Vay nóng Tima

Truyện:Võ lâm ngũ bá - Hồi 83

Võ lâm ngũ bá
Trọn bộ 86 hồi
Hồi 83: Hạ Đài
5.00
(một lượt)


Hồi (1-86)

Siêu sale Lazada

Vương Xứ Nhất vỗ tay la lớn:

- Tên hòa thượng chó đó đã bỏ qui củ lôi đài rồi, người ta tay không, mà hắn dùng binh khí!

Dưới lôi đài thiên hạ la ầm lên kẻ cười ngạo người la mắng vang rân.

Thổ Lợi Đăng Ma thẹn quá, chống cây thiền trượng nhảy lui lại đằng sau quát lớn:

- Tặc tử, mau chọn binh khí đi!

Khưu Xứ Cơ đảo mình đứng sững bên góc đài phía trái, chống nạnh cười ha hả:

- Muốn ta dùng binh khí à! Được lắm! Bần đạo bên mình sẵn sàng bảo kiếm, song vì bản lãnh của ngươi chưa đủ để đối phó với kiếm thuật của Toàn Chân giáo, vậy ta xin tạm kiếm món binh khí khác nơi đây cho vừa với sức của ngươi.

Nói dứt tiếng, hai chân chàng ấn nhẹ lên mặt đài, dùng thân pháp Hải Yến Lượt Ba như một cánh én lướt trên lượn sóng, vút thẳng lên nóc lôi đài, móc ngược đôi chân qua bức rèm trước cửa, đưa tay giật phăng tấm lụa hoành phi, dài hơn một trượng, rộng chừng một thước, có viết năm chữ "Thiên hạ vô địch thủ".

Bức hoành phi chướng mắt bị Khưu Xứ Cơ giật tuột, thiên hạ dưới đài vỗ tay reo hò ầm ỉ.

Khưu Xứ Cơ lột tấm lụa nắm chặt nơi tay, buông đôi chân phẩy nhẹ tay áo rộng, như một chiếc lá khô rơi nhẹ xuống đài, không một tiếng khua. Chỉ thấy chàng xoắn tấm lụa điều mấy vòng, đã trở thành một sợi dây đai, vắt vào nơi tay, quát lớn:

- Võ công đệ nhất thiên hạ của ngươi đâu? Hãy thử xem sao.

Ngũ Độc Tôn Giả không nói một lời, vận khí lực quật mạnh cây thiền trượng ngang lưng địch thủ.

Khưu Xứ Cơ nắm dải lụa làm binh khí, chờ cho thiền trượng vút qua vừa tới, chàng vung mạnh cánh tay căng căng nội lực khiến cho dải lụa hồng mềm mại bỗng trở thành như một sợi xích sắt to lớn, quấn chặt vào đầu cây trượng, kéo mạnh một cái.

Thổ Lợi Đăng Ma gần vuột đôi tay.

Nhà sư Tây Vực hoảng hồn, dang hai chân ra ráng sức kéo cây thiền trượng lại.

Rất may, nội lực của y cũng thuộc vào hạng khá, cây Long Hổ trượng mới tuột khỏi dải lụa hồng.

Ngũ Độc Tôn Giả vội vàng phản thủ, quét ngược cây thiền trượng trở lại. Cây thiền trượng của Thổ Lợi Đăng Ma qua chưa kịp, bỗng nhiên trước mặt một ánh hồng quang lấp lóe, dải lụa hồng trong tay của Khưu Xứ Cơ thình lình thẳng đứng như một mũi tên lao vút ngay vào mặt.

Ngũ Độc Tôn Giả không ngờ Khưu Xứ Cơ sử dụng chiêu thức quá ư thần tốc, không còn cách tránh đỡ nào khác nữa đành phải cúi rạp mình xuống, gần như bò trên mặt đất để tránh đòn, thế mà vẫn bị chéo góc của dải lụa hồng mang theo kình lực đập trúng vào thái dương bên trái, lỗ tai nổ lùng bùng, trước mắt văng đom đóm.

Lần thứ nhất đến Trung Nguyên thiết lập lôi đài, treo cao bảng Thiên hạ đệ nhất, nhà sư Tây Vực ẩn phục một âm mưu dẫn dụ Trùng Dương tới đả lôi đài, để thi hành độc thủ hạ vị cao hiền của đất Trung Nguyên. Không ngờ hơn một tháng nay, Trùng Dương đâu không thấy mặt, mà đệ tử Toàn Chân lại kéo tới.

Thoạt tiên Thổ Lợi Đăng Ma nghĩ bằng vào bản lãnh của mình sẽ cho bọn đạo sĩ thanh niên này hạ đài trong vài ba hiệp.

Không dè gặp phải Khưu Xứ Cơ mà võ công và nội lực vượt quá sức tưởng tượng của nhà sư Tây Vực.

Nếm qua vài vị đắng cay, Ngũ Độc Tôn Giả không dám khinh thường chậm trễ, lập tức đem Cuồng Quỷ trượng một trượng pháp huyền bí của Tây Vực phái ra thi triển.

Chỉ nghe tiếng gió vù vù, trượng ảnh trùng trùng lớp lớp che kín thân mình. Trước hết lập thế phòng thân, nhiên hậu, tạo đủ mọi cơ hội thi triển bình sinh tuyệt kỹ Hắc Ma Hỉ Nhãn Ly Hồn pháp để chế phục đối phương.

Không ngờ Khưu Xứ Cơ là một nhân vật võ công cao nhất trong hàng đệ tử Toàn Chân giáo, trong tay sử dụng mảnh lụa hồng, lúc mềm lúc thẳng, vung vẩy tung hoành, khi thì như rồng múa trong mây, khi như trường xà uốn khúc, biến đổi chiêu thức uyển chuyển phi thường.

Từng chập từng chập cả Long Hổ trượng cơ hồ bị đoạt bởi dải lụa hồng.

Ngũ Độc Tôn Giả trong lòng bấn loạn, biết rằng cứ theo đà này không sớm thì muộn cũng sẽ bị thảm bại, lão ta quýnh quá liền nghĩ ra một cách đối phó, khạc đầy họng nước miếng phun ngay vào mặt Khưu Xứ Cơ.

Phun đàm giải vào mặt địch nhân, vốn không thể gây thương tích, Thổ Lợi Đăng Ma chỉ cốt làm cho đối phương phân tán tinh thần, lợi dụng lúc đó giở trò Hắc Ma Hỉ Nhãn và Ngũ Độc thần công.

Quả nhiên Khưu Xứ Cơ thấy lão hòa thượng giở thủ đoạn dơ bẩn của trẻ con, chàng gớm quá, vội rút dải lụa trở lui lại đằng sau một bước.

Thổ Lợi Đăng Ma đột nhiên hét lên một tiếng giương năm móng tay nhắm ngay nóc rạp lôi đài nhảy lên bấu ngay trên đó một cái, đồng thời thét lớn:

- Hãy xem cái này!

Phàm những người áp dụng tinh thần công lực nhất định phải làm cho đối phương tập trung chú ý vào con người của mình, hoặc ở một sự vật nào đó, mới có thể dùng nhãn quang khống chế lung lạc tâm não, khiến cho đối phương phải chịu hoàn toàn sự chi phối bởi tinh thần của mình.

Thổ Lợi Đăng Ma làm thế cũng cốt để cho Khưu Xứ Cơ mắc bẫy. Nhưng, trước khi lên đài người đệ tử thứ hai của Toàn Chân giáo chủ đã thấy qua tình hình giao đấu giữa Ngũ Độc Tôn Giả và Cảnh Ngọc Hư, biết rõ nhà sư Tây Vực lén dùng tinh thần công phu để thủ thắng, thì dễ chi bây giờ chàng bị mắc mưu.

Cho nên, chẳng những Khưu Xứ Cơ không ngó theo động tác của đối phương mà lại còn hét lên một tiếng vận đầy nội lực dồn cả lên cánh tay, vung dải lụa hồng thẳng đứng như cây côn, quét phạt ngang vào thân mình của Ngũ Độc Tôn Giả một đường như sét chớp.

Thổ Lợi Đăng Ma không dè kẻ địch chẳng bị dính câu, mà dải lụa lại bay tới như xé gió, lão ta hoảng hồn định đưa thiền trượng lên gạt đỡ, bất thình lình sợi dây lụa của Khưu Xứ Cơ đã bay tới trước quấn cứng cặp giò của Ngũ Độc Tôn Giả, dặt mạnh một cái, ném thân hình của ông ta văng tuốt ra ngoài, như ném củ chùy thung.

Chiếc thân lỏng khỏng của nhà sư Tây Vực như một cây đòn vừa lăn vừa quay tròn trong không khí, vụt thẳng ra khỏi lôi đài, và cứ như thế, quay mãi cho hết đà đâm sầm rớt xuống giữa đám đông khán giả, làm cho ba bốn người ở dưới cũng té theo xây sát cả mặt mày. Thiên hạ ồn ào tán loạn.

Thiết lập lôi đài tại Tương Dương, với Ngũ Độc thần công và tinh thần Hắc Ma Hỉ Nhãn, nhà sư Tây Vực đã bá chiến bá thắng, đánh chết không biết bao nhiêu anh hùng hảo hán võ lâm, không dè trong phút chốc uy danh tiêu tán dưới cánh tay của người đệ tử Toàn Chân giáo.

Thổ Lợi Đăng Ma thẹn quá đâm liều lớp ngóp bò dậy sửa soạn thì lên đài đánh nữa, thì từ sau lưng một giọng lanh lảnh nổi lên:

- Bộ da cọp Thiên hạ đệ nhất vô địch đã bể rồi, bây giờ bị thiên hạ đánh rớt xuống đài lại hóa nguyên hình một chú rùa đen. Còn tính lập đài gì? Đấu môn gì nữa đó?

Giữa không khí om sòm hỗn loạn, giọng nói phát lên cao vút rõ từng tiếng một.

Ngũ Độc Tôn Giả giật mình quay lại, thấy kẻ nói đó là một chàng thiếu niên công tử đầu chít khăn thư sinh, chân mang giày cỏ, trạc mười bảy mười tám tuổi, răng trắng môi hồng dáng cách phong lưu, trên tay đang phe phẩy chiếc quạt nan sắt.

Lạ lùng làm sao! Vừa thấy vị thiếu niên công tử, nhà sư Tây Vực liền tái mặt, cúi đầu lủi tuột vô đám đông mất dạng.

Nguyên người thiếu niên công tử ấy là cháu của Tây Độc Âu Dương Phong. Lúc còn ở Tây Vực Thổ Lợi Đăng Ma đã từng cùng với Âu Dương Phong xảy ra nhiều rối rắm, cho nên lần đến Trung Nguyên này Ngũ Độc Tôn Giả còn có ý tránh né sự lùng kiếm của Tây Độc, nay bất đồ chạm phải Âu Dương công tử, lão ta hoảng hồn rút êm.

Sau khi thấy Thổ Lợi Đăng Ma chạy trốn, cả ngàn người ở dưới lôi đài vỗ tay cười gần bể rạp.

Vương Xứ Nhất, Đàm Xứ Đoan thấy thiếu niên công tử cử chỉ có nhiều khí phách vừa dợm bước định giao lễ, không ngờ Âu Dương công tử nghinh nghinh ngạo mạn không buồn ngó tới một ai, phe phẩy cây quạt sắt, hất mặt hiu hiu đi thẳng.

Chư đệ tử Toàn Chân thấy vị công tử ít tuổi mà lại quá kiêu căng lấy làm ngạc nhiên trố mắt nhìn theo.

Công chúng thấy đài chủ trốn mất, không có gì xem nữa cũng lần lượt tản ra.

Về đến Thuần Dương am, chư tử Toàn Chân xúm lại bàn tán chuyện phá lôi đài.

Khưu Xứ Cơ nói:

- Tên hòa thượng đó bản lãnh tuy có khá, song cũng chưa phải đến bậc thượng thừa, thế mà dám treo bảng thiên hạ đệ nhất vô địch không sợ kích động lòng công phẫn của võ lâm, chắc hắn còn có dụng ý gì khác nữa. Đại sư huynh anh có đoán được điều đó hay không?

Mã Ngọc có vẻ trầm ngâm:

- Lẽ tất nhiên phải có dụng ý, song khó mà đoán chắc được. Nghe đâu hắn ta dựa vào thế của người phú hào họ Cảnh nào đó ở Tương Dương này, tìm hiểu con người đó thì có lẽ sẽ ra manh mối.

Tất cả đều cho là phải.

Vương Xứ Nhất lại nêu thêm một việc:

- Đệ còn thấy một điều lạ hơn trong lúc Thổ Lợi Đăng Ma bị Khưu sư huynh quấn giò vụt xuống dưới đài, thật ra lão ta chưa bị tổn thương, và lại đang sửa soạn nhảy lên giao đấu nữa, bất đồ nhìn thấy gã thiếu niên công tử, lão ta liền biến sắc ôm đầu lủi mất, không nói nửa lời, đó là một chuyện có nhiều uẩn khúc. Gã thiếu niên ấy là ai? Tại sao vừa thấy mặt tên hòa thượng đó lại tỏ vẻ sợ sệt? Chúng ta tìm hiểu khía cạnh này, nhất định sẽ lòi ra nhiều chuyện lạ.

Đang lúc anh em còn bàn luận, chợt trên mái rèm bỗng có tiếng động khẽ.

Đàm Xứ Đoan lập tức đứng lên:

- Ai?

Tiếng trên đầu rèm vọng xuống:

- Võ Đang phái Chưởng môn nhân xin diện kiến.

Mã Ngọc vội vã đứng lên:

- Thật là một điều vinh hạnh. Xin kính mời vào.

Lời nói vừa dứt, ba tiếng gió tiếp theo, từ trên mái rèm ba bóng người vút xuống.

Dẫn đầu là một vị đạo nhân mày thanh mắt sáng trạc độ tứ tuần. Chưởng môn Nam phái Võ Đang, Cảnh Ngọc Hư. Theo sau là hai vị thanh niên tráng sĩ niên kỷ không quá ba mươi.

Bảy người đệ tử Toàn Chân hãy còn nhỏ tuổi. Mã Ngọc vào hàng đại sư huynh cũng chỉ trong khoảng ba mươi, cho nên về mặt nào, Cảnh Ngọc Hư cũng cao hơn một bậc.

Vì lẽ ấy bọn Mã Ngọc nhất tề đứng dậy, thỉnh Cảnh Ngọc Hư, hai vị thanh niên vào nhà cung kính phân ngôi chủ khách.

Khưu Xứ Cơ đứng dậy vòng tay:

- Cảnh chân nhân di giá đến đây, mang cho huynh đệ chúng tôi quá nhiều vinh hạnh. Chẳng hay chân nhân có điều chi dạy bảo?

Cảnh Ngọc Hư thấy đệ tử Toàn Chân đối với mình một mực cung kính, khiến cho ông có vẻ ngại ngùng:

- Chư vị không nên khách lễ! Đây là Bàng Chí Quang và Cốc Triệu Nguyên, đệ tử của bản môn.

Với thái độ thật tình, vị Chưởng môn phái Võ Đang nói tiếp:

- Bần đạo bất tài hôm nay tại lôi đài nếu không nhờ chư vị tá trợ, đã phải táng mạng vì độc thủ.

Khưu Xứ Cơ cung kính:

- Nào phải như thế? Tên tà đạo dùng thủ đoạn quỷ hoặc, chứ phải đâu đạo trưởng đã thất bại bởi võ công? Đó không phải là điều chính đáng.

Cảnh Ngọc Hư gượng mỉm cười:

- Vâng! Cũng có một phần như thế. Đêm nay bần đạo đến đây để hỏi thăm chư vị một chuyện. Hai đêm qua, tại Tương Dương thành này đã mất tích ba người con gái, chẳng hay điều đó chư vị có được tin không?

Mã Ngọc ngạc nhiên:

- Một đợt sóng chưa lặng, thì lại một đợt sóng khác nổi lên. Sự mất tích những thiếu nữ ấy ra sao? Phải chăng nó có liên quan đến lão hòa thượng miền Tây Vực?

Cảnh Ngọc Hư gật gù:

- Điều đó cũng chưa biết chừng. Theo chỗ tôi biết thì những thiếu nữ mất tích đều là những cô gái đẹp. Chuyện mất tích của họ cũng rất nên kỳ quặc, cửa nhà không bị cạy, người ngủ trong nhà cũng không nghe một tiếng động gì. Giống như là bị một thứ phép yêu. Cha mẹ của những cô gái này lại không dám dĩ hơi lậu tiếng, họ cho đó là Ngũ Thông hiển thánh.

Nguyên vì thời đại nhà Tống, cả vùng Giang Nam nhân dân sùng bái thần thánh lắm. Rất nhiều địa phương lập miếu thờ Ngũ Thông Thần.

Truyền thuyết rằng nhà nào có con gái đẹp mà Thần để ý đến, thì những người con gái ấy sẽ đẻ ra những đứa con dị tướng.

Vừa nghe đến chỗ đó Lưu Xứ Huyền đâm bực:

- Cái quái gì gọi là Ngũ Thông Thần?

Nói những điều nhảm nhí!

Mã Ngọc lập tức đưa mắt láy chàng một cái.

Lưu Xứ Huyền biết mình nói lỡ lời, vội vả nín thinh.

Cảnh Ngọc Hư mỉm cười:

- Chúng ta là kẻ hành hiệp giang hồ, đương nhiên không thể tin vào truyền thuyết ma quái ấy. Bần đạo qua bao nhiêu ngày tìm hiểu dò xét, nghĩ rằng những thiếu nữ mất tích trong hai ngày nay, đầu dây mối nhợ chắc dính liền với gã phú hào họ Cảnh và Thổ Lợi Đăng Ma.

Khưu Xứ Cơ kinh ngạc:

- Sao lại có chuyện lạ lùng như thế? Họ Cảnh là một phú hào tại Tương Dương thiếu gì tiền bạc, cần gì phải bẻ hoa bằng cách lén lút như vậy?

Cảnh Ngọc Hư hạ thấp giọng:

- Thực không phải thế, tên phú hào họ Cảnh xuất thân là một người bất chính, một nhân vật lai lịch không được rõ ràng.

Mã Ngọc "à" lên một tiếng:

- Có lẽ! Nhưng y xuất thân bất chính ra sao? Đạo trưởng có thể cho biết được những điều nghe thấy!

Vị Chưởng môn Nam phái Võ Đang liền đem những điều mình biết về tên phú hào họ Cảnh thuật lại cho chư tử Toàn Chân nghe.

Nguyên hắn tên là Cảnh Thiên Kiệt tuy là người Tương Dương, lại là một kẻ lưu manh với hai bàn tay trắng. Hai chục năm về trước, hắn vì không chịu tùng phục gia đình làm ăn lương thiện cho nên mới bỏ Tương Dương, phiêu bạt đi xứ khác. Từ đó người ta không ai biết hắn đi đâu và cuộc sống của hắn cũng không một người nào rõ cả.

Mãi đến hai mươi năm sau, Cảnh Thiên Kiệt mới trở lại Tương Dương.

Lúc ra đi, hắn là một tên lưu manh khố rách, khi trở về thì cả đoàn thê thiếp, tôi tớ đông vầy. Rương tráp hành lý không biết bao nhiêu mà kể. Riêng quần áo không, cũng phải chở bằng mười mấy chiếc xe.

Về đến Tương Dương, tậu liền một lượt mấy tòa trang viện phía Đông thành ngoại và mở tiệc mấy ngày thết đãi thân hữu bạn bè.

Người ta hỏi thăm về đời sống và nơi cư trú trong những năm bỏ xứ của y, thì y cho biết là đi buôn bán làm ăn. Nhưng buôn bán làm ăn cái gì và ở đâu thì họ Cảnh không bao giờ chịu nói.

Từ đó về sau, nhà họ Cảnh luôn có nhiều khách lạ mặt ra vào, toàn là những kẻ tướng mạo thô bạo dữ dằn, không ai biết họ từ đâu đến và họ không có dáng cách của những những tay hào hiệp giang hồ.

Thiên hạ nổi lên bàn tán xôn xao và nhà chức trách địa phương cũng bắt đầu chú ý.

Những tin tức về tình hình đó, Cảnh Thiên Kiệt luôn luôn nắm vững. Khi biết phủ quan có ý nghi ngờ đối với mình, hắn lập tức sửa soạn một số lễ vật trọng hậu, tự thân đến viếng các quan Tri phủ, Thái Thú, Huyện lại.

Lạ làm sao! Qua lần viếng thăm đó, phủ quan đối với hắn, không còn dám điều tra theo dõi chi nữa cả.

Rồi tin tức từ phía sau nha môn đưa ra lại còn lạ lùng hơn nữa, người ta biết rằng những lễ vật mà các quan đã thu của họ Cảnh, đến đêm tháp cánh bay đi mất hết. Mà mỗi một vị quan viên đó lại còn phải bị bay theo một chùm tóc, bảo sao họ chẳng kinh hồn táng đởm. Cho nên tại phủ này, Cảnh Thiên Kiệt chẳng những là một phú hào, mà còn là một nhân vật dị kỳ nữa.

Chư tử Toàn Chân nghe qua lai lịch của Cảnh Thiên Kiệt cũng đều thấy là một con người đáng phải chú ý.

Vương Xứ Nhất nói:

- Đã như vậy, thì việc ba thiếu nữ mất tích nhất định phải có dính với vụ Cảnh Thiên Kiệt rồi, mai chúng ta cứ đến nhà hắn dò la.

Cảnh Ngọc Hư tỏ vẻ mừng rỡ:

- Bần đạo đến đây, hoàn toàn bởi vì việc đó, chúng ta kết hợp cùng một lúc thám do tên phú hào họ Cảnh, nhất định sẽ có nhiều kết quả.

Ngần ngừ giây phút, vị Chưởng môn Nam phái Võ Đang nói tiếp:

- Có một điều nữa bần đạo muốn hỏi chư vị, chẳng hay tôn sư là ai, có thể cho biết được chăng?

Mã Ngọc trang trọng:

- Chúng tôi đều là đệ tử của Toàn Chân giáo, gia sư là Chưởng giáo Vương Trùng Dương.

Cảnh Ngọc Hư vòng tay cung kính:

- Thì ra lệnh sư là Thiên hạ đệ nhất võ công, lẽ tất nhiên quý vị là những môn đồ xứng đáng. Bần đạo đã thất lễ rồi.

Bọn Mã Ngọc hết sức từ tốn khiêm nhường. Đôi bên đàm đạo thật tâm đầu ý hợp.

Riết cho đến vừng đông ló dạng tiếng gà báo sáng khắp nơi, vị Chưởng môn phái Võ Đang mới cùng hai người đệ tử giã từ.

Chư tử Toàn Chân tiễn chân ra cửa.

Tối ngày hôm đó, mây mờ bao phủ, che khuất ánh sao thưa, các môn đệ Toàn Chân chuẩn bị khởi hành.

Chỉ chừa lại Đàm Xứ Đoan, Lưu Xứ Huyền ở lại Thuần Dương am, còn tất cả đều phi thân lướt qua tường thành Tương Dương phủ.

Phút chốc đã có mặt ngoài trang viện của tên phú hào họ Cảnh.

Chiếm một khóm đất mênh mông, trang viện nhà cao vòi vọi, phòng ốc lớp lớp như răng lược. Nhà nhà sơn phết trang hoàng đẹp đẽ như nhà quan.

Cách cổng rào còn một đỗi xa xa, Vương Xứ Nhất chợt đưa tay chỉ xéo về một bên trang viện:

- Sư huynh! Mau xem kìa, có bóng kẻ dạ hành xâm nhập vào trang viện.

Mã Ngọc ngẩng đầu, quả nhiên phía Đông Bắc trang viện có ba bóng người đang vượt khỏi vòng tường, trong nháy mắt không còn thấy nữa. Thân pháp của họ mau lẹ dị thường, chứng tỏ thuật khinh công trác tuyệt.

Xích Đại Thông nói:

- Phải chăng đó là người của Võ Đang phái?

- Chưa biết chắc! Chúng ta cứ thận trọng là hơn.

Bọn Mã Ngọc tiến sát đến bên tường, ném mấy viên đá vào dò dẫm, thấy bên trong không có phản ứng bèn lần lượt phóng qua.

Với thuật khinh công tuyệt kỹ, không mấy chốc năm người đã lọt vào nội viện.

Bên trong đại sảnh đèn đuốc huy hoàng, tiếng người ồn ào phát ra từng chập... Hình như đang tụ tập một số đông người.

Mã Ngọc dẫn đầu nhảy lên mái ngói, theo những miếng kiếng để thu ánh sáng dòm vào đại sảnh, thấy một đám đông người đang quây quần ăn uống. Ở giữa, nơi ngôi vị chủ nhân là một vị trung niên ăn mặc theo lối viên ngoại, vóc mình cao lớn mập mạp, da dẻ hồng hào. Sau lưng có hai tên tiểu đồng đứng quạt hầu. Đích thị là vị phú hào Cảnh.

Cùng tiệc, đều là những người tráng lực, ăn vận theo lối giang hồ, cao thấp mập ốm không đều, giọng nói toàn là dân Hồ Bắc.

Mã Ngọc có phần thất vọng, chợt nghe họ Cảnh lên tiếng:

- Thổ Lợi đại sư có về chưa nhỉ?

Mấy người ngồi bên trái lắc đầu:

- Sau khi lìa khỏi lôi đài không thấy trở lại. Có lẽ vì bị người đánh bại, về sợ mất mặt với Viên ngoại gia gia đi chăng?

Cảnh Thiên Kiệt cau mày:

- Thắng bại là chuyện thường của con nhà võ, vừa mới bị sơ một trận mà đã dông rồi, thì làm sao hoàn thành việc lớn của Lang chúa giao phó.

Vừa nghe đến hai chữ "Lang chúa", Khưu Xứ Cơ bỗng giật mình.

Nguyên vì Lang chúa là tiếng xưng Hoàng đế của nước Kim, đồng nghĩa với những tiếng Hoàng thượng, Thiên tuế, Bệ hạ ở Trung Nguyên vậy.

Lúc bấy giờ Hoàng đế nhà Kim là Hoàng Nhan Lượng đang tích thảo dồn lương với dã tâm qua sông đánh Tống, để thu một phần đất cuối cùng trong giải Giang Nam, mặc dù ngoài mặt hiện đang cùng với Tống triều giao hảo.

Nên khi nghe mấy lời của gã phú hào họ Cảnh, chư tử Toàn Chân chợt hiểu ra rằng họ Cảnh là một loại chó săn của nước Kim nuôi dưỡng, hắn trở lại Tương Dương là để làm nội ứng cho quân Kim.

Lại nghe Cảnh Thiên Kiệt nói:

- Lần này ta mời Thổ Lợi đại sư đứng giữ lôi đài, treo bảng Thiên hạ đệ nhất vô địch, chính là để câu nhử anh hùng, dẫn dụ nhưng kẻ có chân tài bản lãnh, để hoàn thành việc lớn của Lang chúa giao phó. Không ngờ lão ta là hạng vô dụng, mới vừa thất bại một tí là đã lủi trốn đi mất. Nuôi quân ngàn ngàn dùng trong một thuở, mà lão ta lại như thế thật là cho ăn uổng phí.

Quần hùng trong tiệc, nghe lời lẽ của chủ như thế cũng hùa theo, mỗi người một tiếng, chỉ trích Thổ Lợi Đăng Ma không còn sót một chỗ nào.

Bỗng từ trên mái ngói kế bên, nổi lên một giọng rờn rợn:

- Hùa gió bẻ măng, đâu có phải thái độ người hào kiệt! Bần tăng bất tài, đã làm mất mặt Viên ngoại gia gia, nhưng bần tăng tự vấn lương tâm, cũng chưa đến đỗi không dám nhìn nhân vật Giang Nam kia mà. Bần tăng vẫn tới đây.

Dứt lời không khí như vẹt ra, Thổ Lợi Đăng Ma đã nhảy vút vào bữa tiệc.

Chúng nhân đều tái mặt không biết lão đến tự bao giờ.

Chư vị đệ tử Toàn Chân cũng không ngờ Thổ Lợi Đăng Ma lại tự nhiên đến một cách thình lình không nghe một tiếng động.

Nhà sư Tây Vực trầm trầm sắc mặt, bộc đầy tràn nội khí. Nhưng hình như lão ta cố gắng dằn lòng, bước tới trước mặt Cảnh Thiên Kiệt, vòng tay:

- Viên ngoại gia gia, chỗ giao tình của chúng ta bắt nguồn từ mệnh lệnh của Lang chúa, đó cũng là một điều hay. Không ngờ bần tăng đã gây việc phiền lòng cho Viên ngoại, quả thật là mang lỗi quá nhiều! Vậy bây giờ bần tăng xin cáo biệt, hẹn có ngày gặp lại.


Đấu Thần Tuyệt Thế

Hồi (1-86)


<