Vay nóng Tima

Truyện:Anh hùng Đông A gươm thiêng Hàm Tử - Hồi 02

Anh hùng Đông A gươm thiêng Hàm Tử
Trọn bộ 61 hồi
Hồi 02: Văn Nghệ Thời Đông A
0.00
(0 lượt)


Hồi (1-61)

Siêu sale Lazada

– Có lẽ phụ hoàng cũng như triều đình sợ anh ấy nghĩ mình cũng là cháu vua Lý Huệ tông. Anh ấy sẽ vận động với Mông cổ, xin phong vương rồi về tranh dành ngôi vua với Thái tử Hoảng.

– Em thì em nghĩ khác.

– Nghĩa là?

– Phụ hoàng cũng như triều đình thấy anh là người trung hậu, không thích quyền hành, mà chỉ nghĩ đến Xã Tắc, nên cử anh đi mà không sợ Mông cổ phong cho anh làm An Nam quốc vương, rồi về tranh ngôi vua. Lại nữa, triều đình Mông cổ không thiếu gì văn quan, võ tướng là tinh hoa của Tống, Liêu, Kim, Tây hạ, Tây vực. Nếu cử anh Quốc Khang sang làm con tin, thì anh chỉ là một cục bột, ngồi ở Hoa lâm mà thôi. Vì vậy người mới cử anh sang, Mông cổ sẽ trọng dụng tài của anh. Anh làm quan cho Mông cổ thì Đại Việt mới có lợi.

Vương suy nghĩ một lát rồi tiếp:

– Vả chú Hoảng vốn có chân mệnh đế vương từ nhỏ. Truyện như thế này. Năm chú Hoảng bẩy tuổi bị bệnh sốt mê man, mắt trợn ngược. Hoàng hậu cùng phi tần tưởng hoàng tử sắp hoăng, hậu nhờ Huệ Túc phu nhân là người bút mặc văn chương đề bài chủ để thờ. Huệ Túc phu nhân xem số Tử vi của hoàng tử rồi quẳng bút từ chối rằng:

“ Thần tính số của Hoảng, thấy sống rất thọ, không thể chết non. Hơn nữa đây là một vị minh quân của Đại Việt sau này. Hiện Hoảng đang gặp hạn Bạch hổ ngộ Kị, thì chỉ bệnh nặng mà thôi”. 

Thuận Thiên hoàng hậu hỏi:

“ Bao giờ thì Hoảng khỏi?”. 
“ Tâu, ngày mai giờ Ngọ”. 

Phụ hoàng cầm áo long bào để bên chú Hoảng, rồi tuyên:

“ Nếu tỉnh dậy thì cho áo này. Sau sẽ được truyền ngôi”  

Quả nhiên giờ Ngọ hôm sau hoàng tử Hoảng tỉnh dậy. Phụ hoàng mới lập làm Thái tử. Hơn nữa chú Hoảng từng cầm quân thắng Mông cổ ba trận lớn, trong đó có trận tái chiếm Thăng long. Vì vậy phụ hoàng mới truyền ngôi cho chú ấy.

Vương phi Ý Ninh à lên một tiếng, rồi hỏi tiếp:

– Em nghe mối tình của Phụ hoàng với mẫu thân đẹp vô cùng. Các danh sĩ không tiếc lời ca tụng. Sư phụ nói: mối tình đã làm thay đổi toàn bộ luân lý Đại Việt. Họ còn nói, mối tình của phụ hoàng với mẫu thân, khiến cho toàn quốc rộ lên phong trào thượng tôn văn học, đàm văn, luận phú, quý trọng ca xướng. Sở dĩ các lộ, các trấn, các phủ, các huyện dĩ chí các xã đều cho mở quán văn, là do mối tình này. Anh thuật cho em nghe đi.

Vũ Uy vương khoan thai thuật:

– Mẫu thân anh họ Mai, tên Đông Hoa, xuất thân làm con hát ở phường Tây hồ.

Vua Thái tông gặp bà Mai Đông Hoa trong trường hợp nào? Đây là mối diễm tình được ca tụng đẹp nhất triều Đông A, được huyền thoại cho đến nay. Tra trong các bộ sử thì không hề thấy nói đến, nhưng gia phả các chi họ Trần thì chép đầy đủ. 
Nguyên hồi Chiêu Thánh hoàng hậu Lý Chiêu Hoàng 19 tuổi vẫn chưa có hoàng nam. Thái sư Trần Thủ Độ ép nhà vua phế hoàng hậu xuống làm công chúa, rồi đem vương phi của An Sinh vương Trần Liễu vào cung vì vương phi đã có thai ba tháng (1237). Nhà vua buồn rầu, thường giả làm nho sinh, cùng viên thái giám thân tín tên Đại Lực trốn ra ngoài thành Thăng long thăm dân cho biết sự tình. Một lần người tới phường Tây hồ chơi, vào một Quán văn.   
Chủ quán thấy một thiếu niên anh tuấn, thân thể hùng vỹ, cùng một gia nhân theo hầu, thân thể to như ông hộ pháp. Cả hai đi ngựa, trang phục như nho sinh, thì biết đây là giới tao nhân mặc khách. Ông vội vàng ra mời vào. 
 Trong quán có một kệ xếp rất nhiều sách. Giữa quán một lư hương khói tỏa hương thơm ngát. Khách khá đông, hơn trăm ghế ngồi gần như kín hết. Tất cả đang nghe một thầy đồ giảng sách. Thầy đồ say xưa thuật đoạn bà Trưng Nhị cùng cùng các nữ tướng Hồ Đề, Trần Năng, Phật Nguyệt, và nam tướng Lạiï Thế Cường đánh chiếm Trường sa. Đến chỗà bà Trần Thiếu Lan tử trận, thầy ngừng lại: 
– Hôm nay xin ngừng ở dây. Ngày mai tôi sẽ thuật tiếp đọan vua Trưng cùng 162 anh hùng họp nhau tại Mê linh tuyên bố khởi nghĩa. 
Thính giả vỗ tay hết tràng này, đến tràng khác. 
Thầy đồ chỉ tay vào chủ quán: 
– Xin giới thiệu với chư vị, đây quán chủ. Quán chủ họ Lý tên Tín, là thầy đồ dạy học tại trường huyện Thọ xương. 
Lý Tín chắp tay vái khách: 
– Thưa chư vị hiền nhân quân tử. Sau mục kể truyện anh hùng, thiểm quán kính mời quý khách thưởng thức âm nhạc. 
Một toán sáu người từ phòng trong bước ra, gồm ba nam, ba nữ. Tất cả đều còn trẻ. Người đàn ông lớn tuổi nhất đánh trống mảnh. Hai người đàn ông còn lại, một người vỗ trống cơm, một người thổi sáo. Hai người đàn bà, một người kéo nhị, một người gảy đàn. Ca nhi là một cô gái, bên trong mặc áo cánh nhiễu tím, khoác ngoài áo tứ thân kết hai mầu hồng nhạt, xanh lá mạ non, dây lưng cũng hai mầu như áo; váy lụa đen dài che lấp chân. Khăn mầu tím, đuôi gà dài phía sau gáy. Cả toán nghiêng mình chào khách, rồi ngồi lên chiếc sập. 
Vừa trông thấy đào hát, nhà vua dã choáng váng, đó là một thiếu nữ tuổi khoảng mười sáu, mười bẩy, dáng người thanh lịch, nhan sắc diễm lệ. Mặc dù trong cung, nhà vua đã có hoàng hậu, nhiều phi tần là tiểu thư con các quan; triều đình còn lệnh cho các phủ huyện tuyển những thiếu nữ đẹp nhất đem vào cung làm cung nga. Thế nhưng lần này nhà vua thấy một thiếu nữ có nhan sắc diễm ảo, như có như không; lại hát hay, thì ngài rung động mãnh liệt. Nhà vua than thầm: 
– Tại sao trong hậu cung mình không có những mỹ nữ như cô gái này? Tại sao trong ban nhạc Cung đình của mình không có những ca nhi giọng hát tuyệt vời như thế này? 
Nhà vua nhìn cô gái như ngây, như dại. Giọng cô gái trong, nhuyễn như nhung. Cô vừa hát, vừa liếc mắt, nghiêng nghiêng đầu, sóng mắt long lanh. Thỉnh thoảng cô lại mỉm cười. Sau bản hát, cô cầm cái rá đi một vòng xin tiền. Người người đều cho tiền. Thường thì mỗi người cho một đồng, hai đồng. Thỉnh thoảng có người cho ba đồng. Khi cô gái tới trước nhà vua, nhà vua sờ tay vào túi, nhưng có bao giờ nhà vua tiêu tiền đâu mà mang theo? Cô gái thấy nhà vua móc hết túi ngày đến túi khác mà không có tiền thì mỉm miệng cười chờ đợi. Cô cất tiếng hát: 

“ Tây hồ sóùng vỗ lăn tăn,

Quân tử như ánh trăng rằm đêm thâu”.

Nhà vua quýnh quá, ngài tháo sợi dây chuyền bằng vàng đeo trên cổ, có mang tượng Quán Thế Âm bằng ngọc đỏ chói. Ngài nắm lấy tay nàng, đặt vào: 
– Tiên cô ơi! Đây là kỷ vật của tôi, được một vị cao tăng tặng, với lời cầu nguyện rằng tôi luôn được đức Bồ Tát phù hộ. Nay tôi biếu tiên nga, cũng ước mong tiên nga được Quán Thế Âm che chở. 
Xung quanh có hằng trăm người, ai cũng mở to mắt nhìn viên nho sinh hào phóng. Sợi dây ít ra đến hai lượng vàng, với tượng Phật bằng ngọc, rẻ ra cũng trên năm lượng nữa. Thời bấy giờ giá một lượng vàng là hai trăm quan tiền. Mỗi quan là sáu trăm đồng. Cô đi hát cả tháng may ra mới được một quan tiền. Bây giờ cô gặp một nho sinh hào phóng cho cô món quà quá lớn. Cô nhìn nho sinh: dáng người hùng vĩ, mặt đẹp như ngọc, tiếng nói uy nghiêm mà đầm ấm.  
 Cô gái còn đang ngỡ ngàng, thì nhà vua đã đeo sợi dây vào cổ cô, rồi hỏi: 
– Cô ơi, cô có thể cho tôi biết khuê danh được không? 
– Dĩ nhiên là được! Đa tạ nhã lượng quân tử, em họ Mai, tên Đông Hoa. Để đáp lại tri âm em xin hát một bài nữa mong công tử ban cho nhất cố Chu Lang. 
Tiếng nói của Đông Hoa thanh tao, nàng còn biết dùng điển nhất cố Chu Lang, chứng tỏ nàng cũng thuộc giới bút mặc văn chương. Điển này như sau: thời Tam quốc bên Trung nguyên, Đại Đô đốc Ngô là Chu Du. Du lĩnh chức đô đốc khi còn trẻ, tính khí hào phóng, nhã lượng, cao trí, lại là một mỹ nam tử; Du rất giỏi âm nhạc. Tại tư dinh Du có một đội nhạc đến hơn trăm người, xử dụng đủ mọi thứ nhạc khí. Với hơn trăm âm thanh cùng vang lên, mà mỗi khi một người tấu lạc nhịp, hoặc sai, là Du biết ngay ai, ngồi chỗ nào, Du đưa mắt nghiêm khắc về phía người đó. Người nào tấu xuất sắc, Du hướng mắt về người ấy mỉm cười tỏ ý khen ngợi. Vì vậy sau này giới bút mặc văn chương dùng điển nhất cố Chu Lang để chỉ tri âm, tán thưởng. 
Nhà vua vốn là người tinh thông âm luật, không nhạc khí nào mà không xử dụng thành thạo. Nhà vua cầm ống tiêu đưa lên môi thổi. Âm thanh cao vút như hòa vào những sợi tơ trời. Đông Hoa cương: 

“Em là con gái Thăng long,

Em nghiêng nghiêng nón, ấy y a, nước sông dạt dào”.

Đông Hoa mời nhà vua về nhà chơi. Cha mẹ nàng vốn là nghệ nhân, nếp sống không khép kín như những gia đình khác. Cả hai tiếp nho sinh với tất cả thịnh tình. Ông bà hỏi lý lịch, nhà vua xưng là nho sinh học trường Quốc tử giám tên Nhật Duy. 
Từ đấy khi thì hai ngày, khi thì ba ngày, nhà vua lại ra nhà Đông Hoa tấu nhạc cho nàng hát.  
Cạnh nhà Đông Hoa có một thầy đồ dạy học ở trường huyện Thọ xương tên Lý Tín. Thầy Tín rất uyên bác, đứng chủ trương quán văn Tây hồ. Thấy Đông Hoa hát hay, thông minh, lại có nhan sắc, ông dạy riêng Đông Hoa học tại nhà. Vì Đông Hoa đẹp, hát hay, nên nhiều khách đa tình thường lai vãng tới quán văn Tây hồ cầu thân. Nhưng khi tiếp xúc với họ, ông thấy đó chỉ là những gã nhà giầu, hoặc công tử văn không thông, võ không thành. Bây giờ thấy nho sinh Nhật Huy gần như thường trực tới quán văn Tây hồ dự các buổi giảng sách, nghe nhạc. Nhật Duy rất hào phóng với các thầy đồ giảng sách, cũng như những con hát. Nhật Duy lại hay tới nhà Đông Hoa chơi. Ơâng cho rằng Nhật Duy cũng thuộc phường tham dâm, hiếu sắc mà thôi, chứ không phải học sinh trường Quốc tử giám. Không chừng một công tử nào đó muốn bỏ tiền ra mua Đông Hoa. 
Nhưng sau những lần gặp nhau, thầy Tín thấy dung quang Nhật Duy khác phàm, kiến thức bao la, hai người thường đàm đạo quốc sự, văn chương, thi phú cho đến kinh Phật. Nhật Duy luận như mây trôi, nói như suối tuôn. Lý Tín khâm phục nho sinh Nhật Duy uyên bác. Ông khuyên cha mẹ Đông Hoa chiêu Nhật Duy làm rể. 
Một bên là một ca nhi sắc nước hương trời, thuộc nòi tình, hưởng tính lãng mạn của cha mẹ. Một bên tuy làm vua, đang độ 20 tuổi; nhưng từ bé bị giáo huấn trong lễ giáo khắt khe. Bây giờ được mang lốt nho sinh, bao nhiêu sợi dây luân lý ràng buộc bị cắt đứt.  
Đông Hoa mang thai.  
Giữa lúc đó nhà vua bận quốc sự hơn ba tháng không ra quán văn Tây hồ cũng như đến nhà thăm nàng.  
Thời bấy giờ con gái chưa chồng mà mang thai, như một tin trấn động, như ngọn núi lửa nổ tung. Bố mẹ nàng sẽ bị làng xã bắt khoán, nhục nhã vô cùng. Thầy Lý Tín cho rằng Nhật Duy là phường hoa bướm, con nhà giầu, chơi hoa rồi vứt bỏ. Ông dẫn cha mẹ Đông Hoa đến trường Quốc tử giám kiện nho sinh Nhật Duy. Nhưng quan Quốc tử giám tư nghiệp tra danh sách, không có một học sinh nào tên Nhật Duy cả. Ông ra lệnh cho phủ thừa Thọ xương truy bắt Nhật Duy về hai tội: giả học sinh Quốc tử giám và thông dâm với gái chưa chồng mang thai. 
Một buổi tối, nhà vua cùng viên Thái giám Đại Lực ra phường Tây hồ gặp Đông Hoa. Khi vừa tới sân nhà nàng, thì một Ngũ (5 người) lính dàn ra bao vây. Tất cả được võ trang đoản đao. Thầy đồ Tín, bố mẹ Đông Hoa và nàng cùng ra sân xem. Hai người lính vung đao bắt chéo nhau trước mặt nhà vua. Phản ứng tự nhiên, thái giám Đại Lực chĩa ngón tay chỏ điểm một cái. Hai thanh đao vuột khỏi tay hai người lính, bay lên cao, cắm vào thân cây muỗm. 
– Không được vô phép! 
Viên thái giám quát lên rồi vung tay một cái nữa, hai người lính bay ra xa ước hơn hai trượng, rơi xuống như tự nhảy lùi vậy. 
Thấy thủ pháp của Đại Lực, viên Ngũ trưởng biết dù cả Ngũ của y cũng không địch nổi người này. Tuy vậy y cũng hô lên một tiếng, cả Ngũ phu vung đao vây quanh nhà vua. Y hỏi: 
– Trong hai người, ai là nho sinh Nhật Duy xưng là học trò Quốc Tử Giám? 
Đại Lực chỉ nhà vua: 
– Là chủ nhân của tôi. 
Giọng viên Ngũ trưởng có vẻ khách khí: 
– Trông phong thái hai vị đều là người có lai lịch, sao lại đả thương binh lính của đức vua! 
Đại Lực hỏi đám binh: 
– Này các em, ta có làm em nào bị thương đâu mà Ngũ trưởng của các em bảo ta đả thương các em? 
Y hỏi viên Ngũ trưởng: 
– Người là Ngũ trưởng của Vệ Thọ xương, người phải biết luật chứ? Luật của đức vua rất nghiêm, khi muốn bắt một học sinh trường Quốc tử giám thì ít nhất phải có sự chứng kiến của một vị Kinh diên quan! Các người đi bắt chủ nhân tôi, mà không có Kinh diên quan chứng kiến thì là một điều sai luật. Các vị chưa xác định cái người mà người định bắt có đúng là tội nhân mà quan trên muốn bắt không mà đã dùng đao đe dọa là hai điều sai luật. Vì vậy tôi phải chống lại. 
Nói rồi Đại Lực vung tay lên liên tiếp, không ai nhìn rõ y ra chiêu gì, kình lực ra sao, mà mỗi chiêu một người lính bay ra đường. Người nào cũng như bị nhắc lên rồi đặt xuống vậy. 
Trong khi Đại Lực biện luận với viên Ngũ trưởng, thì nhà vua vào nhà Đông Hoa. Nhìn sắc mặt cha mẹ nàng, Lý Tín, nhà vua thấy dường như họ có điều gì lo lắng. Còn chính Đông Hoa thì đang ôm mặt khóc. Nhà vua hỏi: 
– Hoa! Cái gì đã xẩy ra? 
Đông Hoa thuật lại thảm trạng trong ba tháng mà nàng phải chịu đựng, nồi nàng chỉ ra sân: 
– Bây giờ Đại Lực lại đánh lính của phủ Thọ xương thì tai họa sẽ vô cùng lớn lao! 
Đại Lực trở vào đứng sau nha vuà. Y nhìn Đông Hoa mỉm cười: 
– Cô ơi! Tất cả những gì cô nương coi là khổ ải, chủ nhân tôi sẽ giải quyết. Tôi nói thực cho cô nương biết một điều: hiện tất cả giai nhân trong nước đều ước mơ diện kiến chủ nhân tôi, dù chỉ một lần, mà không bao giờ toại nguyện. Còn cô nương, cô nương được sủng ái cùng cực, mà cô nương không biết. 
Đông Hoa vẫn không yên tâm: 
– Trước mắt, tôi đang bị làng bắt khoán, vì gái chưa chồng mà chửa. Tiền đâu tôi nộp cho làng? Bây giờ làng xóm chê cười, tôi làm khổ cha mẹ tôi… 
Đến có tiếng trống, thanh la dẹp đường, rồi bốn thị vệ hộ tống một vị văn quan ngồi trên kiệu tới. Ngũ binh cũng trở lại. Viên quan hỏi Ngũ trưởng: 
– Người xưng là Nhật Duy, học sinh trường Quốc tử giám đâu? 
Viên Ngũ trưởng chỉ vào trong nhà: 
– Bẩm Thái phó, cái người trẻ quay lưng lại kia là Nhật Duy, còn cái người khoanh tay đứng hầu sau Nhật Huy đã đánh bọn tiểu nhân. 
Viên Kinh diên quan vừa trông thấy Đại Lực thì thất kinh: 
– Đại… đại… Lực Tổng Công công! Sao, sao? 
Đại Lực xua tay ra hiệu, ngụ ý xin đừng nhiều lời, rồi chỉ vào nhà vua, lên tiếng: 
– Kính chào Phạm sư phó. Chủ nhân của tiểu nhân là Nhật Duy, đang bị lính của phủ thừa Thọ xương bắt tội. Sư phó là thầy của chủ nhân, xin sư phó phát lạc vụ này cho. 
Vị Kinh diên quan đó là Phạm Kính Ân, hiện là Quốc tử giám tế tửu, lĩnh chức Thái phó, thường giảng sách cho nhà vua. Tước của ông tới Công. Vì ra vào hoàng cung thường ngày, nên ông đã gặp quan Tổng Thái giám Đại Lực. Theo quan hàm thì tước Công, lĩnh hàm Thái phó, kiêm Quốc tử giám tế tửu của ông cao hơn tước Hầu, Tổng thái giám năm bậc. Nhưng quan xa, không bằng lính gần. Đại Lực luôn hầu cận nhà vua, nên được nể nang hơn. Hôm nay ông nghe báo có một người xưng là học sinh Quốc tử giám, thông dâm với con gái lương dân, lại dám chống lại lính của phủ thừa Thọ xương. Ông phải đích thân bắt người giả học trò Quốc tử giám ấy. Không ngờ tới đây, chỉ cần thấy Đại Lực, thì ông biết người xưng là nho sinh Nhật Duy chính thị đức vua. Trong những lần giảng sách cho nhà vua, ông từng nghe nhà vua thuật lại nhiều lần ra ngoài Kinh thành thăm dân cho biết sự tình. Vốn cực kỳ thông minh, ông biết ngay người xưng nho sinh Nhật Duy, chính là nhà vua. 
Ông vẫy tay cho bốn viên thị vệ, cùng Ngũ lính Thọ xương: 
– Các người lui ra, canh gác bên ngoài! Mọi việc ở đây do ta phát lạc. 
Nhà vua chỉ Đông Hoa rồi vái Phạm Kính Ân: 
– Thưa thầy, con với tiểu cô nương đây quả có chút duyên giai ngẫu. Mong thầy tác thành cho. 
Phạm Kính Ân biết nhà vua là người quang minh, thượng tôn luật pháp, ngài muốn ông xử vụ này như xử học sinh Quốc tử giám thực. Ông chỉ nhà vua: 
– Vị này là một quý nam tử, học trò của tôi, địa vị tôn quý, không phải phường tham dâm, hiếu sắc. Con gái ông bà không chọn lầm người đâu. 
Ông vẫy một viên thị vệ: 
– Người gọi Đại tư, Câu đương xã Thụy hương đến gặp ta gấp.  

Chú giải,

Quốc tử giám, Đại học Hoàng gia, được thành lập đầu tiên vào thời vua Lý Nhân Tông (1070), để dạy con, cháu nhà vua, con các đại thần. Trường cũng dành cho những học sinh ưu tú ngoài dân dã vào học, chuẩn bị thi Thái học sinh (Tiến sĩ). Học chế đời Trần như sau: mỗi làng, xã đều có thầy đồ dạy học hoặc ăn lương vua, hoặc không. Những học sinh xuất sắc làng-xã được tuyển vào học tại trường phủ-huyện. Mỗi phủ-huyện có một hay hai học đường. Học đường thiết lập ngay trước nha môn (văn phòng huyện). Nhà vua ban sắc chỉ bổ nhiệm những nho sĩ có văn tài lĩnh chức Huấn đạo phụ trách học đường. Chức Huấn đạo uy quyền rất lớn, ngang với quan phủ-huyện. Thầy dạy tại học đường song song với vị Huấn đạo, còn có rất nhiều các thầy của làng xã. Vị Huấn đạo ngoài việc phụ trách giảng dạy học sinh, còn trách nhiệm trông coi việc thi hành giáo dục dân chúng, bảo vệ luân lý, lễ nghi, phong tục trong quản hạt.

Những học sinh phủ-huyện giỏi, được tuyển vào Quốc tử giám học, chuẩn bị thi Thái học sinh. Học sinh học Quốc tử giám được triều đình nuôi, đài thọ ăn ở. Khu Quốc tử giám nay là khu Văn miếu Hà nội.

Quốc tử giám tế tửu, tức Viện trưởng Đại học hoàng gia. Thường thì quan Thái phó kiêm nhiệm.

Kinh diên quan, giáo sư trường Quốc tử giám. Vị này còn phụ trách giảng sách cho nhà vua. Tức ông thầy của vua.

Đại tư, chức quan đời Trần, do dân một xã bầu lên, rồi được triều đình ban sắc công nhận. Tương đương với ngày nay là chủ tịch hội đồng nhân dân xã. Hưởng lương xã.

Câu đương, chức quan đời Trần coi về phòng vệ, an ninh xã. Chức này do quan phủ hay huyện bổ nhiệm. Tương đương với ngày nay là chỉ huy dân quân xã. Hưởng lương xã.

 Viên Thị vệ vừa quay ra thì Đại tư, Câu đương xã Thụy hương đã tới. Hai người thấy Phạm Kính Ân thì vái dài: 
– Tiểu nhân xin ra mắt Thái phó. 
Phạm Kính Ân cho hai người ngồi, rồi ông chỉ nhà vua với Đông Hoa: 
– Tôi lĩnh Quốc tử giám Tế tửu. Tôi tới đây vì mối lương duyên của một học sinh với giai nhân xã Thụy hương. Tôi xin đứng ra tác thành cho mối lương duyên này. Tuy nhiên Nhật Duy với Đông Hoa đã phạm lỗi, vì chưa cheo cưới mà đã gần nhau đến mang thai. Phép vua, thua lệ làng, vậy Đại tư cho biết, xã sẽ phạt như thế nào? 
Đại tư chắp tay: 
– Về cô gái, sẽ bị bắt khoán 15 quan tiền, bị đánh 20 roi mây giữa chợ. Nếu cô gái có tiền nộp thêm 5 quan thì miễn đánh đòn. 
– Vậy còn người con trai? 
– Nếu là con trai trong xã phải làm việc công 20 ngày. Nếu có tiền nộp thay thế thì phải 10 quan. Còn con trai xã khác, bắt buộc nộp phạt 20 quan tiền. 
Kính Ân tuyên án: 
– Nho sinh Nhật Duy đã trên 20 tuổi, nhà lại khá giả, phải nộp khoán cho mình và cho Đông Hoa. Tổng cộng 40 quan tiền. Nhưng vì là học trò giỏi bậc nhất trường Quốc tửû giám, nên phải nộp khoán gấp đôi, tức 80 quan tiền. 
Tổng Thái giám Đại Lực móc trong túi ra một lượng vàng trao cho Đại tư: 
– Thôi thì tôi xin nộp một lượng vàng thay chủ nhân. Một lượng ăn 200 quan tiền. Như vậy dư ra 120 quan. Trong xã Thụy hương có đền thờ thánh Chèm, tôi xin gửi 120 quan nhờ xã tu bổ đền thờ ngài.  
Đại tư tiếp vàng, lòng mừng chi siết kể. 
Phạm Kính Ân hỏi bố mẹ Đông Hoa: 
– Sự cố của con gái ông bà quả có làm ông bà phiền lòng, nhưng đây là mối lương duyên giai ngẫu giữa danh sĩ với giai nhân. Thời Lý, vua Thánh Tông chẳng từng thăm dân rồi gặp một gai nhân, sau ngài phong cho giai nhân ấy tước Ỷ Lan phu nhân đó sao? Ỷ Lan sinh ra vua vua Nhân Tông, vua tôn mẫu hậu là Linh Nhân hoàng thái hậu. Truyện cũ sáng như trăng rằm. Bây giờ Nhật Duy với con của ông bà như ván đã đóng thuyền, gạo đã thổi thành xôi, ông bà có bằng lòng gả Đông Hoa cho Nhật Huy không? 


Đền thờ thánh Chèm (Lý Thân) tại xã Thụy Hương, Hà nội (Hình VN santé)


– Đa tạ sư phó tác thành cho. 
– Ông bà có đòi dẫn cưới gì không? 
– Được rể quý, tôi xin cho không cháu Hoa. 
– Đông Hoa đẹp đến như thế kia, lại đàn ngọt, hát hay thì đáng xây nhà vàng cho ở; cho không thế nào được. Lễ dẫn ít ra nghìn lượng vàng, nghìn tấm lụa, trăm thúng gạo, chục trâu bò. 
– Dạ quá… lớn, sợ phúc đức nhà tôi không tới. 
Phạm Kính Ân bấm đốt ngón tay: 
– Ngày 3 tháng sau là ngày tốt. Ông bà đợi Nhật Duy chuần bị, dẫn cưới rồi sẽ xin rước dâu. 
Tối hôm đó nhà vua về Hoàng thành. Ngài biết Thái hậu ( bà Trần Thừa) không thể chấp nhận cuộc hôn nhân này. Nhà vua tìm đến cung Tuyên minh thái hoàng thái hậu (bà Trần Lý, bà nội nhà vua), thú thực về truyện Đông Hoa. Tuy uy quyền của Thái hậu hiện tối cao trong cung, nhưng bà chỉ có thể đón Đông Hoa về, cho ở chung trong cung của bà, lĩnh chức Tu dung, một đẳng cấp rất thấp chỉ trên cung nữ một bậc. Thân phận Đông Hoa trong hoàng cung qúa nhỏ bé, song nàng được nhà vua sủng ái cùng cực. Nàng được trao cho cai quản đội nhạc cung đình. 
Ít tháng sau, Đông Hoa hạ sinh một hoàng nam. Hài nhi da trắng, môi hồng, mười phần tươi đẹp. Toàn hậu cung vui mừng. Nhà vua lấy tên Nhật Duy trong kỷ niệm mối tình với Đông Hoa đặt tên cho con. Tuy nhiên không ai dám bàn truyện lập Nhật Huy làm thái tử. Ba năm sau Thuận Thiên hoàng hậu sinh hoàng nam, nhà vua đặt tên là Nhật Hoảng, phong làm Thái tử. Rồi nhà vua có thêm nhiều hoàng nam. 
Nhờ được Tuyên minh thái hoàng thái hậu dậy văn, luyện võ, nên võ công của Nhật Huy cao nhất trong các anh em. Năm Nhật Duy 13 tuổi, được mở phủ đệ riêng, được phong tước Thái tử thiếu bảo, Đồng bình chương sự, Phụ quốc thượng tướng quân, tước Vũ Uy vương, trao cho trấn ngự Tây Bắc cương. 
Sau trận đánh với Ngột Lương Hợp Thai, công lao của vương chỉ thua có Hưng Đạo vương, Hưng Ninh vương. Nguyên Phong hoàng đế lấy cớ tử quý mẫu vinh (con quý thì mẹ vinh hiển) thăng Tu dung Đông Hoa lên hàm Tuyên phi, tức vượt 18 bậc. 

Tuyên phi được nhà vua sủng ái nhất trong tất cả các phi tần. Bởi ngoài tình vợ chồng, giữa nhà vua với phi còn là tri kỷ, tri âm. Khi phi hát thì nhà vua kéo nhị, đánh trống mảnh, trống cơm; lại có khi nhà vua thổi sáo. Hồi mới nhập cung, phi được nhà vua truyền xây cho một cung riêng. Nhưng tính giản dị, lại sống trong dân đã quen, phi xin Bộ Công cất cho ngôi nhà tranh, đỡ tốn công nho, tốn sức của dân. Nhà vua muốn có nơi cùng phi thưởng thức âm nhạc, ngài ban chỉ dựng một cái chòi gỗ bốn mái lợp tranh. Phi lấy tên làng của mẹ là Thụy khuê đặt cho ngôi nhà. Vì vậy trong hậu cung gọi ngôi nhà đó là cung Thụy khuê.

Dù bận quốc sự, dù có nhiều phi tần khác, nhưng ít nhất ba ngày một lần nhà vua cũng đến cung Thụy khuê nghe hát, tấu nhạc.

Từ khi Đông Hoa nhập cung, được nhà vua sủng ái, tiếng đồn ra ngoài. Trên toàn quốc nảy ra phong trào lập Quán văn. Từ kinh đô tới các trấn, các phủ, huyện nơi nơi đều lập Quán văn. Quán văn là nơi mà các văn nhân, thi sĩ, danh sĩ, tài tử, tới để cùng nhau xướng họa, ngâm vịnh. Quán văn cũng là nơi cho những tiểu thư, giai nhân đến treo bảng tuyền phu. Mặt khác Quán văn thường trực có những danh kĩ đến hát.

Vũ Uy vương, vương phi nhập cung giữa lúc nhà vua kéo nhị, Tuyên phi vừa hát vừa đánh trống mảnh. Cả hai vị như bị âm thanh đưa lên mây, nhập vào thế giới khác, đến nỗi con trai, con dâu đến bái biệt mà không biết.

Đối với Vũ Uy vương, tình trạng này, vương từng thấy từ hồi còn thơ ấu. Duy vương phi, phi chỉ thấy phụ hoàng ngồi trên lưng ngựa xung vào trận tuyến Mông cổ, hay uy nghiêm thiết triều giữa hai hàng văn võ đại thần. Bây giờ phi mới được thấy con người nghệ sĩ trong một hoàng đế.

Bản nhạc dứt, Nguyên Phong hoàng đế chợt thấy hai con, ngài chỉ ghế:

– Các con ngồi đó đi. Ngày mai hai con lên đường, lĩnh trọng trách vô cùng trọng đại. Như hôm qua, trong buổi thiết triều đã định: các con được toàn quyền hành động, miễn sao đạt được mục đích:

Thứ nhất, gây chia rẽ trong hoàng tộc Mông cổ, khiến các Hãn đem quân tàn sát nhau. Gây chia rẽ giữa ngoại thích với hoàng tộc. Gây chia rẽ giữa triều đình với hậu cung. Gây thù hận giữa quân Mông cổ với dân chúng.

Thứ nhì, giúp Tống chống với Mông cổ, khiến cuộc chiến Mông-Tống kéo dài, càng dài càng tốt.

Thứ ba, ngăn cản, tiêu diệt những kẻ chủ xâm lăng Đại Việt. Điều khẩn cấp làm sao cho Mông cổ bỏ ý định đánh Đại Việt.

Nhà vua hỏi Vũ Uy vương:

– Bắc cương chia làm hai khu vực. Khu Đông thuộc Ngũ yên giáp biển, và Quảng Tây. Trước đây là đất phong của An Sinh vương. An Sinh vương hoăng thì Hưng Ninh vương, Hưng Đạo vương kế nhậm. Ta yên tâm. Khu Tây do con trấn nhậm mấy năm qua. Khu này phía Tây giáp với Lão qua, không có gì đáng ngại. Duy khu Bắc, một phần giáp với Quảng Tây lộ của Tống, một phần giáp với Đại lý. Giữa khu ba biên giới có nhiều Bạc dịch trường (chợ biên giới). Đây là cửa thông giữa ta với Đại lý mang tên cửa Lê hóa, phủ Thiện xiển. Các khu đất này khi Tống mạnh thì Tống thu thuế. Khi ta mạnh thì ta thu thuế. Khi Đại lý mạnh, thì Đại lý thu thuế. Vậy hiện ra sao?

– Tâu phụ hoàng, khi lên trấn nhậm, con thấy Tống yếu quá. Còn Đại lý thì bị Mông cổ chiếm. Bọn Mông­ cổ không để ý đến những khu đất mà dân không đông, tài nguyên chẳng có gì. Thần nhi nhân đó tiến quân vào, đặt đồn lũy kiểm soát, bổ nhiệm quan cai trị.

– Ta có đọc tấu chương của con. Trước đây Tống mạnh, họ cắt những khu đất hoang ở vùng ba biên giới cho bọn trôm cướp. Con phải nhân dịp ta mạnh, chống Mông cổ ở phía Nam cho Tống, đặt vấn đề với Tống, bắt Tống buông chúng, nhân đó ta tiến quân vào giết bọn tướng cướp, lập thành khê động phiên dậu cho ta.

– Con đã làm được một phần, đang làm một phần. Những châu, trang, động đó, con cho họ tự trị. Con chỉ kiểm soát tổng quát mà thôi. Vì vậy trong trận đánh vừa qua, Mông cổ tràn về Thăng long, coi thường các trang, động nàyï. Chúng đâu ngờ họ chính là những đội quân gây cho Mông cổ muôn vàn khó khăn; đường tiếp vân của Mông cổ không qua vùng đất của họ được. Mông cổ muốn đánh các trang động này, còn khó hơn đánh vào các xã ấp của ta. Khu mật viện Bắc biên luôn cho Tế tác thu lượm tin tức đầy đủ. Khi hội với Tống, con sẽ chiếm được thượng phong.

Nguyên Phong hoàng đế ngồi thẳng dậy, ngài ban chỉ bằng giọng nói hết sức tha thiết:

– Có ba khu vực, mà thời Lĩnh Nam thuộc cương thổ Việt, bây giờ một thuộc Đại lý, hai thuộc Tống. Khu vực tiếp giáp với Bắc cương của con là châu Chiêu dương. Khi anh hùng Tượng quân nổi lên lập ra nước Đại lý thì châu Chiêu dương thuộc Đại lý. Hiện dân chúng khu này bẩy phần Việt, ba phần Hán. Con phải nhân Đại lý hàng Mông cổ. Mông cổ không có quân đóng ở đây; mà tiến quân tái lập nền cai trị thành cương thổ Đại Việt.

– Con sẽ hết sức làm.

– Hai khu thuộc Tống gai góc nhất là châu Văn sơn, Khâu Bắc. Hai châu này nằm ở Bắc Chiêu dương, cách xa Bắc cương của con đến hơn 200 dặm (100 km). Thời Lĩnh Nam thuộc Giao chỉ. Khi vua Trưng tuẫn quốc, thì Hán cho thuộc Tượng quận, rồi bây giờ thuộc Quảng Tây lộ của Tống.

– Aáy a! Khó, quá khó! Vì hai châu này được coi như một nước, chịu sắc phong của Tống. Hiện chúng hàng Mông cổ. Mông cổ có một Thiên phu đóng ở đây.

– Khó cũng phải làm cho được. Hai châu này đất đai trù phú. Trước kia là đất hoang. Tống đã cho bọn thổ phỉ họ Thân khai hoang, xưng láo là giòng dõi vua Lý Nhân Tông. Chúng lập thành triều đình, gửi người về nước chiêu dụ con cháu họ Lý, chiêu dụ bọn vong mạng, bọn đầu trộm đuôi cướp lập hai khu thành một vương quốc. Dân số hiện lên tới hai mươi vạn người. Quân bộ của chúng tới năm vạn, quân kị năm nghìn. Trong trận đánh vừa rồi, bọn này gửi tới hơn vạn thổ phỉ theo giúp Mông cổ.

Nhà vua nhấn mạnh:

– Khi điều đình với Tống, ta đang ở thế mạnh: ta nói cho họ biết bọn giặc họ Thân được Tống cưu mang bấy lâu mà bây giờ chúng phản Tống, theo Mông cổ. Chúng như thanh gươm kề vào hông Tống. Ta yêu cầu Tống nhắm mắt để ta đánh bọn thổ phỉ cho Tống. Ta hứa trao cho họ hơn nghìn cao thủ võ lâm, ta lại đang tập hợp Hoa kiều thành một hiệu binh gửi sang trợ Tống. Dù Tống đồng ý hay không, ta cũng tiến quân vào diệt bọn thổ phỉ, sau đó ta sát nhập hai châu trở về với cương thổ Đại Việt.

– Thần nhi sẽ làm hết sức mình.

Tuyên phi chỉ vương phi Ý Ninh:

– Con có người vợ thế này thì con phải hứa với phụ hoàng rằng con sẽ thực hiện được việc thu hồi đất tổ; chứ không thể hứa làm hết sức mình.

– Thần nhi tuân chỉ của mẫu thân.

Tuyên phi tháo sợi giây chuyền có mang tượng Quan Thế Âm, mà nhà vua ban cho phi trong buổi gặp mặt đầu tiên đeo vào cổ con dâu:

– Đây là bảo vật phụ hoàng ban cho mẹ trong buổi sơ giao. Mẹ cho con, để vạn dặm trên đường bảo quốc, con sẽ được Quan Âm phù hộ. Hôm nay mẹ đã làm cơm cho các con ăn. Cơm chẳng có cao lương mỹ vị gì đâu: cà pháo mắm tôm, canh cua nấu với rau đay, rạm rang và chả rươi.

Phi dặn Vũ Uy vương:

– Vừa rồi Mông cổ vào Thăng long, chúng truy lùng bắt đi rất nhiều danh ca. Quán văn Tây hồ bị bắt 4 người. Quán Văn miếu mất 11 người. Quán Ngocï thụy bị 3 người. Quán Nghi tàm bị 8 người. Quán Tô lịch đau xót nhất, Tô lịch thất tiên bị bắt rồi mất tích. Khi con đi sứ hãy để tâm nghe ngóng xem có tin tức gì không. Nếu có, tìm mọi cách cứu các nàng đem về.

Sứ đoàn chính thức gồm năm người, Vũ Uy vương Trần Nhật Duy, vương phi Trần Ý Ninh, Vũ Sơn hầu Tạ Quốc Ninh đi bằng ngựa. Đoàn tùy tùng do Đô thống Trần Quốc Kinh ( Dã Tượng), Nguyễn Địa Lô chỉ huy 30 Thiết kị Long biên hộ tống, 25 mã phu, đầu bếp, mười xe song mã chở y phục, vật dụng, lương thảo. Tất cả hướng bến đò Bắc ngạn.

Giữa lúc sứ đoàn dang chuẩn bị lên đường thì chú của Nguyễn Địa Lô từ trần. Vũ Uy vương cho Lô về chịu tang, rồi lên đường sau.

Vương phi Ý Ninh xin phép vương đi Thiên trường, đến chùa Thần quang bái biệt sư phụ là Bồ tát Vô Huyền. Ngựa dừng vó ở cổng chùa, đã có một nữ đệ tử đón:

– Sư tỷ. Sư phụ đang chờ sư tỷ ở bảo điện.

Ý Ninh trở lại nơi nàng từng tu, từng học mấy năm liền. Từ hồi tuân chỉ sư phụ, cùng anh trấn thủ Phù lỗ, phải rời chùa, thấm thoát đã hơn năm. Bây giờ trở lại đất cũ: cảnh vẫn như xưa. Lòng tưởng nhớ sư phụ, phi rảo bước đến bảo điện, đẩy cửa bước vào. Sư phụ ngồi trên tấm bồ đoàn bằng rơm rất dầy. Phi quỳ gối đỉnh lễ:

– Đệ tử bái kiến sư phụ.

Vô Huyền chỉ chiếc bồ đoàn nhỏ bên cạnh ngài:

– Con ngồi đó đi. Có phải triều đình sai Nhật Duy đi làm con tin Mông cổ không?

– Dạ! Đúng như sư phụ dạy.

– Có phải Mông cổ đòi Đại Việt phải chịu sáu điều không? Sáu điều đó ra sao?

– Trình sư phụ sáu điều là:

Một là đích thân quốc vương phải vào chầu,
Hai là đem trưởng nam làm con tin,
Ba là kê biên dân số,
Bốn là phải chịu quân dịch,
Năm là phải nộp thuế, lương thảo.

Sáu là nhận Đạt lỗ hoa xích (Đa gu ra tri).

Bồ tát cười:

– Bọn Mông cổ ngông cuồng thực. Vừa bị đánh tan tác, mà chúng còn muốn dương oai. Ta chắc lão Thủ Độ sẽ không chịu bất cứ điều nào. Còn triều đình cử Nhật Duy với con đi với mục đích khác phải không?

– Sư phụ thực minh kiến.

– Triều đình cử một sứ đoàn đông đảo như vậy, chi tiêu tốn kém lắm. Riêng con, lúc ta cho con xuất chùa, trong túi có không quá hai quan tiền. Tiền đó, chỉ đủ cho con ăn quà không quá một tháng. Vậy từ hồi ấy đến giờ con lấy gì mà chi tiêu?

– Hồi trấn thủ Phù lỗ con không có dịp tiêu tiền. Sau khi rời Phù lỗ, con với anh Duy yết kiến phụ hoàng trên con thuyền. Người ban chỉ cho chúng con thành vợ chồng. Chúng con bái lậy phụ hoàng, hướng về Thiên trường bái lậy liệt tổ Đông A, bái lậy sư phụ, rồi rời thuyền, lăn xả vào cuộc chiến 10 ngày, 11 đêm ngăn không cho giặc về Thiên trường. Nên cũng không có dịp tiêu tiền.

Vô Huyền bật cười:

– Trong lịch sử Đại Việt chưa từng có một cặp trai gái nào lấy nhau kỳ lạ như vợ chồng con. Không bái thiên địa, cũng chẳng lễ Tơ Hồng. Không một chung rượu, chẳng một miếng thịt cho lễ cưới. Ta chắc động phòng ít ra vài ngày sau!

– Dạ, 18 ngày sau, khi chúng con tái chiếm núi Côi!

– Khi một hoàng tử cưới chánh phi, thì triều đình ban cho vàng ít ra ngàn lượng, còn ngọc, ngà, châu báu. Ta chắc con không được gì!

– Trong lúc phụ hoàng ban chỉ chúng con thành vợ chồng trên con thuyền, người chẳng còn gì! Hết giặc, quốc khố trống rỗng. Cho đến lúc này người cũng không còn gì mà ban cho.

– Con phải nhớ nhé:

Con không chê cha khó,

Chó không chê chủ nghèo.

Con với Nhật Duy đừng vì không được ban vàng ngọc mà oán phụ hoàng.

– Dạ!

– Khi rời ta đi trấn Phù lỗ, ta thấy con có đeo hoa tai,  kiềng, vòng ngọc. Thế sao bây giờ trên người con không còn gì?

– Dạ!?Nữ trang đó con ban thưởng cho mấy nữ tướng ngưu binh rồi!

– Từ cổ chí kim, ta chưa từng thấy một vương phi nào, trên người không một chút nữ trang. Thế phụ hoàng phong cho con tước gì?

– Dạ Thạc hòa, Minh đức, Trang duệ, Vũ thắng công chúa. Cho hưởng 300 mẫu ruộng.

– Thế ruộng ấy con thu tô ra sao?

– Thưa! Con không thu tô, cho tá điền nghèo cấy.

– Đức con cao quá! Xứng đáng học trò của ta. Còn chồng con?

– Từ hồi Tổng trấn Bắc cương anh ấy được phong:

Thái tử thiếu bảo,
Đồng bình chương sự,
Phụ quốc thượng tướng quân,
Tước Vũ Uy vương, trao cho trấn ngự Bắc cương.

Thực ấp Vạn hộ.

Nhưng anh ấy thu thuế rất nhẹ, dùng tiền để trả lương cho các quan phủ Vũ Uy. Vợ chồng con chi tiêu bằng bổng Phụ quốc thượng tướng quân.

– Bổng đó thì ăn uống dè sẻn lắm mới đủ. Thôi hôm nay ta cho con ít vàng, để trên đường đi sứ không túng thiếu.

Ngài gọi một ni sư:

– Con xuất cho Ý Ninh 100 nén vàng (1 nén=10 lượng).

Ý Ninh lậy tạ sư phụ. Vô Huyền ban chỉ:

– Con đi kỳ này sẽ có nhiều khó khăn. Sư phụ đã chuẩn bị cho con một đội Mê linh kiếm trận, gồm 6 nam, 6 nữ. Chúng đều biết làm bếp. Chúng sẽ giả làm đầu bếp của sứ đoàn.

Ý Ninh bái biệt sư phụ, cùng 12 sư đệ, sư muội lên đường.

Thời Trần, thành Thăng long có năm cửa, bởi vậy trong bài ca dao Đố ai đã đặt câu hỏi:

Thành nào năm cửa chàng ơi?

Do ảnh hưởng của ca dao, sau này thi sĩ Vũ Hoàng Chương lầm cửa ô với cửa thành, ông có câu thơ nhắc lại Hà nội có năm cửa ô như năm cánh ngôi sao. Hồi 1954, Văn Cao lại cũng lầm lẫn cửa ô với cửa thành trong bài hát Tiến về Thủ đôcó câu Năm cửa ô đoàn quân tiến về.

Tại bốn cửa chính của thành Thăng long có tượng bốn vị thần trấn thủ. Hướng Bắc gọi là Kinh bắc, ngày nay bao gồm Bắc ninh, Bắc giang cho tới Lạng sơn, Cao bằng. Trấn đông gồm Hồng châu thượng, Hồng châu hạ, nay là vùng Hải dương, Hưng yên, Hải phòng. Trấn nam gồm Sơn nam thượng, Sơn nam hạ, nay là Nam định, Hà nam, Thái bình. Trấn đoài gồm Hà đông, Hưng hóa, Hòa bình, Sơn tây.

Kinh thành có 24 cửa ô, là cửa ngõ có đường thông ra bốn trấn. Ngày nay chúng ta còn nghe nhắc tới những tên như cửa ô Yên hoa (nay là Yên phụ), cửa ô Thạch khối (nay là Thạch tân), cửa ô Quan chưởng.v.v.

Bến đò Bắc ngạn nối Thăng long với Gia lâm, nằm trên bờ sông Hồng. Nay ở phía Nam và Bắc cầu Long biên Hà nội. Bến đò cắt ngang con đường Cái quan, giao thông giữa Thăng long với Kinh Bắc; giữa miền Nam với miền Bắc Đại Việt. Cho nên dọc hai bên bờ, hàng quán, nhà trọ nối dài đến hai ba dặm (1 km- 1,5km), cung ứng nhu cầu ăn uống, chuyên chở, giải trí cho khách đi đường xa; và cũng là nơi bán các sản vật địa phương. Bến Bắc ngạn quanh năm nhộn nhịp, dưới sông có hằng mấy trăm con đò chở người, chở vật sang sông. Lại có những bang hội vận tải, chở khách từ Thăng long đi nội địa như Thiên trường, Kinh bắc, Tiên yên, Thanh hóa, Nghệ an và sang Trung nguyên, Chiêm thành. Trên mỗi con thuyền lớn chở khách sang sông, đều có những nghệ nhân tấu nhạc, ca hát giúp vui. Các nghệ nhân này sống nhờ tiền tặng của thính giả. Gọi là Xẩm.

Sứ đoàn không qua sông bằng dân thuyền, mà được vận chuyển bằng hai chiến thuyền của Thủy đội Thăng long. Với 59 người ngựa thêm hàng chục xe song mã cần tới 10 lượt. Cuộc vượt sông ít ra phải nửa buổi. Vũ Uy vương ra lệnh cho Dã Tượng chỉ huy đoàn tùy tùng vượt sông trước. Còn sứ đoàn sẽ sang sau.

Vừa hết chiến tranh, mà khu Bắc ngạn đã phục hồi. Mấy tháng trước, Kị binh Mông cổ không thể nào qua sông, vì dân chúng tuân theo lệnh triều đình, dấu ghe thuyền vào các kinh lạch. Nhưng nào ngờ tám bang hội Hoa kiều theo giặc, chúng tình nguyện chở quân sang sông. Chúng còn hiến kế cho giăc: dùng cường lực đến từng nhà chủ đò bắt chở quân qua sông, bằng không sẽ đốt cháy hết các dẫy nhà hai bên bờ. Biện pháp này quả thực hiệu nghiệm, quân Mông cổ qua sông, vào Thăng long, do vậy nhà cửa hàng quán Bắc ngạn còn nguyên. Giặc vừa rút khỏi Thăng long, thì các cửa hàng buôn bán lại mở cửa đón khách nhộn nhịp hơn xưa.

Quân dân đời Trần rất gần nhau. Người dân thấy đoàn người-ngựa, gươm-đao, giáp-trụ sáng choang, hằng chục xe song mã qua sông; họ hướng mắt nhìn bằng vẻ thân thiết, rồi tránh sang vệ đường vẫy tay chào. Đám trai tráng còn bỏ công việc hàng quán, ra giúp quân, phụ mã phu đẩy những cỗ xe nặng nề.

Sứ đoàn đi sau đội Kị binh. Vũ Uy vương, Dã Tượng mặc quần áo nâu như nông dân. Tạ Quốc Ninh mặc như một nho sĩ. Vương phi mặc võ phục của đệ tử phái Mê linh. Người ngoài cuộc tưởng bốn người với đội hộ vệ là hai nhóm người khác nhau.

Những đứa trẻ chào mời khách thấy bốn người cỡi ngựïa thì ào tới nắm dây cương:

– Các ông ơi mua mía đi, mía ngọt lắm.

– Các chú ơi, mua bánh gai đi. Bánh gai Thiên trường vừa thơm vừa ngọt.

Cô bán bún chả tuổi khoảng hai chục, tay quạt, tay trở những xâu thịt:

– Mời khách quan xơi bún chả đi. Bún chả Thăng long thơm ngát, béo ngậy đi.

Một bà tuổi trên dưới bốn chục, ngồi trong quán đon đả:

– Chả rươi Thiên trường đi, rươi tươi làm với trần bì chính tông, thơm ngon tuyệt trần. Không ngon, không lấy tiền.

Ngay sát mé sông là một Quán văn với tấm bảng sơn son thiếp vàng có bẩy chữ:

Thiên Thư thính văn tụng phú quán,

(Quán sách trời, nơi đọc văn, tụng phú)

Nét chữ sắc như gươm. Trước quán bầy mươi cành đào, mấy chậu cúc Vạn thọ, mấy chậu quất trái vàng óng ánh, hai ba cái vại lớn thả cá chép vàng. Giữa quán có một bàn thờ giản dị, một bài vị với bẩy chữ:

Liệt tổ Đại Việt chi linh vị,

Cạnh bài vị, một lư hương, khói bốc nghi ngút. Trên bàn thờ bầy la liệt sách, có khổ lớn, có khổ nhỏ, có sách dầy, có sách mỏng. Trong quán có hốn hàng ghế, mỗi hàng năm ghế. Mỗi ghế ngồi được năm người. Khách khoảng gần trăm, đủ loại già, trẻ, nam nữ đang uống trà, nghe thầy đồ kể truyện.

Trên một vách ngang treo khá nhiều bút thiếp, vách đối diện treo hai cây cung của Mông cổ, một thanh đao, một thanh kiếm. Lại có chiếc sập, với năm nhạc công, một ca nhi ngồi chờ tấu nhạc.

Một trung niên nam tử, trang phục như nho sĩ, dường như là chủ quán, đứng trước cửa, tay cầm cành đào, hoa nở đỏ rực:

– Hoa đào Thụy khuê đây. Đào nở mừng chiến thắng Đông bộ đầu này. Mời quý khách vào quán trước xin xâm đầu năm, sau nghỉ chân, ngắm hoa, nghe thơ, thưởng thức âm nhạc.

Thấy sứ đoàn, anh ta mở to mắt nhìn, chau mày phỏng đoán, phân biệt xem bốn người là loại người nào? Nhưng dường như anh ta không đoán ra được.

Vương phi Ý Ninh thấy vui vui hỏi anh ta:

– Này anh! Anh mời chúng tôi mua hoa đào hay nghe âm nhạc? Anh cho biết cao danh quý tính đi!

Thấy một phụ nữ trẻ lưng đeo kiếm, mặc võ phục, anh ta trả lời với ngôn ngữ khách khí:

– Thưa phu nhân kẻ hèn này chỉ là một nho sinh, thì làm gì có danh mà cao, có tính mà quý. Xin phu nhân cứ gọi là Nho Lâm đi. Kính mời phu nhân vào quán xơi nước, trước nghe hát, sau mua đào.

– À! Thì ra anh cũng thuộc hàng tao nhân, mặc khách đấy. Tôi hỏi anh câu này nhé: hoa đào là hoa đào, cứ xuân đến thì đào nở, tại sao anh bịa ra rằng hoa đào nở mừng chiến thắng Đông bộ đầu? Anh nói điêu rồi.

Tất cả khách trong quán thấy có cuộc trao đổi thanh nhã, đều im lặng hướng mắt ra ngoài theo dõi.

Nho Lâm chắp tay vái dài:

– Thưa phu nhân, mọi năm phải cuối tháng giêng thì đào mới nở. Thế mà hôm nay là ngày rằm, đào đã trổ hoa rực rỡ thế này đây! Như vậy là hoa nở để chào mừng chiến thắng, thực rõ ràng. Giá ba đồng một cành. Tôi không hề nói điêu.

Vương phi móc túi trao cho Nho Lâm ba đồng, rồi tiếp lấy cành đào:

– Ừ thì anh không nói điêu. Nhưng anh nói sai rồi. Đại Việt chúng ta chiến thắng bẩy trận: Thảo nguyên, Bình lệ nguyên, Phù lỗ, Cụ bản, Thăng long, Đông bộ đầu, Đồng văn. Trong đó Đông bộ đầu chỉ là một trận thôi. Vậy đào nở để mừng chiến thắng toàn quốc mới phải chứ!

Nho Lâm mỉm cười cố cãi:

– Dạ thưa phu nhân, trong bẩy trận, thì sáu trận lúc đầu ta thua, sau mới thắng. Chỉ duy trận Đông bộ đầu là ta toàn thắng mà không bại. Đây là Thăng long mà, Đông bộ đầu thuộc Thăng long nên thần sông Tô lịch, Thần hồ Tây, thần Trấn quốc sai đào nở sớm mừng chiến thắng Nam quốc sơn hà Nam đế cư đấy. Có phải không phu nhân? Còn một loại đào nở mừng chiến thắng toàn quốc nữa kia! Đó là đào Nguyên Phong.

Vũ Uy vương thấy Nho Lâm nói năng văn vẻ thì cùng vương phi, Tạ Quốc Ninh, Dã Tượng vào quán. Một tiểu đồng bưng nước mời khách, nó chỉ một ghế trống:

– Kính mời quý khách an tọa. Quý khách xơi nước muồng đi. Nước muồng vừa thơm, vừa dễ ngủ.

Vương phi thấy tiểàu đồng dễ thương qúa, phi tát yêu nó rồi tặng cho mười đồng tiền:

– Cô mừng tuổi cho con này! Trong quán con có những nước gì?

Tiểu đồng khoanh tay cúi đầu:

– Thưa cô có các loại nước sau đây: Nước vối hơi đắng ngủ ngon, dễ tiêu. Nước chè tươi tỉnh trí, lợi tiểu. Nước gạo rang với gừng khô ấm bụng. Nước pha con lấy trong giếng đấy. Chứ nước sông Hồng thì hôi, tanh lắm.

– Sao thế?

– Dạ cách đây hơn tháng, trong trận Đông bộ đầu, người ngựa Mông cổ bị quân ta giết, xác trôi dầy sông. Nước sông dơ bẩn, cho đến nay cũng chư sạch.

Vương hỏi Nho Lâm:

– Đào Nguyên Phong nở mừng chiến thắng toàn quốc đâu? Nếu anh có loại đào đó đưa ra đây tôi xin mua hết!

– Xin khách quan giữ lời hứa nhá!

Cả quán cùng ồ lên một tiếng, theo dõi.

Nho Lâm phất tay. Tiếng nhạc vang lên. Một cô gái tuổi khoảng 17-18, áo cánh nâu, váy lụa đen cất tiếng hát. Cô có đôi môi hồng, làn da trắng mịn, ánh mắt sáng ngời, hai má lủng đồng tiền đỏ au. Tay cô cầm căp chũm chọe, vừa hát vừa đánh, đầu gật gù, cái đuôi gà càng thêm duyên dáng. Cạnh cô, là năm nhạc công. Một người đàn ông đánh trống cái, một người khuya chiêng, một người kéo nhị, một người thổi sáo. Một người đàn bà trung niên bật trống cơm. Mọi người im lặng thưởng thức bản nhạc. Đó là bản nhạc chiến thắng mới được sáng tác ngay trong đêm vây Mông cổ tại Đông bộ đầu.

Tay bưng bát nước muồng nóng, vương lắng tai thưởng thức âm điệu hùng tráng. Khi thì như tiếng gươm, tiếng giáo chạm nhau choang choảng. Khi thì như muôn ngàn tiếng quân reo, ngựa hí. Khi thì rầm rập như vó ngựa phi. Tất cả cử tọa đều bị tiếng đàn, tiếng hát khiến máu trong người chạy rần rật. Rồi không ai làm chủ được mình, tay múa, chân dậm, hò hét theo. Công lực cao thâm, thần trí cực mạnh như Vũ Uy vương, vương phi, Tạ Quốc Ninh, Dã Tượng mà cũng hòa theo, hát với thanh âm hùng tráng.

Từ hồi thơ ấu vương từng được nghe đội nhạc Hoàng cung tấu, được nghe mẫu thân hát đủ mọi điệu hát dân gian cũng như cung đình. Vương còn được học xử dụng tất cả các nhạc khí Đại Việt, vì vậy vương nhận ra năm nghệ nhân đều là những người tài hoa khó kiếm.

Bản nhạc dứt, cô gái ngừng hát, ngừng múa, mồ hôi lấm tấm trên trán, sắc mặt đỏ tươi, càng tăng thêm vẻ đẹp của cô. Người người rừng rực như vừa uống một chung rượu.

Vương phi Ý Ninh hỏi:

– Này cô em! Bài hát vừa rồi rõ ràng là bài Đông bộ đầu trảm Thát đát (Giết Thát đát tại Đông bộ đầu). Sao nhịp điệu lại thay đổi đi khá nhiều vậy?

– Dạ, quả là bản nhạc đó, nhưng em đổi đi một chút cho thêm hùng khí.

Chợt vương phi Ý Ninh thấy sau chỗ cô gái ngồi có mấy chữ Nôm:

“Thanh Nga, mười tám mùa xuân, tìm người cùng tát biển Đông”. 

Phi đưa mắt nhìn vương rồi dùng lăng không truyền ngữ nói với vương:

– Anh có chú ý giòng chữ không? Thì ra cô gái này tên Thanh Nga, 18 tuổi. Cô không phải con hát, mà ra đây tuyển phu.


Cửu Mộng Tiên Vực

Hồi (1-61)


<