phải người của giới võ lâm nên không thể nào biết đến câu Nhất Quân Nhất Kiếm.

Hứa Phong cướp lời:

- Về câu này, mới đây vãn sinh có nghe Tạ thúc thúc đề cập đến. Đó là: "Nhất Quân, Nhất Kiếm, Tứ Tuyệt Chưởng". Về sau là "Thất phái Thất sát Nhị đại bang".

Chí Nhân cau mày:

- Nếu Tạ chí chủ biết câu này ắt phải là nhân vật võ lâm? Thiếu gia biết chuyện này chưa?

Hứa Phong thay vì đáp, vội đem mọi chuyện đã xảy ra trong lần đến Tung Sơn nói cho Chí Nhân nghe.

Nghe xong, Chí Nhân cười nhẹ:

- Vậy là thiếu gia cũng đã biết bần tăng chính là người thuộc giới võ lâm?

Hứa Phong gật đầu:

- Không sai! Và đó là nguyên nhân buộc vãn sinh không thể hỏi ai khác ngoài hòa thượng về chuyện của vị Minh chủ Tam Nhật.

- Sao thiếu gia không hỏi họ Tạ?

Hứa Phong giải thích:

- Ngay khi rời Tung Sơn, vì đã hết hạn kỳ, Tạ thúc thúc đã sớm ly khai.

- Ly khai? Họ Tạ không nói gì về chuyện thiếu gia có thể là hậu nhân của Tuyệt Chỉ Nhất Quân Cầm Hải?

Hứa Phong cười gượng:

- Tạ thúc thúc đâu thể nói gì một khi chính vãn sinh đã tự miệng phủ nhận điều đó! Do vậy lần này đành phải làm phiền đến hòa thượng thôi!

Chí Nhân thở dài:

- Hai câu ca trên ngụ ý ám chỉ sáu nhân vật tuyệt đỉnh và chín môn bang phái bấy lâu nay vẫn vang danh trên giang hồ. Nhất Quân có tuyệt kỹ thượng thừa là Càn Khôn chỉ pháp, Nhất Kiếm thì có Cửu Ảo Kiếm Đoạt Hồn, Tứ Tuyệt Chưởng thì gồm...

Hứa Phong nhăn mặt:

- Những nhân vật khác vãn sinh chưa cần biết vội. Vãn sinh chỉ quan tâm đến vị Minh chủ có tên là Cầm Hải mà thôi.

Chí Nhân lại thở dài:

- Nói về nhân vật này chuyện tuy dài nhưng để diễn đạt chỉ cần nói ngắn gọn mấy chữ là xong.

- Mấy chữ gì?

- Đại anh hùng, đại quân tử, đại cao nhân và là vị Minh chủ duy nhất chỉ tại thế vỏn vẹn ba ngày, sau đó hoàn toàn thất tung.

- Đại anh hùng, đại quân tử, đại cao nhân? Há lẽ đây là nhân vật duy nhất được toàn thể mọi người mến mộ?

- Không sai! Quần hùng các võ phái ở khắp tam sơn ngũ nhạc đều mến mộ tài và đức của Tuyệt Chỉ Nhất Quân Cầm Hải. Và đó là nguyên do khiến mọi người không kể gì đến niên kỷ còn quá trẻ của họ Cầm, đã đồng suy cử trang anh hùng trẻ tuổi làm Minh chủ võ lâm. Thật tiếc thay chuyện đó chỉ xảy ra trong ba ngày ngắn ngủi, khiến bây giờ nhắc lại, có rất nhiều người vẫn nghĩ đó là chuyện đã xảy trong mơ, một giấc mơ bi hùng.

Hứa Phong cảm thấy cay cay ở sống mũi:

- Sau khi Cầm Hải thất tung, không ai nghi ngờ và không thử tìm hiểu sao?

Chí Nhân xua tay:

- Lúc chưa có Minh chủ, các phái thường tự mình giải quyết những chuyện có liên can. Nhưng vì đã có Minh chủ, đương nhiên trước khi hành sự, mọi việc các phái đều nhất nhất chờ đợi Minh chủ cho biết chủ trương. Mọi việc vì thế bị dồn nén sau này vì không một ai nhìn thấy Minh chủ đâu cả, nghiệm lại, họ biết Minh chủ đã bặt vộ âm tín chỉ sau vỏn vẹn ba ngày tiếp nhận cương vị. Lúc đó, nghi ngờ thì có nghi ngờ, nhưng để tìm hiểu thì nào ai biết phải tìm hiểu bắt đầu từ đâu?

- Trước khi thất tung, Minh chủ đã gây thù chuốc oán với những ai?

Chí Nhân cười buồn:

- Ân và thù, hận và không hận, đã là người giang hồ làm gì có ai tránh khỏi những điều này? Tuy nhiên, bởi ở giới võ lâm luôn lấy võ học làm thước đo, kế đến là đức độ, xét theo hai phương diện này thì chỉ có Tuyệt Chỉ Nhất Quân là nhân vật ít có thù nhân nhất. Do đó khó thể nói Cầm Hải bị kẻ thù hãm hại.

Chợt cười nhẹ, Chí Nhân bảo:

- Vả lại với võ công đã đạt mức tuyệt đỉnh như Cầm Hải, chỉ nội trong nửa năm xuất hiện đã đẩy Nhất Kiếm, Tứ Tuyệt Chưởng xuống thứ hạng dưới, độc chiếm ngôi vị độc tôn, còn có kẻ thù nào đủ bản lãnh sát hại Minh chủ? Trừ phi...

Hứa Phong nghe quặn thắt ngũ tạng:

- Trừ phi như thế nào?

Chí Nhân lắc đầu quầy quậy:

- Thuận miệng, bần tăng chỉ nói thể thôi. Chứ làm gì có chuyện quần hùng vừa mới suy cử đó, kế đến lại liên tay sát hại vị Minh chủ do chính họ suy cử?

Hứa Phong cau mày:

- Mọi người cùng liên tay thì khó có thể. Nhưng nếu là một số đông nào đó, Thất phái hay Thất sát chẳng hạn, hoặc Nhị đại bang nào đó vì bất phục nên ngấm ngầm liên thủ thì sao?

Chí Nhân đáp sau một lúc cau mày ngẫm nghĩ:

- Thất phái đều là danh môn chính phái, có thể bỏ họ qua một bên. Nhị đại bang thì gồm có Cái bang và Tỏa Long bang, nhị bang này đều luôn hành hiệp trượng nghĩa, cũng khó xảy ra chuyện họ ngấm ngầm hãm hại Minh chủ. Còn Thất sát thì...

Hứa Phong nôn nao:

- Thất sát thì sao?

Đột nhiên Chí Nhân hạ thấp giọng hỏi:

- Thiếu gia đến chỉ có một mình?

Hứa Phong kinh ngạc:

- Dương nhiên! Sao hòa thượng lại hỏi như vậy?

Chí Nhân càng hạ thấp giọng:

- Tuy bần tăng không dám quyết chắc vì võ công vẫn chưa khôi phục hoàn toàn nhưng hình như ngay bên ngoài vừa có tiếng động. Rất có thể có người vừa cố tình lẻn nghe câu chuyện thiếu gia đang hỏi.

Hứa Phong đứng lên, mở cửa và nhìn ra ngoài:

- Xung quanh vẫn vắng lặng. Liệu hòa thượng có nghe lầm chăng?

Chí Nhân vẫn kinh nghi:

- Nếu không biết ở Hứa gia trang chỉ toàn những người không biết võ công, có lẽ bần tăng không thể nghĩ bản thân đã nghĩ lầm huống chi, tiếng động đó phải được gây ra bởi một nhân vật có võ công vào hàng cao thủ.

Hứa Phong nghi ngờ:

- Có khi nào người đó là do kẻ thù của hòa thượng, vì biết hòa thượng đã được vãn sinh cứu mạng, kẻ đó lẻn đến để dò xét?

Chí Nhân thở ra:

- Không thể hiểu về giới võ lâm như thiếu gia nghĩ. Nếu tung tích của bần tăng đã bị phát hiện, một là chúng không thể để bần tăng có cơ hội lưu lại đây gần một tuần trăng như sự thật đã xảy ra, hai là chúng sẽ lập tức xông vào động thủ, cần gì phải nấp lén lẻn nghe?

Hứa Phong chép miệng:

- Sự thật thì thế nào? Người thuộc giới võ lâm như hòa thượng phải chăng đều có thính lực tinh tường, nghe rõ kể cả những gì hạng phàm nhân như vãn sinh không thể nghe?

Tạm quên đi câu chuyện nghe tiếng động lúc nãy, Chí Nhân chợt bảo:

- Bấy lâu nay bần tăng có nghĩ nhiều về ân cứu mạng của thiếu gia...

Hứa Phong xua tay:

- Hòa thượng bất tất phải nói nữa. Như Tạ thúc vẫn dạy: Quân tử thi ân bất cầu báo. Cứu nguy cho hòa thượng chỉ là việc tình cờ vãn sinh không hành động thì vẫn có người khác được Phật tổ sai phái đến giúp hòa thượng.

Chí Nhân mỉm cười:

- Tuy thiếu gia nói vậy nhưng đối với người giang hồ, một khi đã thọ ân tất phải báo ân. Huống chi thiếu gia vẫn chưa biết bần tăng định nói thiếu gia điều gì, vội chi phải từ chối như vậy?

Hứa Phong bảo:

- Giải thích về chuyện có liên quan đến vị Minh chủ Bất Quá Tam Nhật là hòa thượng đã có hành vi báo ân rồi, đâu cần...

- Bất Quá Tam Nhật? Câu này từ đâu thiếu gia nói ra?

Hứa Phong đáp:

- Chính là quý Phương trượng đã tự miệng nói như thế.

- Sao ư?

Chí Nhân cau mày:

- Thiếu gia là dòng dõi quan gia, thiếu gia nghĩ sao về hai cách nói: một là Minh chủ Tam Nhật và một kia là Minh chủ Bất Quá Tam Nhật?

Hứa Phong trầm ngâm:

- Gọi Minh chủ Tam Nhật vì Minh chủ chỉ tại vị đúng ba ngày rồi đột nhiên thất tung.

Chí Nhân gật đầu:

- Hiểu như thế hoàn toàn đúng. Còn câu nói kia?

- Minh chủ Bất Quá Tam Nhật? Câu này xem ra... như lời đề quyết, như lời tiên đoán rằng vị Minh chủ sẽ không tại vị quá ba ngày. Vãn sinh giải thích như thế liệu có ổn chăng?

Chí Nhân bắt đầu nhấp nhổm ngồi không yên:

- Rất ổn, quá ổn là đằng khác. Nhưng điều gì khiến cho có lời tiên đoán này? Ai có bản lãnh thông thiên triệt địa dám tiên đoán một chuyện những tưởng không thể nào có nhưng cuối cùng đó là chuyện đã xảy ra?

Hứa Phong chợt thầm thì:

- Chuyện đó sẽ có nếu đó là một âm mưu đã được định đoạt sẵn.

Chí Nhân chợt thừ người, sau đó vừa cười gượng vừa lắc đầu:

- Nhưng thiếu gia nghĩ xem phải chăng chuyện này càng nghĩ càng cảm thấy phi lý, thậm phi lý!

Vụt thở ra, Chí Nhân bảo:

- Mà thôi, đó là chuyện chỉ liên quan đến bần tăng, đến giới giang hồ. Phần thiếu gia, bần tăng sau khi nghĩ kỹ đã có cách này giúp thiếu gia đỡ phải mỏi mệt trong những lúc miệt mài kinh sử.

Hứa Phong mãi ngẫm nghĩ về điều vừa phát hiện, cho dù điều đó theo lời Chí Nhân nói chỉ là chuyện lạ có liên quan đến giới giang hồ, và Chí Nhân nào biết chính Hứa Phong lại là người trực tiếp có liên quan nên Hứa Phong qua quít đáp lời Chí Nhân:

- Nếu có cách giúp vãn sinh dễ dàng sôi kinh nấu sử thì hay quá.

Vẫn tai nghe tai không, Hứa Phong mơ hồ nghe Chí Nhân giải thích:

- Dịch Cân kinh là một thuật như thế...!... Do chính Đạt Ma sư tổ phát kiến lúc thấy đệ tử của người mỗi lúc ngồi tụng kinh hoặc chiêm nghiệm lẽ huyền diệu của kinh Phật đều tỏ ra mỏi mệt...! Thuật này, nghe nói đâu đôi ba trăm năm về trước, đệ tử bổn phái đã có nhân vật nhờ thuật này mà luyện thành công phu thượng thừa. Thế nhưng...

Tiếng phì cười của Chí Nhân làm cho Hứa Phong bừng tỉnh và Hứa Phong nghe Chí Nhân bảo:

- Hiện nay, đối với bổn phái, thuận Dịch Cân kinh chỉ là thứ vô bổ, không một ai màng đến. Dù vậy, bần tăng nghĩ, nếu thiếu gia cứ kiên trì vận dụng, bỏ ra mỗi ngày chỉ nửa canh giờ, bần tăng cả quyết thần trí của thiếu gia càng lúc càng minh mẫn và thể trạng nhờ đó cũng có ít nhiều chuyển biến. Mong thiếu gia tiếp nhận, xem đó là thành tâm của bần tăng, báo đáp phần nào ân cứu mạng của thiếu gia.

Hứa Phong mỉm cười:

- Nếu đã là thành tâm, được, vãn sinh đành miễn cưỡng tiếp nhận vậy.

Cả mừng, vì đây quả là dịp duy nhất để Chí Nhân tỏ lộ lòng cảm kích, Chí Nhân bèn đem thuật Dịch Cân kinh gồm đúng mười hai tư thức vừa ngồi vừa thổ nạp chí đẫn cho Hứa Phong.

Chí Nhân sau đó còn bảo:

- Vì không là tâm pháp võ học nên Dịch Cân kinh không hề có những kinh văn, những khẩu quyết sâu nhiệm bí hiểm. Cách thổ nạp cũng không mấy khó khăn. Người có tư chất thông tuệ như thiếu gia chỉ cần đôi ba lần vận dụng là dễ dàng ghi nhớ. Đây là thức thứ nhất, gọi là Tọa Kim Liên...

Tuần tự, Chí Nhân vừa diễn luyện các tư thế ngồi và với mỗi tư thế có một cách thổ nạp không mấy khác so với cách khác ở tư thế khác.

Vì muốn Chí Nhân vui lòng, cũng là để Chí Nhân đừng áy náy mãi về chuyện báo ân, Hứa Phong sau một lúc chú tâm nghe và nhìn quả nhiên đã dễ dàng nhập tâm.

Thở ra một hơi dài, Chí Nhân bỗng đứng lên:

- Nay thương thế đã bảy tám phần khôi phục, bần tăng xin mạn phép nói lời cáo biệt. Mong thiếu gia đưa bần tăng đến chỗ lệnh tôn để...

Không muốn phụ thân bị quấy rầy lúc này, Hứa Phong nhanh nhảu bảo:

- Nếu chỉ gặp để nói lời từ biệt, vãn sinh sẽ chuyển lời thay. Hòa thượng xin chớ quá khách khí. Nhân tiện, vãn sinh xin tiễn chân một đỗi đường. Mời!

Hứa Phong đi trước và vẫn có ý định là sau khi tiễn Chí Nhân đi đủ xa, Hứa Phong sẽ đến chỗ đã từng được phụ thân đưa đến thắp hương hai năm trước. Ở đó thế nào cũng sẽ có những di vật của song thân mà Hứa Phong đang muốn tận mục sở thị...

Dừng lại ở ngã ba quan đạo, từ đó dẫn về hai hướng, một theo phía tây, là hướng sẽ có lối đi đến Tung Sơn. Hứa Phong cách đây ít lâu đã đi, hướng còn lại dần đến một dãy núi mà nếu băng vượt qua sẽ là vùng địa giới cuối cùng của phủ Hà Châu, sau một lúc ngắm nhìn Hứa Phong, Chí Nhân đột ngột bảo:

- A Di Đà Phật! Càng nhìn thiếu gia bần tăng càng có cảm nghĩ đang lại nhìn thấy vị Tam Nhật Minh chủ thuở nào. Có lẽ thiếu gia không nên xem nhẹ chuyện này, trái lại hãy hỏi lệnh tôn cho rõ! Biết đâu...

Bỏ ngang câu nói, thay vào đó là cái chép miệng, có lẽ Chí Nhân nghĩ không nên nói nữa thì hơn.

Sau tiếng thở dài, Chí Nhân chậm rãi bỏ đi...


Khởi Nguyên Mobile

Hồi (1-36)


<